Nhà văn Mácximgoocki đã nói “Văn học là nhân học”. Thế nhưng thực tế nghiệt ngã bất cập hiện nay là đa số học sinh không thích học văn, viết văn lại càng ngại. Làm thế nào giúp các em viết được bài văn từ đúng đến hay vẫn là điều chúng ta trăn trở.
Một cánh cò chở nắng qua sông, một cô Tấm bước ra từ quả thị, câu ca dao qua lời ru thiết tha của mẹ… tưới tâm hồn ta mát tươi thánh thiện, dạy ta biết sống, biết yêu, biết nâng niu mọi ngọt đắng cuộc đời. Mỗi trang thơ là một mảng đời, mỗi số phận lung linh qua hình tượng nghệ thuật là cây đời tươi xanh nở hoa trong tâm hồn trẻ nhỏ.
Thế nào là bài văn hay? Theo tôi bài văn hay là phải vừa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề bài vừa thể hiện sự sáng tạo, những cảm nhận mới mẻ tinh tế của người viết. Muốn vậy các em phải thực sự là những kiến trúc sư thiết kế xây ngôi nhà tác phẩm của mình. Bởi vì bản thân việc làm văn là có kỹ thuật nhưng không bao giờ hoàn toàn là công việc kỹ thuật. Nếu không có cảm xúc, không có nhu cầu biểu hiện, nhu cầu ham muốn sáng tạo… thì không có nhu cầu viết văn, làm văn. Lúc đó người làm văn phải nói những điều gượng gạo, thiếu tự nhiên mà như thế bài văn sao có “hồn”, nói cách khác không thể có văn theo đúng nghĩa. Người thầy phải bắt đầu từ việc nuôi dưỡng cái tôi của các em, phải hâm nóng, thổi bùng lên trong các em ngọn lửa ham mê, say thích văn học. Thực tế những kỹ sư tâm hồn khi đứng trên bục giảng tất cả đã thực sự yêu thích môn văn chưa? đã sống đời sống tâm hồn người nghệ sĩ chưa? hay chỉ coi việc lên lớp thường ngày là “Cần câu cơm”. Sau mỗi giờ văn có còn thấp thoáng trong tâm trí trẻ thơ ngọn khói lam chiều vấn vương trên mái rạ, dáng mẹ hao gầy đãi nắng hong moi? Có oặn lòng xót thương số kiếp trầm luân đong đắng đời Kiều, thổn thức nỗi niềm người chinh phụ… thầy không đam mê thích thú với việc dạy văn chả trách trò thờ ơ với môn văn, học kém văn và ngại làm văn.
Có giáo viên thì chỉ loay hoay dạy thuần những điều trong sách hướng dẫn sao cho bài bản mà không mở lòng đón nhận thêm bao điều thú vị của cuộc sống xung quanh, không đọc một tác phẩm văn học thì sao làm được cái việc khơi nguồn rẽ mạch cho các em. Họ chỉ là những người thợ sắp chữ, bài dạy tránh sao khỏi khô khan tẻ nhạt sáo mòn thậm chí giáo điều cứng nhắc. Tôi không tin học sinh của giáo viên đó có hứng thú viết được những bài văn hay thể hiện cái tôi sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình thay sách. Có lúc có nơi phân môn làm văn còn bị biến thành môn tập chép văn dưới những dạng thức khác nhau. Mỗi khi phượng lập loè trên những vòm lá xanh là lúc dàn đồng ca học sinh tấu lên bản nhạc quen thuộc của cô. Chưa có nhiều giáo viên dụng công tập cho học sinh tư duy năng động sáng tạo, dám nghĩ dám nêu vấn đề, biết cách sáng tạo ý, làm phong phú ý, và biết lập luận phản bác bảo vệ ý kiến của mình. Và hình như không phải tất cả những người làm thầy đều biết trân trọng khuyến khích những ý kiến mới, cảm nhận mới của các em, dám mạnh dạn cho điểm cao những bài viết sáng tạo, phạt thật nặng những bài chép mẫu. Đa số chúng ta vẫn áp đặt barem có sẵn có khác gì nuôi dưỡng tệ nạn rập khuôn máy móc để rồi làm thui chột đi ở các em sự sáng tạo mới mẻ, làm băng hoại tâm hồn tươi sáng của các em.
Nhiều khi chúng ta còn quá coi trọng hình thức kiểu bài hơn là chú ý của học sinh. Theo tôi điều quan trọng là giáo viên giúp học sinh hình thành suy nghĩ của mình còn để làm rõ ý kiến học sinh muốn phân tích, chứng minh, bình giảng thế nào cũng được miễn là người đọc cảm thấy có lý thuyết phục. Tôi rất thích cách đặt câu hỏi như: Lý giải nhan đề bài thơ, truyện ngắn… vì nó kích thích tư duy sáng tạo của học sinh. Chắc chắn nhiều em sẽ rất hứng thú khi được trình bày cách hiểu, cách cảm của riêng mình đồng thời qua đó giáo viên cũng đánh giá được năng lực học sinh. Hay các bài tập kiểu “Viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ của em về đồng bào miền Trung sau cơn bão Chan Chu, về hiện tượng ô nhiễm môi trường nơi em đang sinh sống” kèm theo yêu cầu về tiếng Việt, tập làm văn thực sự đã đưa các em đến với những mảnh đất màu mỡ hứa hẹn nhiều hoa thơm quả ngọt. Những đề văn kiểu ấy tránh được thói sao chép văn mẫu, hướng học sinh tới việc vận dụng tổng hợp nhiều thao tác, kiến thức, kỹ năng trong một bài viết.
Còn nhớ thế hệ ngày xưa thời gian học tập rất ít, chủ yếu phải lao động giúp đỡ gia đình thế mà ngơi tay là vơ sách đọc, thấp thỏm mong đứng mong ngồi một buổi đọc chuyện đêm khuya. Thế hệ học sinh hôm nay còn mải bận mấy trò chơi điện tử hoặc theo đuổi nghề nghiệp cho tương lai. Phòng thư viện nhà trường có tồn tại cũng bói không ra một Truyện Kiều, một tuyển tập Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính… Văn hoá đọc đang dần bị lãng quên. Các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc thành tài chẳng phải do đi nhiều, đọc nhiều hay sao? đến với họ là đến với các bậc thầy văn chương để được tắm trong tình yêu thương nhân ái bao la, được học cách sống sao cho ra sống và cũng là được học cách viết, cách diễn đạt đi vào lòng người. Việc học sinh ít đọc sách báo hoặc đọc không đúng sách có lẽ cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta chưa có được nhiều bài văn hay chăng? Chừng nào việc học tập văn chương không còn là sự bắt buộc khiên cưỡng, chừng nào cả người dạy (thầy) và người học (trò) coi việc học văn là một nhu cầu tự thân, là một món ăn tinh thần và thẩm mỹ không thể thiếu, chừng nào ngọn lửa cảm xúc văn chương cháy bỏng lòng ta, thôi thúc ta vươn tới chiếm lĩnh cái hay cái đẹp, làm giàu có kho tàng trí tuệ, chừng đó việc dạy văn, học văn và sáng tạo văn chương mới có cơ hội phát triển.
Không biết bạn có suy nghĩ như tôi không nhưng tôi vẫn mong những người thầy, người cô dạy văn và cả những nhà lãnh đạo hãy yêu, hãy nâng niu từng tác phẩm nghệ thuật, giúp nó bắt rễ xanh tươi trong cuộc sống nhất là trong tâm hồn trẻ thơ. Làm được điều đó là chúng ta đã góp phần cho môn văn tìm về đúng vị trí của nó trong nhịp sống hiện đại hôm nay.