Mỗi một nhà văn đều có cảm hứng sáng tác riêng của mình. Nam Cao cũng vậy, ông là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn lấy cảm hứng sáng tác từ những người nông dân trong xã hội cũ, ca ngợi vẻ đẹp nội tâm tiềm tàng của họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tiêu biểu trong số đó.
Vẻ đẹp của những người nông dân nghèo khổ được nhà văn thể hiện một cách khách qua, sâu sắc và truyền cảm qua bức chân dung của Lão Hạc. Trước hết vẻ đẹp ấy bộc lộ ở lối sống tình nghĩa. Lão rất thương “cậu vàng” – tên thân mật lão đặt cho con chó vàng. Đó là kỉ niệm về đứa con trai. Một trận ốm đã khiến cho cuộc sống của lão càng túng bấn, cơm lão ăn mỗi bữa cũng chẳng đủ no nói gì tới việc nuôi thêm con vàng. Cuối cùng lão phải quyết định bán, mặc dù con vàng đã gắn bó với lão trong những ngày lão cô đơn nhất. Có điều lão đã băn khoăn day dứt nhiều lần. Khi sang nhà ông giáo kể về việc bán chó, lão cố tỏ rõ sự vui vẻ, nhưng lão “cười mà như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít, lão hu hu khóc”. Lão tự trách mình bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó.
Cách một con người, nhất là người nghèo khổ đối xử với một con vật là sự thể hiện nhân cách rõ ràng nhất, bản chất nhất. Chỉ ai sống bằng tình nghĩa, mới biết gắn bó, tri ân dẫu là với một con vật. Chỉ ai cao thượng mới biết xấu hổ, ân hận trước hành vi mà mình coi là phản trắc trước một con vật.
Vẻ đẹp có sức mạnh nhất trong con người là tình thương yêu, đức hi sinh cao cả. Bao trùm tính cách lão Hạc chính là tấm lòng, đứ tính này. Thương con, lão cố gắng dành dụm tiền cho con cưới vợ, cố giữ lấy mảnh vườn cho con, dù cuộc sống có khó khăn, khổ sở thế nào. Lão cố gắng thu vén sao cho không phiền đến người khác. Lão gửi ông giáo ba mươi đồng bạc phòng khi lão chết có tiền làm ma. Lòng tự trọng đã không cho phép lão nhận sự giúp đỡ giấu giếm của ông giáo. Đó là phẩm chất kiên cường của người nông dân nghèo khổ.
Nhưng đau đớn thay, chính những phẩm chất lớn lao này đã dẫn lão đến với cái chết. Lão Hạc chủ động chọn cái chết, nghĩa là lão đã hành động quyết liệt nhất, xả thân để bảo vệ vẻ đẹp con người, vẻ đẹp làm người.
Trong truyện ngắn Lão Hạc, hình ảnh ông giáo cũng ngời sáng. Ông giáo đại diện tiêu biểu cho tình yêu thương, chia xẻ, sự đồng cảm, niềm tin ở vẻ đẹp con người và cũng chính là một vẻ đẹp. Nhất là trong một xã hội mà vì nghèo khổ quá người ta nghi ngờ nhau, không thể đến được với nhau, không tin vào sự tốt đẹp của nhau.
Vẻ đẹp con người trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao được xây dựng trên cảnh nghèo khó của người nông dân trong xã hội cũ. Nhưng đó là vẻ đẹp của con người Việt Nam, nên dẫu thời “đói nghèo trong rơm rạ, văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi” (Chế Lan Viên) này đã qua đi lâu rồi, vẻ đẹp ấy vẫn lung linh ánh sáng và đầy sức lay động.