Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 2 – Chương 5

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

– Hơi vội đấy, nhưng chuyện hay đến nỗi tôi thèm kể chị nghe đến chết đi được, – Vronxki nhìn bà chị với đôi mắt tươi cười và nói. – Tôi sẽ không kể đích danh đâu.

– Nhưng tôi sẽ đoán ra, thế lại càng thú hơn…

– Chị nghe nhé: có hai chàng thanh niên rất vui nhộn…

– Chắc hẳn là các sĩ quan trong trung đoàn chú phải không?

– Tôi không nói đó là sĩ quan, mà chỉ là hai chàng thanh niên đã ăn uống no nê.

– Cứ nói thẳng là đã say sưa đi.

– Có thể như vậy. Họ đi đến ăn tại nhà một người bạn, trong lòng rất vui vẻ. Họ trông thấy một người đàn bà đẹp đi xe ngựa vượt qua trước mặt, nàng quay lại và vừa cười vừa gật đầu chào họ, hay ít nhất cũng là họ tưởng trông thấy như vậy. Họ ngạc nhiên thấy người đẹp đó lại dừng xe trước ngôi nhà họ đến. Nàng đi lên gác trên. Họ chỉ thấy được đôi môi tươi tắn dưới tấm mạng che và đôi chân nhỏ, xinh xắn.

– Chú kể chuyện đó với biết bao cảm xúc làm tôi tưởng chính chú là một trong hai thanh niên đó.

– Chị vừa nói gì mà lạ vậy? Vậy thì hai chàng thanh niên ấy lên nhà người bạn đã mời họ đến dự tiệc chia tay. ở đó, có lẽ họ hơi quá chén, như thường xảy ra trong các tiệc chia tay. Trong bữa ăn, họ hỏi ai ở tầng gác trên cùng. Không ai biết cả, trừ người hầu của ông bạn kia, khi được hỏi ở trên có nhiều mamzelles 1 không, hắn trả lời là có nhiều lắm. Sau bữa ăn, hai chàng thanh niên vào phòng làm việc của chủ nhân và viết một bức thư cho người đàn bà chưa quen biết ấy:

một bức thư say đắm, đầy những lời thề thốt. Họ đích thân mang thư lên gác để còn giãi bày thêm những điều có thể còn chưa rõ trong thư.

– Sao chú lại kể cho tôi nghe những chuyện điếm nhục thế nhỉ? Rồi sao nữa?

– Họ giật chuông. Một cô hầu gái đi ra; họ đưa thư cho cô hầu và nói cả hai đều yêu say mê đến mức có thể chết ngay ở bậc cửa. Cô hầu ngạc nhiên, thương thuyết với họ. Bỗng nhiên, một ông có bộ râu má xoắn trôn ốc, nhô ra, mặt đỏ như tôm càng, bảo cho họ biết không có ai ngoài vợ ông ở trong phòng này và đuổi họ đi.

– Tại sao chú lại biết ông ấy có bộ râu má… chú nói thế nào nhỉ, xoắn trôn ốc à?

– Chị cứ nghe đã. Hôm nay, tôi đã đến để dàn hòa cho họ mà.

– Câu chuyện rồi sau thế nào?

– Đó là đoạn hay nhất đấy, cặp vợ chồng hạnh phúc đó là vợ chồng một ông cố vấn thực nhiệm và một bà cố vấn thực nhiệm 2. Ông cố vấn thực nhiệm đã đệ đơn kiện và tôi phải làm trung gian hòa giải; mà hòa giải rất cừ mới chết chứ! Tôi cam đoan với chị, Talâyrăng 3 so với tôi cũng chưa thấm vào đâu.

– Khó khăn ở chỗ nào?

– Chị cứ nghe đã… chúng tôi đã xin lỗi một cách đứng đắn là:

“Chúng tôi rất lấy làm ân hận về việc này, chúng tôi xin ngài tha thứ cho về sự hiểu lầm tai hại này…” Ông cố vấn thực nhiệm có bộ râu má xoắn trôn ốc bắt đầu xuôi xuôi, ông ta cũng muốn phát biểu cảm nghĩ của mình nhưng vừa mới nói ông đã sôi máu lên và văng tục; tôi lại phải giở tài ngoại giao ra. “Tôi công nhận là cách cư xử của họ thật đáng trách nhưng xin ông hãy chú ý đến sự hiểu lầm, đến tuổi trẻ của họ; các cậu thanh niên ấy vừa chè chén xong, ông hiểu cho. Trong thâm tâm, họ hối hận lắm, và xin ông tha thứ cho lỗi lầm của họ”.

Ông cố vấn thực nhiệm lại nguôi giận: “Tôi bằng lòng, bá tước ạ, tôi sẵn sàng tha thứ nhưng ngài nên hiểu rằng, vợ tôi, một người đàn bà đoan trang, lại phải chịu đựng những sự đeo đuổi, những sự thô bỉ và hỗn xược của bọn vô lại ấy, bọn khốn…”. Thế nhưng bọn vô lại ấy cũng có mặt ở đó, tôi lại phải trấn an họ. Tôi phải sử dụng tất cả khóa ngoại giao; và đúng lúc sự việc sắp sửa chấm dứt thì ông cố vấn thực nhiệm lại nổi cơn lôi đình lần nữa, mặt đỏ tía tai, bộ râu má xoắn trôn ốc dựng đứng lên; tôi lại phải giở hết miệng lưỡi Tô Tần ra lần nữa.

– Chà! Em phải kể cho bà chị nghe chuyện này mới được? – nữ bá tước Betxi cười nói với một bà vừa bước vào khoang ghế “lô”. – Chú ấy làm tôi buồn cười quá. Thôi, may mắn nhé 4, bà nói tiếp và chìa cho Vronxki một ngón tay không bận cầm quạt, rồi ngọ nguậy vai để ngăn cổ áo không co lên, cốt để vai, ngực hoàn toàn lộ trần ra cho hợp thời trang, khi bà ra ngồi xuống trước ghế lô của mình, dưới ánh đèn hơi, trước mắt mọi người.

Vronxki đến nhà hát Pháp, ở đó chàng quả thực đang cần gặp viên chỉ huy trung đoàn, vốn không bỏ buổi biểu diễn nào, để bàn bạc về công việc dàn hòa đã làm chàng bận tâm và thích thú từ hai hôm nay.

Dính líu đến việc này, có Pet’rixki và hoàng thân trẻ tuổi Cedrov, một thanh niên xinh trai, mới nhập ngũ vào trung đoàn. Nhất là còn cả danh tiếng của trung đoàn cũng bị đe doạ.

Cả hai đều thuộc tiểu đoàn của Vronxki. Ông cố vấn thực nhiệm Venden đã tới tố cáo với viên chỉ huy của hai sĩ quan đã xúc phạm đến vợ ông. Người vợ trẻ của ông – Venden kể lại (ông mới cưới được 6 tháng) – đang ở nhà thờ với mẹ thì bỗng nhiên thấy nôn nao vì cô ta đang có thai, do đó không thể đứng lâu được và phải lên chiếc xe ngựa thuê đầu tiên gặp được để về nhà. Các viên sĩ quan liền đuổi theo ngay; cô ta hoảng sợ và thấy trong người mỗi lúc một khó chịu hơn, phải ba chân bốn cẳng chạy lên gác. Đích thân Venden ở công sở về, đã nghe thấy tiếng giật chuông và tiếng người nói; ông đi ra và thấy các sĩ quan đang say rượu mang thư đến, ông liền tống họ ra khỏi cửa.

– Không, anh muốn nói gì thì nói, – viên chỉ huy bảo Vronxki mà ông mời đến gặp, – Pet’rixki quá quắt lắm rồi. Không tuần lễ nào là không có chuyện xảy đến với anh ta. Viên quan kia không chịu để yên đâu.

Vronxki nhìn thấy tất cả cái phiền toái của sự việc và vì không có chuyện đấu súng trong trường hợp này, cho nên cần làm đủ mọi cách để xoa dịu ông cố vấn thực nhiệm và ỉm chuyện đi. Viên chỉ huy đã cho gọi Vronxki tới, chính vì ông coi chàng là người khôn ngoan, quan tâm đến danh dự của trung đoàn. Hai người bàn bạc một lúc và đã quyết định là Pet’rixki và Cedrov cùng đi với Vronxki đến xin lỗi ông cố vấn thực nhiệm. Viên chỉ huy và Vronxki, cả hai đều hiểu tên tuổi Vronxki và bộ lon sĩ quan cận vệ của chàng sẽ có tác dụng xoa dịu ông cố vấn thực nhiệm. Và thật vậy, cả hai phương pháp đó đã tỏ ra có phần hiệu nghiệm; nhưng theo Vronxki, kết quả vẫn chưa chắc chắn.

Tới Nhà hát Pháp, Vronxki kéo viên chỉ huy ra phòng nghỉ và kể cho ông ta biết sự thành công hoặc đúng hơn là sự thất bại trong nhiệm vụ của chàng. Sau khi suy nghĩ, viên chỉ huy quyết định gác việc này lại; rồi cao hứng, ông hỏi Vronxki về những chi tiết cuộc gặp mặt và không nín được cười hồi lâu khi nghe chuyện chàng kể lại.

– Thật là chuyện bậy bạ nhưng đến chết cười được. Dù sao Cedrov cũng không thể đấu súng với vị đó được! Ông ta cáu đến thế kia à? – viên chỉ huy cười hỏi lại lần nữa. Anh thấy Clerơ tối nay thế nào?

Thật tuyệt! – ông nói, nhắc tới cô đào hát mới người Pháp. – Mình xem cô ta thường xuyên mà vẫn thấy mỗi ngày một đổi mới. Chỉ có người Pháp mới làm được như vậy.

— —— —— —— ——-

1 Một biến dạng có tính chất bình dân của chữ mademoiselles nghĩa là các cô, các tiểu thư (tiếng Pháp trong nguyên bản).

2 Cố vấn thực nhiệm: phẩm hàm thứ 9 trong hệ thông ngôi thứ 14 bậc thời Nga hoàng, tương đương với đại uý ngạch 2 trong lục quân hoặc đại uý kỵ binh hoặc trung uý hải quân, tức là thấp nhất trong hàng quan chức dân sự.

3 Talâyrăng, bộ trưởng ngoại giao Pháp dưới thời chấp chính hồi đầu cách mạng 1789 và thời kỳ đế chế – là nhà ngoại giao mưu trí, có nhiều thủ đoạn.

4 Bonne chance (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Chọn tập
Bình luận