Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 4 – Chương 3

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

– Anh gặp ông ta phải không? – nàng hỏi khi hai người đã ngồi bên bàn, dưới ngọn đèn. – Đó là hình phạt về việc anh đến muộn đấy.

– Được, nhưng sao lại hóa ra như vậy? Ông ấy đang họp kia mà?

– Ông ấy đến đấy rồi, sau quay về và lại đi, cũng chả hiểu đi đâu nữa. Nhưng cái đó không quan trọng. Thôi không nói chuyện ấy nữa.

Mấy bữa nay anh ở đâu đấy? Vẫn đi với vị hoàng thân à?

Nàng biết mọi chi tiết về cuộc sống của chàng. Chàng định nói là suốt đêm mình không ngủ được nên mệt quá thiếp đi, nhưng thấy nét mặt nàng cảm động và sung sướng, chàng đâm xấu hổ. Và chàng nói thác ra là vừa đi hỏi về việc khởi hành của vị hoàng thân.

– Nhưng bây giờ xong rồi chứ? Ông ta đi rồi chứ?

– ừ, đội ơn Chúa. Em không thể hiểu chuyện này khó chịu với anh đến thế nào.

– Tại sao vậy? Cuộc đời trai trẻ các anh vốn thế mà, – nàng nhíu mày nói, và, cầm lấy cái áo lên trên bàn, nàng rút que đan có móc ra, mắt không nhìn Vronxki.

– Anh từ bỏ cuộc đời ấy từ lâu rồi, – chàng đáp, ngạc nhiên vì sự thay đổi trên nét mặt Anna thử tìm hiểu xem tại sao như vậy. – Và anh thú thật suốt tuần lễ này, anh đã ngắm lối sống đó như người ta soi gương, – chàng nói tiếp, cười lộ hàm răng trắng và đều. – Điều đó làm anh khó chịu.

Nàng cầm chiếc áo len trên tay nhưng không đan mà đăm đăm nhìn chàng bằng cặp mắt long lanh, kỳ lạ và hằn học.

– Sáng nay, Liza đến thăm em… họ vẫn còn dám đến thăm em, bất chấp cả nữ bá tước Lidia Ivanovna, – nàng nói bóng gió. – Chị ấy kể lại cho em cái đêm truy hoan của anh. Thật gớm ghiếc!

– Quả tình anh muốn nói với em…

Nàng ngắt lời:

– Có phải đúng là cô Têrezơ anh quen từ ngày xưa đấy không?

– Anh muốn nói với em…

– Đàn ông các anh, quả bỉ ổi thật! Sao các anh lại không hiểu rằng một người đàn bà không thể quên những cái đó, – nàng nói, mỗi lúc một hăng, và do đó, để lộ lý do tại sao nàng tức giận. – Nhất là khi người đàn bà đó không thể biết gì hết về cuộc đời của anh. Em thì biết được gì, đã có bao giờ em biết chút gì về anh? Chỉ biết vẻn vẹn những điều anh nói với em thôi. Và làm thế nào mà rõ được anh có nói thật hay không?…

– Anna, em đã lăng mạ anh! Em không tin anh sao? Anh đã chẳng nói với em anh không hề giấu giếm em một ý nghĩ nào đấy ư?

– Có, có, – nàng nói, rõ ràng cố dằn lòng gạt bỏ ý nghĩ ghen tuông. – Nhưng nếu anh biết em khổ tâm đến mức nào!… Em tin anh, em tin anh… Vậy anh nói gì nào?

Nhưng chàng không thể nhớ ngay điều muốn nói. Những cơn ghen của Anna gần đây ngày một nhiều hơn khiến chàng hoảng sợ và đâm ra lạnh lùng với nàng, mặc dầu chàng cố che giấu. Tuy nhiên, chàng hiểu điều đó chứng tỏ nàng yêu chàng. Biết bao lần, chàng đã chẳng tự nhủ hạnh phúc đối với chàng chỉ có được trong mối tình này đó sao; giờ đây, nàng yêu chàng, yêu như một người đàn bà dám đặt tình yêu trên mọi của cải ở cõi đời này… mà chàng lại thấy hạnh phúc xa xăm hơn cả khi rời Moxcva đi theo nàng. Lúc đó, chàng cho là mình khổ sở, nhưng hạnh phúc ở phía trước mặt, còn bây giờ chàng lại cảm thấy những giờ phút tốt đẹp nhất lùi lại đằng sau rồi. Nàng không còn hoàn toàn như khi gặp buổi đầu. Cả về tinh thần, lẫn thể xác, nàng đều thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Toàn thân nàng đẫy ra và khi nói tới cô đào hát, một vẻ căm giận làm mặt nàng khác hẳn đi.

Chàng nhìn nàng như một người nhìn bông hoa tàn héo mình đã hái và phải khó khăn lắm mới thấy lại vẻ đẹp đã xui anh ta hái hoa.

Tuy nhiên, chàng cảm thấy khi đó, lúc niềm mê say còn mãnh liệt hơn bây giờ, chàng vẫn có thể dứt bỏ mối tình khỏi trái tim chàng cương quyết muốn như vậy; nhưng đến nay, khi thấy hình như không yêu nàng nữa, chàng lại vỡ lẽ ra rằng quan hệ của hai người không sao đoạn tuyệt được.

– Thế nào, anh định nói gì với em về vị hoàng thân ấy? Em đuổi được con qủy đi rồi, – nàng nói (họ vẫn gọi tính ghen của nàng như vậy). – Phải, anh vừa định nói gì với em về vị hoàng thân? Tại sao chuyện đó lại làm anh khó chịu đến thế?

– Chao! Thật không thể chịu được! – chàng vừa nói vừa cố nối lại mạch suy nghĩ. – Cái ông này, nhìn gần thật bất lợi cho ông ta. Không thể có cách nào mô tả ông ta đúng hơn là đem so sánh với một con vật được vỗ béo đưa đi thi để giật huy chương hạng nhất ở các cuộc triển lãm nông nghiệp, và không gì khác hơn nữa, – chàng nói với vẻ bực dọc khiến Anna phải chú ý.

– Thế nào, – nàng nói, – sao bảo ông ta đã từng thấy đủ điều và là người có học kia mà?

– Phải, nhưng học thức của họ khác xa chúng ta. Có thể nói ông này chỉ học để có quyền khinh miệt học thức, cũng như họ vẫn miệt thị tất cả, trừ những khoái lạc thú vật.

– Nhưng đàn ông các anh thì tất cả đều ham mê những khoái lạc thú vật đó, – nàng nói, và chàng thấy mắt nàng lại tối sầm và tránh không nhìn vào mắt chàng.

– Tại sao em lại bênh ông ta như thế? – chàng mỉm cười nói.

– Em không bênh gì hết, ông ta hoàn toàn không liên quan gì đến em; nhưng em thiết tưởng nếu bản thân anh không thích những trò tiêu khiển đó, thì hẳn anh có thể từ chối chứ. Nhưng anh cũng thích ngắm nàng Têrezơ trong bộ y phục của Evơ 1 kia mà…

– Con qủy lại trở lại rồi đấy! – Vronxki vừa nói vừa cầm tay Anna đặt trên bàn, hôn.

– Đúng, em không thể tự chủ được nữa! Anh không thể biết em khổ sở như thế nào khi chờ anh! Em không nghĩ là mình ghen. Em không phải đứa ghen tuông: khi có anh ở đây, cùng với em, thì em tin anh; nhưng khi anh đi một mình ở nơi khác, sống cuộc đời em không hiểu nổi đó, thì…

Nàng né khỏi chàng, cuối cùng rút được móc kim đan cắm trong áo, và dùng ngón tay trỏ thoăn thoắt đan thành từng hàng những mũi len trắng lấp lánh dưới ánh đèn, bàn tay mảnh dẻ ngọ nguậy một cách bứt rứt dưới cổ tay áo thêu.

– Thế nào anh, chuyện vừa rồi ra sao? Anh gặp Alecxei Alecxandrovitr ở đâu? – nàng bất thần hỏi, giọng gượng gạo.

– Chúng tôi chạm trán nhau ở bậc cửa.

– Thế rồi ông ta chào anh như thế này phải không?

Mặt nàng dài thưỡn ra, và nàng lim dim mắt, sắc diện thay đổi nhanh chóng và chắp tay lại. Trên khuôn mặt đẹp, Vronxki thốt nhìn thấy sắc diện Alecxei Alecxandrovitr khi chàng chào ông ta. Chàng mỉm cười và nàng cũng vui vẻ cất tiếng cười giòn tan vốn là một trong những nét yêu kiều nhất của nàng.

– Quả thực anh không hiểu nổi ông ta, – Vronxki nói. – Giá sau khi em và ông ta nói thẳng với nhau rồi, ít ra ông ta cũng cắt đứt với em hay thách anh đấu súng… Còn như thế này thì thật anh không hiểu gì cả: làm sao ông ta có thể chịu đựng nổi hoàn cảnh như thế này? Rõ ràng ông ta đau khổ lắm.

– Ông ta ấy à? – nàng khẽ cười. Ông ta hoàn toàn mãn nguyện.

– Tại sao tất cả chúng ta đều phải đau khổ trong khi mọi việc đáng ra có thể ổn thoả?

– Ông ta không đau khổ đâu. Em biết ông ta lắm; em biết rõ tính giả dối đầy rẫy trong người ông ta. Có thể nào sống nổi như lão ta đã sống với em, nếu trong người còn có chút ít tri giác? Ông ta không hiểu gì hết, không cảm thấy gì hết. Lẽ nào một người còn chút ít tri giác lại chịu sống chung một nhà với cô vợ tội lỗi, chuyện trò và gọi cô ta bằng em?

Và nàng lại bắt chước chồng: “Em yêu quý của anh 2, em, Anna!”.

– Đó không phải là người, mà chỉ là một con rối thôi. Không ai hiểu lão ta cả, nhưng em thì em biết rõ. ồ! nếu ở địa vị lão ta, em đã giết, đã băm vằm ra từng mảnh cô vợ như em, em sẽ không nói: “Em Anna yêu quý của anh!”. Đó không phải là người, mà là cái máy hành chính. Lão không hiểu rằng em là vợ anh, còn lão là một kẻ xa lạ, một người thừa… Thôi không nói nữa, không nói đến lão nữa!…

– Em bất công đấy, em thân yêu! – Vronxki nói, cố làm cho nàng bình tĩnh lại. – Được thôi, ta sẽ không nói về ông ta nữa. Kể cho anh nghe em đã làm những gì đi. Em ốm thế nào? Bệnh gì, bác sĩ bảo em làm sao?

Nàng nhìn chàng với vẻ vui thích hài hước. Rõ ràng nàng lại vừa khám phá thêm ở chồng một nét lố bịch và đợi lúc nói cho Vronxki biết.

Nhưng chàng nói tiếp:

– Anh chắc không phải bệnh, mà do em có mang đấy thôi. Bao giờ đấy?

Mắt Anna đã tắt ngấm ánh giễu cợt; nàng lại mỉm cười, nụ cười lộ rõ một nỗi lo lắng và một nỗi buồn bí ẩn, làm thay đổi hẳn vẻ mặt.

– Sắp rồi đấy. Anh nói hoàn cảnh chúng ta thật đau khổ, phải thoát ra thôi. Giá anh biết em khổ tâm đến thế nào, em sẵn sàng đổi tất cả để được mạnh dạn yêu anh, tự do yêu anh! Em sẽ không phải tự giày vò mình nữa và cũng không giày vò anh vì ghen tuông… Sắp đâu vào đấy cả, nhưng không như ta tưởng đâu.

Và khi nghĩ đến điều sẽ xảy ra, nàng thương cho phận mình đến ứa nước mắt và không nói tiếp được. Nàng đặt bàn tay trắng muốt đeo nhẫn lấp lánh dưới ánh đèn, lên tay áo Vronxki.

– Việc đó sẽ xảy đến khác hẳn ý nghĩ chúng ta. Em không muốn nói với anh chuyện này, nhưng anh đã buộc em phải nói ra. Sắp sửa rồi, sắp sửa đến nơi rồi, mọi chuyện sẽ được giải quyết, chúng ta ai nấy sẽ thanh thản và không đau khổ nữa.

– Anh không hiểu gì cả, – chàng nói. Thực ra chàng hiểu rất rõ.

– Anh hỏi em; bao giờ? Em trả lời anh: sắp sửa rồi. Và em sẽ không sống qua khỏi lúc bấy giờ đâu. Anh đừng ngắt lời em, – nàng vội nói tiếp. – Em biết lắm; chắc chắn như thế. Em sắp chết rồi; như thế là em được giải thoát và em giải thoát cả cho anh và ông ta; em lấy đó làm sung sướng.

Nước mắt nàng chảy ròng ròng, – chàng cúi xuống hôn tay nàng, cố giấu nỗi xúc động của chính mình, một nỗi xúc động vô căn cứ, chàng biết vậy, nhưng không nén được.

– Phải, cứ thế là hơn cả, – nàng nói tiếp và xiết tay chàng thật chặt.

Chúng ta chỉ còn độc cách ấy thôi.

Chàng định thần lại và ngẩng đầu lên.

– Thật vớ vẩn! Em chỉ được cái nói nhảm thôi!

– Không đâu, đúng thế đấy!

– Đúng cái gì mới được chứ?

– Em sắp chết. Em đã nằm mê.

– Nằm mê à? – Vronxki nhắc lại; lập tức chàng nhớ đến lão mugich đã gặp trong mơ.

– Vâng, – nàng nói. – Đã lâu rồi. Em chạy vào buồng ngủ để lấy cái gì đó, anh còn lạ gì chuyện nằm mê, – nàng nói, mắt căng lên sợ hãi. – Có người ở trong góc buồng…

– Chà, thật vớ vẩn! Ai mà tin được.

Nàng không để chàng ngắt lời vì cảm thấy điều mình nói vô cùng quan trọng.

– Hắn ta quay lại và em thấy một gã mugich nhỏ bé, râu xồm xoàm và bộ dạng thật đáng sợ. Em muốn chạy trốn, nhưng hắn đã cúi xuống cái bị và khua khoắng trong đó…

Nàng bắt chước lão mugich đang lục tìm trong bị. Mặt nàng lộ vẻ khiếp sợ. Và nhớ tới giấc mơ của chính mình, Vronxki cũng thấy một nỗi khiếp sợ tương tự tràn ngập tâm hồn.

– Hắn lục lọi cái bị và lầu bầu câu gì bằng tiếng Pháp. Hắn nói rất nhanh, rất nhanh, uốn lưỡi chữ “r”: “Phải nện sắt, nghiền nó, nhào nó…” 3. Khiếp đảm, em cố tỉnh dậy. Thé là em tỉnh… nhưng vẫn tỉnh trong mê. Em tự hỏi thế là nghĩa lý gì. Bấy giờ, Kornây bèn bảo em:

“Lúc đẻ con, cô sẽ chết, lúc đẻ con, lúc đẻ con, cô bạn thân mến ạ…”.

Thế là em thức giấc hẳn.

– Vớ vẩn quá, vớ vẩn quá đi thôi! – Vronxki nói, nhưng chính chàng cũng cảm thấy giọng mình không có chút gì thuyết phục.

– Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Anh lắc chuông đi, để em bảo họ pha trà. Không, khoan đã, chúng ta chẳng còn bao nhiêu thì giờ, em…

Đột nhiên, nàng ngừng bặt. Vẻ mặt nàng thoắt đổi khác. Sự sợ hãi, nỗi bồi hồi nhường chỗ cho vẻ trầm mặc trang nghiêm và xúc động. Chàng không hiểu lý do của sự thay đổi. Nàng vừa cảm thấy một sự sống mới cựa quậy trong bụng.

— —— —— —— ——-

1 ý nói: nàng Têrezơ khoả thân.

2 Ma chère (tiếng Pháp trong nguyên bản).

3 Il faut le battre, le fer, le broyer, le pétrir (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Chọn tập
Bình luận