Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 3 – Chương 16

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Người gác cổng, người làm vườn và các gia nhân khác khiêng vác đồ đạc đi ra đi vào khắp mọi căn phòng toà biệt thự. Tủ đứng và tủ ngăn đều mở toang; đã hai lần phải đi mua thêm dây gai; báo chí vứt bừa bãi dưới sàn. Hai chiếc rương, những túi xách và bọc chăn xếp ngoài phòng chờ. Chiếc xe nhà và hai xe thuê chờ ở ngoài thềm. Mải chuẩn bị hành lý quên bẵng những lo lắng, Anna đang đứng trước bàn trong phòng giấy và xếp đồ dùng vào túi du lịch con thì Annusca nhắc nàng có tiếng xe đang lại gần. Anna đưa mắt nhìn qua cửa sổ và thấy gã chạy giấy của Alecxei Alecxandrovitr giật chuông ngoài cửa.

– Ra xem cái gì thế, – nàng nói và sẵn sàng chờ mọi sự xảy ra, bình tĩnh ngồi xuống ghế bành, tay bó gối. Gã đầy tớ đem vào một gói to, địa chỉ do chính tay Alecxei Alecxandrovitr viết.

– Bác chạy giấy chờ trả lời đấy ạ, – hắn nói.

– Được, – nàng nói; hắn ra rồi, nàng đưa ngón tay run run xé giấy gói. Một tập giấy bạc mới tinh còn phong kín tuột ra. Nàng mở thư và đọc luôn vào những dòng cuối. “Mọi sự cần thiết sẽ được chuẩn bị để cô dọn nhà. Tôi đặc biệt coi trọng việc cô đồng ý thực hiện lời yêu cầu của tôi”, nàng đọc. Nàng đọc ngược lên, đọc tất cả và đọc lại từ đâu đến cuối thư một lần nữa. Đọc xong nàng lạnh toát người: một tai họa còn khủng khiếp hơn dự đoán sập xuống đầu nàng.

Buổi sáng, nàng hối hận đã chót nói ra với chồng và ước gì những lời đó chưa hề được thốt ra. Thì đây bức thư này coi như không hề có những lời đó và đem đến điều nàng mong ước. Nhưng lúc này, đối với nàng những dòng thư còn kinh khủng hơn tất cả những gì nàng có thể tưởng tượng.

“Lão ta có lý! Lão ta có lý! Nàng tự nhủ. Tất nhiên, bao giờ lão ta chả có lý, lão ta là người ngoan đạo, cao thượng mà! Thật là một con người đê tiện và bỉ ổi! Và điều đó, ngoài mình ra, không ai hiểu và sau này cũng sẽ không ai hiểu mà chính mình lại không thể nói ra được. Họ bảo lão ấy là người thông minh, mộ đạo, đức hạnh, hiền lương; nhưng họ không nhìn thấy điều mình đã thấy. Họ không biết là ròng rã tám năm nay, lão ấy đã áp bức, bóp nghẹt tất cả những gì sống thực trong mình, không bao giờ lão ấy nghĩ mình là một người đàn bà đang sống, mình cần có tình yêu. Họ không biết trong mỗi bước đi, lão đều làm mình khổ nhục và lão mãn nguyện về việc đó.

Mình đã chẳng hết sức cố bào chữa cho thái độ cư xử của lão đó sao?

Mình đã chẳng cố yêu lão, yêu con mình trong khi mình không thể yêu chồng được nữa đó sao? Nhưng đã đến lúc mình hiểu rằng không thể tự lừa mình được nữa, rằng sống không phải là tội ác, rằng Chúa đã tạo ra mình là người như vậy, mình cần sống và yêu. Và bây giờ thì sao? Giá lão giết mình đi, giá lão giết chàng đi, mình có thể cam chịu, mình sẽ tha thứ cho lão, nhưng không, lão lại…

“Sao mình lại không đoán được điều lão sẽ làm nhỉ? Lão chỉ có thể làm những việc phù hợp với tính khí ti tiện của lão. Lão vẫn có quyền chính đáng, còn mình, mình sa ngã rồi, lão còn dìm mình xuống đất đen nữa…” “Tự cô cũng có thể đoán trước những điều chờ đợi cô và con cô đấy”, nàng nhớ tới câu đó. Lão doạ sẽ bắt con mình. Cứ theo luật pháp ngu xuẩn của họ thì chắc có thể xẩy ra như vậy. Nhưng mình thừa biết tại sao lão lại nói như vậy. Thậm chí lão không tin là mình yêu con, hoặc lão kinh miệt tình cảm đó (lão chả vẫn nhạo báng tình cảm đó là gì); nhưng lão biết mình sẽ không bỏ con, mình không thể bỏ con được, không có nó thì dù ở bên người yêu, mình cũng không sống nổi, vì nếu từ bỏ và trốn tránh nó thì mình sẽ hành động như người đàn bà đê tiện và đốn mạt nhất: lão biết thế và cũng biết không bao giờ mình đủ sức hành động như vậy”.

“Cuộc sống chúng ta vẫn phải tiếp tục như cũ”, nàng lại nhớ tới một câu khác trong thư. “Nhưng cuộc sống đó trước đây đã đủ là cực hình rồi, và thời gian gần đây, nó càng khủng khiếp. Giờ đây nó sẽ như thế nào?”.

“Lão biết tất cả cái đó, lão biết mình không thể ăn năn vì đã chót thở hít, chót yêu; lão biết cái đó chỉ là dối trá và đạo đức giả; nhưng lão cần tiếp tục hành hạ mình. Mình thừa hiểu con người lão, biết lão bơi trong dối trá như cá bơi trong nước và lão còn lấy thế làm khoái trá. Nhưng không, mình không để lão vui sướng như thế được; mình sẽ xé tan cái màn dối trá lã muốn bao bọc mình; cái phải xẩy đến ắt sẽ đến. Muốn gì cũng còn hơn là giảo quyệt”.

“Nhưng biết làm gì đây? Trời ơi! Trời ơi! Có ai khổ như tôi không?…”.

– Phải, mình sẽ cắt đứt, mình sẽ cắt đứt! – nàng thét lên, đột nhiên đứng dậy và cố cầm nước mắt. Và nàng đến bàn giấy để viết thư thứ hai cho chồng. Nhưng trong thâm tâm, nàng đã cảm thấy mình không đủ sức cắt đứt, sẽ không bao giờ đủ sức thoát khỏi hoàn cảnh này, dù nó có dối trá và bất lương đến đâu chăng nữa.

Nàng ngồi trước bàn, nhưng đáng viết thư thì lại gục đầu tì lên đôi tay khoanh lại và oà khóc như đứa trẻ, lồng ngực phập phồng nức nở.

Nàng khóc cho nỗi mơ ước một tình trạng minh bạch nay đã vĩnh viễn tan vỡ. Nàng biết trước tất cả sẽ lại y nguyên như cũ và sẽ còn tệ hại hơn trước nữa. Nàng cảm thấy vẫn muốn bám vào địa vị mình trong xã hội, mà trước đó một lát nàng đã rất coi rẻ, và nàng không đủ sức đánh đổi nó lấy địa vị nhục nhã của người đàn bà bỏ chồng bỏ con đi theo tình nhân; nàng thấy dù cố gắng đến đâu nàng vẫn không vượt nổi bản thân mình. Nàng sẽ không bao giờ được biết thế nào là tình yêu trong tự do, sẽ mãi mãi chỉ là người đàn bà tội lỗi, luôn luôn có nguy cơ bị chồng khép vào tội lừa dối, đi dan díu nhục nhã với một người xa lạ, một người đàn ông không bị ràng buộc gì mà nàng không thể chung sống. Nàng biết sự việc sẽ như thế, đồng thời thấy nó kinh khủng đến nỗi không hình dung nổi rồi đây sẽ kết thúc ra sao. Và nàng mặc sức khóc, không cần nén lại, y như đứa trẻ bị phạt.

Nàng trấn tĩnh lại khi nghe tiếng chân gã đầy tớ và giấu mặt đi vờ như đang viết.

– Bác chạy giấy hỏi xin thư trả lời đấy ạ, – gã đầy tớ nói…

– Thư trả lời à? ừ được, bảo anh ta đợi đấy, – Anna nói. – Tôi sẽ giật chuông gọi.

“Biết viết gì đây? Nàng thầm nghĩ. Một mình mình làm sao mà quyết định được? Mình còn biết cái gì nữa? Mình muốn gì? Thích gì?”.

Một lần nữa nàng lại cảm thấy mọi cái bắt đầu lưỡng hóa trong tâm hồn. Nàng lại hãi hùng như hồi nãy và bấu víu ngay vào cái cớ đầu tiên đến với mình để hoạt động ngõ hầu lãng đi không nghĩ đến mình nữa. “Mình phải đi gặp Alecxei (nàng thường gọi Vronxki như vậy khi nghĩ tới chàng), chỉ chàng mới có thể bảo cho mình biết phải làm gì.

Mình sẽ đến nhà Betxi, may ra sẽ gặp chàng ở đó”, nàng tự nhủ, hoàn toàn quên bẵng là vừa mới hôm qua, khi nàng ngỏ ý không muốn lại nhà quận chúa Tecxkaia, chàng đã trả lời nếu vậy chàng cũng sẽ không đến. Nàng trở lại bàn và viết cho chồng:

“Tôi đã nhận được thư ông. A.”.

Sau đó, nàng giật chuông và trao thư cho tên hầu phòng.

– Chúng ta không đi nữa, Nàng nói với Annusca vừa bước vào.

– Không đi nữa à?

– Không; từ giờ đến mai, đừng tháo hành lý ra vội và cũng đừng trả xe ngựa. Tôi đến nhà quận chúa đây.

– Tôi phải sửa soạn chiếc áo nào cho bà đấy ạ?

Chọn tập
Bình luận