Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 3 – Chương 3

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

– Chú ạ, anh đang nghĩ về chú, – Xergei Ivanovitr nói. – Cứ theo lời bác sĩ nói với anh thì những công việc xảy ra ở quận chú thật không ra thế nào. Cái anh chàng đó, nó không ngốc tí nào đâu. Anh đã nói điều đó với chú rồi và anh cần nhắc lại: chú không đi họp và nói chung chú xa lánh hội đồng tự trị địa phương là sai lầm. Nếu người đứng đắn mà lảng trốn cả vào một xó thì mọi cái sẽ hỏng bét. Chúng ta bỏ tiền ra nhưng tiền của chúng ta biến thành lương bổng hết; rồi chẳng có trường học, chẳng có nhà phẫu thuật, nữ hộ sinh, nhà bào chế; chẳng có gì hết.

– Tôi cũng đã thử rồi, – Levin khẽ trả lời miễn cưỡng. – Tôi không làm nổi! Biết làm thế nào?

– Nhưng tại sao chú không làm nổi? Thú thực anh không hiểu đấy.

Anh không nghĩ là chú thờ ơ hay bất lực: thế thì có lẽ chỉ vì lười biếng chăng?

– Mọi cái đó đều không phải. Tôi đã thử rồi và nhận thấy không thể làm được gì, – Levin nói.

Chàng không để ý mấy đến lời ông anh nói. Nhìn sang thửa ruộng cày bên kia sông, chàng thấy một chấm đen nhưng không nhận ra đó là viên quản lý đang phi ngựa tới hay chỉ là con vật không người cưỡi.

– Tại sao chú không thể làm được gì? Chú đã thử một lần mà lần ấy, theo ý chú, là thất bại, nên chú đành cam chịu à? Chú không biết tự ái ư?

– Tự ái ư? Anh nói gì tôi không hiểu, – Levin nói, cay cú vì những lời ông anh. – Nếu ở trường Đại học, người ta bảo tôi không hiểu gì về tích phân học, trong khi mọi người khác đều hiểu, chắc tôi sẽ tự ái đấy. Nhưng trong trường hợp này, trước tiên phải tin rằng mình có khả năng nào đó đối với loại công việc này và nhất là phải tin rằng mọi công việc đó đều rất quan trọng.

– Thế thì sao? Chẳng đúng là như thế ư? – Xergei Ivanovitr nói, đến lượt ông cay cú vì em trai cho việc ông quan tâm là phù phiếm và nhất là vì rõ ràng hắn chỉ lơ đãng nghe mình.

– Không, cái đó đối với tôi không có gì quan trọng cả, nó không làm tôi quan tâm thì anh bảo sao? – Levin trả lời, lúc này chàng đã đoán ra cái chấm đen là người quản lý và hình như y đang để cho nông dân về nhà. Họ đã quay ngược bừa. “Họ làm xong rồi kia à?”, chàng thầm nghĩ.

– Dù sao chú cứ nghe anh đã, – ông anh nói, bộ mặt thông minh tuấn tú của ông sa sầm, – cái gì cũng có giới hạn. Làm người độc đáo, chân thực và ghét dối trá là rất tốt; anh hiểu mọi cái đó lắm; nhưng cái điều chú nói, hoặc là không có ý nghĩa gì, hoặc có thể hiểu theo ý xấu. Thế nào, chú cho là không quan trọng khi đám bình dân, mà chú vẫn nói là chú yêu mến…

“Mình không hề nói thế bao giờ”, Levin thầm nghĩ.

-… Chết không ai cứu vớt? Khi những bà đỡ vụng về làm chết trẻ sơ sinh, khi đám bình dân ngụp lặn trong dốt nát và lệ thuộc vào bất cứ tên nha lại nào? Chú có phương tiện để bổ khuyết tình trạng đó nhưng chú không hề can thiệp, vì cho là không quan trọng!

Và Xergei Ivanovitr dồn chàng đến chỗ phải nhận một trong hai điều, hoặc là sự phát triển trí lực không đầy đủ nên chàng không nhìn thấy tất cả những cái có thể làm được, hoặc là chàng không muốn hy sinh cuộc sống yên ổn, lòng tự ái, hoặc cái gì đấy…

Conxtantin Levin cảm thấy chỉ còn có cách khuất phục hoặc thú nhận mình lừng khừng đối với lợi ích công cộng. Mà điều đó khiến chàng vừa khó chịu vừa buồn phiền.

– Cả thế này lẫn thế kia, – chàng nói, giọng dứt khoát. – Tôi thấy người ta không thể…

– Thế nào? Nếu đem tiền ra phân phối tốt hơn, người ta không tổ chức nổi một trạm y tế hay sao?

– Không, tôi không tin là có thể làm được… Trên bốn nghìn vécxtơ đất đai của quận chúng ta, với những vùng đất trũng ẩm thấp, những bão táp, công việc đồng áng, tôi thấy không thể tổ chức được một trạm y tế. Vả lại, tôi cũng không tin vào y học.

– Nhưng, xin lỗi chú, thế là không đúng… Tôi có thể kể chú nghe hàng ngàn thí dụ khác… Còn trường học thì sao?

– Trường học ư, để làm gì kia chứ?

– Chú nói cái gì mà lạ thế! Lại có thể nghi ngờ cả lợi ích của giáo dục hay sao? Nếu nó có ích cho chú thì cũng có ích cho mọi người chứ!

Conxtantin Levin cảm thấy, về phương diện tinh thần, chàng bị dồn vào chỗ bí nên phát khùng và bất giác buột miệng nói ra lý do chính về sự dửng dưng của mình đối với lợi ích công cộng.

– Tất cả những cái đó có lẽ đều đúng; nhưng tại sao tôi lại phải lo lắng đến chuyện xây dựng trạm y tế mà chẳng bao giờ tôi được nhờ vả gì, xây dựng trường mà không bao giờ tôi cho con cái đến học, và ngay cả nông dân cũng không muốn cho con họ đến, và tôi cũng chưa chắc có thật cần thiết phải cho chúng đến trường hay không? – chàng nói.

Xergei Ivanovitr lúc đầu hơi bối rối vì cách nhìn nhận vấn đề bất ngờ như vậy; nhưng sau đó, ông lập tức bố trí một kế hoạch tấn công mới.

Ông nín lặng, giật một cần câu lên, rồi lại quăng xuống và mỉm cười quay về phía em trai:

– Xin lỗi… Trước hết, sự cần thiết của trạm y tế được chứng minh rồi đấy. Chúng ta đã cho mời bác sĩ ở hội đồng tự trị địa phương đến chữa cho Agafia Mikhailovna.

– Phải, nhưng tôi e bàn tay vú ấy vẫn trẹo như cũ.

– Để rồi xem sao đã… Sau nữa, một mugich, một người thợ biết đọc biết viết đối với chú càng quý giá, càng có lợi ích hơn…

– Không, anh cứ hỏi bất cứ ai mà xem, – Conxtantin Levin trả lời, giọng quả quyết: – một người biết đọc biết viết, mà lại là thợ nữa, càng trăm lần tệ hại hơn. Hắn ta sẽ không muốn đi sửa đường nữa; nếu cho đi xây cầu thì hắn ta sẽ ăn cắp vật liệu.

– Tóm lại, – Xergei Ivanovitr cau mày nói, ông vốn không ưa lối nói năng mâu thuẫn và nhất là cứ luôn luôn nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác, với những lý lẽ mới chẳng dính dáng gì với nhau, làm người ta không biết đâu mà trả lời, – tóm lại, vấn đề không phải là ở đó. Thế chú có thừa nhận giáo dục là việc hữu ích đối với bình dân không?

– Có chứ, – Levin vô tình buột miệng trả lời và lập tức nhận thấy là đã không nói đúng như mình nghĩ. Chàng thấy một khi mình đã thừa nhận như vậy, ông anh sẽ chứng minh là chàng đã nói quàng xiên chẳng đâu vào đâu. Chàng không hiểu ông ta sẽ chứng minh bằng cách nào, nhưng biết trước điều đó chắc chắn sẽ được chứng minh hợp lý và chàng chờ đợi.

Lý lẽ thật đơn giản hơn nhiều so với dự đoán của Conxtantin Levin.

– Nếu chú đã thừa nhận đó là việc hữu ích thì với tư cách là một người trung thực, chú không thể từ chối không quan tâm săn sóc và sau đó hợp tác vào một công cuộc như vậy, – Xergei Ivanovitr nói.

– Nhưng tôi vẫn chưa tin chắc công cuộc đó là tốt, – Conxtantin Levin đỏ mặt nói.

– Sao hả? Nhưng chú vừa mới nói là…

– Tóm lại, tôi vẫn chưa biết công cuộc đó có tốt không và có thể làm được không…

– Chú chưa có làm theo hướng đó thì chú chưa có thể biết được.

– Cứ cho là như thế, – Levin nói, mặc dầu tuyệt nhiên không thừa nhận điều đó, – thì cứ cho là như thế đi; nhưng tôi vẫn chưa rõ tại sao tôi phải lo lắng đến việc đó kia chứ.

– Thế là thế nào?

– Này, nếu chót bàn đến đây rồi, anh cứ thử trình bày quan điểm triết học của anh cho tôi xem, – Levin nói.

– Anh không hiểu triết học có dính dáng gì đến chuyện này, Xergei Ivanovitr nói bằng một giọng ngụ ý không thừa nhận chú em có quyền tranh luận về triết học (ít ra đó cũng là cảm tưởng của Levin).

Điều đó làm Levin bực bội.

– Có chứ! – chàng sôi tiết nói. – Tôi cho rằng động cơ mọi hành động của chúng ta chung quy cũng chỉ vì hạnh phúc cá nhân mà thôi. Ngày nay, trong các cơ quan hàng tỉnh, với tư cách là người quý tộc, tôi không thấy cái gì có thể góp phần cải thiện đời sống của tôi. Đường sá thì không tốt hơn mà cũng không làm sao có thể tốt hơn được; vả lại có đi đường xấu thì ngựa cũng vẫn đưa tôi đi yên lành như thường.

Tôi không cần đến bác sĩ mà cũng chẳng cần đến trạm y tế. Tôi lại càng hoàn toàn không cần đến thẩm phán hòa giải; tôi không bao giờ có việc gì phải tiếp xúc với ông ta cả và tôi mong sau này cũng cứ như thế. Trường học thì không những không giúp ích gì cho tôi mà còn có hại nữa, như tôi đã nói với anh rồi. Đối với tôi, các cơ quan hàng tỉnh chỉ là sự bắt buộc phải đóng mười tám kôpêch tiền thuế cho mỗi mẫu đất, phải ra tỉnh và ngủ chung với rệp, phải nghe họ tuôn ra những lời ngu ngốc và đê mạt, còn lợi ích cá nhân của tôi thì không liên can gì vào đấy cả.

– Xin lỗi chú, – Xergei Ivanovitr mỉm cười ngắt lời, – không phải lợi ích cá nhân đã thúc đẩy ta hoạt động để giải phóng nông nô; tuy nhiên, ta đã cộng tác vào việc đó đấy.

– Không! – Levin ngắt lời ông và càng nổi nóng hơn. – Giải phóng nông nô, đó lại là chuyện khác. Chúng ta có quyền lợi cá nhân ở đó.

Tất cả những người chính trực đều muốn rũ cái ách vẫn đè lên người họ. Nhưng làm đại biểu nghị viện để bàn bạc về số lượng phu đổ thùng và kế hoạch cống rãnh của một thành phố tôi không ở; làm bồi thẩm và xử án một lão mugich đã ăn cắp cái chân giò sấy, ngồi liền sáu tiếng đồng hồ để nghe bọn thầy cãi và biện lý tuôn ra hàng tràng những lời ngớ ngẩn, nghe viên chánh án hỏi lão già khốn khổ đó rằng:

“Thưa ông bị cáo, ông có nhận là đã ăn cắp một chiếc chân giò sấy không?”, anh cho như thế là thú vị à?

Và Conxtantin Levin, theo đà câu chuyện, làm điệu bộ diễn lại cảnh giữa viên chánh án và lão mugich ngờ nghệch, cho thế là phát triển lập luận của mình.

Xergei Ivanovitr nhún vai.

– ý chú muốn đi đến kết luận gì?

– Tôi muốn nói bao giờ tôi cũng hết sức bảo vệ đến lợi ích cá nhân của tôi; khi họ đến khám xét nhà ta, hồi tôi còn là sinh viên, và khi cảnh sát đọc thư của chúng tôi, tôi đã sẵn sàng đem hết sức mình ra bảo vệ những quyền học tập và tự do. Tôi thừa nhận chế độ quân dịch vì nó dính dáng đến vận mệnh con cái anh em và cả bản thân tôi nữa; tôi sẵn sàng bàn bạc về tất cả những gì có liên quan đến tôi; còn như bàn bạc về việc sử dụng bốn vạn rúp như thế nào hoặc xử án một lão mugich đần độn thì tôi không thấy ích lợi gì cả và tôi cũng không thấy đủ sức làm.

Conxtantin Levin nói, dòng lý luận trào lên như nước vỡ bờ. Xergei Ivanovitr mỉm cười.

– Thế nếu ngày mai chú có việc kiện tụng, chú có ưng để toà án hình sự cũ xét xử không?

– Tôi sẽ không kiện tụng gì cả. Tôi không có ý định cắt cổ ai và không mảy may cần thiết mọi cái đó. Tóm lại, – chàng tiếp tục nói, chuyển sang những ý kiến thuộc loại khác hẳn, – các cơ quan hàng tỉnh của ta làm tôi nghĩ tới những cây bạch dương non ta cắm xuống đất trong dịp lễ Hạ trần để tượng trưng một khu rừng, trong khi bên châu Âu không cần có chúng ta, rừng vẫn cứ mọc. Tôi không thể nào thành tâm tưới nước cho những cây bạch dương non đó và cũng không thể tin ở chúng được.

Xergei Ivanovitr chỉ nhún vai, tỏ ý ngạc nhiên về cái ý kiến đưa những cây bạch dương non xen vào cuộc tranh cãi, tuy ông hiểu ngay em trai muốn ám chỉ cái gì.

– Xin lỗi chú, nhưng không thể lý luận như thế được, – ông nhận xét.

Nhưng Conxtantin Levin muốn thanh minh về cái khuyết điểm mà chính chàng cũng tự nhận thấy: sự lạnh nhạt đối với lợi ích công cộng. Cho nên chàng tiếp tục nói:

– Tôi nghĩ không có hoạt động nào có thể xác lập được nếu không dựa trên lợi ích riêng. Đó là một chân lý phổ biến, triết học, – chàng nói, và nhắc lại một cách quả quyết chữ “triết học”, như tỏ ra mình cũng có quyền bàn triết học như bất cứ ai.

Xergei Ivanovitr lần nữa lại mỉm cười. “Cả nó nữa, nó cũng có một thứ triết học để phục vụ cho khuynh hướng riêng”, ông nghĩ thầm.

– Thôi đừng bàn đến triết học nữa, – ông nói. – Nhiệm vụ chủ yếu của triết học qua mọi thế kỷ chính là tìm ra mối liên hệ cần thiết vẫn tồn tại giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Nhưng cái đó không dính dáng gì đến đây cả. Trái lại, anh cần cải chính sự so sánh của chú.

Những cây bạch dương chú vừa nói không phải là được cắm xuống đất, mà có cây được trồng, có cây được gieo; phải nương nhẹ chăm sóc những cây đó. Chỉ có dân tộc nào thấy tầm quan trọng và giá trị của các thiết chế và coi trọng nó, mới có tương lai; đó là những dân tộc duy nhất có thể gọi là có lịch sử.

Thế là Xergei Ivanovitr đã chuyển vấn đề sang lĩnh vực triết học lịch sử mà Conxtantin không sao hiểu nổi, và chứng minh rõ tất cả sai lầm trong quan điểm của chàng.

– Còn như nói chú không thích việc đó, thì xin lỗi chú, đó chỉ là thói lười biếng của người Nga chúng ta, cái thói quen cũ kiểu đại lãnh chúa; anh tin chú sẽ nghĩ lại về sự sai lầm nhất thời này.

Conxtantin nín lặng. Chàng cảm thấy mình bị đánh bại tan tành, nhưng đồng thời cũng cảm thấy ông anh không hiểu đúng ý chàng. Và chàng cũng không hiểu tại sao ông ta lại không hiểu mình: vì chàng không biết diễn đạt rõ ràng điều muốn nói hay vì ông anh không muốn hoặc không biết cách hiểu chàng Chàng không đào sâu ý nghĩ đó, và không trả lời ông anh, chàng lại mải mê theo đuổi những suy tưởng liên quan đến vấn đề khác.

Xergei Ivanovitr cuộn dây chiếc câu cuối cùng lại tháo ngựa ra và cả hai lên đường về.

Chọn tập
Bình luận