Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 8 – Chương 15

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

– Koxtia, chú có biết Xergei Ivanovich cùng đi một chuyến tàu với ai không? – Đôly nói, sau khi chia dưa chuột và mật ong cho các con. Với Vronxki! Anh ta đi Xerbi.

– Và không phải chỉ đi một mình đâu nhé! Anh ta còn bỏ tiền dẫn theo một phân đội nữa! – Katavaxov nói. – Việc đó quả là hợp với anh ta, – Levin nói. – Hiện vẫn còn nhiều người tình nguyện sang đó chứ? – chàng hỏi thêm và liếc nhìn Xergei Ivanovich.

Xergei Ivanovich không trả lời, cố lấy con dao cùn khẽ vớt từ đáy bát lên một con ong còn sống dính vào lớp nước ngọt của tầng mật ong trắng.

– Chứ sao! Giá anh được thấy cảnh ngoài ga hôm qua! – Katavaxov nói và cắn dưa chuột kêu rau ráu.

– Thật không còn hiểu ra sao nữa! Lạy Chúa lòng lành, Xergei Ivanovich, ông thử cắt nghĩa cho tôi hiểu tất cả những tình nguyện quân đó đi đâu và đánh nhau với ai, – lão quận công hỏi, rõ ràng nói tiếp câu chuyện bắt đầu từ trước khi gặp Levin.

– Với bọn Thổ, – Xergei Ivanovich bình tĩnh mỉm cười trả lời. Ông đã gỡ được con ong dính đầy mật đang tuyệt vọng ngọ nguậy cẳng chân và dùng con dao đặt nó lên một chiếc lá hoàn diệp liễu dày.

– Nhưng ai đã tuyên chiến với bọn Thổ kia chứ? Ivan Ivanovich Ragôzôp, nữ bá tước Lidia Ivanovna, và Stan phu nhân à?

– Không ai tuyên chiến với chúng cả, nhưng mọi người động lòng thương xót anh em mình đang đau khổ và muốn giúp đỡ họ thôi.

– Quận công không hỏi về cái đó mà muốn nói đến chiến tranh kia, – Levin nói và đứng về phe bố vợ. – Cụ cho rằng tư nhân không thể tham gia chiến tranh nếu không được phép của chính phủ.

– Koxtia, con ong kìa! Khéo nó đốt bọn ta tịt khắp người lên mất, Đôly nói và xua một con ong bầu vẽ.

– Đó không phải là ong thường mà là ong bầu vẽ, – Levin nói.

– Thế nào, thế nào, vậy lí luận anh ra sao? – Katavaxov mỉm cười nói, rõ ràng muốn kéo Levin vào cuộc tranh luận. – Tại sao tư nhân lại không có quyền tham gia chiến tranh.

– Đây, lí luận của tôi thế này: một mặt, chiến tranh là điều rất khủng khiếp, rất thú vật và rất tàn khốc mà không một ai, khoan nói đến tín đồ Cơ đốc giáo vội, có thể lấy tư cách cá nhân gánh lấy trách nhiệm khởi chiến: chỉ có chính phủ mới làm thế được, đó là nhiệm vụ của nó và nó tất yếu bị lôi cuốn vào chiến tranh. Mặt khác, theo khoa học và lương tri, trong công việc quốc gia và nhất là trong thời gian chiến tranh, những công dân phải hi sinh mọi ý chí cá nhân.

Xergei Ivanovich và Katavaxov tranh nhau nói một lúc: họ đã có sẵn câu đối đáp.

– Anh bạn thân yêu ơi, chính thế đấy, có thể có trường hợp chính phủ không làm theo nguyện vọng của nhân dân; chính lúc đó xã hội cần buộc chính phủ thể theo ý chí của mình, – Katavaxov nói.

Nhưng Xergei Ivanovich rõ ràng không tán thành lời phản đối đó. Ông cau mày khi nghe ý kiến Katavaxov và diễn đạt tư tưởng của mình một cách khác.

– Chú đặt vấn đề không đúng. Ở đây không có vấn đề tuyên chiến, mà chỉ có sự biểu hiện một thứ tình cảm Cơ đốc, nhân đạo. Có kẻ đang giết hại những anh em cùng nòi giống và cùng tôn giáo với ta. Cứ tạm cho họ không phải là anh em, cũng chẳng phải người cùng tôn giáo, mà chỉ là đàn bà, trẻ con và người già: tình cảm sẽ nổi dậy và những người Nga sẽ chạy tới giúp họ chấm dứt sự tàn bạo đó. Chú thử tưởng tượng mình đang đi ngoài phố và thấy bọn say rượu đánh đập một người đàn bà hoặc một đứa trẻ; tôi tin là chú sẽ không tự hỏi xem có cần tuyên chiến với kẻ hành hung hay không mà sẽ nhảy vào luôn để bênh vực người bị đánh.

– Nhưng tôi sẽ không giết nó, – Levin nói.

– Có chứ, chú sẽ giết nó.

– Tôi không rõ. Nếu gặp việc đó, tôi sẽ phó mặc cho tình cảm bột phát: tôi không thể nói gì trước được. Thế nhưng tôi không có và không thể có tình cảm bột phát đối với việc áp bức người Xlav.

– Chú thì có thể là không có. Những người khác chắc chắn là có, – Xergei Ivanovich bất giác cau mày nói. – Trong nhân dân, hãy còn truyền tụng những chuyện về người theo đạo chính thống bị đau khổ dưới ách những “tín đồ Aga vô đạo”(1). Nhân dân nghe nói đến nỗi thống khổ của những người anh em và họ đã lên tiếng.

– Có thể như vậy, – Levin thoái thác nói, – nhưng tôi không thấy điều đó; bản thân tôi cũng là một người trong nhân dân nhưng không hề biêt đến thứ tình cảm đó.

– Tôi cũng vậy, – lão quận công nói. – Lúc đó tôi đang ở nước ngoài, tôi có đọc báo và xin thú thực là ngay từ trước khi xảy ra hành động tàn bạo ở Bungari, tôi vẫn không hiểu tại sao người Nga đột nhiên lại yêu thương những người anh em Xlav đến thế. Bản thân tôi thì không cảm thấy chút tình hữu ái nào đối với họ. Điều đó làm tôi rất phiền lòng; tôi nghĩ có lẽ mình là một con quái vật hay mình bị ảnh hưởng suối nước nóng Kaclơxbat chăng. Đến khi về đây, tôi mới yên tâm: tôi nhận thấy ngoài tôi ra, còn có những người quan tâm đến nước Nga nhiều hơn là đến những anh em Xlav của chúng ta. Như Konxtantin chẳng hạn.

– Những ý kiến cá nhân không có nghĩa gì trong chuyện này, Xergei Ivanovich nói. – Ý kiến cá nhân không thành vấn đề khi mà toàn thể nước Nga, toàn thể nhân dân đã tỏ rõ ý chí.

– Nhưng xin lỗi, tôi chẳng thấy cái gì như vậy cả. Còn nhân dân, họ chẳng hiểu tí gì về vấn đề đó, – lão quận công nói.

– Không phải, ba ạ, ba nói gì vậy? Thế hôm chủ nhật ở ngoài nhà thờ thì sao? – Đôly từ nãy vẫn lắng nghe câu chuyện, xen vào.

– Bác làm ơn lấy giúp tôi cái khăn lau tay, – bà nói với ông lão nông dân đang mỉm cười nhìn lũ trẻ.

– Không có lí nào tất cả những người đó…

– Ừ, thì hôm chủ nhật đã xảy ra chuyện gì nào? Người ta ra lệnh cho linh mục đọc một tờ giấy. Ông ta đã đọc nó. Người ta chẳng hiểu gì hết, chỉ thở dài như mỗi lẫn nghe giảng đạo, – lão quận công tiếp tục nói. – Thế rồi, người ta bảo là sẽ có cuộc lạc quyên cho một việc đạo và thế là họ móc ra mấy đồng kôpêch, nhưng thậm chí họ cũng không biết vì sao lại cúng tiền nữa.

– Nhân dân không thể không biết tới điều đó. Họ vẫn giữ được ý thức về vận mệnh của họ và ý thức đó nổi bật vào những giây phút như bây giờ, Xergei Ivanovich nói, giọng dứt khoát, và nhìn ông lão gác vườn ong.

Ông già đẹp lão với bộ râu đen lốm đốm hoa râm và mái tóc dày bạc trắng, đứng vững chãi trước mặt họ, tay cầm bát mật. Với một vẻ dịu dàng và bình thản, ông đứng cao sừng sững nhìn xuống các ông bà chủ, rõ ràng không hiểu gì và cũng không muốn hiểu gì hết.

– Đúng thế đấy, – ông già nói, gật đầu ra vẻ tán thành, khi Xergei Ivanovich nói dứt lời.

– Này cứ hỏi ông lão xem. Ông ta không hiểu gì đâu và cũng chẳng suy nghĩ về việc gì cả, – Levin nói. Mikhailich, bác có nghe nói gì về chiến tranh không? – chàng quay lại hỏi ông lão nông dân. – Bác có nhớ những cái người ta đọc ở nhà thờ không? Bác thấy chuyện đó thế nào? Ta có cần phải đi chiến đấu cho những đạo hữu Cơ đốc không?

– Chúng ta có gì mà phải nghĩ. Đức hoàng đế Alecxandr Nicolaiêvich sẽ nghĩ thay cho chúng ta trong mọi trường hợp. Người nhìn thấy mọi việc rõ ràng hơn chúng ta… Có cần mang thêm bánh cho chú bé nữa không ạ? – ông già hỏi Đarya Alecxandrovna và chỉ Grisa đang nuốt miếng cùi bánh.

– Không cần phải hỏi ông lão làm gì cho vô ích, – Xergei Ivanovich nói, – chúng tôi đã từng thấy và hiện còn đang thấy hàng trăm hàng ngàn người bỏ lại tất cả để đi phục vụ một mục đích chính nghĩa, họ từ khắp các nơi trên nước Nga tới và bộc lộ rõ ràng tư tưởng cùng mục đích của mình. Họ mang tiền hoặc mang bản thân mình đến và không quanh co, nói thẳng lí do vì sao họ đến. Vậy thế nghĩa là thế nào?

– Theo tôi, – Levin bắt đầu hăng máu nói, – thế nghĩa là trong một dân tộc gồm tám mươi triệu người, thì không những chỉ có hàng trăm như bây giò mà lúc nào cũng có hàng vạn kẻ thất thế, những tên ngoài pháp luật luôn luôn sẵn sàng… theo bọn Pugatsev(2) đi tới Khiva hoặc Xerbi…

– Tôi xin nói với chú là họ không chỉ có hàng trăm mà nhiều hơn nữa và họ cũng không phải là đồ vô lại, mà là những đại biểuưu tú nhất của dân tộc! – Xergei Ivanovich, giận sôi lên như đang bảo vệ những tài sản cuối cùng của mình. – Thế còn những tặng vật! Đó chính là nhân dân biểu lộ thẳng thắn ý chí của mình!

– Cái chữ “nhân dân” đó thật mơ hồ, – Levin nói. – Hiểu được đó là vấn đề gì, hoạ chăng có những viên thư kí quận, giáo học và có lẽ một phần nghìn tổng số nông dân. Số còn lại trong tám mươi triệu dân như Mikhailic, chẳng những không biểu lộ ý chí mà còn không mảy may nghĩ là họ cần phải biểu lộ ý chí. Vậy thử hỏi ta có quyền gì mà nói đó là ý chí của nhân dân?

Chú thích:

(1) Tức tín đồ Hồi giáo.

(2) Lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa nông dân thời nữ hoàng Ecaterina.

Chọn tập
Bình luận