Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 3 – Chương 2

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Đầu tháng sáu, bà vú già hiền lành kiêm quản gia Agafia Mikhailovna, khi cất hũ nấm vừa muối xong xuống dưới hầm, bị trượt chân ngã và trẹo cổ tay. Thầy thuốc của hội đồng tự trị địa phương, một sinh viên trẻ, ba hoa, vừa tốt nghiệp Đại học, được mời đến. Anh ta khám tay, nói là không bị sai khớp, lấy làm vui sướng được tiếp chuyện nhân vật trứ danh Xergei Ivanovitr Coznusev, và, để bày tỏ cho ông biết quan điểm sáng suốt của mình về mọi việc, anh ta kể lại cho ông nghe các thứ chuyện lăng nhăng trong quận, và than phiền về tình hình tồi tệ của cơ quan hành chính tỉnh. Xergei Ivanovitr chăm chú nghe, hỏi han anh ta, và, hứng lên vì có thêm thính giả mới này, ông liền nói thao thao bất tuyệt, điểm thêm những nhận xét xác đáng và sâu sắc, được vị bác sĩ trẻ kính cẩn tán thưởng, và ông bỗng trở nên phấn khởi, cái vẻ phấn khởi mà em trai ông biết rất rõ, thường thấy sau mỗi lần ông nói chuyện sinh động và xuất sắc. Khi bác sĩ đi rồi, ông định ra ngồi câu ở bờ sông. Xergei Ivanovitr thích câu cá và hình như hãnh diện là mình có thể ưa thích một thứ tiêu khiển ngu ngốc đến thế.

Conxtantin Levin đang cần ra chỗ ruộng cày và đồng cỏ, bèn mời ông đi bằng xe ngựa.

Lúc đó đã vào cuối hè: thời kỳ việc gặt hái trong năm đã định liệu đâu vào đấy, bắt đầu phải lo giống má cho năm sau và sắp đến vụ cắt cỏ; thời kỳ lúa loã mạch xanh non đã lên đòng và thân cây mỏng manh đang lả lướt trước gió, chờ đợi mầu mỡ bốc lên; thời kì lúa yến mạch xanh sẫm gieo muộn đang hỗn độn vượt lên trên những búi cỏ vàng; thời kì lúa kiều mạch sớm đã mọc che kín đất; thời kì cày những thửa ruộng hưu canh có vệt đường bỏ hoang, trơ trơ dưới lưỡi bừa và rắn đanh lại vì súc vật xéo lên; thời kì hàng đống phân bón được chở ra ruộng, trộn lẫn mùi phân với hương cây cỏ; thời kì cánh đồng cỏ được chăm sóc, đang chờ lưỡi hái, trải tấm thảm rậm rì điểm những búi cây chua me sạm đen đã cắt xong.

Đó là thời kì rảnh rang ngắn ngủi xen vào giữa công việc đồng áng trước mùa gặt hằng năm vẫn trở lại và hằng năm đòi hỏi tất cả sức lực của nông dân. Mùa màng hứa hẹn tốt đẹp: ban ngày quang đãng và ấm áp, tiếp theo những đêm ngắn đầy sương sa.

Hai anh em phải qua một khu rừng mới tới được đồng cỏ. Xergei Ivanovitr suốt dọc đường ngây ngất ngắm khu rừng cành lá um tùm:

khi ông trỏ cho em trai một cây bồ đề già xế rợp bóng râm, sặc sỡ cuộng lá vàng và sắp nở hoa, lúc lại trỏ những chồi cây non tơ một màu xanh cẩm thạch lộng lẫy. Conxtantin Levin không thích nói mà cũng chẳng thích nghe nhắc đến vẻ đẹp thiên nhiên. Đối với chàng, chữ nghĩa chỉ làm mất vẻ đẹp của cảnh vật. Chàng ừ hữ với anh nhưng bất giác lại nghĩ tới việc khác. Ra khỏi rừng, chàng chỉ một mực chăm chăm chú chú ngắm thửa ruộng hưu canh trên đồi, chỗ phủ kín cỏ vàng úa, nơi vụn ra từng tảng, đây thì rải rác gò đống, kia lại cày bừa rồi. Một dãy xe tải đậu dọc theo đám ruộng hưu canh.

Levin đếm và vui thích thấy số xe đã đến đầy đủ. Khi thấy đồng cỏ, chàng liền nghĩ tới cỏ khô. Việc hái cỏ bao giờ cũng làm rung động một sợi dây tâm tình đặc biệt nhạy cảm trong chàng. Tới ria đồng cỏ, Levin liền dừng ngựa lại.

Sương sớm vẫn phủ khắp bãi cỏ dày và Xergei Ivanovitr, để khỏi ướt chân, nhờ chú em đánh xe đưa ông tới một bụi cây kim tước, gần đó có thể câu được cá măng. Tuy xót ruột vì phải đè nát đồng cỏ, Conxtantin Levin vẫn đánh xe tiến vào. Cỏ cao quấn lấy vó ngựa và bánh xe, vương vãi hạt vào nan hoa và trục xe ẩm ướt.

Ông anh ngồi xuống dưới bụi cây sau khi đã tháo cần câu; Levin dắt ngựa ra chỗ khác, buộc lại và đi vào đồng cỏ im gió, bát ngát một màu xanh xám. ở những chỗ ngập nước, cỏ óng mượt mọc cao xấp xỉ ngang thắt lưng, hạt đã gần chín.

Conxtantin đi tắt qua cánh đồng cỏ, ra đường cái và gặp một ông lão mắt húp híp mang cái rọ chụp tổ ong.

– Thế nào, bắt được rồi chứ, bác Fômich? – Levin hỏi ông già.

– Bắt được rồi! Chà! Tôi chỉ cầu sao giữ được cái gì của mình mà thôi. Đây là lần thứ hai, đàn ong bé bay đi… Vừa may các chàng trai đến kịp thời. Chúng đang cày ruộng của ông: thế là chúng liền tháo ngựa ra và đuổi ngay theo sau…

– Bác Fômich, bác thấy thế nào? Giờ nên hái cỏ chưa hay là hãy chờ đã?

– Biết thưa với ông thế nào đây? Chúng tôi thì chờ đến ngày lễ Thánh Pie kia, nhưng còn ông thì bao giờ ông cũng hái sớm hơn. Nếu Chúa thương thì cỏ sẽ tốt đấy. Gia súc cũng có đủ cái mà ăn.

– Bác có cho là sẽ đẹp trời không?

– Cái đó còn nhờ lượng Chúa. May ra thì có thể đấy.

Levin quay lại chỗ ông anh.

Cá không cắn câu, nhưng Xergei Ivanovitr không chút chán nản và xem chừng còn rất vui là khác. Levin thấy ông đang bốc vì cuộc trò chuyện với bác sĩ, vẫn còn hứng nói. Ngược lại, Levin muốn về nhà ngay để sai người đi gọi thợ hái ngày mai đến và quyết định về vấn đề hái cỏ vẫn canh cánh trong lòng.

– Ta về thôi, – chàng nói.

– Làm gì mà vội thế? Hãy ở lại lát nữa nào. Chú ướt hết rồi!

Chẳng câu được con nào nhưng ở đây, anh rất dễ chịu. Mọi thứ săn bắn, câu cá đều có cái tốt là được tiếp xúc với thiên nhiên. Làn nước long lanh mới đẹp làm sao! – ông nói. Những bờ nước trong đồng cỏ này làm anh nhớ tới một câu đố, – ông nói tiếp. – Chú có biết không?

Cỏ nói với nước: “Chúng tôi đong đưa, chúng tôi đong đưa”.

– Em không biết câu đố đó, – Levin trả lời, giọng ưu tư.

Chọn tập
Bình luận
× sticky