Khi mọi người đứng dậy khỏi bàn ăn, Levin định đi theo Kitti sang phòng khách; nhưng chàng sợ tỏ vẻ xoắn xuýt quá lộ liễu như vậy sẽ làm nàng phật ý. Chàng ở lại góp chuyện với cánh đàn ông, nhưng tuy không nhìn Kitti, chàng vẫn cảm thấy từng cử động, từng khoé nhìn của nàng và vẫn biết nàng ngồi ở chỗ nào trong phòng khách.
Lập tức chàng thực hiện ngay lời hứa với nàng dễ như không: luôn luôn nghĩ tốt về mọi người và yêu mến mọi người. Câu chuyện xoay sang vấn đề công xã nông thôn, trong đó Petxov nhìn thấy một nguyên lý kỳ quặc mà ông đặt tên là “nguyên lý hợp xướng”. Levin không đồng ý với cả Petxov lẫn anh trai mình, ông này, theo thói quen, vừa thừa nhận đồng thời vừa nghi ngờ tầm quan trọng của công xã Nga. Nhưng chàng tranh luận với họ, chỉ để tìm cách dàn hòa đôi bên và làm dịu những lời đối đáp. Chàng không hề quan tâm đến những điều chính mình nói ra và càng không quan tâm đến những điều người khác nói. Chàng chỉ mong muốn có một điều: là mọi người đều sung sướng và thoải mái. Bây giờ, chàng biết cái gì là quan trọng nhất, trên mọi cái khác. Mục tiêu duy nhất đó, thoạt đầu, nán lại cuối phòng khách rồi bắt đầu vận động và dừng lại ở gần cửa ra vào.
Không cần quay lại, chàng vẫn cảm thấy cặp mắt tươi cười đăm đăm nhìn mình và chàng không thể không ngoảnh lại. Nàng đứng với Serbatxki trên ngưỡng cửa và đang nhìn chàng.
– Tôi chắc cô sắp ngồi vào dương cầm, – chàng bước lại gần và nói.
Điều tôi thường cảm thấy thiếu thốn ở nông thôn là cái đó: âm nhạc.
– Không, chúng tôi chỉ tìm anh thôi; cảm ơn anh đã quay lại chỗ chúng tôi, – nàng nói và thưởng cho chàng một nụ cười. – Tranh luận làm gì! Các anh chẳng bao giờ thuyết phục được nhau đâu.
– Phải, đúng thế, – Levin nói; – thường thường người ta sôi nổi bảo vệ ý kiến mình chỉ vì không hiểu đối phương thực ra định chứng minh điều gì.
Levin nhận thấy trong các cuộc tranh luận giữa những người rất thông minh, sau những cố gắng lớn cùng hàng loạt lập luận lô gich và tế nhị, cuối cùng đôi bên thường đi đến chỗ công nhận rằng ngay từ lúc mới bàn cãi, họ đã biết rõ điều người kia ra sức chứng minh hồi lâu, nhưng họ vốn thích sự bất đồng và không muốn gọi tên điều mình thích ra, để khỏi thấy ý kiến mình bị bác. Chàng thấy đôi khi, giữa cuộc tranh luận, người ta hiểu ra điều đối phương thích, tức thì người ta cũng mê luôn điều đó và mọi lập luận từ đó trở thành vô ích, tự nó tiêu tán đi; đôi khi, lại trái ngược hẳn: cuối cùng, người ta diễn đạt được điều muốn phát biểu trên cơ sở những lập luận mới và nếu phát biểu hay và thẳng thắn, thì chính đối phương đột nhiên ngả theo ý kiến mình và chấm dứt tranh luận. Đó chính là điều chàng muốn nói.
Nàng cau mày, cố hiểu cho ra. Nhưng khi chàng định cắt nghĩa thì nàng đã hiểu rồi:
– Em hiểu rồi: phải biết tại sao họ tranh luận, điều họ ưa thích, bấy giờ ta mới có thể…
Nàng đã đoán ra, diễn đạt được điều chàng đang tìm cách phát biểu. Levin mỉm cười sung sướng: chàng rất ngạc nhiên thấy nàng dễ dàng chuyển cuộc tranh luận rắc rối và rườm lời giữa chàng với Petxov và ông anh, thành một cuộc trao đổi ngắn gọn, khúc chiết gần như không lời, giải thích rành rọt, những ý nghĩ phức tạp nhất.
Serbatxki rời khỏi chỗ họ và Kitti lại gần bàn đánh bài, ngồi xuống, cầm mẩu phấn và bắt đầu vẽ những vòng tròn lên nền dạ xanh mới tinh.
Họ lại nói tiếp câu chuyện khai mào từ lúc ăn: về vấn đề tự do và công việc phụ nữ. Levin đồng ý với Daria Alecxandrovna: một thiếu nữ không lấy chồng có thể tìm việc làm trong một gia đình. Để chứng minh không bao giờ khỏi cần phụ nữ giúp việc; trong mỗi gia đình, giàu hoặc nghèo, đều có hoặc đều phải có vú bõ, dù đó là họ hàng hay người làm thuê.
– Không, – Kitti đỏ mặt nói, nhưng đôi mắt chân thật mạnh dạn nhìn thẳng vào chàng. – Có khi một thiếu nữ bị lâm vào cảnh éo le khiến cô ta không thể vào làm trong một gia đình mà không thấy nhục, nhưng bản thân cô ta…
Chỉ thoáng nghe, Levin đã hiểu ý nàng.
– à! Phải, – chàng nói, – phải, phải, cô nói đúng, cô nói đúng!
Tất cả những điều Petxov tìm cách chứng minh trong bữa ăn về quyền tự do của phụ nữ, chàng chợt hiểu ra khi nhìn thấy trong tâm hồn Kitti nỗi sợ của lòng trinh bạch bị làm nhục. Chàng cảm động, bản thân cũng thấy rõ nỗi sợ và nỗi nhục đó, và lập tức từ bỏ lập luận của mình.
Hai người im lặng. Nàng vẫn vẽ tiếp lên bàn bằng mẩu phấn. Mắt nàng long lanh hiền dịu. Thả mình theo tâm trạng, chàng thấy tràn đầy hạnh phúc.
– ồ! Em vẽ nguệch ngoạc đầy cả bàn rồi! – nàng nói và đặt mẩu phấn xuống, nhổm người định đứng dậy.
“Nàng đi thì mình ngồi lại một mình sao được?” – chàng sợ hãi nghĩ thầm và cầm lấy mẩu phấn.
– Khoan đã, – chàng ngồi xuống, bảo nàng. Có một chuyện tôi muốn hỏi cô từ lâu.
Chàng nhìn thẳng vào mắt nàng: nàng có vẻ vừa âu yếm vừa sợ sệt.
– Xin anh cứ hỏi đi.
– Này nhé, chàng nói và vạch những chữ đầu: K, e, t, l, t: k, t, đ, t, n, l: c, b, g, h, b, g, t? Đó là những chữ viết tất cả câu” Khi cô trả lời tôi: không thể được, thế nghĩa là: chẳng bao giờ hay bấy giờ thôi?”. – Có lẽ nàng khó mà hiểu được cái câu rắc rối đó; nhưng chàng nhìn như thể cả cuộc đời chàng lệ thuộc vào sự minh mẫn của nàng vậy.
Nàng đăm đăm nhìn chàng một cách nghiêm trang rồi tì trán vào bàn tay và bắt đầu đoán. Thỉnh thoảng, nàng lại ngước nhìn chàng như muốn hỏi: “Có đúng như em đang nghĩ không?” – Em hiểu rồi, – nàng đỏ mặt nói.
– Đây là những tiếng gì? – chàng chỉ mấy chữ cái c, b, g, thay cho những tiếng: chẳng bao giờ.
– Chẳng bao giờ, – nàng nói. – Không đúng thế đâu, anh ạ.
Chàng vội xoá những chữ mình viết, chìa mẩu phấn cho nàng và đứng dậy. Nàng viết: b, g, e, k, t, l, k, đ.
Nỗi phiền muộn của Doli sau cuộc nói chuyện với Alecxei Alecxandrovitr bỗng hoàn toàn nguôi dịu khi bà thoáng thấy hai người: Kitti tay cầm mẩu phấn, mắt ngước nhìn Levin với một nụ cười rụt rè sung sướng, và vóc dáng đẹp đẽ của Levin đang cúi xuống nàng, đôi mắt long lanh hết nhìn cái bàn lại nhìn Kitti. Thốt nhiên, mặt chàng rạng rỡ: chàng đã hiểu. Những chữ đó nghĩa là: “Bấy giờ, em không trả lời khác được”.
Chàng nhìn nàng, vẻ rụt rè dò hỏi.
– Bấy giờ thôi ư?
– Vâng, – nụ cười của nàng trả lời như vậy.
– Thế b…, thế bây giờ thì sao? – chàng hỏi?
– Đây, anh đọc đi. Em sẽ nói với anh điều em mong muốn. – Nàng viết:
m, a, q, c, c, v, t, t, c, e. Nghĩa là: “Mong anh quên chuyện cũ và tha thứ cho em”.
Chàng riết mẩu phấn trong những ngón tay run rẩy rồi bẻ làm đôi và viết những chữ đầu của câu: “Tôi chẳng có gì mà quên, mà tha thứ, bao giờ cũng vẫn yêu cô”.
Nàng nhìn chàng; nàng vẫn không ngừng mỉm cười.
– Em hiểu, – nàng thầm thì.
Chàng ngồi xuống và viết một câu dài. Nàng hiểu hết và không cần hỏi có đúng thế không, cầm lấy phấn và trả lời tức khắc.
Chàng ngồi mãi không đoán ra câu của nàng và nhiều lần đưa mắt hỏi. Chàng tưởng đến phát điên vì hạnh phúc. Chàng không chắp được đúng những tiếng nàng đã dùng, nhưng trong đôi mắt xinh đẹp rạng rỡ, chàng đọc thấy tất cả những điều cần biết. Chàng viết ba chữ cái, nhưng chưa xong nàng đã đón trước ý chàng, bổ sung nốt và viết câu trả lời: vâng.
– Các con chơi trò thư ký 1 đấy à? – lão quận công đến bên hỏi. – Này, nếu con muốn xem hát đúng giờ thì phải đi ngay thôi.
Levin đứng dậy và tiễn Kitti ra tận cửa.
Họ đã nói với nhau tất cả: nàng yêu chàng, nàng sẽ báo cho cha mẹ và sáng mai, chàng sẽ đến nhà nàng.
— —— —— —— ——-1 Secrétaire (tiếng Pháp trong nguyên bản).