Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 6 – Chương 29

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Gian phòng hẹp, nơi hút thuốc và ăn đồ nguội, chật ních người. Không khí mỗi lúc một thêm sôi động và vẻ lo lắng lộ rõ trên mặt mọi người. Hồi hộp nhất là những vị đứng đầu hai phe hiện đã nắm được đích xác con số cử tri. Họ chuẩn bị lao vào cuộc chiến đấu sắp tới. Những người khác giống như binh lính trước hôm chiến đấu, tuy chuẩn bị đánh nhau nhưng vẫn kiếm trò tiêu khiển. Người ăn đứng, ăn ngồi ở bàn; kẻ đi đi lại lại hút thuốc và chuyện trò với bạn bè gặp lại sau thời gian xa cách.

Levin không đói, cũng không nghiện thuốc; chàng không muốn đến nhập bọn với phe cánh mình, tức là Xergei Ivanovich, Stepan Ackađich trong bộ đồng phục hoàng triều giám mã đang đứng giữa bọn họ nói chuyện sôi nổi. Hôm qua, Levin thấy anh ta rồi và thận trọng tránh vì không muốn gặp. Chàng lại gần cửa sổ và ngồi xuống, quan sát các nhóm và lắng nghe mọi người bàn tán xung quanh. Chàng buồn buồn khi thấy tất cả đều náo động, lo lắng; chỉ có một ông già bé nhỏ, rụng hết răng và nói lắp, mặc đồng phục hải quân là nhàn rỗi và thờ ơ như chàng.

– Đồ khốn khiếp! Tuy nhiên, tôi đã xạc cho hắn một mẻ, như hát hay vậy! Suốt ba năm trời mà không chuẩn bị xong! – một địa chủ quý tộc, người tầm thước, lưng gù, tóc bôi sáp rủ xuống cổ áo thêu đồng phục, vừa nói vừa nện gót đôi ủng mới rõ ràng diện để đi bầu cử. Ông ta giận dữ nhìn Levin và đột ngột quay đi.

– Phải, đúng vậy, thật là xấu xa, – người tiếp chuyện, thân hình thấp bé, trả lời, giọng nhỏ nhẻ.

Theo sau họ, là cả một đám đông vây quanh một vị tướng to béo. Rõ ràng họ đang tìm một góc để nói chuyện cho kín đáo.

– Sao hắn dám nói là tôi sai đánh cắp quần của hắn! Tôi đoán hắn đã bán đi để uống rượu. Tôi thì nhổ toẹt vào hắn và cả cái tước hoàng thân của hắn ấy chứ lại. Nhưng hắn đừng có mà nói thế, đê tiện!

– Nhưng, tôi xin các vị! Họ dựa vào luật pháp đấy, – có tiếng người nói trong một nhóm khác; – phụ nữ phải được ghi trong danh sách quý tộc.

– Tôi bất cần luật pháp! Tôi cứ nói theo tâm linh. Không phải tự nhiên mà chúng ta là quý tộc. Xin hãy tin là thế.

– Bẩm quan lớn, mời ngài lại dùng sâm banh hảo hạng.

Một nhóm khác theo sau một nhà quý tộc đang kêu inh ỏi: đó là một trong ba người bị chuốc rượu say.

– Xưa nay tôi vẫn khuyên Maria Xemionovna cho phát canh ruộng đất, vì bà ta chẳng biết đường nào mà lần, – một điền chủ ria lấm tấm bạc, mặc quân phục cựu đại tá Tổng tham mưu, dịu dáng nói. Đó là nhân vật Levin đã gặp ở nhà Xvyajxki. Chàng nhận ra ngay ông ta. Nhà điền chủ cũng nhìn thấy Levin và họ chào nhau.

– Rất sung sướng được gặp lại ngài. Tất nhiên! Tôi nhớ rất rõ mà. Năm ngoái, ta gặp nhau ở nhà Nicolai Ivanovich.

– Công việc canh tác của ngài ra sao ạ? – Levin nói.

– Mỗi ngày một tệ, – ông kia mỉm cười trả lời, vẻ căm phẫn nhưng bình thản tựa hồ tin chắc đó là chuyện tất yếu không tránh được. – Còn ngài, làm sao ngài lại đến tỉnh chúng tôi vậy – ông hỏi. Ngài đến tham gia coup d’ Etat(1) của chúng tôi ư? – ông đanh thép nói, nhưng phát âm sai chữ Pháp vừa dùng. – Tất cả nước Nga hẹn gặp nhau ở đây. Có cả thị thần, chỉ thiếu Bộ trưởng nữa thôi, – ông chỉ cái dáng bệ vệ của Stepan Ackađich vận đồng phục thị thần và quần trắng đang đi dạo cạnh vị tướng.

– Xin thú thật với ngài tôi chẳng hiểu gì mấy về ý nghĩa cuộc bầu cử này, – Levin nói.

Vị điền chủ nhìn chàng.

– Nhưng có gì cần hiểu đâu. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là một tổ chức lỗi thời chỉ kéo dài hoạt động do quán tính mà thôi. Ngài hãy nhìn xem những bộ đồng phục chúng nói một cách hùng hồn rằng: đây là một cuộc hội nghị thẩm phán hoà giải, uỷ viên thường trực v.v… chứ không phải hội nghị quý tộc.

– Vậy tại sao ngài lại đến? – Levin hỏi.

– Hoàn toàn chỉ do thói quen thôi. Hơn nữa, cần duy trì những mối liên hệ của mình. Quả tình, có thể nói đây là nghĩa vụ tinh thần. Và, thực ra, nó cũng dính dáng đến quyền lợi của tôi. Con rể của tôi muốn ra ửng cử làm uỷ viên thường trực: gia đình nó không có tài sản, cần phải nâng đỡ bọn nó. Và những ông này, tại sao họ lại đến đây? – ông vừa nói vừa chỉ ông chanh chua đã lên đăng đàn tranh luận.

– Đó là một thế hệ quý tộc mới.

– Gọi là mới thì còn khả dĩ. Nhưng không phải là quý tộc. Đó là những kẻ sở hữu tài sản, còn chúng tôi là chúa đất. Với danh nghĩa quý tộc, họ cắn xé lẫn nhau.

– Nhưng ngài vừa nói đây là một tổ chức lỗi thời mà.

– Phải, phải, nhưng dù sao, họ cũng phải kính nể chúng tôi hơn một chút chứ. Cho dù chỉ đối với Xnietcov… Có thể chúng tôi không đáng giá là bao, nhưng dòng dõi chúng tôi phải trải qua hàng ngàn năm mới có cội có cành được. Nếu ngài cần vạch vạt đất trồng hoa trước cửa nhà và nếu ở đó có một cây cổ thụ… dù nó già cỗi và cong queo, hẳn ngài cũng không vì vạt hoa mà đẵn ông tổ đó xuống, ngài sẽ vạch thế nào để dùng được cả cái cây. Vì chắc chắn nó không thể mọc lại được trong vòng một năm, – ông thận trọng hạ giọng và chuyển ngay sang chuyện khác. – Còn ngài, trại ấp của ngài thế nào ạ?

– Chẳng ăn thua mấy. Lợi tức không quá năm phần trăm.

– Vậy là công sức của ngài không được tính đến. Ngài cũng phải có một giá trị nào đó chứ, phải không? Tôi nói vậy là nói cho tôi đấy. Trước khi lui về với ruộng đất, mỗi tháng tôi lĩnh ba ngàn rúp tiền lương. Bây giờ, tôi làm việc nhiều hơn và cũng như ngài, tôi có được năm phần trăm, hơn nữa, chỉ được thế khi công việc trôi chảy. Công lao khó nhọc chẳng được kể vào đâu cả.

– Vậy tại sao ngài lại hăng hái thế, nếu bị lỗ vốn?

– À đấy! Biết làm thế nào? Đó là thói quen, vả chăng tôi cảm thấy bắt buộc phải thế. Tôi sẽ nói kĩ hơn với ngài, – ông hứng lên nói thêm và tì khuỷu tay vào cửa sổ – Con trai tôi không thích cái nghiệp canh nông tí nào. Nó chỉ quan tâm đến khoa học. Thành thử sẽ không có ai nối nghiệp. Vì thế tôi vẫn tiếp tục. Tôi vừa cho trồng một vườn cây ăn quả.

– Phải, – Levin nói, – thế là hoàn toàn đúng. Tôi có cảm giác sẽ không thu lợi được gì ở đất đai, vậy mà tôi vẫn tiếp tục. Đó là một thứ bổn phận ta cảm thấy phải làm đối với ruộng đất.

– Này nhé, – vị điền chủ nói tiếp. – Tôi ở cạnh một thương gia. Y có đến thăm tôi và chúng tôi cùng đi một vòng quanh trại. Ngài có biết y nói thế nào không: “Thưa ngài Stepan Vaxilievich, trong trại của ngài, tất cả đều đâu vào đó, trừ có khu vườn này bị bỏ hoài”. Vậy mà, tôi vẫn chăm chút khu vườn cẩn thận. “Vào địa vị ngài, tôi sẽ chặt những cây bồ đề này vào lúc đang căng nhựa. Ngài có tới một ngàn cây như thế, mỗi cây, ngài có thể làm được hai cái xà ra trò. Và hiện nay, thứ đó đáng giá đấy. Vâng, nếu ở địa vị ngài, tôi sẽ dùng chúng làm gỗ dựng nhà”.

– Và bằng số tiền đó, y sẽ mua gia súc hoặc ruộng đất với giá rẻ mạt rồi phát canh cho nông dân chứ gì, – Levin mỉm cười nói nốt, chàng đã nhiều lần gặp thứ lí luận đó. Và y sẽ làm giàu, còn ngài và tôi, chúng ta chỉ cầu sao giữ được của cải và để lại cho con cháu.

– Tôi chắc ngài đã có gia đình? – vị điền chủ hỏi.

– Vâng, – Levin tự hào đáp. – Phải, trong chuyện này, có cái gì kì lạ, – Chàng nói tiếp. – Chúng ta sống không tính toán tựa hồ được bố trí đứng canh ngọn lửa thiêng, y hệt những nữ thần giữ của thời xưa vậy.

Vị điền chủ cười lặng lẽ dưới hàng ria bạc trắng.

– Cũng có một số người như ông bạn Nicolai Ivanovich của chúng ta hoặc bá tước Vronxki, vừa mới về ở trại ấp đã muốn tiến hành canh tác quy mô; nhưng cho đến nay, cái đó chỉ dẫn đến chỗ ngốn hết vốn liếng thôi.

– Nhưng tại sao ta không làm như bọn lái buôn? Tại sao ta không đốn vườn làm xà nhà? – Levin nói, trở lại cái ý nghĩ đã làm chàng ngạc nhiên.

– Để bảo tồn ngọn lửa thiêng, như ngài nói. Vả chăng, đó không phải là công việc của nhà quý tộc. Phận sự của chúng ta không phải ở đây, trong cuộc bầu cử này, mà ở nơi kia, ở góc trời của chúng ta. Chúng ta có bản năng đẳng cấp về những gì nên làm và những gì không nên làm. Vả chăng nông dân cũng thế, thỉnh thoảng, tôi nhận xét thấy vậy: một nông dân tốt làm được bao nhiêu ruộng thì nhận rẽ bấy nhiêu. Thậm chí ruộng xấu, anh ta cũng cày. Không hề tính toán: thường thường là lỗ đứt đuôi.

– Cũng như chúng ta vậy, – Levin nói. – Tôi rất sung sướng được gặp ngài, – chàng nói thêm khi thấy Xvyajxki lại gần.

– Từ buổi sơ kiến ở nhà ngài, đây là lần đầu chúng tôi gặp lại nhau, – vị điền chủ nói, – và chúng tôi thấy ở nhau nhiều điều tâm đắc lắm.

– Tôi đánh cuộc rằng các ngài đã nói xấu trật tự xã hội mới phải không? – Xvyajxki mỉm cười nói.

– Có lẽ.

– Cần phải tâm sự cho nhẹ mình.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản, nghĩa là đảo chính.

Chọn tập
Bình luận