Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 4

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Lvov là chồng Natalya, chị Kitty, suốt đời sống ở các thủ đô và ở nước ngoài, nơi ông thực hành nghề ngoại giao.

Năm ngoái, ông ta đã bỏ nghề này, không phải do có những chuyện rầy rà (ông không hề gặp chuyện rầy rà với ai bao giờ) mà để chăm lo thật tốt đến việc giáo dục hai đứa con trai nhỏ và ông bèn nhận một trách nhiệm trong triều đình ở Moskva.

Mặc dầu có những thói quen và ý kiến rất khác nhau và Lvov nhiều tuổi hơn Levin, nhưng mùa đông năm ấy, hai người đã kết bạn và rất quý mến nhau.

Biết Lvov có nhà, Levin đi thẳng vào phòng không cho người báo trước.

Mình mặc áo trong nhà, chân đi dép da hoẵng, đeo kính kẹp mũi xanh lơ, Lvov đang ngồi trong ghế bành đọc một cuốn sách trên giá; bàn tay trắng trẻo của ông cầm một điếu xì gà hút dở, thận trọng dang ra cách xa người.

Khi thấy Levin, một nụ cười sáng lên trên bộ mặt đẹp, thanh tú và còn trẻ của ông mà mớ tóc xoăn lốm đốm hoa râm càng làm cho có vẻ quý phái.

– Tốt lắm! Tôi vừa toan cho đi hỏi thăm tin tức chú, Kitty có khoẻ không? Chú ngồi xuống đây, thoải mái hơn… – Ông đứng dậy và đẩy ra một cái ghế đu. – Chú đã đọc thông tri cuối cùng trong tờ Nhật báo thành Xanh Petersburg (1) chưa? Tôi thấy nó hay lắm, – ông nói lơ lớ giọng Pháp.

Levin kể lại những điều Katavaxov nói với chàng về dư luận hiện thời ở Petersburg và sau một lúc nói chuyện chính trị, chàng tả lại cuộc gặp gỡ với Metrov và phiên họp vừa dự. Lvov rất chú ý nghe.

– Tôi thèm được tham dự vào giới khoa học như chú, – ông nói. Và đang lúc hứng nói chuyện, như thường lệ, ông chuyển sang dùng tiếng Pháp vốn thuận tiện hơn đối với ông. – Thật tình tôi không mấy khi rỗi. Công việc và các cháu nhỏ chiếm hết thời gian; với lại, cũng thú thực, vốn học thức của tôi còn kém lắm.

– Tôi không nghĩ thế, – Levin mỉm cười nói, bao giờ chàng cũng cảm động về sự nhũn nhặn đó, không phải vờ vĩnh, cũng không phải thật cố gắng tỏ ra khiêm tốn mà là hoàn toàn chân thành.

– Thực đấy mà! Bây giờ, tôi mới thấy rõ tất cả thiếu sót trong vốn học thức của mình. Muốn dạy các cháu, tôi cần ôn lại cho nhớ và học lại hoàn toàn nữa kia. Vì chỉ có giáo sư không đủ, phải cần cả giám hộ nữa, cũng như công việc khai khẩn của chú cần có quản lí kèm sát thợ. Đây này, cuốn sách tôi đang đọc (ông chỉ cuốn ngữ pháp của Puxlaiev đặt trên giá sách), giáo sư bắt cháu Musa phải học thuộc mà khó lắm nhé… Này, chú thử giảng cho tôi xem. Ở đây nói rằng…

Levin muốn thuyết phục ông rằng đó là những món chỉ cần thuộc lòng không phải tìm hiểu kĩ làm gì. Nhưng Lvov không đồng ý.

– Đấy, chú lại giễu tôi rồi!

– Trái lại, anh không thể ngờ tôi đã lấy anh làm mẫu mực trong tương lai, nhất là về mặt giáo dục con cái.

– Tôi có gì đáng làm mẫu mực đâu, – Lvov nói.

– Tôi chỉ biết chưa bao giờ tôi thấy những đứa trẻ được dạy dỗ tốt hơn các con anh. Tôi mong sao con cái tôi sau này cũng được giáo dục tốt như thế.

Rõ ràng Lvov muốn giấu vẻ sung sướng, nhưng mắt ông đã sáng lên.

– Miễn là chúng khá hơn tôi. Tôi chỉ mong có thế. Chú chưa biết dạy dỗ con trai vất vả như thế nào, nhất là khi chúng bị sao nhãng ở nước ngoài như các cháu nhà tôi.

– Mọi cái đó rồi sẽ bù lại được thôi. Các cháu đều rất có năng khiếu. Điều quan trọng nhất là đức dục. Tôi học được điều ấy khi nhìn các cháu nhà anh.

– Chú nói đến đức dục ư? Không thể tưởng tượng việc đó khó khăn biết chừng nào! Vừa trừa bỏ được một thói xấu, những thói xấu khác đã lộ ra và lại phải đấu tranh tiếp tục. Không dựa vào tôn giáo (chú nhớ chứ, ta đã từng bàn vấn đề này rồi), thì không ông bố nào có thể độc lực dạy dỗ con cái đến đầu đến đũa.

Câu chuyện đang thu hút Levin thì bị ngắt quãng: nàng Natalia Alecxandrovna xinh đẹp bước vào, quần áo chỉnh tề để ra phố.

– Ồ! tôi không biết chú đến chơi, – nàng nói, rõ ràng không hề ân hận mà còn hể hả là đã cắt đứt một câu chuyện nhắc đi nhắc lai nhiều lần đến phát chán.- Kitty có khoẻ không? Hôm nay tôi đến ăn chiều ở đằng nhà đấy. Phải, anh Arxeniev này, – nàng quay sang nói với chồng, – anh đi xe…

Và hai vợ chồng liền bàn xem nên sử dụng thời gian như thế nào. Ông chồng có nhiệm vụ đến yết kiến vị nào đó, bà vợ đi nghe hoà nhạc và dự một cuộc họp công khai của uỷ hội những người Xlav phương Nam, nên phải nghĩ kĩ mà quyết định. Levin với tư cách người nhà cũng phải tham gia bàn bạc. Mọi người quyết định Levin sẽ đi nghe hoà nhạc với Natalia và đi dự họp, rồi khi đã tới đó, sẽ cho xe về đón Arxeniev ở phòng giấy; ông này sẽ đến đón vợ để đưa đến nhà Kitty; nếu chưa xong việc, ông sẽ cho xe quay lại và Levin đưa Lvova đi.

– Chú ấy làm hư anh, – Lvov nói với vợ; – chú ấy cho rằng con mình rất ngoan, mà anh thì biết chúng còn bao nhiêu thói xấu.

– Arxeniev có tính cực đoan, tôi vẫn nói thế mà, – bà vợ đáp.

– Nếu anh tìm sự hoàn thiện thì sẽ không bao giờ bằng lòng. Bà rất đúng khi cho rằng thời nay người ta rơi vào một thái cực khác: trước kia người ta nhét con cái vào xó hầm, còn bố mẹ ở trên gác sang trọng còn bây giờ thì ngược lại: bố mẹ nằm ở nhà chứa đồ còn con cái ở tầng trên. Ngày nay, bố mẹ chỉ có quyền sống cho con cái thôi.

– Thế thì can chi, nếu như vậy lại dễ chịu hơn, – Lvov nói, mỉm cười tươi tắn và khẽ chạm vào tay vợ. – Ai không hiểu thì có thể tưởng em là dì ghẻ chứ không phải mẹ đẻ.

– Không, sự cực đoan trong mọi việc đều sai, – Natalia bình tĩnh nói, và đặt con dao rọc giấy của chồng vào chỗ cũ.

– Nào, lại đây, lũ trẻ hoàn hảo, – Lvov nói với hai chú bé xinh xẻo vừa bước vào, chúng chào Levin rồi lại gần bố, chắc định hỏi điều gì.

Levin muốn nói chuyện với chúng, nghe xem chúng nói gì với bố, nhưng Natalia đã hỏi chuyện chàng, và vừa lúc đó, Makhôtin, bạn đồng liêu của Lvov, vận triều phục, bước vào phòng: ông ta phải đưa bạn ra ga. Thế là bắt đầu câu chuyện thao thao bất tuyệt về xứ Herzegovin(2), về quận chúa Kerzinxcaia, về hạ nghị viện và cái chết đột ngột của bà Apraxina.

Levin quên khuấy nhiệm vụ vợ giao cho. Mãi lúc sang phòng đợi, chàng mới chợt nghĩ ra.

– À, Kitty nhờ tôi nói với anh về chuyện Oblonxki, – chàng bảo Lvov khi ông tiễn chàng và vợ ông xuống cầu thang.

– Phải, phải, mẹ muốn hai anh em đồng hao chúng mình công kích anh ấy, – Lvov đỏ mặt nói.

– Nhưng tại sao lại là tôi kia chứ?

– Thế thì để tôi làm cho, – Lvova, quấn tròn trong tấm khăn quàng lông cáo trắng, chờ cho hết câu chuyện mới mỉm cười nói vậy. – Ta đi thôi.

Chú thích:

(1) Journal de Saint – Pétersbourg (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(2) Một nước cộng hoà thuộc Liên bang Nam Tư.

Chọn tập
Bình luận
× sticky