Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 2 – Chương 33

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Kitti làm quen với bà Stan, và quan hệ của cô với bà ta, cũng như tình bạn với Varenca, không những có ảnh hưởng lớn mà còn làm khuây khoả nỗi buồn của cô. Nhờ tình bạn ấy, cô khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới không giống chút nào với quá khứ của cô; một thế giới thanh cao, tuyệt diệu, đứng trên đó ta có thể bình tĩnh ngắm lại quá khứ. Cô khám phá ra là ngoài cuộc sống bản năng mà trước nay cô vẫn tự buông trôi theo, còn có đời sống tinh thần nữa. Người ta đi vào cuộc đời đó bằng con đường tôn giáo, nhưng là một thứ tôn giáo không giống chút nào với thứ tôn giáo Kitti được biết từ hồi thơ ấu, quanh quẩn chỉ có nghĩa là đi dự các buổi lễ chầu và lễ thức ở Nhà Cứu tế quả phụ, ở đấy có thể gặp người quen và phải học thuộc lòng những đoạn văn tiếng Xlav cổ với linh mục nhà thờ; đây là thứ tôn giáo cao thượng huyền bí, gắn liền với những tư tưởng và tình cảm cao cả: không những có thể tin vì đó là điều bắt buộc, mà còn có thể yêu thứ tôn giáo này.

Kitti hiểu tất cả điều dó không phải qua ngôn từ. Bà Stan nói với cô như với một đứa trẻ ngoan ngoãn mà bà mến, vì cô gợi bà nhớ lại thời son trẻ; chỉ có một lần, bà ám chỉ đến niềm an ủi mà chỉ có tình yêu và lòng tin mới đem lại cho những đau khổ của kiếp người và nói thêm rằng không có đau khổ nào là không đáng kể đối với Chúa Cơ đốc lòng lành vô cùng, thế rồi bà lái sang chuyện khác ngay. Nhưng trong mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn “thiên thần” của bà, như Kitti thường nói, và nhất là trong câu chuyện cả cuộc đời bà ta do Varenca kể lại, Kitti đã khám phá ra “cái gì là quan trọng”, điều mà cho tới nay cô chưa hề biết.

Tuy nhiên, dù tính nết bà Stan có cao thượng đến đâu, câu chuyện cuộc đời bà cảm động đến bao nhiêu lời nói của bà cao cả và dịu ngọt đến mức nào chăng nữa, Kitti vẫn vô tình bắt gặp những nét cá tính làm cô hoang mang. Cô thấy khi hỏi thăm về gia đình cô, bà Stan đã mỉm cười khinh thị, một thái độ trái với lòng nhân Cơ đốc giáo. Có hôm, gặp một linh mục công giáo ở nhà bà, cô còn thấy bà Stan đã thận trọng quay mặt vào trong bóng tối của cái chụp đèn để giấu một nụ cười kỳ lạ. Những nhận xét này dù không đáng kể thật song cũng khiến cô bối rối, và Kitti bắt đầu nghi ngờ bà Stan. Trái lại, chỉ có Varenca một mình trơ trọi, không cha mẹ bạn bè, với nỗi thất vọng u sầu, không tham vọng, không tiếc nuối, là sự hoàn mỹ trọn vẹn mà Kitti cho phép mình chỉ được mơ ước thôi. Nhờ có Varenca, cô hiểu người ta chỉ cần biết quên mình và yêu mến người khác là được thanh thản, sung sướng và tốt đẹp. Điều Kitti mong muốn chính là như thế.

Bây giờ cô đã hiểu rõ cái gì là điều quan trọng nhất, nên Kitti không những say mê khâm phục, mà còn lập tức đem cả tâm hồn hiến dâng cho cuộc đời mới đang mở ra trước mắt. Dựa theo những chuyện Varenca kể cho nghe về hoạt động của bà Stan và những người khác được Varenca nhắc đến tên, Kitti tự vạch ra một chương trình cho cuộc sống tương lai. Theo gương Alin, cháu gái bà Stan mà Varenca đã kể cho cô nghe rất nhiều, dù sống nơi nào, cô cũng sẽ đi tìm những người bất hạnh giúp đỡ họ đến mức tối đa, cô sẽ phân phát kinh Phúc âm, sẽ đọc kinh Phúc âm cho kẻ ốm đau, kẻ tội lỗi và người hấp hối. ý nghĩ được đọc kinh Phúc âm cho một kẻ tội đồ như Alin, đặc biệt cám dỗ Kitti. Nhưng đó là mơ ước thầm kín mà cô không nói cho mẹ hay Varenca biết.

Vả lại, trong khi chờ đợi ngày thực hiện chương trình đó trên quy mô rộng rãi hơn, ngay từ giờ, ở suối nước này với biết bao người bệnh và kẻ khốn cùng, Kitti cũng dễ dàng tìm được dịp áp dụng những nguyên lí mới của mình, theo gương Varenca.

Thoạt tiên, phu nhân chỉ thấy Kitti đang chịu ảnh hưởng đối tượng ham mê của cô, như bà thường nói, nghĩa là ảnh hưởng của bà Stan và Varenca. Bà thấy Kitti không những bắt trước việc làm của Varenca mà còn vô tình bắt chước cả cách đi, cách nói và cách nháy mắt của bạn. Tiếp đó, bà nhận thấy con gái đang trải qua những thay đổi nội tâm nghiêm trọng không lệ thuộc vào sự phù phép nọ.

Tối đến, Kitti đọc quyển kinh Phúc âm bằng tiếng Pháp của bà Stan cho, điều trước đây cô không bao giờ làm; cô tránh gặp người quen trong giới thượng lưu và chỉ đi lại với những bệnh nhân được Varenca chăm sóc, nhất là với gia đình một họa sĩ nghèo và ốm đau tên là Pêtrôp. Rõ ràng cô tự hào được làm nhiệm vụ bà phước trong gia đình ấy. Tất cả những việc đó đều đáng khen, và phu nhân không phản đối vào đâu được, hơn nữa vợ Pêtrôp lại là một thiếu phụ rất đứng đắn, và cả bà quận chúa người Đức cũng chú ý đến việc làm của Kitti, đã khen ngợi và gọi cô là “nàng tiên an ủi”. Tất cả những cái đó đều tốt đẹp cả thôi nếu không đi đến chỗ quá đáng. Thế nhưng, phu nhân lại thấy con gái đi quá xa và bà nói điều ấy với con.

– Không bao giờ nên làm điều gì thái quá 1, – bà nói.

Con gái bà không trả lời gì cả; trong thâm tâm, cô chỉ nghĩ rằng về mặt đời sống tôn giáo thì không thể nói có gì là thái quá được. Có gì là thái quá trong việc theo đúng lời răn hãy chìa má phải khi bị tát vào má trái và cho nốt chiếc sơmi khi đã bị lột mất áo khoác? Nhưng sự thái quá đó làm phật ý phu nhân và bà càng phật ý hơn khi thấy Kitti không chịu tâm sự với mình. Thực vậy, Kitti vẫn giấu mẹ những quan niệm mới và tình cảm mới của cô. Cô giấu không phải vì không kính trọng hay không yêu mến mẹ, mà chỉ vì đó là mẹ cô. Cô có thể ngỏ nỗi niềm với bất kỳ ai còn hơn với mẹ.

– Mẹ thấy hình như lâu lắm rồi, Anna Paplôpna không đến chơi nhà ta, – một hôm phu nhân nói với con khi nhắc tới vợ Pêtrôp. Mẹ đã mời chị ta đến. Thế mà chị ta có vẻ không bằng lòng.

– Không, con không thấy thế, mẹ ạ, – Kitti nói, mặt đỏ bừng.

– Con đến thăm họ đã lâu chưa?

– Ngày mai con sẽ đi chơi núi với họ, – Kitti nói.

– ừ, được, cứ đi đi, – phu nhân đáp, vừa nhìn kỹ nét mặt bối rối vừa cố đoán nguyên nhân nỗi khích động của con.

Cùng hôm ấy, Varenca đến ăn cơm và báo tin Anna Paplôpna ngày mai sẽ không đi chơi nữa. Và phu nhân thấy Kitti lại đỏ mặt.

– Kitti, có gì không hay đã xảy ra giữa con và gia đình Pêtrôp chăng? – phu nhân hỏi khi chỉ còn hai người. – Tại sao chị ta không cho lũ con lại và không đến thăm ta nữa?

Kitti trả lời là giữa hai người không hề xảy ra chuyện gì và cô hoàn toàn không hiểu tại sao Anna Paplôpna lại có vẻ giận mình. Cô nói đúng sự thật hoàn toàn. Cô không biết lý do sự thay đổi thái độ của Anna Paplôpna đối với mình, nhưng cô đoán biết. Điều cô đoán, cô không thể nói với mẹ vì chính cô cũng không dám tự thú với mình.

Đây thuộc loại chuyện tuy mình biết, nhưng không dám nói thành lời với chính mình, vì nếu nhầm thì thật ghê sợ và nhục nhã.

Cô ôn đi ôn lại mãi trong đầu tất cả mối quan hệ giữa cô và gia đình ấy. Cô nhớ lại niềm vui sướng ngây thơ ánh lên trên khuôn mặt tròn trĩnh phúc hậu của Anna Paplôpna khi hai người gặp nhau, những câu chuyện kín đáo của họ về người ốm, những cố gắng nhằm lừa cho người ốm đừng làm những việc bác sĩ dặn phải kiêng và đưa anh ta đi chơi; rồi sự quyến luyến của đứa con út vẫn bi bô gọi “cô Kitti của cháu” và chỉ chịu đi ngủ khi cô bế vào giường. Tất cả những chuyện ấy mới thú vị làm sao! Tiếp đó cô nhớ lại hình dáng gầy giơ xương của Pêtrôp, cái cổ dài ngoãng và cái áo đuôi tôm màu gụ, mái tóc thưa và quăn, cặp mắt xanh dầy vẻ dò hỏi, những hôm đầu đã làm cô hoảng sợ, cùng những cố gắng bệnh hoạn của anh ta muốn rả vẻ nhanh nhẹn và vui tươi khi có mặt cô. Cô nhớ lúc đầu mình phải hết sức dằn lòng để dẹp nỗi ghê sợ khi dứng trước anh ta cũng như trước mọi người lao khác và phải chật vật mới tìm ra đầu đề để nói chuyện.

Cô nhớ lại anh ta rụt rè và âu yếm nhìn mình, và cảm giác thương xót, lúng túng kỳ lạ của mình lúc đó, sau này được thay thế bằng ý thức về đức hạnh của chính mình. Tất cả những chuyện ấy mới dễ chịu làm sao! Nhưng đó là buổi đầu. Còn giờ đây, nghĩa là trong mấy ngày vừa qua, mọi chuyện đột nhiên đâm xấu đi. Anna Paplôpna tiếp Kitti với một vẻ vồn vã giả vờ và luôn theo dõi cả cô lẫn chồng mình.

Lẽ nào nỗi vui mừng cảm động của Pêtrôp khi có mặt Kitti lại là lý do do khiến thái độ của Anna Paplôpna trở nên lạnh nhạt?

“Phải, cô tự nhủ, ở Anna có cái gì gượng gạo, không giống với sự hối hận của chị, khi chị ấy cau có nói với mình hôm kia:

– Nhà tôi đợi cô mãi, cô chưa đến thì anh ấy không chịu uống cà phê, tuy anh ấy yếu đi nhiều.

“ừ, có lẽ chị ta cũng khó chịu khi mình đưa cho anh ấy cái mền phủ chân. Việc tuy rất bình thường mà anh ấy cũng lúng túng, cảm ơn rối rít, làm mình phát ngượng. Lại còn bức chân dung anh ấy vẽ mình nữa, bức tranh đẹp quá. Nhưng nhất là cái nhìn âu yếm và bối rối của anh ta!… Phải, phải, đúng thế thật! Kitti sợ hãi thầm nhắc đi nhắc lại. Nhưng không, không thể thế được, việc đó không thể được!

Anh ấy đáng thương làm sao!”, cô nghĩ thêm.

Nỗi ngờ vực đó phá hoại cái huyền diệu cuộc sống mới của cô.

— —— —— —— ——-

1 Il ne faut jamais rien outrer (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Chọn tập
Bình luận