Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 21

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Sau một bữa cơm ngon tuyệt và rất nhiều rượu cô nhắc ở nhà Barnianxki, Stepan Ackađich đến nhà nữ bá tước Lidia Ivanovna hơi muộn.

– Còn có ai ở nhà nữ bá tước nữa vậy? Ông khách người Pháp à? – ông hỏi tên gác cổng khi nhận thấy bên cạnh áo choàng của Alecxei Alecxandrovich, có một chiếc măng tô kì dị, kiểu cắt quê kệch, có móc cài.

– Alecxei Alecxandrovich Karenin và bá tước Betzubov, – tên gác cổng nghiêm trang trả lời.

“Quận chúa Miagcaia đã đoán đúng, Stepan Ackađich thầm nghĩ khi lên cầu thang. Lạ thật! Dù sao cũng cần duy trì quan hệ tốt với bà này. Bà ta có thế lực lớn. Nếu bà ta rỉ tai với Pomorxki một tiếng, chắc chắn mình sẽ được việc”.

Bên ngoài, trời còn sáng bạch, nhưng trong phòng khách nhỏ của nữ bá tước Lidia Ivanovna, rèm đã buông và đã lên đèn.

Ngồi bên một chiếc bàn tròn, cạnh cây đèn, nữ bá tước và Alecxei Alecxandrovich rì rầm nói chuyện. Một người đàn ông nhỏ bé, ốm yếu, dáng dấp như phụ nữ, chân vòng kiềng, da tái mét, bộ mặt tuấn tú với cặp mắt đẹp long lanh và tóc dài rủ xuống cổ áo đuôi tôm, đứng ở đầu đằng kia phòng ngắm những chân dung treo trên tường. Sau khi chào nữ chủ nhân và Alecxei Alecxandrovich, Stepan Ackađich bất giác lại đưa mắt về phía người lạ mặt.

– Ông Lăngđô à! – nữ bá tước gọi với một vẻ dịu dàng và thận trọng khiến Oblonxki ngạc nhiên. Và bà giới thiệu hai người với nhau. Lăngđô quay phắt lại, tới chỗ họ và mỉm cười đặt bàn tay ướt nham nháp và cứng đờ của mình vào bàn tay đang chìa ra của Stepan Ackađich. Rồi ngay sau đó, ông ta lại lảng đi và quay lại ngắm tranh. Nữ bá tước và Alecxei Alecxandrovich nhìn nhau, vẻ thông đồng.

– Tôi rất sung sướng được gặp ông, nhất là vào ngày hôm nay, – nữ bá tước Lidia Ivanovna vừa nói vừa chỉ cho Stepan Ackađich một chỗ ngồi cạnh Karenin. – Tôi đã giới thiệu ông ta với cái tên Lăngđô, – bà thấp giọng nói tiếp, sau khi đưa mắt nhìn ông khách người Pháp rồi lại nhìn Alecxei Alecxandrovich, – nhưng đó là bá tước Betzubov, như ông hẳn đã biết. Ông ta không thích cái tước ấy.

– Vâng, tôi đã biết, – Stepan Ackađich đáp. – Hình như ông ta đã chữa cho nữ bá tước Betzubova khỏi hẳn bệnh thì phải.

– Bà ta vừa đến thăm tôi hôm nay, trông bà ấy thương quá! – nữ bá tước quay sang Alecxei Alecxandrovich nói. – Cuộc chia li này thật khủng khiếp với bà ta. Thật choáng người!

– Thế là ông ấy đi đấy, quyết định rồi à? – Alecxei Alecxandrovich hỏi.

– Vâng, ông ấy đi Pari. Hôm qua, ông ấy vừa nghe thấy một linh ngôn – nữ bá tước Lidia Ivanovna vừa nói vừa nhìn Stepan Ackađich.

– À phải, một linh ngôn! – Oblonxki lặp lại, cảm thấy phải hết sức thận trọng trong cái môi trường này, nó đang diễn ra hoặc sẽ phải diễn ra những hiện tượng mà ông chưa nắm được manh mối ra sao.

Một phút im lặng, sau đó nữ bá tước Lyđya Ivanovna vừa nói với Oblonxki, vừa mỉm cười tinh quái, như sắp đề cập tới mục tiêu chủ yếu của câu chuyện.

– Tôi quen ông từ lâu và rất sung sướng được gần gũi, hiểu ông kỹ hơn. Bạn của bạn ta là bạn ta. Nhưng muốn là bạn thân thì phải đi sâu vào tâm trạng người mình yêu mến và tôi e ông không làm như vậy đối với Alecxei Alecxandrovich. Chắc ông hiểu tôi muốn nói gì, – bà nói tiếp và ngước cặp mắt đẹp, tư lự lên.

– Tôi hiểu một phần, thưa nữ bá tước, là hoàn cảnh của Alecxei Alecxandrovich… – Oblonxki nói, không hiểu đích xác họ đang nói vấn đề gì và do đó, muốn dừng lại ở những điều chung chung.

– Tôi không nói đến sự thay đổi bề ngoài, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói, giọng nghiêm nghị, đưa mắt tình tứ nhìn theo Alecxei Alecxandrovich đang đứng dậy và lại gần Lăngđô. – Chính trái tim ông ấy đã thay đổi, ông ấy đã được ban cho một trái tim mới và tôi e ông không nắm được đầy đủ mức độ chuyển biến đang diễn ra ở ông ấy.

– Nghĩa là tôi có thể hình dung nó với những nét khái quát. Xưa nay, chúng tôi vẫn là bạn thân và bây giờ… – Stepan Ackađich nói và đáp lại cái nhìn của nữ bá tước bằng một cái nhìn âu yếm. Ông tự hỏi trong hai bộ trưởng, bà quen thân ai hơn và nên nhờ bà can thiệp với ông nào.

– Sự thay đổi diễn ra trong nội tâm không làm giảm lòng yêu thương của ông ấy đối với đồng loại; ngược lại, nó chỉ tăng thêm lòng yêu thương trong ông ấy. Nhưng tôi sợ ông không hiểu ý tôi. Ông dùng trà nhé? – bà vừa nói thêm vừa đưa mắt chỉ một người hầu đang bưng khay đến.

– Thưa nữ bá tước, tôi không hiểu thật đầy đủ. Tất nhiên, nỗi bất hạnh của chú ấy…

– Nỗi bất hạnh ấy đã trở thành hạnh phúc lớn nhất, vì trái tim ông ấy đã đổi mới và tràn ngập ý Chúa, – bà vừa nói, vừa đắm đuối nhìn Stepan Ackađich.

“Có lẽ mình nhờ bà ta nói qua với cả hai vị một tiếng”, Stepan Ackađich nghĩ thầm.

– Hẳn là thế, thưa nữ bá tước, – ông nói, – nhưng tôi thấy những chuyển biến đó sâu kín đến nỗi không ai muốn nhắc tới, kể cả người bạn gần gũi nhất.

– Trái lại! Chúng ta cần nhắc đến và giúp đỡ lẫn nhau.

– Vâng, hẳn thế, nhưng còn nhiều ý kiến bất đồng quá, vả lại… Oblonxki nói và mỉm cười ngọt xớt.

– Một khi đó là chân lí thần thánh thì không thể có bất đồng ý kiến được.

– Tất nhiên, nhưng… – Và Stepan Ackađich im bặt, hết sức lúng túng. Ông đã hiểu ra đó là vấn đề tôn giáo.

– Tôi thấy hình như ông ta sắp ngủ thiếp đi bây giờ đấy, – Alecxei Alecxandrovich lại gần Lidia Ivanovna và thì thầm, vẻ quan trọng.

Stepan Ackađich quay lại. Lăngđô đang ngồi bên cửa sổ, tì khuỷu lên tay ghế bành, đầu cúi gằm. Biết mọi người đang nhìn mình, ông ta ngẩng đầu lên và mỉm cười hồn nhiên như trẻ con.

– Đừng để ý đến ông ta, – Lidia Ivanovna nói và bằng một cử chỉ nhanh nhẹn, bà đẩy một cái ghế cho Alecxei Alecxandrovich ngồi. – Tôi nhận thấy… – bà định nói tiếp thì thấy gã hầu phòng cầm một lá thư bước vào. Lidia Ivanovna đọc lướt qua thư và xin lỗi mọi người, viết rất nhanh mấy dòng, trao thư trả lời cho người hầu rồi quay về bàn. Tôi nhận thấy – bà nói tiếp – người Moskva, đặc biệt nam giới, là những kẻ thờ ơ nhất đối với vấn đề tôn giáo.

– Ô không, thưa nữ bá tước, tôi thấy người Moskva vốn nổi tiếng là rất kiên định về mặt này, – Stepan Ackađich phản đối.

– Và nếu tôi hiểu đúng thì, khốn thay, anh lại ở trong số những kẻ thờ ơ thì phải, Alecxei Alecxandrovich quay về phía ông, nói với nụ cười mệt mỏi.

– Làm sao lại có thể thờ ơ được nhỉ? – Lidia Ivanovna nói.

– Về phương diện này, nếu tôi chưa phải là thờ ơ thì thực ra cũng sắp sửa thế, – Stepan Ackađich cười xoà nói. – Tôi không tin đã đến lúc mình phải nghĩ đến vấn đề ấy.

Alecxei Alecxandrovich và Lidia Ivanovna đưa mắt nhìn nhau.

– Chúng ta không bao giờ có thể biết là đã đến lúc hay chưa,- Alecxei Alecxandrovich nghiêm nghị khẳng định. – Chúng ta không nên tự hỏi đã sẵn sàng hay chưa: ân huệ của Chúa không thuận theo những trọng vọng của con người; đôi khi, nó bỏ nhãng những kẻ khao khát nó và đến với những kẻ không hề chuẩn bị đón nó, như với Xôn vậy.

– Không, tôi thấy hình như chưa đến lúc, – Lidia Ivanovna nói, suốt thời gian đó, bà vẫn theo dõi cử chỉ ông khách người Pháp. Lăngđô đứng dậy và đến chỗ họ.

– Các vị cho phép tôi được nghe chuyện chứ? – ông ta hỏi.

– Ồ vâng, lúc nãy tôi không muốn làm rầy ông, – Lidia Ivanovna nói và trìu mến nhìn ông ta, – mời ông ngồi xuống cạnh chúng tôi.

– Chỉ cần đừng nhắm mắt để khỏi bị mất ánh sáng thôi, – Alecxei Alecxandrovich nói tiếp.

– Chao, nếu ông biết thế nào là cái diễm phúc được luôn luôn cảm thấy Chúa có mặt trong tâm hồn mình, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói với một nụ cười ngây ngất.

– Nhưng đôi khi một người có thể tự xét không đủ tư cách vươn lên tầm cao cả ấy, – Stepan Ackađich nói. Ông cảm thấy mình làm trái với lương tâm khi thừa nhận tầm cao cả của tôn giáo, nhưng đồng thời không dám quả quyết tự xưng là nhà tư tưởng tự do trước mặt con người chỉ cần nói một tiếng với Pomorxki là giành được cho ông cái địa vị ông đang khao khát.

– Hẳn ông muốn nói tội lỗi khiến anh ta không làm thế được? – Lidia Ivanovna nói.

– Nghĩ vậy là sai. Đối với tín đồ, làm gì còn có tội lỗi vì tội đã được chuộc rồi. Xin lỗi, – bà nói khi thấy gã hầu phòng trở vào với một bức thư khác. Bà đọc thư và trả lời miệng: “Anh bảo mai tôi sẽ đến nhà nữ quận công nhé”.

– Không, tội lỗi không có đối với tín đồ, – bà nói tiếp.

– Vâng, nhưng lòng tin không hành động là lòng tin chết, – Stepan Ackađich nói, nhớ lại câu đó trong quyển giáo lí vấn đáp và tính độc lập của ông lúc này chỉ còn cầm cự bằng một nụ cười suông.

– Ấy đấy, cái đoạn trứ danh trong sứ đồ thư ca của thánh tông đồ Jăc, – Alecxei Alecxandrovich quay về phía Lidia Ivanovna nói, vẻ hơi bất bình. Rõ ràng đó là vấn đề mà họ đã bàn bạc với nhau nhiều lần. – Việc diễn giải sai đoạn đó đã gây ra bao tai hại! Không gì làm xa rời lòng tín ngưỡng bằng cách diễn giải như vậy. “Tôi không hành động gì cả, vậy tôi không thể tín ngưỡng”. Tuy nhiên, có chỗ nào nói thế đâu. ý văn bản hoàn toàn khác kia.

– Làm việc vì Chúa, cứu vớt linh hồn bằng chay tịnh, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói với vẻ ghê tởm và khinh bỉ, – đó là quan niệm man rợ của những giáo sĩ nước ta… Vậy mà có chỗ nào quy định như thế đâu. Làm thế thì đơn giản và dễ dàng hơn nhiều, – bà vừa nói tiếp, vừa nhìn Oblonxki vẫn với nụ cười động viên thường dùng trong triều đình để khích lệ các thị nữ trẻ lúng túng vì lễ tiết nghi thức.

– Chúa Kirixitô đã đau khổ vì ta để cứu vớt ta. Và lòng tín ngưỡng cứu vớt ta, – Alecxei Alecxandrovich nhấn mạnh kèm theo một cái nhìn đồng tình vỡi nữ bá tước.

– Ông hiểu tiếng Anh chứ – Lidia Ivanovna hỏi và khi được trả lời là có, bà liền đứng dậy và đi về phía giá sách. – Tôi muốn đọc cho ông nghe cuốn “An lạc và hạnh phúc” hay “Dưới Cánh”, – bà vừa nói, vừa nhìn Karenin, vẻ dò hỏi. Tìm thấy sách rồi, bà quay lại ngồi xuống và mở sách ra. – Rất ngắn thôi. Trong đó, người ta miêu tả phương pháp đạt đến lòng tin và niềm hạnh phúc thoát tục nó xâm chiếm tâm hồn ta lúc đó. Một người đã tin đạo thì không thể khổ sở, vì không cô đơn nữa. Nhưng rồi ông sẽ thấy đây, – bà sắp sửa đọc thì tên hầu phòng lại vào lần nữa. – Phu nhân Borozdina à? Nói với bà ta hai giờ mai tôi sẽ đến bà ấy, – bà bảo gã, sau khi lấy ngón tay đánh dấu đoạn đó, rồi đưa cặp mắt đẹp và tư lự đăm đăm nhìn về phía trước khẽ thở dài. – Đây, lòng tin chân chính tác động như thế nào. Ông biết Maria Xanina chứ? Ông biết nỗi bất hạnh của bà ta chứ? Bà ấy đã mất đứa con trai độc nhất. Bà ấy đã tuyệt vọng. Thế mà, bà ta đã tìm thấy niềm an ủi này và bây giờ bà ta cảm ơn Chúa về cái chết của con trai bà. Đấy là hạnh phúc do lòng tin mang lại.

– Ô vâng, rất là… – Stepan Ackađich nói, mừng rỡ vì việc đọc sách sắp cho phép ông định thần lại đôi chút. “Không, dứt khoát hôm nay đừng có nhờ bà ta gì là hơn cả, ông nghĩ thầm. Điều chủ yếu là làm sao chuồn khỏi đây trước khi hoàn toàn mất phương hướng”.

– Điều này sắp khiến ông chán đây, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói với Lăngđô, vì ông không biết tiếng Anh; nhưng không lâu đâu.

– Ồ, tôi sẽ hiểu mà, – Lăngđô vẫn tươi cười nói. Và ông nhắm mắt lại.

Alecxei Alecxandrovich và Liđia nhìn nhau một cách đầy ý nghĩa và cuộc đọc sách bắt đầu.

Chọn tập
Bình luận
× sticky