Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 8 – Chương 14

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Levin nhìn về phía trước mặt thấy đàn gia súc ở xa, rồi đến cỗ xe thắng con Hắc mã đang đi lại. Tới gần đàn gia súc, gã xà ích nói gì với gã chăn cừu; lát sau, chàng nghe thấy không xa chỗ mình, tiếng bánh xe lăn và tiếng ngựa hí, nhưng chàng đang triền miên suy nghĩ đến nỗi không buồn tự hỏi xem gã xà ích đến tìm mình có việc gì.

Mãi tới khi gã xà ích lên tiếng gọi cách chàng có mấy bước, chàng mới như sực tỉnh.

– Bà sai tôi đến tìm ông. Ông anh ông cùng một vị khách khác vừa về tới đây.

Levin trèo lên xe và cầm dây cương.

Hồi lâu, chàng vẫn chưa trấn tĩnh lại được. Chàng như vừa bừng tỉnh sau một cơn mơ. Chàng nhìn con ngựa béo tốt, cổ và ức đầy bọt mồ hôi ở chỗ dây cương cọ xát, nhìn gã xà ích Ivan ngồi cạnh và sực nhớ ra: chàng đang chờ ông anh tới và Kitty hẳn lo lắng vì chàng đi lâu quá. Chàng cố đoán xem vị khách cùng đi với ông anh là ai. Giờ đây, chàng hình dung anh trai cũng như vợ và cả vị khách chưa biết tên kia khác hẳn trước. Chàng có cảm tưởng từ nay về sau những quan hệ của chàng với mọi người cũng sẽ thay đổi rất nhiều.

“Giờ đây, khoảng cách thường ngăn chia mình với ông anh sẽ biến mất. Chúng ta sẽ không tranh luận nữa; mình sẽ không cãi cọ với Kitty, cả với vị khách bất kể ông ta là ai: mình sẽ niềm nở và tốt với đầy tớ, trước hết với gã Ivan này… Tất cả sẽ thay đổi”.

Levin vừa ghìm cương con tuấn mã thở phì phì đang nôn nóng muốn phi nhanh, vừa quay lại nhìn Ivan ngồi cạnh mình; anh ta không biết dùng đôi bàn tay rỗi rãi vào việc gì, bèn ghì chặt vào người chiếc áo ngoài căng gió. Levin tìm cớ để gợi chuyện. Chàng định bảo là anh ta buộc dây đai đỡ càng xe chặt quá, nhưng câu đó giống như một lời trách mắng, nên chàng tìm một đầu đề khác thân mật hơn. Chàng không nghĩ ra được điều gì.

– Ông nên đi tránh sang phải, có cái gốc cây kia kìa, – gã xà ích nói và kéo gò một bên cương để chỉnh hướng xe chạy.

– Anh cứ mặc tôi nào, đừng có dạy khôn, – Levin nói, rất khó chịu thấy gã xà ích nhúng tay vào. Chàng lại cảm thấy bực dọc y như trước kia khi người ta dây vào việc của mình. Chàng lập tức buồn rầu nhận ra mình đã lầm to khi dự đoán rằng tâm thế mới sẽ làm thay đổi tức khắc các phản ứng trước thực tại. Còn cách nhà chừng một phần tư dặm, Levin thấy Grisa và Tanya chạy lại đón.

– Chú Kôtxtya ơi! Mẹ cháu cùng ông và bác Xergei Ivanovich với một ông khách nữa, đang đến đấy, – chúng nói và trèo lên xe.

– Ông đó là ai?

– Ông ấy khiếp lắm! Ông ấy cứ vung tay như thế này này, Tanya vừa trèo vào xe, vừa làm điệu bắt chước Katavaxov.

– Ông ấy già hay trẻ? – Levin hỏi, bật cười khi thấy điệu bộ Tanya làm chàng nhớ tới một người nào đó.

“Miễn là không phải một người khó chịu”, chàng thầm nghĩ.

Khi rẽ ở chỗ ngoặt và trông thấy đám người đang đi ngược lại, Levin nhận ra Katavaxov, đầu đội mũ rơm. Ông ta bước đi, hai cánh tay vung vẩy hệt như cách Tanya đã mách.

Katavaxov rất thích nói chuyện triết học. Ông nhìn nhận triết học theo con mắt nhà tự nhiên học, nghĩa là theo con mắt một người chưa bao giờ bận tâm về triết học và hồi gần đây, khi ở Moskva, Levin đã tranh luận nhiều với ông ta. Điều đầu tiên chàng nhớ tới khi nhận ra ông bạn là một cuộc nói chuyện trong đó rõ ràng Katavaxov cho là mình thắng.

“Thôi được, mình sẽ không nông nổi phát biểu ý kiến bạt mạng nữa”, Levin tự nhủ.

Sau khi xuống xe chào khách, Levin hỏi xem vợ mình đâu.

– Dì ấy bế Mitia ra Kôlốc (đó là tên khu rừng ở cạnh nhà). Dì ấy muốn đặt cháu ngủ ngoài đó . Ở trong nhà nóng quá, – Đôly nói.

Levin thường ngăn vợ không nên bế con vào rừng, cho thế là nguy hiểm và tin đó làm chàng bực mình.

– Nó cứ bế con chạy hết chỗ này đến chỗ khác, – lão quận công mỉm cười nói. – Tôi đã khuyên nó thử đặt thằng bé trong hầm nước đá.

– Dì ấy định đến vườn nuôi ong. Dì ấy nghĩ chú ở đó. Chúng tôi cũng đang định tới đó, – Đôly nói.

– Thế nào, chú dạo này ra sao? – Xergei Ivanovich nói, chờ mọi người đi cách một quãng để tụt lại sau với em trai.

– Không có gì đặc biệt cả. Tôi vẫn trông nom trại ấp như thường thôi, – Levin trả lời. – Anh có ở lại đây lâu không? Chúng tôi chờ anh mãi.

– Chừng nửa tháng. Tôi còn bận nhiều việc ở Moskva.

Nói tới đây, luồng mắt hai anh em gặp nhau và mặc dầu lúc này chàng hết sức mong muốn tạo quan hệ thân mật và nhất là tự nhiên với anh, Levin vẫn thấy gượng gạo khi nhìn ông. Chàng cụp mắt xuống và không biết nói gì thêm.

Chàng điểm lại tất cả những đầu đề nói chuyện có thể làm Xergei Ivanovich thích thú, muốn lái ông ra khỏi chuyện chiến tranh Xerbi cùng vấn đề Xlav mà ông vừa ám chỉ tới khi nói về công việc ở Moskva, và chàng gợi sang chuyện cuốn sách của ông anh.

– Thế nào, họ có phê bình tác phẩm của anh không, – chàng hỏi.

Xergei Ivanovich mỉm cười nghĩ đến dụng ý của câu hỏi đó.

– Chẳng ai quan tâm đến nó cả, còn anh lại càng ít quan tâm hơn bất cứ ai, – ông nói. – Bà nhìn xem kìa, bà Đarya Alecxandrovna, trời sắp mưa rồi, – ông nói thêm, lấy ô chỉ những đám mây trắng vừa xuất hiện trên những ngọn cây hoàn diệp liễu.

Những lời đó đủ để cho cái quan hệ lạnh nhạt tuy chưa đến mức đối địch mà Levin rất muốn tránh, lại phục hồi giữa hai anh em.

Levin đi lên kịp Katavaxov.

– Anh đến chơi thật hay quá! – chàng nói.

– Tôi định đến chơi nhà anh từ lâu. Giờ chúng ta có thể tha hồ nói chuyện. Anh đọc Xpenxơ chưa?

– Tôi chưa đọc xong. Vả lại bây giờ tôi cũng không cần đọc nữa.

– Sao lại thế? Hay đấy. Vì sao?

– Vì cuối cùng, tôi đã đi đến chỗ tin chắc không thể tìm thấy ở ông ta hoặc những người như ông ta lời giải đáp cho vấn đề tôi đang quan tâm. Hiện nay…

Nhưng vẻ mặt vui tươi và bình thản của Katavaxov đột nhiên làm chàng sững lại. Chàng chẳng muốn để câu chuyện làm vẩn đục tâm trạng mình, và, nhớ tới quyết định vừa rồi, chàng liền ngừng bặt.

– Ta sẽ quay lại chuyện đó sau, – chàng nói thêm. – Nếu chúng ta định tới vườn nuôi ong thì phải đi theo đường hẻm này, chàng nói với mọi người.

Mọi người theo con đường hẻm chật hẹp tới một quãng rừng thưa cỏ mọc um tùm, một bên có hàng rào huyền sâm màu sắc rực rỡ xen lẫn những bụi trị diên thảo lá xanh sẫm. Dưới bóng râm mát của một khóm hoàn diệp liễu, Levin mời khách ngồi chờ trên một chiếc ghế dài và những ghế thô vốn dành cho khách sợ ong, còn chàng đi về phía vườn để lấy bánh mì, mật ong tươi và dưa chuột cho mọi người.

Chàng cố cử động thật ít, lắng nghe tiếng vo ve của đàn ong bay đến gần mỗi lúc một đông hơn, và tới tận căn nhà gỗ nhỏ. Chàng vừa tới ngưỡng cửa thì một con ong bay đến mắc vào râu nhưng chàng nhẹ nhàng gỡ ra. Trong phòng mờ tối, chàng cầm lấy chiếc mặt nạ bằng dây thép treo ở tường, đeo vào, và hai tay đút túi, bước ra vườn đến chỗ những tổ ong đặt giữa một khoảng đất đã phát cỏ: những tổ cũ nhất (chàng biết lai lịch từng tổ) được đặt thành dãy đều đặn và buộc chặt vào cọc bằng dây vỏ cây và những tổ mới nhất, vừa gây trong năm, xếp dọc theo hàng rào. Ở cửa mỗi tổ là một đám bay lộn không ngừng hoa cả mắt: ong cái và ong đực bay là là tại chỗ trong khi ong thợ theo hành trình khứ hồi bay tới một cây bồ đề ra hoa rồi trở lại mang theo đầy nhị hoa.

Các âm thanh hỗn tạp nhất vẳng tới tai: khi thì một cô ong thợ vụt qua, mải mê công việc, lúc lại một chàng ong đực nhàn rỗi bay vo ve, hoặc là ong gác tổ sẵn sàng lấy vòi châm kẻ thù định xâm phạm tài sản của chúng. Phía bên kia hàng rào, bác gác già đang giũa đai thùng, không trông thấy Levin, chàng không gọi bác mà dừng lại ở giữa vườn ong.

Chàng vui sướng có dịp đứng riêng một mình chốc lát và kiểm điểm bản thân: thực tiễn đã làm tư tưởng chàng sa sút.

Mới thoáng qua chốc lát, chàng đã có dịp nổi giận với Ivan, lạnh nhạt với anh và nông nổi bắt chuyện với Katavaxov.

“Có thể đó chỉ là một tâm trạng thoáng qua, sẽ mất đi ngay không để lại dấu vết gì chăng?”, chàng thầm nghĩ.

Nhưng đồng thời, ngay lúc đó, chàng thấy lại tâm trạng lúc trước và vui sướng cảm thấy một cái gì mới mẻ và quan trọng đã nảy sinh trong lòng. Thực tiễn chỉ tạm thời che phủ sự thanh thản vừa tìm thấy: nó vẫn nguyên vẹn trong thâm tâm chàng.

Giống như đàn ong giờ đây đang bay lộn quanh mình, trong khi đe doạ và khiến chàng phải lưu ý, chúng đã làm chàng mất thoải mái về thể xác, buộc chàng thu mình né tránh, những mối lo lắng bủa vây lúc bước chân lên xe cũng đã làm chàng mất sự thanh thoát về tâm hồn, nhưng trạng thái đó chỉ kéo dài khi nào chàng bị mắc giữa những lo lắng đó. Cũng như thể lực vẫn nguyên vẹn mặc dầu có bầy ong, trí lực mà chàng vừa tự giác nhận thấy, vẫn không suy suyển.

Chọn tập
Bình luận