Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 6 – Chương 4

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Varenca, mớ tóc đen bịt dưới chiếc khăn quàng trắng, đang vui vẻ dịu dàng trông coi lũ trẻ vây quanh và xúc động ra mặt trước triển vọng một cuộc tỏ tình có thể sắp diễn ra với người đàn ông cô ưa thích. Trông cô rất quyến rũ. Xergei Ivanovich đi bên cạnh, lòng ngây ngất cảm mến. Nhìn cô, ông nhớ đến tất cả mọi điều người ta kể cùng mọi chuyện cảm động ông được biết về cô, và mỗi lúc một cảm thấy mãnh liệt rằng tình cảm của mình đối với Varenca chính là thứ tình cảm đặc biệt mà xưa kia ông đã thấy và chỉ thấy có một lần hồi còn trẻ măng. Niềm vui có người thiếu nữ ấy ở bên mình mỗi lúc một tăng lên. Khi đặt vào trong lẳng một cái nấm to tướng chân mảnh cụp xuống và thấy vẻ mặt cô xúc động ửng hồng lên vừa vui thích vừa sợ sệt, ông đâm bối rối và lặng lẽ mỉm cười với cô, một nụ cười nói lên rất nhiều.

“Đã vậy, ông tự nhủ, ta phải cân nhắc và quyết định thôi. Không được buông thả mình trong giây phút cám dỗ như một đứa con nít”.

– Bây giờ tôi phải đi tách ra tìm riêng cho mình kẻo rồi không ai biết là tôi cũng kiếm được nấm, – ông nói và rời khỏi ven rừng họ vừa men theo trên thảm cỏ ngắn và mượt, giữa đám bạch dương già lưa thưa lá, rồi đi sâu vào cánh rừng um tùm những hoàn diệp liễu cùng bụi hạt dẻ lốm đốm xám và đen mọc giữa những hàng bạch dương trắng. Xergei Ivanovich lánh xa chừng bốn mươi bước và đi vòng quanh một khóm cây chì đầy hoa óng ánh như mặt trời và đỏ sẫm đang nở rộ, rồi dừng lại khi biết không còn ai trông thấy mình. Chung quanh là im lặng. Chỉ có đàn ruồi bay vo vo không biết mỏi như ong, gần những ngọn bạch dương nơi ông đứng và đôi lúc tiếng bọn trẻ vẳng lại. Đột nhiên, gần đó, chỗ rìa rừng, vang ngân giọng nữ trầm của Varenca gọi Grisa và một nụ cười vui sướng làm khuôn mặt Xergei Ivanovich rạng rỡ lên. Ông hiểu vì sao mình cười, bèn lắc đầu ra vẻ không tán thành và rút một điếu xì gà ra châm hút. Diêm đánh vào thân cây bạch dương không bén lửa ngay. Những lá to mởn mởn ở vỏ cây trắng dính cả vào lân tinh làm lửa tắt mất. Cuối cùng, một que diêm bén lửa, và khói xì gà thơm lừng toả thành từng đám rung rinh trước mặt ông và trên bụi cây, dưới những cành bạch dương rủ xuống. Xergei Ivanovich đưa mắt nhìn theo dải khói thuốc, thong thả bước đi và ngẫm nghĩ về hoàn cảnh hiện nay của mình.

“Tại sao lại không nhỉ?”, – ông thầm nghĩ.

“Đây không phải là một thích thú nhất thời hay cuồng si mà là yêu thương lẫn nhau (mình có thể nói là lẫn nhau); trong khi lao vào mối tình này, nếu mình cảm thấy sai sót với thiên chức, với bổn phận mình, thì đó là đi ngược lại lối sống của mình… Thế nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy. Mình thấy chỉ có mỗi một trở ngại là khi mất Mari, mình đã thề sẽ trung thành trước vong linh nàng. Đó là trở ngại duy nhất cho tình cảm này… Điều này quan trọng lắm”, Xergei Ivanovich tự nhủ vậy đồng thời lại cảm thấy, với bản thân ông, nguyên cớ đó không có gì quan trọng, mà chỉ làm tổn hại đến cách nhìn nhận của người khác đối với vai trò thơ mộng của ông mà thôi. “Ngoài cái ấy ra, dù có moi óc mãi, cũng không thấy gì để trách cứ tình cảm mình cả. Nếu chỉ là chuyện chọn lựa theo lí trí đơn thuần thì mình không thể tìm đâu được người tốt hơn nữa”.

Ông đã điểm lại trong kí ức những thiếu phụ, thiếu nữ quen biết mà vẫn không sao tìm ra người nào có thể tập trung đúng được đến mức độ như vậy tất cả những đức tính mà khi bình thản suy tính, ông thường mong tìm thấy ở người sẽ là vợ mình. Nàng có tất cả cái duyên dáng và tươi mát của tuổi trẻ mà không phải là một cô bé, và nếu nàng yêu ông, thì đó là yêu một cách có ý thức như một người đàn bà cần phải yêu: đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai: không những nàng không hề có thói đàng điếm mà rõ ràng còn ghét giới xã giao, nhưng đồng thời lại hiểu rõ nó, và có phong thái phụ nữ quý phái vốn cần thiết cho người bạn đời của ta, Xergei Ivanovich thầm nghĩ. Điểm thứ ba: nàng mộ đạo, không phải mù quáng như kiểu đứa bé, chẳng hạn như Kitty, mà bởi đời nàng chỉ dựa trên niềm tin đạo giáo. Ngay trong những chi tiết nhỏ, Xergei Ivanovich cũng tìm thấy ở nàng tất cả những gì ông mong ước thấy ở một người vợ: nàng vốn nghèo, không có gia đình, do đó, sẽ không buộc chồng phải chịu đựng sự có mặt và ảnh hưởng của một đống họ hàng như Kitty. Ngược lại, nàng sẽ là người chịu ơn chồng về mọi mặt, điều xưa nay ông vẫn mong muốn trong đời sống vợ chồng sau này của mình. Và cô thiếu nữ có đầy đủ những đức tính ấy lại đang yêu ông. Dù khiêm tốn đến mức nào, cũng không thể không nhận thấy điều đó. Và ông cũng yêu nàng. Chỉ có lí do phiền phức duy nhất là tuổi ông. Nhưng vốn tạng người khoẻ mạnh, ông chưa hề có đến một sợi tóc bạc và không ai đoán ông đến bốn mươi tuổi; hơn nữa, ông còn nhớ một hôm Varenca có nói chỉ ở nước Nga mới có những người năm mươi tuổi đã tự coi là già, còn ở bên Pháp, một người đàn ông năm mươi tuổi vẫn tự cho là đang tuổi cường tráng (1) và người bốn mươi tuổi thấy mình là một thanh niên(2). Mà tuổi tác có nghĩa lí gì khi ông cảm thấy tâm hồn vẫn trẻ trung như hai mươi năm về trước.

Khi trở lại ven rừng theo con đường khác, trong ánh sáng rực rỡ của những tia nắng xiên khoai, ông nhìn thấy bóng dáng uyển chuyển của Varenca mặc áo vàng, tay cầm lẵng, đang nhẹ nhàng bước qua một thân cây bạch dương già, và khi cảm giác đó hoà lẫn với cảnh cánh đồng lúa kiều mạch vàng hoe tràn ngập ánh mặt trời chênh chếch, đẹp đến mức làm ông sửng sốt, và bên kia cánh đồng thì hoà với cảnh khu rừng già lốm đốm vàng mất hút trong màu xanh lơ xa tít, thì cái cảm giác ông chợt thấy bấy giờ, đó chẳng phải tuổi thanh xuân là gì? Tim ông thắt lại vì sung sướng, một niềm xúc động tràn ngập trong lòng. Ông cảm thấy mình đã quyết định. Varenca vừa mềm mại cúi xuống hái nấm đã đứng lên và quay lại. Xergei Ivanovich bèn vứt điếu xì gà và quả quyết đi về phía cô.

Chú thích:

(1) Dans la force de l’âge (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(2) Un jêun homme (tiếng Pháp trong nguyên bản)

Chọn tập
Bình luận