Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 30

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

“Thế đó! Một lần nữa, mình lại hiểu hết!”, Anna tự nhủ khi xe bắt đầu chạy, khua vang mặt đường lồi lõm dưới bánh xe. Hàng loạt cảm giác nối tiếp nhau trong đầu nàng.

“Mình vừa nghĩ gì ở đoạn cuối nhỉ? – nàng cố nhớ lại. Đến Tiutkin, thợ cắt tóc(1)? Không, không phải. à phải, về cái điều Yasvin nói với mình: đấu tranh sinh tồn và lòng căm ghét, đó là sợi dây duy nhất ràng buộc con người với nhau. Làm gì mà các ngài vội vàng thế, nàng thầm nói với toán người ngồi trong một cỗ xe bốn ngựa, rõ ràng về vui chơi ở nông thôn. Cả đến con chó mang theo cũng không giúp gì được cho các ngài đâu. Các ngài đừng hòng thoát khỏi bản thân mình”. Nàng đưa mắt theo hướng Petr nhìn và thấy một anh thợ say rượu bí tỉ đang lắc lư cái đầu, bị cảnh sát giải đi. “Thế mà lại tốt hơn đấy, nàng nghĩ bụng. Bá tước Vronxki và tôi cũng chưa bao giờ đạt tới niềm lạc thú hằng ao ước đó”. Và lần đầu tiên, Anna đem luồng ánh sáng chói lọi vừa soi cho nàng tỏ tường mọi sự, rọi vào mối quan hệ của nàng với Vronxki, mà trước nay nàng vẫn tránh nghĩ tới. “Chàng muốn tìm gì ở ta? Đâu phải vì yêu mà chỉ để thoả mãn tính hợm hĩnh thôi”. Nàng nhớ lại lời lẽ và cái vẻ giống như con chó ngoan ngoãn của chàng những ngày đầu quen nhau. Giờ đây, mọi chuyện đều chứng minh điều đó.

“Phải, chính là sự đắc thắng của thói hợm hĩnh. Anh ta cũng có yêu mình, nhưng trước hết là hãnh diện vì đã thành công. Anh ta vênh vang vì mình. Bây giờ thì hết rồi. Không còn gì để lên mặt nữa. Trái lại, anh ta còn xấu hổ vì mình là đằng khác. Anh ta đã đoạt của mình tất cả những gì có thể đoạt được, anh ta không cần đến mình nữa. Mình trở thành gánh nặng và anh ta phải cố gắng để khỏi tỏ ra bất lương với mình. Hôm qua, anh ta đã lộ mặt rồi đó: sở dĩ anh ta mong li dị, mong lấy mình làm vợ, cũng chỉ là đâm lao phải theo lao. Anh ta yêu mình nhưng yêu như thế nào kia? Còn đâu là hứng thú nữa (1). Cái gã kia muốn trưng trổ với mọi người và có vẻ tự mãn gớm, nàng thầm nghĩ khi thấy một gã chào hàng, má đỏ ửng đang vắt vẻo ngồi trên một con ngựa đu quay. “Phải, anh ta không tìm thấy hứng thù gì ở mình nữa. Nếu mình đi, chắc trong thâm tâm, anh ta sung sướng lắm”.

Đó không phải là giả thuyết, nàng đã nhìn thấy điều đó rõ ràng trong luồng ánh sáng lúc này đang soi tỏ cho nàng thấy ý nghĩa cuộc đời và những quan hệ giữa con người.

“Tình yêu của ta ngày một thêm say đắm và ích kỉ, còn tình yêu của chàng ngày một tàn lụi, vì thế hai đứa cứ xa dần nhau, nàng nghĩ tiếp. Không có cách gì cứu chữa được nữa. Chàng là tất cả đối với ta, và ta muốn chàng hiến trọn cuộc đời cho ta. Thế mà chàng ngày càng muốn thoát khỏi ta. Trước lúc quen nhau, hai đứa theo cùng một con đường đến với nhau, nhưng từ đó mỗi đứa lại đi một đường riêng không tài nào cưỡng nổi. Điều đó là tất yếu. Chàng bảo mình hay ghen tuông vô lí; chính mình cũng tự trách mình về điều đó; thế nhưng thực ra không phải thế. Mình không ghen, mình chỉ không thoả mãn thôi. Nhưng…” Nàng mở miệng và đổi chỗ ngồi trong xe, tâm hồn xao động bởi một ý nghĩ đột ngột vừa ấp tới: “Nếu mình có thể là gì khác chứ không phải là cô tình nhân khao khát được chàng vuốt ve? Nhưng mình không thể và không muốn là gì khác đối với chàng. Điều mình khao khát ở chàng, lại khiến chàng xa lánh mình, vì thế mình phải nhận lấy nỗi đắng cay và sự thể không cách nào khác được. Chắc chắn chàng không lừa dối phụ bạc mình, chàng chẳng thèm để ý gì đến cô bé Xorokina, chàng không mê Kitty, không bội bạc mình đâu. Mình biết thế, nhưng cũng chẳng vì vậy mà sung sướng thêm chút nào. Nếu chàng chỉ tốt và dịu dàng vì nhiệm vụ mà không yêu mình, thì đó cũng không phải điều mình mong ước. Phải, như thế còn nghìn lần tệ hơn ghét bỏ! Như thế sẽ là… địa ngục! Thế mà hai đứa mình đang đến tình cảnh đó rồi. Từ lâu chàng không yêu mình nữa. Và hết yêu là đến ghét… Mình chưa hề tới đây bao giờ. Phố xá cứ dài mãi, nhà cửa cứ tiếp theo nhà cửa… Và trong các ngôi nhà là những con người… Tất cả, có bao nhiêu người đi nữa, họ cũng đều thù ghét nhau. Nào, thử xác định xem mình ao ước những gì để có hạnh phúc. Thế nào nhỉ? Alecxei Alecxandrovich bằng lòng li dị, trả Xerioja cho mình và mình lấy Vronxki”.

Nghĩ tới Alecxei Alecxandrovich, nàng bỗng hình dung ông ta rõ mồn một như ông đang đứng trước mặt với cặp mắt dịu dàng và đục lờ, bàn tay trắng nổi gân xanh, với cách uốn giọng và thói bẻ khục ngón tay. Nhớ tới tình cảm đã có giữa hai người, cũng được gán cho cái tên ái tình, nàng rùng mình kinh tởm.

“Được; cứ cho là mình được li dị và trở thành vợ Vronxki. Thế rồi sao? Thế rồi Kitty sẽ thôi không nhìn mình như đã nhìn hôm nay chứ? Không đâu. Xerioja sẽ không tự hỏi tại sao mình có những hai chồng chứ? Liệu rồi có thể nảy nở một tình cảm mới giữa Vronxki và mình được không? Liệu mình có thể thấy trước bất cứ một điều gì khác (khoan nói tới hạnh phúc vội) ngoài nỗi dằn vặt đau đớn không? Không và không! Nàng trả lời, lần này không chút ngập ngừng. Không thể được! Chính cuộc đời đã chia rẽ chúng ta: mình gây tai hoạ cho chàng, chàng gây tai hoạ cho mình và cả hai đều không thể tự biến đổi. Chúng ta đã thử hết cách, cái đinh ốc đã vặn chặt rồi… Đây kia, một mụ ăn mày với đứa con. Mụ ta tưởng gợi được lòng thương hại. Nhưng chẳng phải chúng ta đã bị vứt xuống mặt đất này để oán thù nhau, tự làm khổ mình và làm khổ kẻ khác đó sao? Bọn học trò kia; chúng đang chơi đùa. Thế còn Xerioja? Nàng nhớ lại. Mình cứ tưởng yêu nó rồi xúc động vì tình cảm của chính mình. Thế mà mình đã sống không có nó, đã đổi nó lấy tình yêu khác và không hề phàn nàn về sự đổi chác ấy, chừng nào tình yêu ấy còn làm mình thoả mãn”. Và nàng ghê sợ nhớ lại cái mà nàng gọi là “tình yêu ấy”. Luồng ánh sáng giờ đây giúp nàng nhìn thấu rõ đời mình và đời mọi người, làm nàng vui sướng. “Chúng ta ai nấy đều đến bước ấy cả, ta, Petr, gã xà ích Fedor, cả gã lái buôn dưới kia và mọi người đang sống hai bên bờ sông Vonga, nơi những biển quảng cáo kia đang mời đi thăm. Ở đâu và thời nào cũng vậy”, nàng thầm nghĩ vừa lúc tới khu nhà thấp của ga Nijni Novgorot. Phu khuân vác chạy ùa ra đón.

– Có phải lấy vé đến Obiralovca không ạ? – Petr hỏi.

Nàng quên khuấy mình định đi đâu và tại sao phải đi. Nàng phải cố gắng lắm mới hiểu nổi câu hỏi.

– Ừ, – nàng nói và đưa gã cái ví tiền, rồi bước xuống xe, tay cầm cái xắc con màu đỏ.

Trong khi lách qua đám đông đi tới phòng đợi hạng nhất, mọi chi tiết của cảnh ngộ nàng lại hiện lên trong trí nhớ cùng những dự định linh tinh đang khiến nàng do dự không biết chọn đường nào. Hi vọng và tuyệt vọng thay nhau đến khơi sâu vết thương trong trái tim rã rời đau đớn, đang đập mạnh tưởng đến sắp vỡ tung. Nàng ngồi xuống chiếc ghế đệm hình ngôi sao để chờ tàu, chán ngán nhìn kẻ vào người ra: nàng thấy tất cả đều bỉ ổi. Lúc thì nàng tưởng như mình đã tới ga và chuẩn bị trước lá thư sẽ viết cho Vronxki; lúc lại hình dung thấy Vronxki, không hề động lòng trước những đau khổ của nàng, đang phàn nàn với mẹ về nàng: nàng bèn chuẩn bị những lời sẽ nói với chàng khi bước vào phòng khách. Hoặc giả nàng lại nghĩ rằng đời mình vẫn còn có thể hạnh phúc, rằng thật khổ tâm biết bao khi phải vừa yêu vừa ghét chàng, và tiếng tim đập bỗng khiến nàng phát sợ.

Chú thích:

(1) Coiffeur (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(2) The zest is gone (tiếng Anh trong nguyên bản). Bản Pháp văn của Sylvie Luneau, cũng như một số bản dịch Pháp văn khác mà chúng tôi có dịp tham khảo, in nhầm chữ zest thành rest (nghĩa là nghỉ ngơi). Do đó, lần xuất bản trước, chúng tôi cũng bị lầm lẫn, câu văn trở nên lạc lõng. Lần này, chúng tôi chỉnh lại theo nguyên bản

Chọn tập
Bình luận