Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 12

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Sau khi tiễn khách về, Anna không ngồi nghỉ mà cứ đi đi lại lại khắp phòng. Suốt buổi tối, nàng đã cố hết sức để gợi tình Levin, mặc dầu chỉ làm một cách vô ý thức (ít lâu nay, nàng vẫn xử sự như vậy với mọi chàng trai trẻ). Tuy biết mình đã đạt mục đích vì điều đó rất có thể xảy ra với một người đàn ông trung thực có vợ và chỉ trong vòng một buổi tối thôi, và tuy rất mến Levin (về phương diện nam tính, Levin và Vronxki căn bản khác nhau, nhưng với bản năng phụ nữ, nàng nhìn thấy ở hai người những điểm tương đồng khiến người ta có thể hiểu tại sao Kitty mê cả hai), nhưng khi Levin đi khỏi, nàng liền thôi không nghĩ đến chàng nữa.

Vẫn chỉ có một ý nghĩ duy nhất giày vò nàng không dứt, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. “Nếu mình gây được tác động như vậy với người khác, với anh chàng có vợ và si tình đó, thì tại sao chàng vẫn lạnh lùng với mình nhỉ… Với lại đâu phải chàng lạnh lùng, chàng yêu mình, mình biết thế. Nhưng bây giờ có một cái gì mới đang ngăn cách hai đứa. Tại sao chàng vắng mặt cả buổi tối? Chàng nhờ Xtiva nói hộ là chàng không thể bỏ mặc Yasvin và phải giám sát anh ta đánh bạc. Yasvin là con nít à? Cứ cho là như thế. Chàng không bao giờ nói dối mà. Ở đây, còn có chuyện khác nữa.

Chàng bằng lòng là được dịp này để tỏ cho mình biết chàng còn có nhiều nhiệm vụ khác. Mình biết lắm, mình đồng ý như vậy, cần gì phải tỏ ra như thế với mình. Chàng muốn chứng tỏ với mình rằng tình yêu không được làm trở ngại đến tự do. Nhưng mình cần gì bằng chứng, mình chỉ cần tình yêu. Chàng cần phải hiểu rằng cuộc sống này ở Moskva nặng nề biết bao đối với mình. Có thực ta đang sống không? Ta không sống, ta đang chờ một kết thúc mãi không tới. Mãi chẳng có trả lời gì cả! Xtiva nói là anh ấy không thể đến đằng nhà Alecxei Alecxandrovich. Và ta, ta cũng không thể viết thư thêm lần nữa cho lão ta. Ta không thể làm gì, không thể tiến hành được việc gì, không thay đổi được gì hết: ta tự kiềm chế, ta chỉ đợi, bày trò tiêu khiển: cái gia đình người Anh này, viết sách, đọc sách, tất cả chỉ đánh lừa mình, có khác chi một thứ thuốc mooc phin. Đáng lẽ chàng phải biết thương ta chứ”, nàng nghĩ thầm và trào lên những giọt nước mắt thương thân xót phận. Nàng nghe thấy tiếng chuông đột ngột của Vronxki và vội lau nước mắt; không những lau khô nước mắt, nàng còn ra ngồi trước đèn và mở sách ra, làm ra vẻ bình tĩnh. Phải tỏ ra mình không bằng lòng vì chàng không về đúng hẹn, nhưng chỉ thế thôi, chứ không thể để cho chàng thấy mình đau khổ và nhất là đừng thương thân tủi phận. Nàng có thể tự thương hại, nhưng không thể để chàng thương hại mình được. Nàng không muốn gây lộn, nàng hay trách chàng cứ muốn gây lộn nhưng bất giác nàng đang tự đặt mình vào tư thế gây lộn.

– Em không buồn chứ? – chàng lại gần, giọng vui vẻ hoạt bát. Cờ bạc là thói ham mê đáng sợ thật!

– Không đâu, đã từ lâu em quen không buồn nữa. Anh Xtiva và Levin có đến thăm em.

– Ừ, họ muốn đến thăm em. Em có ưa Levin không? – chàng nói và ngồi xuống cạnh nàng.

– Rất ưa. Họ vừa mới đi thôi, không lâu. Yasvin đã làm gì vậy?

– Hắn ta đã được mười bảy ngàn rúp. Anh bảo hắn về thôi. Hắn toan đi nhưng lại lộn lại và thua tiếp.

– Vậy thì, anh ở lại để làm gì? – nàng hỏi và bất thần ngước mắt lên nhìn chàng. Mặt nàng lạnh lùng và hằn học. – Anh nói với Xtiva là anh ở lại để kéo Yasvin đi. Và anh lại bỏ anh ấy ở lại đấy.

Cũng vẻ lạnh lùng quyết tâm nghênh chiến ấy lộ rõ trên khuôn mặt Vronxki.

– Trước hết, anh không nhờ anh ấy nói gì với em hết; sau nữa, anh không bao giờ nói dối ai. Và nhất là… anh ở lại vì anh muốn ở lại, – chàng cau mày nói. – Anna, tại sao, tại sao vậy? – chàng nói sau một phút im lặng, cúi xuống và mở bàn tay ra, hi vọng nàng sẽ đặt tay vào đó.

Nàng sung sướng vì lời kêu gọi ái ân này. Nhưng một sức mạnh kì lạ và hung ác đã ngăn không cho nàng tự buông trôi theo phút bồng bột đầu tiên đó, tựa hồ những điều kiện của cuộc xung đột không cho phép nàng khuất phục.

– Tất nhiên anh ở lại vì anh muốn ở lại. Anh cứ làm tất cả những gì anh muốn. Nhưng sao anh lại nói với em như thế? Tại sao? – nàng nói và càng nổi nóng. – Có ai phủ nhận quyền của anh? Nhưng anh cứ muốn là mình phải kia. ừ, thì anh phải.

Bàn tay Vronxki bèn nắm lại. Chàng quay đi, mặt càng lộ vẻ bướng bỉnh hơn.

– Với anh, đó chỉ là vấn đề cố chấp thôi, – nàng nói và riết róng nhìn chàng. Thốt nhiên, nàng tìm ra tiếng gọi đích danh cái vẻ mặt làm nàng tức tối: cố chấp.

– Với anh, vấn đề chỉ là muốn biết xem anh có thắng em không, còn với em… – Một lần nữa, nàng lại thấy nhói lên nỗi thương thân vô hạn và suýt oà khóc. – Nếu anh biết đối với em cái đó là thế nào! Khi em cảm thấy, như trong phút này, là anh đối xử với em như với kẻ thù, phải, như kẻ thù, nếu anh biết được cái đó nghĩa là thế nào đối với em! Những phút như thế này, em thấy em gần kề một bất hạnh, em sợ lắm, em sợ lắm! Và nàng quay mặt đi giấu những tiếng nức nở.

– Nhưng em nói gì vậy? – chàng nói, hoảng sợ vì vẻ tuyệt vọng đó. Chàng lại cúi xuống lần nữa, cầm lấy tay nàng hôn. – Tại sao vậy? Nào phải anh đã đi tìm những thú vui riêng bên ngoài gia đình? Nào phải anh không lẩn tránh việc gần gũi phụ nữ?

– Chỉ còn thiếu có mỗi nước ấy nữa thôi, – nàng nói.

– Nếu vậy, em hãy nói cho anh biết anh cần làm gì để em yên lòng. Anh sẵn sàng làm mọi việc để em sung sướng, – chàng nói, xúc động vì nỗi tuyệt vọng của nàng. – Anh sẽ chẳng quản ngại gì để tránh cho em cả đến điều buồn phiền nhỏ nhất như trong lúc này. Anna! – chàng nói.

– Không sao, không sao hết! – nàng nói tiếp. – Chính em cũng không hiểu cái gì đã chi phối em: sự cô đơn, thần kinh… Thôi không nói tới cái đó nữa. Thế còn cuộc đua ngựa ra sao? Anh chưa nói cho em nghe, – nàng hỏi và cố giấu vẻ đắc thắng, vì chính nàng đã thắng.

Chàng sai dọn ăn đêm và kể tỉ mỉ cho nàng nghe về cuộc đua: nhưng qua giọng nói và cái nhìn mỗi lúc một lạnh lùng hơn, nàng biết chàng vẫn hậm hực với thắng lợi của nàng, và vẻ cố chấp mà nàng đã đấu tranh, lại thống ngự chàng một lần nữa. Chàng lạnh lùng hơn trước, như thể hối hận vì đã khuất phục. Về phần nàng, khi nhớ lại những lời đã đem lại thắng lợi: “Em đang ở kề bên một bất hạnh khủng khiếp, em sợ lắm”, nàng hiểu đó là một vũ khí nguy hiểm và không nên dùng lần thứ hai nữa. Nàng cảm thấy bên cạnh mối tình gắn bó hai người, còn xuất hiện một ý thức đấu tranh ác độc không sao xua được ra khỏi trái tim Vronxki, lẫn trái tim nàng.

Chọn tập
Bình luận