Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 23

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Muốn tiến hành việc gì trong gia đình, cần phải có hoặc sự bất hoà hoàn toàn hoặc sự ý hiệp tâm đồng thắm thiết giữa hai vợ chồng. Nhưng nếu không phải thế này cũng chẳng phải thế kia và quan hệ vợ chồng vẫn mập mờ, thì không thể nuôi dự định nào hết.

Nhiều gia đình cứ phải ở lại hàng năm tại một nơi đã trở nên ghê tởm đối với cả hai vợ chồng chỉ vì quan hệ của họ không hoàn toàn mẫu thuẫn mà cũng chẳng thuận hoà.

Cuộc sống trong nóng bức và bụi bặm ở Moskva quả là không chịu nổi đối với cả Vronxki lẫn Anna. Nắng thiêu đốt như vào hè, mặc dầu còn đang xuân và cây cối ở các phố lớn từ lâu đã xum xuê lá và lá đã phủ đầy bụi; nhưng đáng lẽ đi Vozđvijenxcoie như đã quyết định, họ vẫn ở lại cái thành phố đã trở nên tởm lợm đối với cả hai, vì sự bất hoà đã len vào giữa họ.

Nỗi bực dọc khiến họ đối lập với nhau, nhìn bề ngoài chẳng có duyên cớ gì và tất cả những lần thử phân giải không những chẳng xua tan mà còn khiến nó thêm trầm trọng. Đó là một nỗi bực dọc nội tâm, ở phía nàng thì xuất phát từ chỗ Vronxki trở nên lạnh nhạt, ở phía chàng thì do hối tiếc vì Anna mà lâm vào một tình cảnh khổ tâm mà đáng lẽ cần làm nhẹ bớt thì nàng lại chỉ làm nặng nề thêm. Cả hai đều không bộc lộ nguyên nhân hờn giận của mình, nhưng mỗi người đều thấy người kia bất công và hễ gặp dịp là cố gắng chứng minh như vậy.

Theo ý Anna thì Vronxki, với những thói quen, ý nghĩ, khát vọng, xu hướng vật chất và tinh thần, vốn sinh ra chỉ để yêu đương và tình yêu đó phải tập trung hoàn toàn vào một mình nàng thôi. Tình yêu đó không còn mãnh liệt như trước: Vậy là nó đã chuyển một phần nào sang một hoặc nhiều phụ nữ khác… và vì thế, nàng đâm ghen với sự giảm sút trong tình yêu của chàng. Vì mối ghen mơ hồ nên Anna kiếm cho nó một đối tượng. Cứ thấy bất cứ lời bóng gió xa xôi nào là nàng lại chuyển lòng ghen từ đối tượng này sang đối tượng khác. Khi nàng ghen với những ả tầm thường mà với tư cách trai chưa vợ, chàng có thể tiếp xúc rất dễ dàng; khi nàng ghen với những bà quyền quý chàng có thể gặp trên bước đường hoạn lộ; khi nàng lại ghen với một cô gái tưởng tượng mà chàng định cưới sau khi cắt đứt với nàng. Và chính hình thức ghen cuối cùng này giày vò nàng hơn hết, vì trong một phút tâm sự, chàng đã dại dột phàn nàn là mẹ chàng chẳng hiểu gì chàng, chả thế mà lại đi dỗ chàng lấy tiểu thư Xorokina.

Bị nỗi ghen giày vò, Anna giận chàng và lúc nào cũng kiếm cớ để tức giận. Nàng trút lên đầu chàng tất cả trách nhiệm về hoàn cảnh đau đớn của nàng. Sự chờ đợi đau lòng ở Moskva, lẻ loi tứ cố vô thân, sự lần khân và do dự của Alecxei Alecxandrovich, cảnh cô đơn, nàng đổ tại chàng tất cả. Nếu yêu nàng, chàng phải hiểu tình cảnh nàng thật đau xót nhường nào và phải giúp nàng thoát ra chứ! Sở dĩ nàng phải ở Moskva mà không ở nông thôn, đó cũng là lỗi tại chàng. Chàng không thể ở hẳn nông thôn như nàng mong muốn. Chàng không thể thiếu cảnh tụ tập đàn đúm cho nên đã đặt nàng vào hoàn cảnh khủng khiếp này mà không chịu hiểu ra. Cuối cùng, nếu nàng phải xa con mãi mãi, cũng lỗi tại chàng nốt.

Ngay cả những phút đằm thắm hiếm hoi trở lại với họ cũng không làm lòng nàng dịu bớt; trong âu yếm, bây giờ nàng khám phá ra một vẻ thản nhiên, tự tin, trước kia chưa từng thấy ở chàng khiến nàng khó chịu.

Chiều xuống, Anna vò võ một mình đợi chàng từ một cuộc chiêu đãi thanh niên về. Anna đi bách bộ trong buồng giấy Vronxki (đó là gian phòng ít nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phố nhất) và ôn lại mọi chi tiết cuộc cãi lộn hôm trước. Đi ngược từ những lời nói nặng với nhau trở lại ngọn nguồn, nàng nhớ ra đoạn đầu câu chuyện. Hồi lâu, nàng không thể ngờ cuộc cãi nhau lại xuất phát từ một chuyện vô hại và vô thưởng vô phạt đến thế. Tuy nhiên, đúng là như thế. Chàng mỉa mai những trường nữ trung học, coi đó là vô bổ, nàng lên tiếng bênh vực. Vốn xem thường công việc giáo dục phụ nữ, chàng bèn bảo Hanna, con bé người Anh được Anna đỡ đầu, chẳng cần học vật lý làm gì.

Điều đó làm Anna bực mình. Nàng thấy trong đó có hàm ý coi khinh công việc của mình. Nàng nghĩ ra một câu trả miếng và nói luôn.

– Thật tình em không mong gì anh thông cảm, nhưng ít ra cũng hi vọng anh tế nhị hơn, – nàng nói.

Chàng chạnh lòng đỏ mặt lên và thốt ra một câu khó nghe. Nàng không nhớ mình đã đáp lại thế nào, nhưng sau đó chàng bảo, rõ ràng với dụng ý xúc phạm nàng:

– Thật đấy, việc cô mê con bé ấy làm tôi khó chịu. Tôi thấy đó chỉ là giả tạo.

Việc chàng phũ phàng phá vỡ cái thế giới nàng đã tốn bao công phu xây dựng nên quanh mình để chịu đựng cuộc sống, sự bất công khi mắng nàng là giả dối, khiến nàng nổi giận.

– Tôi rất tiếc anh chỉ hiểu được những vấn đề thô tục và vật chất thôi, – nàng nói và rời khỏi phòng.

Buổi tối, khi chàng đến buồng nàng, họ không nhắc đến chuyện đó, nhưng cả hai đều cảm thấy xung đột vẫn chưa qua, tuy đã dịu đi.

Suốt ngày hôm nay, chàng đi vắng, và nàng cảm thấy cô đơn, buồn khổ về cảnh bất hoà đến nỗi nàng ao ước quên hết, tha thứ hết và làm lành với chàng. Nàng muốn nhận lỗi hết và tìm cớ bào chữa cho Vronxki.

“Đó là lỗi tại mình. Mình dễ cáu, ghen tuông vô lý… Chúng mình sẽ dàn hoà rồi về nông thôn; ở đó mình sẽ thanh thản hơn”, nàng tự nhủ.

“Giả tạo?” Nàng nhắc lại, đột nhiên nhớ tới câu nói ấy và nhất là cái dụng ý xỉ vả thoáng lộ ra trong đó.

“Mình biết anh ta định nói gì rồi. Anh ta muốn nói: yêu con người khác trong khi chính con gái mình lại không yêu, đó là điều không hợp lẽ tự nhiên. Nhưng liệu anh ta hiểu gì về tình thương yêu đối với trẻ thơ, về lòng mình yêu thương Xerioja mà mình đã phải hi sinh vì anh ta? Anh ta nói thế là để lăng nhục mình! Phải, anh ta đã yêu người khác rồi, chắc chắn thế”.

Và, nhận thấy đáng lẽ cần bình tâm thì một lần nữa nàng lại giam mình vào cái vòng luẩn quẩn đã trải qua bao lần và trở về trạng thái bực dọc ban đầu, nàng đâm sợ chính mình. Phải chăng là vô kế khả thi? Liệu có thể nhận lỗi về mình được không? Nàng tự hỏi và lại tiếp tục tất cả từ đầu. Chàng thẳng thắn, trung thực, chàng yêu mình. Mình yêu chàng. Nay mai, việc li hôn có thể được tuyên bố. Vậy mình còn cần gì hơn nữa? Hãy bình tĩnh, hãy tin tưởng. Mình sẽ nhận hết lỗi về mình. Khi chàng về, mình sẽ bảo là mình có lỗi (tuy không đúng như thế) và ta sẽ đi khỏi đây”.

Và muốn tránh suy nghĩ để khỏi phải bất bình lần nữa; nàng giật chuông sai mang hòm xiểng tới.

Vronxki về đến nhà vào khoảng mười giờ.

Chọn tập
Bình luận