Xtepan Arcaditr bước vào căn phòng Alecxei Alecxandrovitr với bộ mặt hơi trang trọng thường có khi ngồi vào ghế chánh án ở toà án.
Alecxei Alecxandrovitr chắp tay sau lưng, đang đi lại trong phòng và nghĩ đến chính điều vừa đây là đầu đề câu chuyện giữa hai anh em Oblonxki.
– Tôi không làm phiền chú chứ? – Xtepan Arcaditr nói; vừa trông thấy em rể, đột nhiên ông đâm bối rối khác thường. Để che đậy sự lúng túng, ông móc túi lấy cái hộp đựng thuốc lá có kiểu nắp đặc biệt vừa mới mua và sau khi ngửi mùi, rút một điếu.
– Không. Anh cần việc gì chăng? – Xtepan Arcaditr miễn cưỡng trả lời.
– Phải, tôi muốn… tôi cần… tôi cần nói chuyện với chú, – Xtepan Arcaditr nói và ngạc nhiên thấy mình đâm rụt rè, một điều chưa từng xẩy đến với ông.
Cảm giác đó thật đột ngột và kỳ lạ đến nỗi Xtepan Arcaditr không nhận ra đó là tiếng nói lương tâm báo cho biết điều ông định làm là xấu xa. Xtepan Arcaditr gắng tự chủ và dẹp được nỗi rụt rè.
– Tôi mong chú không nghi ngờ gì về lòng tôi yêu mến em gái cũng như lòng ái mộ chân thành và trân trọng của tôi đối với chú, – ông đỏ mặt nói.
Alecxei Alecxandrovitr dừng lại và không trả lời, nhưng cái vẻ mặt nạn nhân cam phận của ông khiến Xtepan Arcaditr ngạc nhiên.
– Tôi muốn nói với chú về chuyện em gái tôi và về hoàn cảnh cả hai vợ chồng chú, – Xtepan Arcaditr nói, vẫn chưa lấy lại được tự tin.
Alecxei Alecxandrovitr mỉm cười rầu rĩ, nhìn anh vợ, và không trả lời, đến gần bàn giấy cầm bức thư mới bắt đầu viết và chìa cho Xtepan Arcaditr xem.
– Không lúc nào tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Đây là những điều tôi mới bắt đầu viết vì tôi nghĩ có thể phát biểu đầy đủ hơn trong thư và sự có mặt của mình chỉ làm cô ta bực dọc, – ông nói với anh vợ.
Xtepan Arcaditr cầm bức thư, vừa ngạc nhiên vừa bối rối nhìn đôi mắt ủ ê đang đăm đăm dán vào ông và bắt đầu đọc.
“Tôi thấy rõ sự có mặt của tôi làm cô khổ sở. Mặc dầu cái điều xác thực đó làm tôi rất đau đớn, tôi vẫn thấy quả đúng là như vậy và không thể khác được. Tôi không kết tội cô và lạy Chúa chứng giám, sau khi nhìn thấy cô trong cơn đau đớn, thâm tâm tôi đã quyết định quên hết những điều đã xảy ra giữa chúng ta và bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi không hối tiếc và sẽ không bao giờ hối tiếc việc đã làm; tôi đã muốn điều hay cho cô, cho tâm hồn cô, và bây giờ tôi thấy không đạt kết quả. Cô hãy tự mình nói cho tôi biết cái gì có thể đem lại hạnh phúc thật sự và thanh thản tâm hồn cho cô. Tôi tin ở ý chí và tinh thần công bằng của cô”.
Xtepan Arcaditr trả lại bức thư cho Carenin và tiếp tục nhìn ông ta vẫn với vẻ bối rối lúc đầu, không biết nói gì. Im lặng đè lên cả hai người nặng nề đến nỗi đôi môi Xtepan Arcaditr bỗng run lên bần bật, trong khi ông vẫn lặng thinh không rời mắt khỏi bộ mặt Carenin.
– Đó là những điều tôi muốn nói với cô ta, – Alecxei Alecxandrovitr nói, mặt ngoảnh đi.
– Phải, phải… – Xtepan Arcaditr nói; ông không đủ sức trả lời, trong khi nước mắt dâng lên chẹn lấy cổ họng. – Phải, phải… tôi hiểu chú, – cuối cùng ông lắp bắp nói.
– Tôi muốn biết cô ta muốn gì, – Alecxei Alecxandrovitr nói.
– Tôi e chính cô ấy cũng không hiểu nổi hoàn cảnh mình. Cô ấy không biết nhận định thế nào, – Xtepan Arcaditr trấn tĩnh lại và nói.
– Cô ấy bị ngợp, chìm ngợp thật sự vì lòng cao thượng của chú. Nếu được đọc bức thư này, cô ấy sẽ không đủ sức nói gì hết và chỉ còn biết rạp đầu xuống thấp hơn nữa mà thôi.
– Phải, nhưng trong trường hợp này, biết làm thế nào? … Phân tỏ thế nào… làm sao biết được cô ta muốn gì?
– Nếu chú cho phép tôi bày tỏ ý kiến thì tôi nghĩ chỉ có chú mới có quyền vạch ra những biện pháp mà chú thấy cần thiết để chấm dứt tình trạng này.
– Như thế là anh cho rằng cần phải chấm dứt à? – Alecxei Alecxandrovitr ngắt lời. – Nhưng chấm dứt thế nào? – ông nói thêm, tay khua khua trước mặt một cách khác thường; – tôi chẳng thấy có lối thoát nào cả.
– Mọi hoàn cảnh đều có lối thoát, – Xtepan Arcaditr nói, đồng thời đứng dậy và hoạt bát hẳn lên. – Đã có thời kỳ chú định ly dị… Nếu bây giờ chú chắc chắn rằng vợ chồng chú không thể đem lại hạnh phúc cho nhau.
– Hạnh phúc có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cứ cho rằng tôi chấp nhận tất cả, tôi không yêu cầu gì hết. Anh thấy có lối thoát nào cho hoàn cảnh chúng tôi?
– Chú có muốn nghe ý kiến tôi không? – Xtepan Arcaditr nói, vẫn với nụ cười ngọt ngào xoa dịu ông đã dùng để nói chuyện với Anna.
Nụ cười hồn hậu ấy có sức thuyết phục đến nỗi Alecxei Alecxandrovitr bất giác ý thức được chỗ yếu của mình và đành nhượng bộ, sẵn sàng tin những điều Xtepan Arcaditr sắp nói. – Cô ấy sẽ chẳng bao giờ bộc bạch nỗi lòng ra đâu. Nhưng có lẽ điều cô ấy mong muốn, là cắt đứt quan hệ với chú và quên mọi kỷ niệm dính líu đến quan hệ đó. Theo tôi, cần lập quan hệ mới giữa cô chú. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách trả lại tự do cho cả đôi bên.
– Ly dị… – Alecxei Alecxandrovitr nói, vẻ kinh tởm.
– Phải, tôi nghĩ rằng ly dị… đúng thế đấy, ly dị, – Xtepan Arcaditr đỏ mặt nhắc lại. Đó là giải pháp tốt nhất về mọi phương diện đối với mọi cặp vợ chồng ở vào hoàn cảnh như cô chú. Biết làm thế nào, khi mà vợ chồng đã nhận thấy không thể sống chung được nữa? Chuyện đó xảy ra là thường.
Alecxei Alecxandrovitr thở dài đánh thượt và nhắm mắt lại.
– ở đây, chỉ có một điều cần xét kỹ: một trong hai vợ chồng có muốn tái giá không? Nếu không, thì rất giản đơn, – Xtepan Arcaditr nói, mỗi lúc một bớt lúng túng.
Alecxei Alecxandrovitr, nét mặt nhăn nhúm vì xúc động, lẩm bẩm một mình và không trả lời gì cả. Tất cả những điều Xtepan Arcaditr thấy đơn giản đến thế, ông đều suy nghĩ hàng ngàn lần rồi. Và tất cả, đối với ông, chẳng những không đơn giản đến thế, mà còn hoàn toàn không thể thực hiện. Giờ đây, khi đã biết những điều kiện ly hôn, ông thấy không thể chấp nhận được việc đó, vì ý thức phẩm cách của bản thân và lòng sùng đạo không cho phép ông viện ra một chuyện ngoại tình giả định và nhất là thừa nhận để người vợ mà ông yêu và đã tha thứ, cam chịu cái nhục bị bắt quả tang. Sau rốt, ông gạt bỏ chuyện ly dị vì những cớ khác còn quan trọng hơn nữa.
Con trai ông sẽ ra sao? Không thể tính chuyện để nó ở với mẹ được. Một khi đã ly dị, nàng sẽ có một gia đình bất hợp pháp, trong đó địa vị thằng bé sẽ mong manh và việc giáo dục nó rất có thể sẽ hỏng bét. Giữ nó lại ư? Ông biết về phía ông như vậy là báo thù và ông không muốn làm thế. Nhưng ngoài những cái đó ra, sở dĩ Alecxei Alecxandrovitr không thể ly dị được, trước nhất vì nếu ưng thuận như vậy, chính là ông tán thành đẩy Anna đến chỗ chết. Ông vẫn khắc sâu trong lòng lập luận của Daria Alecxandrovna: khi đặt vấn đề ly dị, ông chỉ nghĩ đến mình chứ không nghĩ là làm thế sẽ đưa Anna đến chỗ chết. Giờ đây, theo cách nhìn của mình, ông hiểu lời nói đó cùng việc tha thứ cho vợ, tình cảm quyến luyến với hai đứa trẻ chỉ là một.
Ông nghĩ, đồng ý ly dị, trả lại tự do cho Anna, tức là tước bỏ mối dây liên lạc cuối cùng gắn bó ông với cuộc đời: những đứa trẻ ông yêu, tức là tước bỏ của Anna mất chỗ bấu víu cuối cùng trên con đường thiện và đẩy nàng đến chỗ chết. Một khi ly dị, nàng sẽ ăn ở với Vronxki và mối liên hệ đó sẽ vẫn là trọng tội và bất hợp pháp bởi vì, theo luật của Giáo hội, một người đàn bà không thể kết hôn chừng nào chồng còn sống. Cô ta sẽ lấy Vronxki và trong vòng một hai năm, hoặc hắn sẽ bỏ cô ta, hoặc cô ta lại dan díu với người khác, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm. Nếu đồng ý ly dị, mình sẽ chịu trách nhiệm về sự sa đoạ của cô ta. Ông đã suy nghĩ về mọi điều đó hàng trăm lần và tin chắc việc ly dị chẳng những không giản đơn như anh vợ mình nói mà thậm chí còn không thể chấp nhận được. Cho nên, ông không tin một lời nào của Xtepan Arcaditr, ông có hàng ngàn lý lẽ để bác bỏ mỗi câu nói đó, nhưng ông vẫn lắng nghe và cảm thấy cái sức mạnh thô bạo và mãnh liệt chi phối đời ông buộc ông phải phục tùng, nó đang lên tiếng qua miệng anh vợ.
– Vấn đề duy nhất là cần biết chú bằng lòng ly dị với điều kiện như thế nào. Cô ấy không mong muốn gì hết, không dám yêu cầu gì hết và hoàn toàn tin ở lòng độ lượng của chú.
“Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Tại sao lại có các thứ chuyện như thế này?”, Alecxei Alecxandrovitr tự hỏi, tưởng tượng đến những chi tiết của một chuyện ngoại định giả định trong đó người chồng nhận lỗi về phần mình, và với cử chỉ giống như Vronxki bữa nọ, ông đưa tay lên che mặt.
– Chú bị xúc động. Tôi hiểu, nhưng nếu chú suy nghĩ…
“Hãy chìa mà trái cho kẻ nào tát vào má phải của anh và hãy đưa nốt sơ mi cho kẻ lấy áo choàng của anh”, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm.
– Phải, phải! – ông kêu lên, giọng the thé, – tôi xin nhận lấy phần nhục nhã, thậm chí tôi xin từ bỏ con trai tôi, anh muốn làm thế nào tuỳ ý.
Và, quay đi phía khác để anh vợ không nhìn thấy mặt mình, ông ngồi xuống một chiếc ghế tựa cạnh cửa sổ. Ông xót xa, tủi hổ, nhưng nỗi xót xa, tủi hổ đó lại pha lẫn niềm vui và xúc động trước tầm cao cả của thái độ cam chịu ông đã chọn.
Xtepan Arcaditr cảm động. Ông nín lặng.
– Alecxei Alecxandrovitr, chú hãy tin ở tôi, cô ấy sẽ đánh giá đúng tâm hồn cao thượng của chú, – ông nói. – Có lẽ đó là ý Chúa, – ông nói thêm; nói rồi, ông mới thấy thế là ngớ ngẩn và phải cố gắng lắm mới nhịn được cười về sự ngờ nghệch của mình.
Alecxei Alecxandrovitr định trả lời, nhưng nước mắt làm ông nghẹn ngào không nói được.
– Nỗi bất hạnh này là thiên mệnh, đành phải chịu vậy thôi. Tôi coi bất hạnh này như một việc đã rồi, và cố gắng giúp đỡ cả hai cô chú, – Xtepan Arcaditr nói.
Khi Xtepan Arcaditr ra khỏi phòng giấy em rể, ông thấy động lòng thương hai, nhưng mặc dầu thế vẫn lấy làm mãn nguyện đã hoàn thành tốt đẹp công việc vì ông tin chắc Alecxei Alecxandrovitr sẽ giữ lời. Cộng với cảm giác thoả mãn ấy còn có thêm cái ý về một trò chơi chữ ông định đem đố vợ và các bạn thân: “Một đại nguyên soái khác với tôi ở điểm nào? Hay nói cho đúng: Một đại nguyên soái giống tôi ở điểm nào? Mình phải nghĩ cho ra câu này mới được”, ông mỉm cười tự nhủ.