Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 4 – Chương 1

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Hai vợ chồng Carenin tiếp tục sống chung một nhà, ngày nào cũng gặp nhau, nhưng vẫn hoàn toàn xa lạ. Alecxei Alecxandrovitr tự đề ra bổn phận hàng ngày phải thăm nom Anna để đầy tớ không thể đặt điều dị nghị, nhưng ông tránh không ăn ở nhà. Vronxki không bao giờ tới nhà Carenin, nhưng Anna vẫn gặp chàng ở ngoài, và chồng nàng cũng biết thế.

Hoàn cảnh thật đau khổ và hẳn không ai trong bọn họ đủ sức chịu đựng lấy một ngày nếu không hy vọng rằng sự tình sẽ đổi khác và đây chỉ là khó khăn tạm thời rồi sẽ mất đi thôi. Alecxei Alecxandrovitr hy vọng mối tình này sẽ chấm dứt như mọi chuyện khác, mọi người sẽ quên đi và danh dự ông lại nguyên vẹn. Anna là người gây ra cơ sự và chịu đau khổ hơn ai hết, thì vẫn cam chịu và tin chắc tất cả chuyện này một ngày kia sẽ được giải quyết đâu vào đấy.

Nàng hoàn toàn không biết giải pháp đó ra sao, nhưng tin chắc giờ đây nó sẽ đến rất nhanh. Vronxki, bất giác chịu ảnh hưởng nàng, cũng đang chờ một cái gì ngoài ý muốn đến lật nhào mọi trở ngại.

Vào giữa mùa đông, Vronxki trải qua một tuần lễ buồn phát ngấy.

Người ta giao cho chàng nhiệm vụ đi theo một hoàng thân nước ngoài mới đến, và giới thiệu cho ông ta xem những danh thắng ở Peterburg.

Vronxki vốn có dáng dấp đường bệ; hơn nữa, chàng có tài tạo cho mình một phong thái trịnh trọng và kính cẩn, lại quen giao dịch với giới thượng lưu; cho nên chàng phải đảm đương cái chức trách đó.

Nhưng chàng thấy công việc đó thật rất khổ. Vị hoàng thân vừa muốn trả lời được tất cả những câu hỏi có thể gặp phải khi về nước, lại vừa muốn hưởng mọi thú vui Nga càng nhiều càng tốt: cho nên Vronxki buộc phải dẫn ông ta đi chơi khắp nơi. Buổi sáng, họ đi thăm các danh thắng; tối đến, tham dự những cuộc vui dân tộc. Vị hoàng thân có một sức khỏe phi thường kể cả đối với một hoàng thân; do tập thể dục và chăm nom thân thể cẩn thận, ông ta dư sức đến nỗi mặc dầu thả cửa chơi bời trong các cuộc vui, ông vẫn tươi tỉnh như quả dưa Hà Lan lớn, xanh tươi và bóng bẩy. Ông đã đi du lịch rất nhiều và thấy một trong những cái lợi chủ yếu của các phương tiện giao thông tối tân là tạo điều kiện cho ta tham gia các thú vui của nhiều nước khác nhau. ở Tây Ban Nha, ông đã biểu diễn những bản nhạc chiều và bắt chim một cô gái Tây Ban Nha chơi măng đô lin. ở Thụy Sĩ, ông giết được một con nai. Sang Anh, ông mặc quần áo đỏ nhảy qua rào và đánh cuộc bắn được hai trăm con trĩ. Sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông thâm nhập vào một khuê phòng, sang Ân Độ, ông cưỡi voi và giờ đây, tại Nga, ông muốn nếm mọi thú vui đặc biệt của nước Nga.

Vronxki phải đóng vai na ná như chủ lễ tân bên cạnh ông ta, chàng khó khăn lắm mới đưa nổi vào chương trình mọi thú tiêu khiển mà các ngài tai to mặt lớn muốn thết hoàng thân. Nào đua ngựa, nào bánh tráng dày, nào săn gấu, đua xe tam mã, dàn nhạc Digan, nào những cuộc chè chén có đập phá bát đĩa. Hoàng thân thấm nhuần tinh thần dân tộc Nga dễ dàng lạ lùng, đập vỡ hàng mâm đầy bát đĩa, bế một cô Digan ngồi vào lòng và có vẻ như muốn hỏi thế đã đủ chưa hay là tinh thần dân tộc Nga chỉ bó tròn trong mấy cách biểu hiện này thôi.

Thực ra, những thứ làm ông ta say mê nhất là mấy cô đào Pháp, một vũ nữ trong đội múa ba lê và rượu sâm banh nhãn hiệu trắng.

Vronxki vốn quen tiếp xúc với những vị hoàng thân; nhưng không biết vì bản thân chàng đã thay đổi hồi gần đây hay vì phải sống gần gũi thân mật quá nhiều với vị này mà chàng thấy tuần lễ này thật nặng nề kinh khủng. Lúc nào chàng cũng có cảm giác như phải canh gác một thằng điên nguy hiểm, vừa sợ nó vừa kinh hãi cho lý trí minh mẫn của chính mình trong khi gần nó. Lúc nào Vronxki cũng thấy cần giữ giọng lễ độ trịnh trọng để khỏi bị xúc phạm. Vị hoàng thân đối xử kiêu kỳ cả với những người cố hết sức giới thiệu cho ông hưởng thụ những thú vui Nga, khiến Vronxki phải ngạc nhiên. Những ý kiến ông đánh giá phụ nữ Nga, mà ông muốn nghiên cứu, nhiều lần làm Vronxki đỏ mặt bất bình. Nhưng sở dĩ vị hoàng thân là gánh nặng đối với Vronxki, trước hết vì mỗi khi nhìn ông ta, chàng lại như nhìn thấy chính mình. Và cái hình ảnh nhìn thấy trong tấm gương đó không hề phỉnh nịnh lòng tự ái của chàng chút nào: đó là một con người rất ngu si, dương dương tự đắc, khỏe như vâm và quần là áo lượt, ngoài ra không có gì hơn. Đành rằng đó là một trang công tử, điều ấy Vronxki không thể chối cãi được: trang trọng và bình đẳng với cấp trên, phóng túng và giản dị với đồng cấp, thân ái và khinh khỉnh với cấp dưới. Bản thân Vronxki cũng như vậy và coi đó là một ưu điểm lớn của mình; nhưng đối với vị hoàng thân, chàng là kẻ dưới, và những cử chỉ thân ái và khinh khỉnh của ông khiến chàng lộn ruột.

“Một khúc thịt ngu ngốc! Có thể nào mình lại như hắn được?” – Vronxki nghĩ thầm.

Dù sao, đến ngày thứ bảy, khi ông ta chào từ biệt và cảm ơn trước khi đi Moxcva, chàng cũng thấy may mắn được thoát khỏi cái hoàn cảnh phiền toái và tấm gương sỗ sàng đó. Sau một cuộc săn gấu kéo dài suốt đêm trở về – cái cớ để phô trương lòng dũng cảm Nga – chàng cáo biệt vị hoàng thân ở nhà ga.

Chọn tập
Bình luận