Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 28

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Trời trong vắt. Một cơn mưa nhỏ và mau hạt đổ xuống suốt buổi sáng và giờ đây bầu trời vừa sáng bừng lên. Mái nhà, hè phố, lòng đường, bánh xe, đồ thắng ngựa bằng da và bằng đồng, tất cả đều lấp lánh sáng chói dưới cái nắng tháng năm. Đã ba giờ, lúc phố xá nhộn nhịp nhất.

Anna ngồi vào một góc xe êm ái có đệm lò xo mềm rung rinh theo nhịp phi của đôi ngựa xám, trong tiếng xe chạy và giữa những hình ảnh nối tiếp nhanh chóng ngoài trời, nàng ôn lại những việc xảy ra trong mấy ngày gần đây. Nàng nhìn thấy hoàn cảnh của mình dưới một khía cạnh hoàn toàn khác hẳn. Giờ đây, ý nghĩ về cái chết không làm nàng ghê sợ nữa và bản thân cái chết cũng không còn là chuyện tất yếu đối với nàng. Nàng tự trách đã tự hạ mình quá.

“Mình đã van nài anh ta tha thứ cho mình. Mình đã cam chịu. Mình nhận hết lỗi về phần mình. Tại sao thế? Mình không thể sống thiếu anh ta hay sao?” Và, không trả lời câu hỏi ấy, nàng bắt đầu đọc những biển hàng.

“Cửa hàng và kho chứa. Nha sĩ… Phải mình sẽ nói hết với Đôly. Chị ấy không ưa Vronxki. Sẽ nặng nề, nhục nhằn đây, nhưng mình sẽ nói hết. Chị ấy mến mình và mình sẽ nghe theo lời chị ấy khuyên. Mình sẽ không tự hạ mình trước anh ta nữa. Ai mượn anh ta dạy bảo mình. Fiulippôp, bánh mì trắng… nghe nói cửa hàng này gửi bột bánh đi tận Petersburg. Nước ở Moskva tốt thật. Cả những giếng nước Mitisenxc và bánh tráng nữa!” Nàng bỗng nhớ, trước đây lâu lắm, dạo mười bảy tuổi, nàng cùng bà cô đến nhà tu Chúa Ba Ngôi. “Hai cô cháu đi xe nhà. Lẽ nào đó lại là mình với đôi bàn tay đỏ hồng ấy nhỉ? Biết bao điều hồi ấy mình cho là tuyệt diệu và không thể vươn tới… giờ đây đã trở nên vô nghĩa; nhưng chính đó lại là ước mộng mà bây giừo mình không thể nào vươn tới được nữa. Hồi bấy giờ, làm sao có thể tin là mình sẽ phải nhục nhã thế này? Anh ta sẽ kiêu hãnh và thoả mãn biết chừng nào khi nhận được thư mình! Nhưng mình sẽ cho anh ta biết tay… Cái mùi sơn kia mới khó ngửi làm sao! Cứ sơn mãi làm gì, xây dựng mãi làm gì! Thời trang và y phục!”, nàng đọc. Một người đàn ông chào nàng. Đó là chồng Annusska. “Những kẻ ăn bám của chúng ta, Vronxki nói vậy. Của chúng ta? Tại sao lại của chúng ta? Thật khủng khiếp nếu như không nhổ được tận gốc quá khứ. Nếu không nhổ được, ít ra cũng có thể làm như quên nó đi. Mình sẽ làm thế”. Nghĩ tới đó, nàng nhớ lại cái quá khứ cùng sống với Alecxei Alecxandrovich, mà nàng đã xoá kĩ khỏi trí nhớ. “Đôly sẽ nghĩ mình bỏ chồng thứ hai và như vậy là mình sai. Nhưng thậm chí mình cũng chẳng cần đúng làm gì!”, nàng nói và bỗng muốn khóc. Nhưng liền đó, nàng lại tự hỏi tại sao hai thiếu nữ kia vừa nói chuyện vừa mỉm cười: “Chắc là nói đến tình yêu. Các cô đâu có hiểu chuyện đó buồn tủi và nhục nhã biết chừng nào… Phố xá, trẻ con có ba chú nhỏ chơi phi ngựa. Xerioja! Mẹ mất hết và cả con cũng chẳng được trả về với mẹ. Phải, mất hết, nếu chàng không quay lại. Dễ thường chàng nhỡ tàu và bây giờ đang ở nhà rồi cũng nên. Mày vẫn cố tìm cách tự làm nhục mày! nàng tự mắng mình. Phải, tới nhà Đô y, mình sẽ nói ngay: em khổ lắm, đó là lỗi tại em, thật đáng đời, nhưng em đau khổ và chị phải cứu em. Đôi ngựa này, chiếc xe này, tất cả đều của anh ta, mình thấy ghê tởm khi phải ngồi trong xe này. Nhưng chẳng bao lâu mình sẽ không thấy chúng nữa!”

Anna lên thang gác, vừa chuẩn bị lời lẽ vừa cố tình đầu độc thêm vết thương lòng.

– Có khách nào không? – nàng hỏi ở phòng chờ.

– Có bà Ecaterina Alecxandrovna Levina ạ, – người đầy tớ đáp.

“Kitty! Vẫn cô Kitty mà Vronxki từng mê đây! Anna thầm nghĩ. Cái cô mà chàng vẫn trìu mến nhớ lại. Chàng tiếc đã không lấy cô ta trong khi đối với mình thì căm ghét và hối tiếc là đã trót gặp”.

Khi Anna đến thì hai chị em đang bàn chuyện nuôi con thơ. Một mình Đôly ra đón bà khách đến quấy rối câu chuyện của họ.

– Cô chưa đi à? Tôi cứ định lại thăm cô đấy, – bà ta nói. – Hôm nay, tôi nhận được thư Xtiva.

– Vâng, anh ấy có gửi cho chúng em một bức điện tín, Anna trả lời và nhìn quanh tìm Kitty.

– Anh ấy viết là không hiểu đích xác Alecxei Alecxandrovich muốn gì, nhưng anh ấy sẽ chưa đi nếu chưa nhận được trả lời.

– Hình như chị có khách thì phải. Em có thể xem lá thư ấy được không?

– Phải, Kitty đang ở đây, – Đôly nói, vẻ lúng túng; – cô ấy đang ở phòng trẻ. Cô ấy vừa ốm nặng.

– Em biết rồi. Em có thể xem được lá thư ấy không?

– Để tôi đi tìm đưa cô xem… Cô biết đấy, ông ta không từ chối; trái lại, Xtiva vẫn hi vọng, – Đôly nói và dừng lại trên bậc cửa.

– Còn em thì chả hi vọng và cũng chả muốn gì nữa hết, – Anna nói.

“Vậy ra Kitty cho gặp mình là nhục nhã chăng? Anna nghĩ thầm khi còn lại một mình. Có lẽ cô ta nghĩ đúng. Nhưng cái cô đã phải lòng Vronxki ấy đâu phải là người lên mặt dạy mình được, dù đó là điều hay lẽ phải. Mình thừa biết, với hoàn cảnh mình, không người đàn bà đứng đắn nào có thể tiếp mình. Ngay phút đầu tiên mình đã hi sinh tất cả cho anh ta. Và phần thưởng bây giờ là thế! Ôi, mình căm ghét anh ta biết bao! Tại sao mình lại đến đây? Thế này càng tệ hơn, càng khổ tâm hơn”. Nàng nghe thấy hai chị em nói chuyện ở phòng bên. “Giờ đây mình sẽ nói gì với Đôly? Để cho Kitty mát lòng mát dạ thấy mình khốn khổ và cúi rạp xuống xin cô ta che chở ư? Không! Với lại, Đôly sẽ không hiểu mình đâu. Và mình chẳng có gì cần nói với chị ấy cả. Thế nhưng mình thích gặp Kitty để tỏ cho cô ta biết mình coi khinh tất cả sự đời, tất cả thế gian, mình hoàn toàn dửng dưng với tất cả”.

Đôly cầm thư đi vào. Anna đọc thư và lẳng lặng trả lại bà.

– Mọi cái đó, em biết cả rồi, – nàng nói. – Em không mảy may bận tâm vì những chuyện ấy.

– Tại sao vậy? Ngược lại, tôi vẫn hi vọng lắm, – Đôly vừa nói vừa tò mò nhìn Anna. Chưa bao giờ bà thấy nàng lạ lùng, cáu kỉnh đến thế. Bao giờ cô đi? – bà ta hỏi.

Anna lim dim mắt nhìn thẳng về phía trước, không trả lời.

– Có phải Kitty tránh mặt em không? – nàng nhìn về phía cửa nói và đỏ mặt lên.

– Ồ! Bậy nào! Cô ấy đang nuôi con thơ, nhưng còn lúng túng nên tôi có góp ý kiến… Cô ấy sẽ rất vui lòng được gặp cô. Cô ấy vào đây ngay bây giờ đấy, – Đôly vụng về nói vì bà không biết nói dối. – Kia rồi.

Khi biết Anna tới, thoạt tiên Kitty định không ló mặt ra. Nhưng Đôly đã giảng giải cho nàng nghe. Kitty phải lấy hết nhuệ khí bước vào phòng và đỏ mặt bước lại gần bắt tay Anna.

– Tôi rất vui mừng được gặp chị, – nàng nói giọng run run.

Kitty đang đấu tranh tư tưởng không biết nên thù ghét người đàn bà xấu xa này hay nên tỏ ra rộng lượng; nhưng vừa thoáng thấy khuôn mặt đẹp đầy thiện cảm của Anna, tất cả cừu địch liền tiêu tan.

– Chị không muốn gặp tôi cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Tôi đã quen với mọi chuyện rồi. Chị vừa ốm khỏi à? Phải, tôi thấy chị cũng có thay đổi đấy, – Anna nói.

Kitty cảm thấy Anna hằn học nhìn mình. Nàng cho sự hằn học đó là do giờ đây Anna cảm thấy ngượng khi giáp mặt nàng, Anna, người từng che chở cho nàng trước kia, và nàng bỗng thương Anna.

Họ nói chuyện về bệnh của Kitty, về con trai nàng, về Xtiva, nhưng tất cả những chuyện ấy rõ ràng không làm Anna quan tâm.

– Em đến để chào chị, – nàng vừa nói, vừa đứng dậy.

– Bao giờ cô chú đi?

Nhưng cả lần này nữa, Anna lại quay về phía Kitty không đáp.

– Tôi rất sung sướng được gặp lại chị, – nàng mỉm cười nói với Kitty. Tôi được nghe nói chuyện về chị qua nhiều người khác nhau, kể cả anh ấy nữa. Anh nhà có đến thăm tôi và tôi rất quý anh, – nàng nói thêm, rõ ràng với một ý định thâm hiểm. – Anh ấy giờ ở đâu?

– Nhà tôi lại về quê rồi, – Kitty đỏ mặt nói.

– Chị cho tôi gửi lời hỏi thăm anh, chị đừng quên nhé.

– Tôi sẽ không quên đâu, – Kitty ngây thơ nhắc lại và thương hại nhìn nàng.

– Chào chị Đôly! – Anna hôn Đôly, bắt tay Kitty và vội vã bước ra.

– Bà ta vẫn quyến rũ như xưa, – Kitty nói, khi còn lại một mình với chị gái. – Đẹp tuyệt! Nhưng trông bà ta vẫn có cái gì tội nghiệp lắm. Bà ấy làm em thương hại quá.

– Cô ấy đang ở trong tâm trạng không bình thường, – Đôly nói. Lúc chị tiễn cô ấy ra phòng chờ, hình như cô ấy muốn khóc.

Chọn tập
Bình luận