Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 2 – Chương 13

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Levin xỏ đôi ủng lớn và lần đầu bỏ áo choàng lông mặc áo da ngắn, ra đi thăm đồng đất, bước qua những rãnh nước chói loà ánh nắng và khi đặt chân lên băng, lúc lại dẫm vào bùn đặc quánh.

Mùa xuân là thời kỳ của những kế hoạch và dự định. Ra khỏi nhà, Levin giống như cái cây mùa xuân chưa biết những búp lộc non và cành tơ còn ủ kín trong chồi căng nhựa sẽ mọc đến đâu và mọc ra sao, cũng không rõ mình sẽ làm gì trước hết trong cái trại ấp thân yêu, nhưng tự cảm thấy trong đầu đầy những kế hoạch và dự định tốt đẹp.

Trước hết chàng đi thăm gia súc. Đàn bò cái đã được thả vào bãi rào kín và sưởi bộ lông bóng nhẫy đang mọc lại dưới ánh nắng, rống lên đòi được dắt ra đồng. Ngắm nghía xong những con vật quen thân đến từng chi tiết nhỏ, Levin liền sai dắt chúng ra đồng và cho thả đàn bê vào bãi rào kín. Gã mục đồng vui vẻ chạy đi sửa soạn lên đường. Mấy chị chăn bò vén váy, lộ bọng chân trần trắng nõn, lội bì bõm trong bùn, và cầm sào chạy theo đàn bê kêu be be, ngây ngất với niềm vui đầu xuân, và dồn chúng trở vào sân.

Levin ngắm đàn bê non vừa đẻ trong năm trông đẹp đẽ khác thường; những con già tháng nhất đã to bằng con bò cái thường, và con bê cái, con của Pava, mới ba tháng mà đã khỏe bằng bò một tuổi.

Rồi chàng sai mang chậu ăn ra ngoài và đổ rơm vào máng cỏ cho chúng. Những máng cỏ làm từ mùa thu và không dùng trong mùa đông, đã hư hỏng cả. Levin cho đi tìm người thợ mộc đã được gọi đến để chữa máy tuốt lúa. Nhưng anh ta còn đang chữa số bừa đáng lẽ phải sửa xong từ tuần lễ Thánh. Việc đó làm Levin bực bội. Chàng khổ tâm vì lại vấp phải lối làm ăn cẩu thả muôn thuở mà chàng đã tận lực đấu tranh hàng bao năm nay. Những máng cỏ đựng rơm, không dùng đến trong mùa đông, đã được đem vào chuồng ngựa kéo xe, và vì chỉ đóng mỏng manh để chuyên dung cho bê con nên đã giập gãy. Ngoài ra, bừa và mọi nông cụ đáng lẽ phải được kiểm tra và sửa chữa từ mùa xuân (vì vậy đã phải thuê đến ba thợ mộc để làm việc ấy) thì không được rờ mó gì đến và bây giờ đáng lẽ phải bừa đất rồi, thì mới đem ra chữa. Levin sai người đi gọi quản lý đến nhưng ngay sau đó lại đích thân đi tìm. Như mọi người, mọi vật trong ngày hôm nay, lão quản lý cũng tươi hơn hớn, trong chiếc áo kép ngắn viền lông cừu, từ nhà kho đập lúa đi đến, tay bẻ cọng rơm.

– Tai sao không thấy anh thợ mộc ở chỗ máy tuốt lúa?

– Dạ, tôi đã định trình ông việc đó từ hôm qua: số là phải chữa lại bừa. Bây giờ là vụ cày bừa rồi.

– Thế mùa đông vừa qua, bác làm gì vậy?

– Nhưng ông cần đến thợ mộc để làm gì kia ạ?

– Nhưng máng cỏ lưu động cho bê đâu cả?

– Tôi đã bảo cho đem ra rồi. Nhưng ông bảo biết làm thế nào với cái giống vật ấy? – viên quản lý nói với một cử chỉ chán nản.

– Tôi không nói với cái giống vật đó mà tôi nói với quản lý! – Levin nổi giận nói. – Tôi trả lương bác để làm gì hả? – chàng quát lên.

Nhưng sực nhớ đó không phải là phương pháp giải quyết được công việc, chàng ngừng lại giữa câu và thở dài. – Vậy đã giao được chưa? – chàng hỏi, sau một lát im lặng.

– Ngày mai hoặc ngày kia thì có thể gieo được ở phía sau Tuorkino.

– Thế còn cỏ tam điệp?

– Tôi đã cử Vaxili và Misca đi gieo rồi. Nhưng tôi không rõ là họ có giao được không: đất nhiều bùn quá.

– Gieo bao nhiêu mẫu 1?

– Sáu mẫu.

– Tại sao không gieo tất cả? – Levin kêu lên.

Việc họ chỉ gieo có sáu mẫu cỏ tam điệp mà không phải hai mươi mẫu lại càng đáng bực mình hơn. Đứng về mặt lý thuyết cũng như theo kinh nghiệm riêng của chàng, cỏ tam điệp chỉ mọc tốt khi được gieo thật sớm, gần như trên lớp tuyết. Chưa bao giờ Levin có thể đạt được điều đó.

– Chúng ta thiếu nhân công, mà ông bảo biết làm thế nào với bọn người đó được? Có ba người trong bọn họ không đến. Còn Xemion…

– Đáng lẽ bác có thể miễn cho họ việc dỡ rơm.

– Thì tôi đã làm như thế rồi đấy.

– Thế họ đâu cả rồi?

– Năm người ở chỗ “làm phẩn” (ý bác muốn nói là làm phân), bốn người ở chỗ lúa mạch, họ đang phải xới đảo lúa: tôi chỉ e nó bị hấp hơi mục mất, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ.

Levin biết chắc câu “tôi chỉ e nó bị hấp hơi mục mất” có nghĩa là thứ lúa mạch Anh làm giống đó đã hấp hơi mục thật rồi: lại một lần nữa, họ lơ là với lệnh của chàng.

– Nhưng trong tuần chay, tôi đã chẳng bảo bác phải đặt ống thông hơi rồi đấy à! – chàng quát lên.

– Xin ông đừng lo, mọi việc rồi sẽ kịp thời chu tất…

Levin vung tay giận dữ, đi đến nhà kho xem lúa mạch và trở lại chuồng ngựa. Lúa mạch chưa bị hỏng. Nhưng lẽ ra phải cho trôi tuột xuống tầng dưới thì toán thợ cứ lấy xẻng mà đảo, chàng liền nhân đó bảo ban thêm ít việc và rút ở đó ra hai người cho đi gieo cỏ tam điệp.

Cơn thịnh nộ đối với lão quản lý nguôi dần. Trời đẹp đến nỗi không sao cáu giận được.

– Ignát! – chàng gọi gã xàích đang xắn tay áo giội nước ào ào rửa xe gần giếng, thắng cho tôi con ngựa.

– Con nào ạ?

– Kônpich.

– Thưa ông vâng.

Trong khi anh ta thắng yên cho ngựa, Levin gọi quản lý đang lăng xăng quanh đó để làm lành với chàng, và bắt đầu bàn với lão về công việc trong mùa xuân và dự định mới của chàng.

Phải chở phân đi thật sớm, để đến trước vụ cắt cỏ đầu tiên là mọi cái xong xuôi cả rồi; cày thửa ruộng xa nhất để cho đất ải; thuê thợ gặt lúa về chứ không gặt rẽ đối với nông dân nữa.

Lão quản lý chăm chú nghe và rõ ràng đang cố sức tán thành những dự định của ông chủ! Nhưng lão lại có cái vẻ ủ rũ và chán nản mà Levin biết rất rõ và bao giờ cũng làm chàng nổi xung. Cái vẻ đó như muốn nói: “Tất cả mọi điều đó đều tốt đẹp đấy, nhưng trăm sự còn nhờ Trời”.

Không gì làm Levin tức tối bằng cái giọng đó. Nó là cái giọng chung của tất cả các quản lý từng giúp việc cho chàng. Tất cả đều có thái độ như vậy mỗi khi chàng nói đến những dự định của mình, thành thử nay chàng không buồn nổi giận nữa; tuy nhiên chàng vẫn lấy làm buồn bực và càng thấy phải cấp thiết đấu tranh với lực lượng ấu trĩ đó mà chàng không biết gọi cách nào hơn là: “trăm sự nhờ Trời”, và bất cứ lúc nào nó vẫn cản đường chàng.

– Mong rằng chúng ta sẽ làm được mọi việc đó, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ.

– Nhưng tại sao lại không được?

– Còn phải thuê thêm chừng mươi mười lăm người thợ nữa. Mà thợ thì thật là khan hiếm. Hôm nay, cũng có một bọn lại đây: họ đòi bảy mươi rúp cho vụ hè.

Levin nín lặng. Bao giờ cũng vẫn lực lượng đó cản trở ý định của chàng. Chàng biết dù gắng sức thế nào chăng nữa thì cũng chẳng bao giờ thuê được quá ba mươi bảy, ba mươi tám người thợ với giá phải chăng; đôi khi cũng có thể thuê tới bốn mươi người, nhưng không bao giờ quá số đó. Dù sao chàng cũng không thể bỏ dở cuộc đấu tranh.

– Nếu người ta không tự động đến thì phải sai người tới Xury, tới Tsêfirôpka. Phải tìm chứ.

– Dạ được, cái đó thì vẫn có thể làm được thôi, Vaxili Fedorovitr uể oải nói. – Về việc này, cũng xin thưa là ngựa đều yếu cả.

– Rồi ta sẽ mua thêm ngựa. Tôi thừa biết bao giờ các người cũng gắng làm ít nhất và kém nhất, – chàng cười và nói thêm; nhưng năm nay, tôi sẽ không để mặc các người muốn làm gì thì làm đâu. Tôi sẽ tự làm lấy tất.

– Thực ra ông cũng chẳng nhắm mắt làm ngơ nhiều quá đâu! Đối với chúng tôi, được ông chủ để mắt tới thì càng vui hơn thôi…

– Vậy là họ đang gieo cỏ tam điệp ở đằng sau rừng bạch dương phải không? Tôi đi ngó qua một chút xem sao, – chàng nói, và cưỡi lên con ngựa nhỏ màu xám nhạt mà gã xàích vừa dắt lại.

– Conxtantin Dimitrievitr, ông không qua suối được đâu, – gã xà ích kêu lên bảo chàng.

– Được, nếu thế tôi sẽ đi theo đường rừng.

Và theo nhịp phi vun vút của con tuấn mã nhỏ sung sướng được ra khỏi chuồng, đang ngửi hít tất cả các vũng nước và kéo căng dây cương, Levin phóng qua mảnh sân lầy bùn, qua cổng và ra ngoài đồng.

Nếu lúc ở chuồng bò và sân nuôi gà vịt Levin đã cảm thấy hoan hỉ thì niềm vui của chàng càng tăng lên khi đến giữa đồng. Nhịp nhàng rún rẩy theo nhịp phi của con tuấn mã, hít thở khí trời ấm áp, pha chút hơi lạnh khi đi qua những đống tuyết lở như bụi phấn còn để lại dấu vết rải rác đó đây trong rừng, chàng trầm trồ trước mỗi thân cây với lớp rêu mới trên vỏ chồi non căng nhựa. Ra khỏi rừng, tấm thảm cỏ bát ngát trải rộng trước mắt; không hề thấy vạt đất trơ trụi hoặc vũng nước đọng nào, trừ vài mảng tuyết còn sót lại chưa tan dưới chỗ trũng. Chàng cũng không hề cáu giận khi thấy ngựa của nông dân và ngựa con xéo lên đồng cỏ của mình (chàng đã sai một nông dân gặp ngang đường đuổi chúng ra) hoặc khi nghe thấy câu trả lời ngớ ngẩn nhưng giễu cợt của gã nông dân Ipat mà chàng đã gặp và hỏi: “Thế nào, Ipat, sắp sửa gieo chưa? ” – “Thưa ông Conxtantin Dimitrievitr, phải cày trước đã chứ”, Ipat trả lời. Chàng càng đi càng thấy vui vẻ và những dự định mỗi lúc một tốt đẹp hơn hiện ra trong óc: trồng cây non ở ria ruộng phía Nam để tránh cho tuyết khỏi đọng quá lâu; chia ruộng làm sáu khoảnh đất bón phân và ba khoảnh dự trữ để trồng cỏ nuôi gia súc; dựng chuồng bò ở rìa ruộng và đào ao ở đó: làm rào ngăn lưu động nhốt gia súc để lấy phân bón đất. Như thế sẽ có ba trăm mẫu lúa tiểu mạch, một trăm mẫu khoai tây và năm mươi mẫu cỏ tam điệp mà không chỗ nào đất bị hết màu cả.

Triền miên trong những mộng mơ đó, thận trọng lái ngựa đi theo ria bờ để khỏi xéo lên ruộng đã gieo hạt, chàng đến gặp toán thợ đang gieo cỏ tam điệp. Chiếc xe chở đầy hạt giống, đáng lẽ dừng ngoài ria bờ thì lại đem đánh vào đám ruộng cày và lúa thu bị bánh xe cùng vó ngựa xéo nát. Hai người thợ ngồi trên bờ luống, chắc để hút chung tẩu thuốc. Đất trộn hạt giống ở trên xe không được nhào tơi mà lại chất thành tảng nhỏ cứng hoặc đông lại. Mãi tới khi thấy ông chủ, Vaxili mới đi lại xe và Misca mới bắt đầu gieo. Mọi cái đó thật đáng khiển trách nhưng Levin sai hắn dắt ngựa ra khỏi ruộng.

– Thưa ông chủ, không việc gì đâu, rồi sẽ mọc lại thôi, – Vaxili trả lời.

– Thôi tôi xin anh, đừng cãi lại nữa, người ta bảo sao thì anh cứ làm vậy, – Levin nói.

– Thưa ông vâng, – Vaxili trả lời, nắm lấy đầu ngựa. – Ông Conxtantin Dimitrievitr, thế này mới là hạt giống chứ, thực là thượng hảo hạng! – hắn nói để lấy lòng chủ. – Nhưng nhấc bước đi được thật không phải dễ. Mỗi chân kéo theo hàng tạ đất!

– Tại sao đất giống của anh lại chưa được sàng? – Levin hỏi.

– Chúng tôi nhào nó đây, – Vaxili trả lời, vốc một nắm đất giống và nghiền vụn trong gan bàn tay.

Trong việc này, Vaxili không có lỗi nhưng không phải vì thế mà Levin không phật ý.

Đã nhiều lần nhận thấy thà nén giận và ngậm bồ hòn làm ngọt còn lợi hơn, một lần nữa Levin lại dùng đến phương pháp đó. Chàng quan sát dáng đi của Misca đang kéo lê từng tảng đất to tiếng dính bết vào mỗi bên chân, chàng xuống ngựa, cầm lấy túi gai của Vaxili và đi gieo.

– Anh gieo đến đâu rồi?

Vaxili chỉ cho chàng một chỗ đánh dấu chân và Levin cố hết sức gieo. Thật chật vật ngang với lội trong đầm lầy; và mới hết một luống, Levin đã đổ mồ hôi như tắm; chàng dừng lại và trả cái túi gieo.

– Thưa ông chủ, mùa hè năm nay ông sẽ không còn chê trách gì được về cái luống này, – Vaxili nói.

– Tại sao? – Levin vui vẻ hỏi, cảm thấy phương pháp đem ra dùng đã hiệu nghiệm.

– Mùa hè này rồi ông sẽ thấy. Nó sẽ trội lên cho mà xem. Ông hãy thử nhìn chỗ tôi đã gieo mùa xuân vừa qua. Mọc tốt biết chừng nào!

ấy là vì tôi, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ, tôi đã cật lực làm như làm cho chính bố tôi vậy! Tôi không thích làm ẩu và cũng không dạy người khác làm ẩu. Nếu ông chủ vui lòng thì chúng tôi cũng vui lòng.

Mỗi khi nhìn thấy thế kia, – Vaxili nói và chỉ đám ruộng, – thì thật hởi lòng hởi dạ.

– Vaxili này, mùa xuân đẹp quá nhỉ!

– Đẹp đến nỗi các ông già cũng không nhớ là đã bao giờ thấy mùa xuân nào đẹp đến thế chưa. Tôi vừa ở nhà ra; ở nhà ông cụ tôi gieo ba mươi ang 2 lúa tiểu mạch. Cụ nói là không thể phân được nó với mì đen.

– Nhà anh gieo lúa tiểu mạch đã được lâu chưa?

– Thì chính ông khuyên chúng tôi gieo nó năm ngoái mà; ông còn cho hai cót lúa. Chúng tôi bán đi một góc cót 3 và gieo ba mươi ang.

– Được, anh nhớ nhào kỹ đất giống và trông coi Misca đấy, Levin nói và quay lại gần con ngựa. Nếu cỏ tam điệp mọc tốt thì mỗi mẫu anh sẽ được năm mươi kôpếch.

– Xin kính cẩn đa tạ ông chủ; cứ thế này chúng tôi cũng đủ vui lòng lắm rồi đấy ạ.

Levin lên yên và ra thửa ruộng trồng cỏ tam điệp vụ năm ngoái và thửa ruộng đã cày để trồng lúa xuân.

Cỏ tam điệp mọc tốt. Nó đã mọc lớn hẳn và rậm rạp xanh rì sau những thân lúa năm ngoái bị gẫy gập. Con ngựa lội bùn đến cẳng chân và mỗi móng rút khỏi mặt đất đã tan băng nửa chừng đều kêu òm ọp. Nhất định không đi qua được đám ruộng cày bừa rồi. Chỉ có nền đất đóng băng là còn rắn, nhưng bước vào luống cày là con vật bị sụt tới bắp chân. Việc cày vỡ thật mỹ mãn; hai ngày nữa là có thể bừa và gieo giống. Tất cả đều đẹp, tất cả đều vui. Khi trở về, Levin đi đường suối, hy vọng nước đã xuống. Quả vậy, chàng lội qua được và làm hai con vịt trời hốt hoảng bay lên. “ở đây chắc có cả rẽ giun nữa”, chàng nghĩ và đến đúng chỗ ngoặt trước cửa nhà, chàng gặp người gác rừng xác nhận điều chàng dự đoán là đúng.

Levin phi nước đại để kịp có thời giờ ăn trưa và sửa soạn súng đi săn buổi chiều.

— —— —— —— ——-

1 Tiếng Pháp là “arpent”: đơn vị đo ruộng đất ước chừng 5000 mét vuông.

2 Bản Pháp văn dịch là “boisseau”: sức chứa độ 13 lít.

3 Bản Pháp văn dịch là “setier”, sức chứa bằng 156 lít.

Chọn tập
Bình luận