Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 5

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Hôm ấy, chương trình hoà nhạc ban ngày gồm hai tác phẩm rất đặc sắc.

Một bản là khúc tuỳ hứng dựa theo Vua Lia trong thảo nguyên, còn bản kia là một tứ tấu để tặng hương hồn Bach(1). Đây là hai tác phẩm gần đây soạn theo phong cách mới, và Levin muốn tự mình xác định ý kiến riêng về phong cách đó.

Sau khi đưa chị vợ đến ngồi ở hạng ghế bành, chàng ra đứng tựa lưng vào một cái cột và định bụng nghe hết sức chăm chú và cẩn trọng. Chàng cố không đãng trí hoặc bực mình vì những điệu bộ của người nhạc trưởng thắt cà vạt trắng, những điệu bộ bao giờ cũng khó chịu đối với một cử toạ chăm chú, vì những bà đội mũ đã cẩn thận lấy băng che kín tai trước khi đi nghe hoà nhạc, và vì tất cả những bộ mặt nhởn nhơ hoặc bận tâm về các chuyện đâu đâu chứ không phải bận tâm nghe nhạc. Chàng cố tránh gặp những người mê nhạc theo kiểu tài tử cùng những chàng ba hoa, và cứ đứng nghe, mắt nhìn xuống đất.

Nhưng càng chú ý nghe khúc tuỳ hứng Vua Lia, chàng càng thấy khó có ý kiến rõ rệt. Luôn luôn, nét nhạc, cứ sắp đến lúc phát triển, lại tãi ra tán loạn theo những nguyên tắc mới, hoặc quyện thành những hợp âm vô cùng phức tạp chỉ gắn bó với nhau do ý thích riêng của nhà soạn nhạc. Nhưng ngay cả những đoạn nhạc biểu hiện đó, dù đôi khi có đẹp thật, nhưng nghe vẫn chối tai vì nó hoàn toàn bất ngờ và không có gì chuẩn bị trước. Cái vui, cái buồn, nỗi thất vọng, niềm âu yếm, niềm đắc thắng cứ nối tiếp nhau không có cơ sở, như những cảm giác của một anh điên. Và nó cũng bặt đi bất ngờ như cảm giác của một anh điên vậy.

Suốt thời gian biểu diễn, Levin có cảm tưởng như mình là một anh điếc đứng nhìn người ta nhảy. Bản nhạc chấm dứt, chàng hoàn toàn chưng hửng và cảm thấy mệt mỏi vì đầu óc căng thẳng mà không được đền bù chút gì. Tiếng vỗ tay rộn lên khắp phía. Mọi người đứng dậy, đi, lại và nói chuyện.

Levin bèn đi tìm người có thẩm quyền để làm sáng tỏ nỗi bối rối của mình và sung sướng nhìn thấy một người sành nhạc đang nói chuyện với Petxov.

– Thật kì diệu! – Petxov nói, giọng rất trầm.

– Chào anh, Konxtantin Dimitrievich. Đoạn nhạc nhiều hình tượng nhất, có thể nói là khắc hoạ rõ nhất và phong phú màu sắc nhất, chính là cái đoạn trong đó ta cảm thấy Cordelia(2) tiến lại gần, cái đoạn người đàn bà, das ewig Welbliche(3), bước vào cuộc đấu tranh với định mệnh. Anh có thấy thế không?

– Tại sao lại Cordelia? – Levin rụt rè hỏi, quên khuấy là bản nhạc dựng lên hình ảnh vua Lia trong thảo nguyên.

– Cordelia xuất hiện… đây này! – Petxov vừa nói, vừa lấy ngón tay đập vào tờ chương trình nhẵn mịn đang cầm trong tay và đưa cho Levin.

Mãi lúc đó, Levin mới sực nhớ ra tên bản nhạc và vội đọc những câu thơ của Shakespeare dịch sang tiếng Nga in ở mặt sau chương trình.

– Không có cái này thì không theo dõi nổi đâu, – Petxov quay sang nói với Levin vì người vừa tiếp chuyện ông đi rồi, không còn ai khác để bàn bạc nữa.

Levin và Petxov đi vào tranh cãi về những ưu điểm và khuyết điểm của khuynh hướng Vagner(4).

Levin muốn chứng minh cái nhầm của Vagne và các môn đồ là muốn thâm nhập vào một lĩnh vực xa lạ với âm nhạc, cũng như thơ đã lạc đường đi miêu tả từng nét mặt, nó là công việc của hội hoạ. Chàng dẫn chứng một nhà điêu khắc tưởng có thể khắc trên cẩm thạch bóng dáng những hình tượng thơ vươn lên quanh bệ tượng một thi sĩ. “Bóng chẳng ra bóng, thành thử phải dựa vào cầu thang”, Levin nói. Chàng khoái câu ấy, nhưng lại không dám chắc là chưa hề nói ra với chính Petxôp, và đâm lúng túng.

Về phần Petxov, ông khẳng định nghệ thuật là một thể thống nhất và chỉ có thể đạt tới đỉnh cao do tập hợp tất cả các thể loại khác nhau.

Levin không thể nghe nổi bản nhạc thứ hai. Petxov đứng cạnh, vẫn không ngừng nói chuyện, ông bình phẩm cái giản đơn chải chuốt và giả tạo của tác phẩm này mà ông đem so sánh với cái giản đơn của phái tiền-Rafael(5) trong hội hoạ.

Khi ra ngoài, Levin còn gặp nhiều người quen, cùng họ bàn về chính trị, âm nhạc và về bạn bè; trong số đó, chàng thấy cả bá tước Bon mà chàng quên khuấy là phải đến thăm.

– Chú tới đó nhanh lên, – Lvova bảo khi chàng tâm sự với bà. – Có lẽ hôm nay họ không tiếp khách đâu. Sau đó, chú đến đón tôi ở cuộc họp. Tôi chờ chú ở đấy.

Chú thích:

(1) Jean Sebastec Bach (1685-1750): nhạc sĩ vĩ đại người Đức.

(2) Nhân vật trong bi kịch Vua Lia của Sêcxpia

(3) Cái nữ tính muôn thuở (tiếng Đức trong nguyên bản

(4) Vagner (1813-1883): nhạc sĩ người Đức.

(5) Một thuyết vào nửa cuối thế kỉ XIX cho rằng thời kì cực thịnh của hội hoạ chính là thời kì của các hoạ sĩ tiền bối của Rafael.

Chọn tập
Bình luận