Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 6 – Chương 18

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Anna nhìn bộ mặt gầy guộc, bơ phờ của Đôly mà bụi đường càng làm nổi bật những nếp nhăn và định nói ra điều nàng nghĩ, nghĩa là bảo bà đã gầy đi: nhưng chợt nghĩ bản thân mình lại đẹp ra, mà cái nhìn của Đôly cũng nói lên điều đó, nàng bèn thở dài và xoay ra nói chuyện mình.

– Chị nhìn em, – nàng nói, – và chị tự hỏi liệu em có thể sung sướng trong hoàn cảnh mình không chứ gì? Thế thì… em lấy làm xấu hổ mà thú thật với chị… thực tình em… em sung sướng một cách không thể tha thứ được. Những điều xảy đến với em đúng là do phép mầu vậy. Thật y như khi tỉnh dậy sau một cơn ác mộng gớm ghiếc và thấy mọi kinh hoàng đến qua hẳn. Em đã bừng tỉnh dậy. Em sống sót qua thời kì tàn khốc ấy và bây giờ, nhất là từ khi ở đây, em thật sung sướng vô cùng! – nàng vừa nói vừa nhìn Đôly với nụ cười rụt rè, dò hỏi.

– Tôi rất mừng! – Đôly mỉm cười nói, giọng lạnh lùng hơn trong ý định. – Tôi rất mừng cho cô. Tại sao cô không viết thư cho tôi?

– Tại sao ư?… Vì em không dám… chị quên mất hoàn cảnh em rồi sao.

– Cô không dám viết thư cả cho tôi ư! Giá cô biết là tôi… Tôi cho rằng…

Đarya Alecxandrovna định kể lại những cảm nghĩ ban sáng nhưng không hiểu sao lại thấy không đúng lúc.

– Thôi, ta sẽ bàn chuyện đó sau. Những nhà gì thế kia? – bà hỏi, muốn lái sang chuyện khác và chỉ những mái nhà xanh, đỏ, thấp thoáng sau hàng giậu dạ hợp và tử đinh hương còn tươi. – Trông như một thành phố nhỏ ấy.

Nhưng Anna không trả lời câu bà hỏi.

– Không, không, chị nghĩ thế nào về hoàn cảnh em? – nàng hỏi.

– Tôi đồ rằng… – Đarya Alecxandrovna định nói thì vừa lúc ấy Vaxya Vexlovxki đã luyện được cho ngựa của Anna phi chân phải, phóng vèo qua rất nhanh cạnh họ, người nhún nhẩy nhịp nhàng trên chiếc yên phụ nữ bằng da thuộc.

– Được rồi, Anna Arcadievna ạ! – anh ta nói.

Anna không buồn nhìn anh ta; nhưng, một lần nữa Đarya Alecxandrovna lại cảm thấy khó lòng mở đầu câu chuyện dài dòng này trên xe ngựa, nên đành tóm tắt những ý nghĩ của mình.

– Tôi chẳng cho là thế nào cả, – bà nói tiếp, – bao giờ tôi cũng yêu mến cô, mà khi yêu một người, ta yêu trọn vẹn con người đó y nguyên như trong thực tế chứ không phải như trong ước muốn của ta.

Anna quay đi không nhìn vào mặt bà bạn nữa và hấp háy mắt (một thói quen mới của nàng mà Đôly chưa từng thấy), bắt đầu suy nghĩ, muốn hiểu thấu hoàn toàn ý nghĩa lời nói đó. Rồi hẳn là đã hiểu như ý mình muốn, nàng nhìn thẳng vào Đôly.

– Ví thể chị có tội lỗi trong lương tâm, – nàng nói, – thì việc chị đến thăm và nói với em những lời này cũng sẽ chuộc lại được tất cả.

Và Đôly thấy nàng rơm rớm nước mắt. Bà xiết chặt tay Anna không nói gì.

– Thế những nhà này là nhà gì đây? Sao nhiều đến thế! bà nhắc lại sau một phút im lặng.

– Đó là nhà người làm, trại nuôi ngựa, chuồng ngựa, Anna trả lời. Bãi cỏ cho gia súc bắt đầu từ đây. Tất cả chỗ này trước đây đều bỏ hoang, nhưng Alecxei đã khôi phục lại hết. Anh ấy yêu trang trại này lắm và em rất ngạc nhiên thấy anh ấy đâm ra say mê khai khẩn ruộng đất. Với lại, đây là một con người có bản chất hết sức phong phú! Bất cứ bắt tay vào việc gì, anh ấy cũng làm rất trội. Không những anh ấy không bao giờ chán mà còn say mê với việc mình làm nữa kia. Theo như em biết, anh ấy trở nên tiết kiệm, thành điền chủ xuất sắc, thậm chí còn hà tiện nữa… Nhưng chỉ trong công việc canh tác thôi, vì anh ấy vẫn tiêu hàng vạn rúp không cần tính toán, – nàng nói với nụ cười vừa sung sướng vừa tinh quái thường thấy ở phụ nữ khi nhắc đến những cá tính sâu kín của người yêu mà chỉ riêng họ nhìn thấy. – Chị có thấy toà nhà to kia không? Đó là bệnh viện mới. Em chắc xây cũng đến hơn mười vạn rúp. Đó là cái thích thú(1) hiện nay của anh ấy. Và chị có biết do đâu anh ấy lại thế không? Nông dân xin anh ấy nhượng lại theo giá rẻ mấy cánh đồng cỏ; anh ấy từ chối và em trách anh ấy keo kiệt. Tất nhiên, không phải chỉ vì thế thôi, đó là cả một mớ nguyên nhân gộp lại; anh ấy liền làm nhà thương này để chứng tỏ mình không phải là đồ keo kiệt, chị hiểu chứ. Đó là chuyện nhỏ nhen(2), nếu chị muốn cho là thế cũng được; nhưng chính vì thế em càng yêu anh ấy hơn. Bây giờ, chị sắp sửa thấy nhà chúng em đấy. Nhà xây từ đời ông nội và anh ấy không thay đổi gì ở bên ngoài cả.

– Đẹp thật! – Đôly trầm trồ ngắm ngôi nhà có hàng cột chạy quanh, nổi bật trên vòm lá xanh óng của những cây cổ thụ.

– Phải không chị? Và đứng trên gác hai mà ngắm phong cảnh thì tuyệt.

Họ đi vào sân rải sỏi điểm một khoảnh đất trồng hoa mà hai người làm vườn đã viền đá bọt xung quanh và dừng lại trước thềm nhà rải thảm.

– À, họ đã về đến nơi rồi! – Anna thốt lên khi thấy có người dẫn ngựa cưỡi về chuồng.

– Con vật mới đẹp làm sao, chị nhỉ? Nói “cóp” đấy. Nó là con ngựa cưng của em đấy. Dẫn nó lại đây và cho tôi ít đường. Bà tước đâu? – nàng hỏi hai người hầu mặc quần áo nâu đang chạy tới.

– À, anh ấy kia rồi! – nàng nói khi trông thấy Vronxki đến đón họ.

– Mình định xếp quận chúa nghỉ đâu? Vronxki hỏi Anna bằng tiếng Pháp và không chờ trả lời, chàng lại chào Đarya Alecxandrovna và lần này hôn tay bà.

– Có lẽ ở phòng lớn có bao lơn chăng?.

– Ồ, không, xa quá! Phòng trong góc tiện hơn, để chị em tôi còn gặp nhau luôn chứ. Ta đến đấy đi, – Anna nói và cho con ngựa cưng miếng đường người hầu vừa mang đến.

– Thế là ông quên nhiệm vụ rồi, nàng bảo Vexlovxki đang bước lên thềm nhà.

– Xin lỗi, tôi có đường đầy túi đây, – anh ta mỉm cười đáp và luồn hai ngón tay vào túi gi lê.

– Nhưng ông đến chậm quá, – nàng nói tiếp và lấy khăn lau bàn tay bị ướt vì cho ngựa ngoạm đường. Anna quay về phía Đôly.

– Chị ở chơi lâu không? Một ngày thôi ư? Không được!

– Tôi đã hẹn thế rồi! Với lại còn các cháu… – Đôly nói, ngượng ngùng vì phải lôi cái túi đi đường xoàng xĩnh ra khỏi xe và vì biết chắc mặt mình đầy bụi.

– Không, chị Đôly, chị thân mến của em… Nhưng ta sẽ liệu sau. Đi nào, đi nào! – và Anna dẫn Đôly vào buồng dành cho bà.

Buồng này không lộng lẫy bằng căn buồng Vronxki định xếp cho bà và Anna xin lỗi về điều đó. Nhưng nó vẫn sang trọng hơn mọi thứ buồng Đôly từng ở và gợi cho bà nhớ tới những khách sạn đẹp nhất ở nước ngoài.

– Ôi, chị thân mến, em sung sướng quá! – Anna nói và ngồi xuống cạnh Đôly một lát, nàng vẫn mặc bộ đồ kị sĩ.

– Chị kể em nghe về gia đình chị đi. Em có thoáng gặp anh Xtiva một lát. Nhưng anh ấy không biết kể về các cháu. Tanya, đứa cháu gái cưng của em ra sao rồi! Chắc nó lớn lắm rồi nhỉ?

– Ừ, cháu lớn lắm, – Đarya Alecxandrovna đáp gọn lỏn, bà ngạc nhiên thấy mình nói đến con cái một cách lạnh lùng đến thế. – Chúng tôi ở nhà Levin dễ chịu lắm, – bà nói tiếp.

– Giá trước kia em biết chị không khinh em, – Anna nói… – Biết thế thì em đã mời cả gia đình chị đến ở với chúng em. Xtiva là bạn cũ của Alecxei, – nàng nói tiếp và bỗng nhiên đỏ mặt.

– Vâng, nhưng chúng tôi ở đằng ấy cũng dễ chịu lắm, – Đôly bối rối đáp lại.

– Đúng thế đấy, em mừng quá nên đâm ra ăn nói nhảm nhí. Em rất sung sướng được gặp chị, chị thân yêu của em! – Anna vừa nói vừa hôn chị dâu lần nữa. – Chị vẫn chưa nói cho em biết chị nghĩ gì về em và em muốn biết tất cả. Nhưng em hài lòng vì chị thấy em như thế này. Em mong hơn hết là người ta đừng cho là em định chứng minh cái gì. Em chẳng muốn chứng minh gì hết, em chỉ muốn sống, thế thôi; không làm hại ai kể cả bản thân mình. Em rất có quyền như thế, phải không chị? Với lại, chuyện dài lắm, chúng ta sẽ còn tha hồ hàn huyên. Em đi thay quần áo đây; em sẽ phái hầu phòng đến cho chị.

Chú thích:

(1) Dada (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(2) C’ est une petitessse (tiếng Pháp trong nguyên bản)

Chọn tập
Bình luận