Vronxki theo nhưng soát vé vào trong toa; đến cửa buồng toa, chàng dừng lại nhường lối cho một thiếu phụ bước ra.
Với bản năng của người trong giới xã giao, Vronxki chỉ cần liếc mắt qua cũng xếp được thiếu phụ này vào loại thượng lưu. Chàng xin lỗi rồi tiếp tục đi, nhưng tự nhiên lại ngoái nhìn nàng lần nữa, không phải vì sắc đẹp, cũng không phải vì vẻ thanh lịch và cái duyên thầm toả ra từ khắp toàn thân nàng, mà vì lúc đi ngang qua, chàng đã nhận thấy một vẻ dịu dàng và thuỳ mị lạ lùng trên bộ mặt yêu kiều ấy. Trong khi đó, nàng cũng quay đầu lại. Cặp mắt xám long lanh, như xẫm lại dưới bóng đôi hàng mi dày, dừng lại trên mặt chàng với vẻ chăm chú thân mật như đã nhận ra chàng, rồi lại nhìn ngay ra đám đông người qua lại, như muốn tìm ai. Qua cái nhìn ngắn ngủi, Vronxki nhận thấy vẻ sôi nổi ngấm ngầm phảng phất trên mặt nàng, lúc xuất hiện trong cặp mắt long lanh, khi ở nụ cười thoáng nở trên cặp môi tươi mát. Có thể nói toàn thân nàng trào lên một sức sống dào dạt, dù muốn hay không, vẫn bộc lộ qua ánh mắt hoặc miệng cười. Những lúc nàng cố tình giấu kín không để cái ánh lửa ấy ngời lên trong mắt thì nó lại xuất hiện trong nét cười kín đáo, ngoài ý muốn của nàng.
Vronxki bước vào toa. Mẹ chàng, một bà già khô đét, mắt đen, tóc loăn xoăn thành từng búp nhỏ, lim dim mắt ngắm con và cặp môi mỏng mỉm cười. Bà đứng dậy khỏi ghế, đưa túi xách cho chị hầu phòng và chia bàn tay xương xẩu cho con hôn, rồi lại hôn lên trán chàng.
– Con nhận được điện của mẹ chứ? Con khỏe chứ? Đội ơn Chúa!
– Mẹ đi đường có bình yên không? – con trai bà nói, vừa ngồi xuống cạnh vừa bất giác lắng nghe tiếng đàn bà đằng sau cánh cửa. Chàng biết đó là tiếng người thiếu phụ chàng vừa gặp khi bước lên tàu.
– Dù sao đi nữa, tôi cũng không đồng ý với ông, – thiếu phụ nói.
– Thưa bà, đó là quan điểm Peterburg đấy.
– Không, quan điểm phụ nữ, có thế thôi, – nàng đáp.
– Thế thì, cho phép tôi được hôn tay bà.
– Tạm biệt, ông Ivan Pet’rovitr. Ông nhìn giúp xem anh tôi có đây không, và bảo anh ấy lại đây hộ, – thiếu phụ đứng ở cửa buồng toa nói, rồi quay vào.
– Bà đã tìm thấy ông anh nhà chưa? – nữ bá tước Vrônxkaia hỏi nàng.
Lúc bấy giờ Vronxki mới hiểu ra đó là Carenin.
– Lệnh huynh có ở đây đấy, – chàng đứng dậy và nói. – Xin lỗi, tôi không nhận ra bà, chúng ta ít gặp nhau quá, nên bà ắt chẳng nhớ ra tôi.
– ồ, có chứ, nhất định tôi phải nhận ra ông, vì trong suốt chuyến đi, cụ nhà và tôi toàn nói về ông, – nàng nói, và cuối cùng để lộ vẻ vui thích ra nụ cười. – Vẫn chưa thấy anh tôi tới.
– Con đi gọi ông ấy đi vậy, Aliosa. 1 – bá tước phu nhân nói.
Vronxki xuống sân ga và gọi to:
– Oblonxki! Đây kia mà!
Nhưng Carenin không đợi ông chạy đến: vừa thoáng thấy anh, nàng liền bước ngay xuống sân ga, dáng đi nhẹ nhàng và quả quyết.
Khi hai người vừa gặp nhau, nàng liền ôm lấy cổ anh, kéo mạnh về phía mình hôn rất thân thiết; dáng điệu nàng vừa duyên dáng vừa mạnh mẽ khiến Vronxki ngây người ra ngắm. Vronxki không rời mắt khỏi nàng, và mỉm cười bâng quơ. Nhưng chàng sực nhớ có mẹ đang đợi nên lại trèo lên tàu.
– Con người mới duyên dáng làm sao, phải không con? – bá tước phu nhân nói với Vronxki. – Ông chồng đã giao bà ta cho mẹ, và mẹ vui thích lắm, mẹ và bà ấy chuyện trò với nhau suốt cả chuyến đi.
Thế nào, còn con? Người ta nói… con đang xe mối tơ tình bất tuyệt phải không? Càng hay, con ạ, càng hay. 2 – Con không biết mẹ định nói bóng đến chuyện gì, mẹ ạ, – người con lạnh lùng đáp. – Ta xuống chứ mẹ?
Carenin trở vào toa để cáo từ bá tước phu nhân:
– Thôi, thưa bá tước phu nhân, cụ đã gặp lại con trai, còn tôi đã gặp anh trai tôi, – nàng vui vẻ nói. – Với lại, có bao nhiêu chuyện tôi đã nói cả rồi, không còn gì kể hầu cụ nữa.
– Tôi không tin thế đâu, – bá tước phu nhân cầm tay nàng nói, – tôi có thể đi vòng quanh thế giới với bà không biết chán, bà là một phụ nữ yêu kiều, ngồi bên bà, dù chuyện trò hoặc nín lặng, cũng đều thấy dễ chịu. Này, tôi xin bà, đừng nhớ cậu con trai nữa: thỉnh thoảng cũng phải tạm xa nhau chứ.
Carenin đứng lặng im, người rất thẳng, và đôi mắt mỉm cười.
– Bà Anna Arcadievna đây có một con trai, một chú bé lên tám, – bá tước phu nhân cắt nghĩa, – bà không xa con bao giờ và cứ băn khoăn vì phải để con ở nhà.
– Vâng, chúng tôi dành tất cả thì giờ để nói chuyện về con cái, cả bá tước phu nhân lẫn tôi, – Carenina nói, và nụ cười lại chiếu sáng khuôn mặt nàng: một nụ cười duyên dáng dành riêng cho Vronxki.
– Thế thì chắc bà nghe đến phát ngấy, – chàng nói, cũng đối đáp theo cách làm duyên nàng đã dùng với chàng. Nhưng rõ ràng nàng không muốn tiếp tục câu chuyện với giọng ấy và quay về phía bá tước phu nhân.
– Rất cám ơn cụ. Thậm chí, tôi không hề cảm thấy ngày hôm qua đã trôi đi nữa kia. Xin chào bá tước phu nhân.
– Xin từ biệt, bà bạn thân, – bá tước phu nhân đáp. – Cho phép tôi được hôn gương mặt xinh đẹp của bà. Tôi là bà già, tôi có thể nói không khách khí rằng bà đã chinh phục tôi rồi đấy.
Câu nói dù có nhàm đến đâu cũng khiến Carenina xúc động. Nàng đỏ mặt, hơi nghiêng mình, chìa mặt cho bá tước phu nhân hôn, rồi lại thẳng người lên, và vẫn với nét cười xao xuyến khi trên mắt, khi trên môi, nàng chìa tay cho Vronxki. Chàng xiết mạnh bàn tay nhỏ nhắn và vô cùng sung sướng cảm thấy bàn tay ấy nắm lấy tay mình rất chặt và quả quyết. Nàng thoăn thoắt bước ra nhẹ nhàng lạ lùng so với tấm thân đậm đà.
– Thật đáng yêu! – bá tước phu nhân nói.
Con trai bà cũng nghĩ y như vậy. Chàng đưa mắt nhìn theo cho đến khi cái bóng dáng uyển chuyển biến mất, nụ cười vẫn đọng lại trên môi. Qua cửa sổ, chàng thấy nàng lại gần anh, đặt tay lên cánh tay ông và bắt đầu nói chuyện sôi nổi: câu chuyện rõ ràng không liên quan mảy may đến chàng, đến Vronxki này, và chàng lấy làm buồn.
– Thế nào mẹ, mẹ khỏe thật chứ ạ? – chàng quay về phía mẹ, nhắc lại.
– ừ, khá lắm! Alecxandr rất ngoan. Còn con Maria đẹp thêm ra nhiều. Cháu dễ thương lắm.
Rồi bà cụ bắt đầu nói đến chuyện bà quan tâm nhất: về chuyện rửa tội cho cháu trai, đã khiến bà phải đến Peterburg, và lòng tốt đặc biệt của hoàng đế đối với con cả bà.
– Lôrăng đây rồi, – Vronxki nhìn ra cửa sổ nói. – Ta đi thôi, thưa mẹ.
Người lão bộc theo hầu bá tước phu nhân đến báo mọi thứ đã sẵn sàng và phu nhân đứng dậy.
– Nào, ta đi thôi, đã vãn người rồi, – Vronxki nói.
Chị hầu phòng xách túi và bế con chó nhỏ; người lão bộc và anh phu khuân vác mang những hành lý khác. Vronxki đưa tay cho mẹ khoác; khi xuống khỏi toa tàu, một đám người nét mặt hốt hoảng bỗng chạy qua trước mặt họ. Viên trưởng ga đội mũ lưỡi trai màu đặc biệt cũng trong đám người này.
Rõ ràng vừa xảy ra chuyện gì bất thường. Hành khách đổ cả về phía cuối tàu.
– Cái gì?… Làm sao?… Đâu?… Anh ta lao người vào bánh xe à?…
Chẹt phải anh ta rồi à? – Đám người đi qua bàn tán nhốn nháo.
Xtepan Arcaditr khoác tay em gái cũng quay lại, nét mặt nhớn nhác. Để tránh đám đông, họ dừng lại bên cửa toa xe.
Các bà lại trèo lên toa còn Vronxki và Xtepan Arcaditr thì đi hỏi thêm chi tiết rành mạch hơn về sự việc đáng tiếc kia.
Một người gác đường tàu, vì say rượu hay do quần áo mũ tùm hum để chống rét, đã không nghe thấy tàu giật lùi nên bị kẹt chết.
Các bà được người lão bộc cho biết trước khi Vronxki và Oblonxki quay về. Hai người đã nhìn thấy cái xác mất cả nhân dạng. Oblonxki bị kích động ra mặt. Ông cau mày và như sắp khóc.
– Chao! Kinh khủng! Chao! Anna, nếu em cũng nhìn thấy anh ta!
Chao! Kinh khủng quá! – ông nhắc lại.
Vronxki nín lặng: bộ mặt đẹp của chàng nghiêm trang nhưng rất bình tĩnh.
– Thưa bá tước phu nhân, nếu cụ mà nhìn thấy cảnh đó! – Xtepan Arcaditr nói. – Vợ anh ta cũng đứng đó. Trông chị ấy thảm hại quá…
chị ta nhảy vào ôm lấy xác chồng. Hình như chỉ có mình anh ta làm để nuôi cả gia đình đông con. Đó mới là điều khủng khiếp!
– Không thể giúp được chị ta chút gì à? – Carenina nói, giọng cảm động.
Vronxki nhìn nàng và rời ngay khỏi toa tàu.
– Con trở lại ngay thôi, mẹ ạ, – chàng quay lại nói, lúc bước qua cửa.
Vài phút sau, khi chàng trở lại, đã thấy Xtepan Arcaditr nói chuyện với bá tước phu nhân về cô danh ca mới, còn bà cụ sốt ruột nhìn ra cửa, ngóng con.
– Bây giờ ta đi thôi, – Vronxki quay về, nói.
Tất cả cùng bước ra. Vronxki đi trước với mẹ. Đi sau là Carenina và anh trai. Ra đến cửa, viên trưởng ga đuổi kịp Vronxki.
– Ngài vừa đưa cho ông phó ga hai trăm rúp. Xin ngài vui lòng cho tôi được biết ngài định chuyển số tiền đó cho ai ạ?
– Cho người đàn bà goá, – Vronxki nhún vai đáp. – Tôi không hiểu sao ông lại hỏi tôi câu đó.
– Anh đã làm việc ấy ư? – Oblonxki hỏi to phía sau chàng và xiết chặt cánh tay em gái, nói tiếp: – thật hào hiệp! Hào hiệp biết bao! Quả là một thanh niên đáng yêu, phải không? Xin kính chào bá tước phu nhân.
Ông và em gái dừng lại để tìm chị hầu phòng của Carenina.
Khi họ ra khỏi ga, xe của gia đình Vronxki đã đi rồi. Những người vào ga tiếp tục nói đến chuyện vừa xảy ra.
– Thật là một cái chết khủng khiếp! – Một ông đi qua bên cạnh nói.
– Nghe bảo anh ta bị nghiến đứt làm hai mảnh.
– Trái lại, đấy là cái chết êm dịu nhất vì được chết ngay lập tức, – một người khác nhận xét.
– Tại sao lại không có biện pháp bảo đảm an toàn nhỉ? – một người thứ ba nói.
Carenina bước lên xe và ông anh ngạc nhiên thấy môi cô em run lên và khó khăn lắm nàng mới cầm nổi nước mắt.
– Cô làm sao thế, Anna? – ông hỏi, khi xe đã đi xa.
– Đó là điềm gở, – nàng nói.
– Bậy nào! – Xtepan Arcaditr nói. – Cô đã tới, đó là điều chủ yếu. Cô không thể biết anh hy vọng vào cô đến mức nào.
– Anh quen với Vronxki lâu chưa? – nàng hỏi.
– Lâu rồi. Cô biết không, chúng tôi đang hy vọng anh ta sẽ cưới Kitti đấy.
– Thế à? – Anna bình tĩnh nói. – Bây giờ ta bàn chuyện của anh đi, – nàng lắc đầu nói tiếp như muốn xua đuổi một ý nghĩ phiền toái và khó chịu. – Bàn về công việc của anh đi. Em đã nhận được thư anh, và em đến đây.
– ừ, anh chỉ còn hy vọng vào cô nữa thôi, – Xtepan Arcaditr nói.
– Nào, kể hết cho em nghe đi.
Thế là Xtepan Arcaditr bắt đầu kể.
Về tới nhà, Oblonxki dắt em xuống xe, bắt tay và đến toà án.
— —— —— —— ——-
1 Tên gọi thân mật của Alecxei.
2 Vous filez le parfait amour? Tant mieux, mon cher, tant mieux (tiếng Pháp trong nguyên bản)