Vronxki, tuy sống phóng đãng với vẻ ngoài phù phiếm, vẫn ghét sự bừa bãi. Hồi còn trẻ, ở trường Hoàng tộc thiếu sinh quân, một hôm túng tiền phải đi hỏi vay, chàng đã trải một phen nhục nhã vì bị từ chối và từ đó, chàng cố làm sao không bao giờ lâm vào cảnh đó nữa.
Để thu xếp công việc đâu vào đấy, mỗi năm độ bốn, năm bận, nhiều hay ít còn tuỳ hoàn cảnh, chàng đóng kín cửa ngồi tính toán tiền nong, hoặc như chàng gọi, để giặt giũ 1.
Hôm sau ngày đua ngựa, Vronxki ngủ dậy muộn, không cạo mặt và cũng chẳng tắm rửa, khoác chiếc áo quân phục trắng và xếp tiền nong, sổ sách, thư từ lên bàn, rồi bắt đầu làm việc. Pet’rixki thức dậy, thấy bạn đang ngồi ở bàn giấy, biết chàng rất dễ cáu vào lúc này, nên lặng lẽ mặc quần áo và đi ra ngoài để khỏi làm phiền.
Tất cả những kẻ nhìn rõ mọi chi tiết của hoàn cảnh phức tạp quanh mình, thường vô tình cho rằng sự phức tạp của hoàn cảnh đó cùng nỗi khó khăn trong việc gỡ mối, chỉ là chuyện cá biệt và ngẫu nhiên của riêng mình chứ không hề nghĩ người khác cũng phải đối phó với hoàn cảnh phức tạp của mình. Vronxki cũng cảm thấy thế.
Chàng không khỏi hãnh diện và chẳng phải hồ đồ khi nghĩ rằng người khác hẳn sẽ gục ngã trước khó khăn như vậy. Nhưng hơn bao giờ hết, chàng thấy cần làm sáng tỏ hoàn cảnh của mình để khỏi bị kẹt.
Trước tiên – và đây là việc dễ nhất – chàng xem xét công việc tiền nong. Bằng kiểu chữ nhỏ nhắn của mình, chàng ghi lên một tờ giấy viết thư tất cả số tiền nợ và cộng lại; chàng thấy mình mắc nợ mười bảy nghìn rúp và vài trăm lẻ tạm bỏ qua cho dễ tính. Chàng đếm tiền mặt, xem lại sổ ngân phiếu và thấy chỉ còn một nghìn tám trăm rúp và từ nay đến cuối năm, chàng thấy trước chưa có khoản thu nhập nào cả. Sau khi đọc lại bản kê nợ, Vronxki chép lại và chia làm ba loại. Loại thứ nhất, gồm các món phải trả ngay hoặc lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn tiền để phòng khi bắt buộc thanh toán thì có cái trang trải. Những món đó lên tới chừng bốn nghìn rúp: một nghìn rưởi trả tiền ngựa và hai nghìn rưởi trả cho tên bịp đã được bạc người bạn trẻ Venevxki ngay trước mặt Vronxki và được chàng đảm bảo trả thay. Vronxki định trả ngay lập tức (hôm đó chàng đang sẵn tiền ở nhà), nhưng Venevxki và Yasvin khăng khăng đòi trả lấy vì Vronxki không dự canh bạc đó. Đành rằng mọi điều đó đều tốt đẹp, nhưng Vronxki biết khi đã dính líu vào việc rắc rối này, dù chỉ đứng ra bảo đảm cho Venevxki, chàng vẫn phải giữ sẵn hai nghìn rưởi rúp để quẳng vào mặt thằng ăn cắp và khỏi phải hạ lời với nó nữa. Như thế là chàng cần có bốn nghìn rúp cho loại nợ đầu tiên quan trọng nhất.
Loại nợ thứ hai: tám nghìn rúp thì số lớn chi cho chuồng ngựa đua: nợ gã bán cỏ và lúa mạch, nợ gã người Anh, nợ người bán đồ ngựa: về khoản này chàng cũng phải tiêu độ hai nghìn rúp thì mới hoàn toàn êm thấm. Loại cuối cùng là nợ các cửa hàng, tiệm ăn và thợ may: cái đó thì không cần bận tâm. Như thế, ít nhất phải có sáu nghìn rúp để chi dùng trước mắt mà hiện chàng chỉ có nghìn tám. Một người mà thiên hạ cho là có tới mười vạn rúp thu nhập, lẽ nào lại túng thiếu, nhưng thực ra Vronxki còn lâu mới có được mười vạn rúp ấy. Tài sản kếch sù của bố, hàng năm riêng nó thu lợi hai mươi vạn rúp, vẫn chưa được chia. Khi ông anh cả, nợ nần ngập đến cổ, cưới quận chúa Varya Tsiêckôva, con gái một đảng viên Tháng Chạp, không có chút tài sản nào, Alecxei đã nhường cho anh tất cả số thu nhập ruộng đất của bố và chỉ dành lại phần mình có hai vạn rưởi rúp. Lúc đó, Alecxei bảo anh là số tiền đó đủ cho chàng chi dùng tới khi lấy vợ, cái việc có lẽ không bao giờ xảy ra. Và ông anh vốn chỉ huy một trung đoàn vào loại tốn kém nhất, lại vừa lấy vợ xong, không thể không nhận món quà đó. Mẹ Vronxki có tài sản riêng, hàng năm ngoài số tiền hai vạn rưởi rúp đã quy định, còn cho thêm con trai hai vạn rúp mà Alecxei tiêu nhẵn đến đồng cuối cùng. Gần đây, bà xích mích với chàng về chuyện chàng dan díu với Anna và bỏ đi Moxcva, nên không gửi cho số tiền đó nữa. Và Vronxki, vốn quen sống với bốn vạn rưởi rúp, năm nay chỉ nhận được có hai vạn rưởi thôi, nên đâm túng. Chàng không thể hỏi xin tiền mẹ được. Lá thư cuối nhận được hôm qua làm chàng rất bực vì bà tỏ ý sẵn sàng giúp chàng đạt thắng lợi trong giới xã giao và trên đường công danh sự nghiệp chứ không phải để sống một cuộc đời làm ô danh cả xã hội thượng lưu. ý định mua chuộc đó làm tổn thương nặng đến lòng tự ái của Vronxki và khiến chàng càng thêm lạnh nhạt với mẹ. Nhưng chàng cũng không thể nuốt lời hứa hào phóng với anh, mặc dù bây giờ nghĩ tới những hậu quả bất ngờ có thể xảy tới do việc dan díu với Anna, chàng mới thấy mình đã nhẹ dạ hứa hẹn, và tuy chưa có vợ, mười vạn rúp thu nhập của chàng vẫn có thể rất ích lợi. Nhưng chàng không thể thay đổi ý kiến được nữa. Chỉ cần nghĩ tới bà chị dâu Varya hiền thảo, đáng yêu, luôn luôn nhắc lại rằng bà không quên và biết đánh giá đúng tấm lòng rộng rãi của chàng, là chàng đủ hiểu không thể đòi lại cái đã cho. Không thể làm thế cũng như không thể đánh phụ nữ, không thể ăn cắp hoặc nói dối.
Giải pháp duy nhất mà Vronxki quyết định ngay không chút chần chừ, là đi mượn một vạn rúp của một tên cho vay nặng lãi, (việc đó không có gì khó khăn), rồi giảm bớt chi tiêu và bán đàn ngựa thi. Sau khi quyết định như vậy, Vronxki viết ngay mấy chữ cho Rôlanđaki, người đã nhiều lần hỏi mua ngựa của chàng. Sau đó, chàng cho đi tìm gã người Anh cùng người cho vay nợ lãi và chia số tiền còn lại ra, trang trải các khoản nợ khác. Làm xong việc đó, chàng viết một bức thư lạnh nhạt và cộc lốc cho mẹ. Rồi chàng lấy trong ví ra ba lá thư của Anna, đọc lại và đốt đi: nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai người hôm qua, chàng bỗng triền miên suy nghĩ.
— —— —— —— ——-
1 Faire la lessive (tiếng Pháp trong nguyên bản).