Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 2 – Chương 2

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Doli đến khi bác sĩ đã ra về. Bà biết thầy thuốc đến khám bệnh vào hôm đó, và tuy vừa mới lại người sau khi ở cữ (bà vừa sinh con gái vào cuối mùa đông), mặc dầu trong lòng còn nhiều nỗi lo phiền, bà vẫn để lại nhà đứa bé mới đẻ và một đứa con gái vừa chớm bệnh, để tới hỏi thăm bệnh tình Kitti.

– Thế nào? – bà bước vào phòng khách, mũ vẫn đội trên đầu. – Cả nhà xem ra vui vẻ nhỉ? Thế thì mọi việc chắc đều êm đẹp thôi?

Mọi người cố thuật lại cho bà nghe những điều bác sĩ dặn nhưng khó mà nhắc lại bác sĩ đã nói những gì, mặc dầu ông ta nói rất lâu, bằng những lời lẽ trau chuốt nhất; chỉ có điều thú vị duy nhất là việc quyết định ra nước ngoài. Bất giác Doli thở dài. Người bạn thân nhất của bà là cô em sắp đi rồi. Và cuộc sống của bà thì chẳng vui gì. Từ ngày làm lành với Xtepan Arcaditr, bà thấy quan hệ với chồng có vẻ nhục nhã. Việc hàn gắn do Anna thu xếp tỏ ra mỏng manh và sự hòa thuận của đôi vợ chồng vẫn đe doạ tan vỡ vì chuyện cũ. Tuy không có gì rõ rệt, nhưng Xtepan Arcaditr gần như không bao giờ ở nhà, tiền hầu như lúc nào cũng thiếu và Doli thì luôn luôn bị sự nghi ngờ dằn vặt. Bà gạt bỏ mối ngờ vực đó đi, bà ghê sợ những nỗi đau đớn đã phải chịu đựng vì ghen tuông. Cơn ghen thứ nhất, một khi vượt qua, không thể tái diễn nữa, và dù có phát giác sự phụ bạc mới, nó cũng không thể tác động mạnh mẽ đến bà như lần đầu. Sự phát giác đó nếu xảy ra, hẳn sẽ chỉ làm bà từ bỏ những thói quen trong đời sống vợ chồng và bà cứ để mặc cho mình bị lừa dối, rồi khinh chồng và tự khinh mình hơn nữa, vì đã tỏ ra yếu đuối đến thế. Ngoài điều ấy, những lo lắng của một gia đình đông đúc làm bà không rảnh rang lúc nào: khi thì đứa bé mới đẻ chịu bú, khi thì người vú bỏ đi, khi thì một đứa nhỏ lại ốm, như lúc này.

– Các cháu ra sao? – phu nhân hỏi con gái.

– Chao! Chúng con có nhiều chuyện buồn bực lắm, mẹ ạ! Cháu Lili mới chớm phải bệnh gì ấy, con sợ là nó sốt ban. Hôm nay con phải đến để xem tình hình Kitti ra sao, nếu không thì con cũng chẳng rời nhà đi đâu được. Cầu Chúa che chở chúng con!

Sau khi bác sĩ về, lão quận công cũng ra khỏi phòng làm việc; ông chìa má cho Doli hôn, nói chuyện một lát với con gái, rồi quay về phía vợ:

– Bà định thế nào? Bà và con đi à? Còn tôi thì bà tính sao?

– Tôi nghĩ ông nên ở lại thì hơn, Alecxandr ạ, – bà vợ nói.

– Tuỳ bà thôi.

– Mẹ ạ, tại sao ba lại không cùng đi với chúng ta? – Kitti nói. Như thế vui hơn, cả cho ba, cả cho mẹ con ta.

Lão quận công đứng dậy và lấy tay vuốt tóc Kitti. Cô ngẩng đầu và gượng cười, nhìn ông. Cô thấy hình như bao giờ bố cũng hiểu mình hơn tất cả mọi người khác, tuy ông ít khi chuyện trò với cô. Cô được ông chiều nhất, vì là út và cô có cảm giác lòng yêu thương cô làm ông trở nên sáng suốt. Khi bắt gặp cặp mắt xanh hiền hậu của ông đăm đăm nhìn mình, cô thấy hình như ông nhìn thấu suốt lòng cô và hiểu tất cả những tình cảm xấu xa đang khuấy động tâm can. Cô kiễng lên ngang tầm ông, mặt đỏ dừ, chờ đợi ông hôn nhưng ông chỉ khẽ kéo tóc cô và nói:

– Cái loại độn tóc giả này thật đốn! Đời thuở nào, tóc con gái mình thì không chạm tới được, mà lại đi vuốt tóc một người đàn bà chết rồi.

Thế nào, Doli, – ông hỏi cô con gái lớn, – cái nhân vật kỳ dị của con hiện đang làm gì?

– Thưa ba, không làm gì cả ạ, – Doli trả lời, biết bố nói đến chồng mình. – Nhà con đi vắng luôn, con ít gặp lắm, – bà không đừng được và nói thêm như vậy với một nụ cười châm biếm.

– Nó chưa về quê bán khu rừng ấy à?

– Thưa ba chưa ạ, nhà con vẫn mới chỉ dự định thế thôi.

– Thật ư? – lão quận công nói. – Thế tôi có cùng đi không nào? Được, – ông nói với vợ và ngồi xuống. – Nghe ba đây, Kitti này, – ông nói tiếp với cô gái út. Một buổi sáng nào đó khi ngủ dậy, con sẽ tự nhủ như thế này: “Tôi đã khỏe hẳn và vui vẻ rồi mà, lại phải tiếp tục đi dạo chơi buổi sáng với ba vào một ngày sương giá đẹp trời”. Con thấy thế nào?

Điều bố nói có vẻ đơn giản lắm, nhưng nghe câu ấy, Kitti bối rối và lúng túng như tên tội phạm hết đường chối cãi. “Đúng là ba ba biết cả rồi, ba hiểu cả và ba muốn mình hiểu là, dù có tủi nhục mấy đi nữa, mình cũng phải vượt qua”. Cô không đủ sức trả lời nữa. Cô mở miệng, bỗng oà lên khóc rồi vội vã chạy ra khỏi phòng.

– Ông lại trêu chọc nó rồi! – phu nhân rầy la chồng. – Ông lúc nào cũng cứ là… – và bà bắt đầu kể lể trách móc.

Lão quận công nghe vợ oán trách hồi lâu, không nói lại câu nào, nhưng mặt ông mỗi lúc một cau có.

– Tội nghiệp con bé, nó thật đáng thương, thật đáng thương, thế mà ông không thấy mọi ám chỉ đến nguyên nhân nỗi buồn đều làm nó đau đớn. Ôi! Sao lại có thể xét người lầm lẫn đến thế nhỉ! – phu nhân nói, và nghe giọng bà thay đổi, Doli và lão quận công hiểu bà nói đến Vronxki. – Tôi không hiểu sao lại không có những luật lệ để đối phó với cái bọn hèn mạt và ti tiện đến thế.

– à! Tại tôi không muốn nghe điều đó, – lão quận công lầm lầm nói.

Ông đứng dậy như để đi ra, nhưng lại đừng ở ngưỡng cửa. – Này bà ơi, có luật lệ đấy, và vì đã muốn khiêu khích tôi, nên tôi sẽ nói cho bà biết ai phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều đó: chính bà, và chỉ có mình bà thôi. Có luật lệ trị bọn trẻ ranh đi tán gái ấy, và bao giờ cũng vẫn có đấy chứ! Đúng vậy, và nếu xảy ra những chuyện lẽ ra không bao giờ nên xảy ra, thì dù tôi có già như thế này, tôi cũng sẽ thách cái thằng sở khanh ấy đấu súng! Bây giờ thì bà trông nom lấy nó và mời tất cả các thứ lang băm lại đi!

Lão quận công có lẽ còn tiếp tục nói lâu nữa bằng cái giọng ấy, nếu phu nhân không tỏ ra khuất phục và hối hận, như bà thường làm trong những tình thế gay go.

– Alecxandr, Alecxandr! – bà lẩm bẩm, nước mắt giàn giụa bước lại gần ông. Khi bà bắt đầu khóc thì lão quận công cũng nguôi dần. Ông đi lại phía bà.

– Thôi, được rồi, được rồi! Tôi biết bà cũng cực lòng lắm đấy! Biết làm thế nào? Đó không phải tai họa lớn. Lạy Chúa lòng lành vô cùng… Cảm ơn, – ông nói thêm, không còn hiểu mình đang nói gì đáp lại cái hôn đẫm nước mắt của phu nhân, mà ông cảm thấy trên tay.

Và lão quận công ra khỏi phòng.

Khi Kitti, nước mắt giàn giụa, vừa ra khỏi phòng khách thì Doli, với bản năng người mẹ, lập tức cảm thấy đây là việc của đàn bà và chuẩn bị can thiệp. Bà bỏ mũ ra, và tư tưởng đã sẵn sàng, đợi thời cơ hành động; khi mẹ tấn công bố, bà cố can giữ phu nhân trong chừng mực lòng hiếu thảo cho phép. Khi lão quận công nổi nóng, bà im lặng:

bà thấy hổ thẹn cho mẹ và mến thương bố, vốn tính hiền hậu, ông dễ nguôi giận; nhưng khi bố đã đi ra, Doli bèn sửa soạn làm cái việc quan trọng nhất: đi gặp và an ủi Kitti.

– Con định nói với mẹ từ lâu rồi, mẹ ạ: mẹ có biết khi lại đây lần vừa rồi, Levin đã có ý định hỏi Kitti không? Anh ta có nói chuyện đó với Xtiva.

– Thế nào? Mẹ không hiểu…

– Có lẽ Kitti đã từ chối anh ta. Em nó không nói gì với mẹ ư?

– Không, nó không nói với mẹ về ai cả, nó còn quá kiêu kỳ. Nhưng mẹ biết, tất cả đều do ở…

– Nhưng mẹ thử nghĩ xem nếu nó đã từ chối Levin… mà con chắc nó sẽ không từ chối nữa không có anh chàng kia… Thế mà sau đó, nó lại bị lừa dối kinh khủng như thế đấy!

Phu nhân hoảng sợ khi nghĩ đến trách nhiệm đè nặng lương tâm bà và đâm nổi giận:

– Chà! Mẹ không còn hiểu ra thế nào nữa! Bây giờ người ta chỉ muốn làm theo ý mình, người ta không nói gì với mẹ cả, rồi sau đó thì…

– Mẹ ạ, con vào với nó đây.

– Đi đi, mẹ không ngăn giữ con đâu, – bà mẹ trả lời.

Chọn tập
Bình luận