Giới thượng lưu đến dự cuộc đánh quần mà quận chúa Tverxcaia đã mời Anna tới, gồm hai vị phu nhân và những kẻ ngấp nghé họ. Hai vị phu nhân là nhân vật nổi nhất trong nhóm quý phái mới của Peterburg, được mệnh danh bắt chước theo một sự bắt chước là: “Bảy kỳ quan của thế giới” 1. Mặc dầu là tinh hoa trong xã hội thượng lưu ưu tú, nhóm đó lại đối địch với nhóm Anna thường lui tới. Hơn nữa, tôn ông Xtremov, một trong những người có thế lực nhất ở Peterburg, kẻ vẫn tôn thờ Liza Mercalova, lại là kình địch của Alecxei Alecxandrovitr. Vì tất cả lý do trên, Anna không muốn đến đó và câu nhấn mạnh trong thư của quận chúa Tverxcaia cũng là để đề phòng nàng từ chối. Nhưng bây giờ, với hy vọng gặp Vronxki ở đó, Anna lại muốn đến. Nàng tới nhà quận chúa Tverxcaia trước cả các quan khách khác. Nàng vừa bước vào thì gã hầu phòng của Vronxki với hai chòm râu má chải mượt, trông giống như quan nội giám, cũng sắp bước qua ngưỡng cửa. Hắn dừng lại để nhường bước và ngả mũ lưỡi trai ra chào. Anna nhận ra hắn ta và lúc đó mới sực nhớ hôm qua Vronxki đã bảo mình là chàng sẽ không đến. Chắc chàng cho người đến tạ lỗi.
Trong khi cởi áo ngoài ở phòng chờ, nàng nghe thấy gã người hầu nói với cách phát âm điều điệu kiểu các quan nội giám không nhấn chữ r: “Của bá tước tôi kính gửi quận chúa”, và hắn trao bức thư 2.
Nàng muốn hỏi gã hầu phòng xem chủ hắn ở đâu. Nàng định quay gót lại và gửi một bức thư nhắn chàng tới nhà nàng hoặc tự nàng sẽ đến tìm. Nhưng muộn rồi: tiếng chuông báo nàng đến đã vang lên và gã hầu phòng của quận chúa đứng né trước cánh cửa mở, đang chờ nàng đi vào.
– Thưa phu nhân, quận chúa đang ở ngoài vườn, sẽ có người đi báo ngay cho quận chúa biết, trừ phi phu nhân cũng muốn ra gặp quận chúa, – một gã hầu phòng thứ hai trong gian buồng thứ hai thưa với nàng.
Nàng lại cảm thấy do dự và bối rối như lúc ở nhà; thậm chí còn tệ hơn, vì không làm gì được: nàng không được gặp Vronxki mà còn phải nán lại đây giữa đám người xa lạ rất khác biệt với tâm trạng mình; nhưng nàng biết mình đang mặc bộ quần áo rất hợp; nàng không đơn độc; nàng được bao bọc trong cái cảnh trí nhàn hạ trang trọng rất quen thuộc và cảm thấy ở đây còn thoải mái hơn ở nhà; nàng không còn buộc phải suy nghĩ về những việc sẽ phải làm. Cứ để cho mọi sự xoay vần.
Thấy Betxi mặc áo dài trắng, rất trang nhã, đi lại gặp mình, Anna mỉm cười với bà ta như không hề có chuyện gì xảy ra. Theo sau quận chúa Tverxcaia là Tuscievitr và một cô em họ trẻ ở tỉnh nhỏ về đây nghỉ hè tại nhà vị quận chúa nổi tiếng, điều làm bố mẹ cô ta rất vui sướng.
Rõ ràng Anna có vẻ gì kỳ lạ, vì Betxi lập tức thấy ngay.
– Tôi bị mất ngủ, – Anna trả lời, liếc nhìn người hầu mà nàng đoán là cầm thư của Vronxki lại.
– Tôi thật vui sướng thấy chị đã quá bộ tới đây, – Betxi nói. – Tôi mệt quá và đang thèm uống ly trà trước khi họ đến. Còn anh, – bà quay lại bảo Tuscievitr, – anh nên cùng Masa đi ra thử cái sân quần 3, chỗ bãi họ xén cỏ rồi ấy. Ta còn đủ thời giờ nói chuyện thong thả với nhau trong lúc uống trà; ta sẽ chuyện gẫu một lát cho vui 4, phải không? đối với bà nói và bắt tay Anna đang cầm dù.
– Rất vui lòng, nhất là tôi không thể nán lại đây lâu, vì còn phải đến thăm bà cụ Vrege. Tôi hứa tới thăm bà cụ từ lâu lắm rồi, – Anna nói, và tính dối trá vốn trái ngược với bản chất nàng, không những đã trở thành giản dị và tự nhiên trong chốn giao du, mà còn thú vị nữa.
Tại sao nàng lại nói như vậy, trong khi trước đó một giây chưa hề nghĩ thế? Nàng không cắt nghĩa được. Nàng nói vậy vì Vronxki không tới, nàng phải đảm bảo tự do để tìm cách gặp chằng bằng cách này hoặc cách khác. Nhưng tại sao nàng lại nhắc đích danh bà mệnh phụ già đó, trong khi còn cần đến thăm bao nhiêu người khác? Nàng không giải thích nổi. Nhưng mọi việc sau đấy chứng tỏ nàng không thể tìm cách nào khéo hơn thế để gặp Vronxki.
– Không, tôi không để chị đi đâu, – Betxi trả lời, chăm chú nhìn Anna. – Thực tình, nếu không quý mến chị, thì tôi giận rồi đấy. Hình như chị sợ giới giao du của tôi làm chị mang tiếng ấy. Pha trà ngoài phòng khách nhỏ ấy nhé, – bà nói, lim dim mắt như thường lệ mỗi khi nói với đầy tớ.
Bà cầm thư và đọc.
– Alecxei sai hẹn rồi, – bà nói bằng tiếng Pháp; – anh ấy cho biết không đến được, – bà nói thêm, giọng rất giản dị và tự nhiên, tựa hồ chưa bao giờ bà nghĩ Vronxki có thể là gì khác đối với Anna ngoài tư cách là bạn cùng đánh quần. Anna biết chắc Betxi thấu suốt mọi chuyện, nhưng mỗi lần nghe bà ta nhắc tới Vronxki trước mặt mình, nàng vẫn luôn tự hỏi một lát xem có thực bà ta biết rõ chuyện không.
– ồ! – Anna lạnh lùng nói, làm như rất ít quan tâm đến việc đó và tiếp tục mỉm cười: – giới giao du của chị làm sao lại có thể khiến người ta mang tiếng được?
Cách chơi chữ này, để che giấu điều bí mật, rất hấp dẫn đối với Anna cũng như đối với mọi người phụ nữ khác. Và không phải sự cần thiết che giấu, cũng chẳng phải cái đích cần đạt tới, mà chính bản thân phương pháp đó làm nàng thích thú.
– Tôi không thể ngoan đạo hơn cả giáo hoàng, – nàng nói. – Xtremov và Liza Mercalova là tinh hoa của xã hội thượng lưu. Hơn nữa, ở đâu họ cũng được tiếp đón, còn tôi (nàng nhấn mạnh vào chữ tôi), tôi chưa bao giờ nghiêm khắc và cố chấp cả. Tôi không có thời giờ.
– Phải, nhưng có lẽ chị không muốn gặp Xerioja? Cứ mặc ông ta và Alecxei Alecxandrovitr công kích lẫn nhau ở uỷ hội, cái đó không dính líu gì đến ta cả. Nhưng ở chốn giao du, đó là con người hòa nhã nhất mà tôi được biết, và còn là người say mê chơi quần vợt. Rồi chị sẽ thấy. Và mặc dầu vai trò chàng si già theo đuổi Liza có lố bịch thật, cũng phải công nhận ông ta sắm vai thật tuyệt vời! Ông ta rất dễ thương. Chị không quen Xapho Stond à? Tối tân bậc nhất đấy.
Trong khi Betxi nói, nhìn khóe mắt thông minh và lanh lợi của bà ta, Anna thấy bà đoán biết hoàn cảnh nàng và đang tìm cách giải quyết. Cả hai đang ở phòng khách nhỏ.
– Nhưng phải trả lời cho Alecxei chứ, – Betxi nói; bà ngồi vào bàn, viết vài chữ và bỏ vào phong bì. – Tôi viết thư mời anh ấy lại ăn trưa.
Tôi có bà khách chưa có nam giới tiếp. Chị xem xem, thế đã đủ thuyết phục chưa? Xin lỗi, chị ngồi đây một lát nhé. Chị làm ơn dán giúp phong bì lại và cho đem đi, tôi còn phải sai bảo vài việc, – bà ra đến cửa và nói.
Không nghĩ ngợi một giây, Anna ngồi vào bàn và chẳng cần đọc thư, viết thêm luôn: “Em rất cần gặp anh. Anh đến vườn nhà Vrege.
Em sẽ ở đó hồi sáu giờ”. Nàng dán thư và Betxi đã quay trở lại, liền đưa thư cho tên đầy tớ ngay trước mặt nàng.
Quả thực hai bà đã chuyện gẫu vui vẻ 5, như lời quận chúa Tverxcaia hứa, trong khi uống trà bày trên chiếc bàn con trong phòng khách nhỏ mát mẻ. Họ bàn về những khách họ đang chờ và cuối cùng câu chuyện xoay quanh Liza Mercalova.
– Chị ấy rất đáng yêu và tôi bao giờ cũng có thiện cảm với chị ấy, – Anna nói.
– Chị mến chị ấy là phải. Còn chị ấy thì tôn sùng chị. Hôm qua, chị ấy đến gặp tôi sau cuộc đua ngựa và thất vọng vì không gặp chị. Chị ấy nói chị đích thực là nhân vật tiểu thuyết, và nếu là đàn ông thì chị ấy sẽ sẵn sàng làm mọi chuyện liều lĩnh vì chị. Xtremov liền bảo cứ như thế chị ấy cũng đã đủ liều lĩnh rồi.
– Nhưng xin chị cho biết, – Anna nói, sau một lát im lặng và bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng không phải nàng bâng quơ, mà câu hỏi đó, đối với nàng, còn quan trọng hơn người ta tưởng, – chị nói cho biết, tôi không sao hiểu nổi quan hệ giữa chị ấy và hoàng thân Calujxki, thường gọi là “Misca”, là như thế nào? Tôi họa hoằn mới gặp họ. Giữa họ với nhau có gì vậy?
Betxi nheo mắt cười và chăm chú nhìn Anna.
– Đó là mốt mới, – bà ta nói. – Tất cả các bà đều đã theo mốt đó. Họ bất chấp mọi dị nghị. Nhưng có nhiều cách khác nhau.
– Phải, nhưng quan hệ của chị ấy với Calujxki là thế nào?
Betxi không nhịn được, phá lên cười, điều hiếm thấy ở bà ta.
– Chị lấn sang địa hạt của quận chúa Myagkaia mất rồi. Thật là câu hỏi của đứa trẻ bất trị! – Và Betxi tuy đã cố gắng vẫn không nén được cười ngất, cái cười dễ lây của người không hay cười. – Phải hỏi họ chứ, – bà nói thêm, cười chảy nước mắt.
– Không, – Anna nói, bất giác lây cái vui của Betxi, – chị cười thế, nhưng tôi vẫn không hiểu. Thế vai trò người chồng ở đây là thế nào?
– Người chồng à? Ông chồng Liza Mercalova thường mang áo choàng cho chị ta và lúc nào cũng sẵn sàng phục tùng. Còn thực chất vấn đề là gì thì không ai cần biết. Chị cũng rõ, trong xã hội thượng lưu, không ai bàn đến chi tiết gia giảm; thậm chí cũng không nghĩ tới nữa. Những vấn đề này thì cũng như vậy.
– Chị có đến dự tiệc nhà Rôlanđaki không? – Anna hỏi để lái sang chuyện khác.
– Tôi không định đi, – Betxi trả lời, và không nhìn bạn, bà thận trọng rót trà thơm phức ra chén trong suốt. Bà đưa một chén cho Anna, rồi rút một điếu thuốc cuốn bằng giấy ngô, cắm vào bót bằng bạc và châm hút. – Chị thấy tôi đang ở trong hoàn cảnh may mắn, – bà nói tiếp, lần này không cười nữa, chiếc chén trong tay. – Tôi hiểu chị và tôi hiểu Liza. Liza là một người trong trắng, giống như đứa trẻ, không biết cái gì tốt và cái gì xấu, ít ra, cũng là trong thời kỳ niên thiếu. Và bây giờ, chị ta thấy sự ngây thơ đó hợp với mình nên có lẽ cố tình làm ra không hiểu, – Betxi nói, mỉm cười ranh mãnh. – Dù sao chăng nữa, cái đó cũng hợp với chị ta. Chị thấy không, vẫn cùng một hoàn cảnh người ta có thể nhìn bằng con mắt bi thảm và lấy đó làm đau khổ, đồng thời cũng có thể nhìn một cách giản đơn, thậm chí vui vẻ nữa.
Hình như chị có xu hướng nhìn sự vật bằng con mắt quá bi thảm.
– Ước gì tôi hiểu người khác như hiểu mình, – Anna nghiêm trang nói, giọng tư lự. – Tôi xấu hay tốt hơn người khác? Tôi nghĩ có lẽ mình xấu hơn.
– Thật là đứa trẻ bất trị, bất trị! Nhưng kìa họ đã đến.
— —— —— —— ——-
1 Les sept merveilles du monde (tiếng Pháp trong nguyên bản).
2 Đoạn này bản của Sylvie luneau dịch sót, và do đó, không có trong bản dịch tiếng Việt in lần thứ nhất. Lần này, chúng tôi đối chiếu nguyên bản dịch thêm vào.
3 Crockel-ground (tiếng Anh trong nguyên bản).
4 We’ll have a cosy chat (tiếng Anh trong nguyên bản).
5 Cosy chat (tiếng Anh trong nguyên bản).