Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 3 – Chương 29

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Việc thực hiện kế hoạch của Levin xem ra có nhiều khó khăn; song chàng dốc hết sức ra làm, nên tuy chưa đạt kết quả mong muốn nhưng đã có thể vững tâm là công việc thật bõ công. Một trong những khó khăn chủ yếu là công việc sản xuất đang tiến hành, chàng không thể đình tất cả để khởi sự lại từ đầu: đành phải vừa để cho bộ máy tiếp tục chạy vừa thay đổi dần vậy thôi.

Tối hôm về tới nhà, lúc chàng cho viên quản lý biết kế hoạch của mình, y vui thích ra mặt khi nghe đến đoạn chàng chứng minh tất cả những việc đã làm từ trước đến nay đều vô lý và không sinh lợi gì cả.

Viên quản lý nói y vẫn thường nhận xét như vậy, nhưng không ai thèm nghe. Nhưng đến khi Levin đề nghị cùng nông dân hợp tác tham gia mọi mặt sản xuất, y liền tỏ vẻ rất bí và nói ngay đến sự cần thiết nội ngày mai phải đem những đống lúa loã mạch cuối cùng về nhà và bắt đầu cày lượt thứ hai. Levin hiểu chàng đã không chọn đúng lúc để bàn chuyện.

Khi nói cho nông dân biết dự định mới của mình, Levin lại vấp phải một trở ngại khác: họ quá bận bịu công việc hàng ngày nên không có thời giờ cân nhắc lợi hại của công cuộc này.

Một nông dân chất phác, gã chăn cừu Ivan, có vẻ hoàn toàn thông cảm Levin khi chàng đề nghị gã cùng gia đình tham gia hưởng phần lãi của việc chăn nuôi gà vịt và có cảm tình với dự định đó. Nhưng khi Levin kể ra một loạt lợi ích mai sau của việc này, Ivan đâm hốt ra mặt và tỏ ý tiếc không thể nghe chuyện chàng đến đầu đến đũa: gã lập tức nghĩ ra một công việc cần làm gấp; bỏ thêm cỏ khô vào chuồng, đi lấy nước hoặc dọn phân.

Một trở ngại nữa là tính hoài nghi không khắc phục nổi của nông dân: họ không thể tin ông chủ lại có dự định nào khác ngoài việc cố bóp nặn họ đến cùng. Họ đinh ninh rằng mục đích thực sự của chủ (dù muốn kể lể trời đất gì chăng nữa) vẫn bí mật với họ. Bản thân họ, khi bày tỏ ý kiến, cũng không bao giờ lộ rõ mục đích thực sự ra. Ngoài ra (Levin thấy lão điền chủ bẳn tính nói đúng thật), điều kiện trước tiên nông dân đặt ra là không bị bó buộc phải tuân theo những phương pháp canh tác mới và sử dụng máy móc mới. Họ thừa nhận cái cày cày tốt hơn, máy nhổ cỏ làm việc rất tốt, nhưng họ lại tìm ra hàng nghìn lý do để không bao giờ dùng đến cả cày lẫn máy nhổ cỏ, và tuy Levin tin rằng cần hạ thấp trình độ nông nghiệp xuống, chàng vẫn luyến tiếc phải từ bỏ những cải cách mà lợi ích thật quá rõ ràng.

Mặc dầu gặp mọi khó khăn đó, chàng vẫn đạt mục đích và đến mùa thu thì công cuộc cải cách đã bắt đầu. Hay ít nhất đó cũng là cảm tưởng của chàng.

Mới đầu, Levin định trao toàn bộ cơ sở sản xuất nguyên vẹn như thế vào tay nông dân, thợ và quản lý, nhưng sau đó, chàng thấy ngay là không thể được và quyết định phân chia sản nghiệp ra. Sân chăn nuôi, vườn cây, vườn rau, đồng cỏ và ruộng đất (cả ruộng đất cũng được phân chia) hợp lại thành những khoảnh riêng. Gã chăn cừu Ivan có vẻ hiểu ý định Levin hơn mọi người, đã thành lập một hợp tác xã gồm phần lớn là người trong gia đình gã và bắt đầu chăm lo đến sân chăn nuôi. Một cánh đồng ở xa, bỏ hóa từ tám năm nay, được chia cho sáu gia đình nông dân, với sự giúp đỡ của bác thợ mộc Rêzunôp, và gã mugich Suraiep đảm nhiệm các vườn rau. Phần sản nghiệp còn lại vẫn khai thác theo lối cũ nhưng ba khoảnh trên là xuất phát điểm của một tổ chức mới mẻ: nó thu hút tất cả sự chú ý của Levin.

Thực tình mà nói, sân chăn nuôi cũng không được chăm nom tốt hơn gì trước kia, và Ivan khăng khăng không chịu cho bò cái ở ấm và làm bơ bằng kem, viện cớ bò cái ở chuồng lạnh ăn đỡ tốn cỏ và làm bơ bằng sữa chua lợi hơn: gã vẫn đòi trả tiền lương như thời cũ và hình như hoàn toàn không đếm xỉa tới chuyện món tiền đó không phải là lương mà ứng trước phần lợi tức của gã.

Tổ hợp tác của Fedor chỉ cày ruộng một lần (đáng lẽ phải hai lần như đã thoả thuận) vin cớ thời gian gấp rút quá. Mặc dầu đã nhận bắt đầu làm việc trên nguyên tắc mới, nông dân ở nhóm này vẫn đinh ninh là họ làm ruộng rẽ đôi: đã nhiều lần, với Rêzunôp đứng đầu, họ đề nghị trả tiền thuê ruộng cho Levin: “Như thế ông yên tâm hơn mà chúng tôi cũng khỏi mang ơn”, họ nói với chàng. Vin vào nhiều cớ, họ trì hoãn xây dựng chuồng bò lẫn kho thóc và dây dưa mãi tới mùa đông.

Suraiep muốn chia nhỏ các vườn rau ra cho nông dân thuê lại. Bác ta như cố tình hiểu lầm những điều kiện chủ đã giao đất đai cho bác.

Mỗi khi Levin bàn bạc với mugich và trình bày tất cả những lợi ích của kế hoạch, chàng đều cảm thấy họ chỉ lơ đãng nghe, lòng nhủ lòng quyết không mắc bẫy chàng. Cảm tưởng đó rõ nhất khi chàng nói chuyện với người thông minh nhất trong bọn là Rêzunôp, và nhìn thấy trong đôi mắt bác ta một ánh giễu cợt cùng cái vẻ tin chắc nếu có ai bị mắc lừa, thì người đó sẽ không phải là bác ta, là Rêzunôp đâu.

Bất kể mọi cái đó, Levin vẫn nghĩ sự cải cách đã bắt đầu, và bằng cách tính toán sít sao cùng lòng kiên trì, rồi ra chàng cũng sẽ chứng minh cho nông dân thấy lợi ích của tổ chức này: sau đó, việc sản xuất tự khắc sẽ tiến hành trôi chảy.

Công việc đó, cộng với việc quản lý phần sản nghiệp còn lại và việc tìm tòi nghiên cứu để viết quyển sách, làm Levin bận suốt mùa hạ và họa hoằn chàng mới có dịp đi săn. Cuối tháng tám, một người đến trả cỗ yên ngựa, cho chàng biết gia đình Oblonxki đã về Moxcva. Chàng thấy, do không trả lời thư của Daria Alecxandrovna (chàng không khỏi đỏ mặt hổ thẹn khi nhớ tới sự thất lễ đó), chàng đã cắt tuyệt đường lui tới và không bao giờ còn trở lại nhà họ được nữa. Chàng cũng xử sự hệt như thế với gia đình Xvyajxki bằng cách ra về không một lời từ biệt. Chàng không bao giờ có thể đến nhà họ nữa. Giờ đây, chàng không chút bận tâm về điều đó. Sự cải cách sản xuất thu hút tất cả tâm trí chàng. Chàng đọc sách do Xvyajxki đưa cho, tìm thêm những quyển khác, rồi đọc những tác phẩm kinh tế – chính trị và xã hội học về vấn đề đang quan tâm; đúng như dự đoán, chàng không tìm ra điều gì liên quan tới công cuộc chàng đang tiến hành. Trong những tác phẩm kinh tế chính trị học, chẳng hạn như Mill mà chàng hăm hở đọc ngấu nghiến trước tiên, với hy vọng tìm được lời giải đáp cho những vấn đề mình quan tâm, chàng đã thấy một bài thuyết trình về quy luật rút ra từ hoàn cảnh kinh tế nông thôn ở châu Âu; nhưng chàng tuyệt nhiên không hiểu tại sao những quy luật đó, không thể áp dụng ở Nga, mà lại gọi là có tính chất phổ biến. Đối với những sách xã hội học cũng vậy: hoặc là những điều không tưởng đẹp đẽ không thể thực hiện được hoặc là những sửa đổi áp dụng cho hoàn cảnh châu Âu vốn không có gì giống nước Nga. Khoa kinh tế chính trị học khẳng định rằng những quy luật đã và đang chi phối sự phồn thịnh của châu Âu, là những quy luật phổ biến và tuyệt đối. Khoa xã hội học lại dạy rằng một cuộc tiến triển tuân theo quy luật đó chỉ dẫn tới phá sản. Và cả hai chẳng những không đưa ra lời giải đáp nào, mà còn không hề đả động tí gì đến cách thức mà chàng, Levin, tất cả những mugich và địa chủ Nga phải vận dụng để khai thác nhân công và màu đất, góp phần nâng cao đời sống chung.

Giờ đây, khi đã bắt tay làm nhiệm vụ ấy, chàng thận trọng đọc tất cả những gì có liên quan và dự định mùa thu sau sẽ ra nước ngoài để nghiên cứu thêm vấn đề tại chỗ và để khỏi mắc lại cái điều thường xảy đến với chàng trong những vấn đề khác. Mỗi khi chàng bắt đầu hiểu được tư tưởng người tiếp chuyện và trình bày tư tưởng của mình thì đột nhiên họ lại nói: “Thế còn Kôfman? Jôn? Đuyboa? Misơli? Ông chưa đọc họ à. Vậy ông hãy đọc đi: họ đã nghiên cứu kỹ vấn đề này rồi”.

Giờ đây, chàng thấy rõ Kôfman và Misơli không dạy được chàng gì cả. Chàng đã biết mình mong muốn cái gì. Chàng thấy nước Nga có những ruộng đất tuyệt diệu cùng những người thợ ưu tú và trong một số trường hợp, như ở nhà ông già mugich chàng đã ghé lại dọc đường, ruộng đất và người làm mướn đã sinh lợi rất nhiều, trong khi sử dụng tư bản như ở châu Âu, thì thường thường lại sinh lợi ít. Đơn giản là vì, chỉ có theo cách thức của họ, người thợ mới muốn làm việc và thực sự làm việc tốt. Sự đối lập đó với những phương pháp mới không phải là ngẫu nhiên mà là thường xuyên và nó có gốc rễ ở ngay trong đầu óc dân chúng. Chàng nghĩ nhân dân Nga có thiên hướng sử dụng và trồng trọt những vùng đất đai mênh mông đến nay còn hoang vắng, họ vẫn luôn bám vào tập quán cần thiết đó tới khi nào tất cả đất đai đều đã sử dụng, và tập quán đó không hề xấu như người ta thường nghĩ. Chàng muốn chứng minh điều đó bằng lý thuyết trong quyển sách chàng viết và bằng thực tế trong việc sản xuất của mình.

Chọn tập
Bình luận
× sticky