– Kitti viết thư nói nó không muốn gì hơn là được sống yên tĩnh và nghỉ ngơi, – Doli lại nói sau một lúc im lặng.
– Cô ấy có khỏe hơn không? – Levin xúc động hỏi.
– Đội ơn Chúa, em nó khỏi hẳn rồi. Tôi không bao giờ tin là em nó mắc bệnh phổi.
– ồ, thế thì tôi rất mừng! – Levin nói, trong khi ấy Doli như thấy một vẻ đau khổ tồi tội trên nét mặt chàng, và chàng nín lặng nhìn bà.
– Này, Conxtantin Dimitrievitr, tại sao anh giận Kitti? – Daria Alecxandrovna hỏi với một nụ cười hiền hậu điểm chút giễu cợt.
– Tôi ấy à? Tôi… có giận cô ấy đâu, – Levin nói.
– Có, có, anh có giận nó. Tại sao khi đến Moxcva, anh không đến chơi chúng tôi mà cũng không đến thăm ba mẹ chúng tôi?
– Daria Alecxandrovna, – chàng nói và mặt đỏ bừng đến tận chân tóc, – tôi lấy làm lạ thế sao chị tốt bụng thế mà không thông cảm cho.
Tại sao chị không thương tôi một chút khi biết rằng…
– Biết cái gì kia chứ?
– … Khi chị biết tôi đã cầu hôn và bị cự tuyệt, – Levin nói; và tất cả lòng trìu mến, trước đây một phút chàng còn cảm thấy đối với Kitti, giờ nhường chỗ cho oán giận trong tâm hồn.
– Sao anh lại cho là tôi biết chuyện đó?
– Vì mọi người đều biết.
– Chính anh lầm ở điểm ấy đấy: tôi không biết chuyện đó, nhưng cũng ngờ ngợ.
– Nếu thế bây giờ chị biết rồi đấy.
– Tôi chỉ biết có một cái gì xảy ra đã giày vò nó ghê gớm và nó van tôi đừng bao giờ nhắc đến nữa. Nếu nó không thổ lộ với tôi, tức là cũng chưa hề nói chuyện đó với ai. Thế có chuyện gì giữa hai người vậy? Anh nói cho tôi biết đi.
– Tôi nói với chị rồi đấy.
– Hồi nào?
– Cái lần cuối tôi đến thăm nhà ta.
– Tôi cần nói với anh điều này: tôi thương nó vô cùng, – Daria Alecxandrovna nói. Anh thì chỉ bị tổn thương đến tự ái thôi.
– Có thể như vậy, – Levin nói, nhưng…
Bà ngắt lời chàng:
– Nhưng con bé tội nghiệp thì làm tôi thương hại vô cùng. Bây giờ tôi biết rõ tất cả rồi.
– Daria Alecxandrovna, chị tha lỗi, – chàng nói và đứng dậy. – Tôi phải về đây. Chào chị.
– Không, anh hãy ở lại đã, – bà nói và núi tay áo chàng. – Anh hãy ở lại, ngồi xuống đây đã.
– Tôi xin chị, tôi xin chị, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, – chàng nói, ngồi xuống đồng thời cảm thấy mối hy vọng tưởng đã chôn chặt nay lại trỗi dậy và sống lại trong lòng.
– Nếu trước đây tôi chưa quý mến anh, – Daria Alecxandrovna nói và rơm rớm nước mắt, – nếu trước đây tôi chưa hiểu anh như bây giờ…
Tình cảm tưởng đã chết nay sống lại mãnh liệt và tràn ngập tâm hồn Levin.
– Phải, bây giờ, tôi hiểu cả rồi, – Daria Alecxandrovna nói tiếp. – Các anh thì không thể hiểu được; đàn ông các anh, các anh đối với tự do, các anh được quyền kén chọn, các anh nhìn thấy rõ các anh yêu ai. Nhưng con gái thì phải chờ đợi, phải giữ gìn ý tứ, một cô gái chỉ nhìn thấy các anh từ xa thì cái gì cũng tin ngay làm thực. Đôi khi, ngay bản thân cô ta cũng không phân biệt nổi tình cảm mình nữa.
– Phải, nếu lòng cô ta không rung động…
– Có chứ, lòng cô ta có rung động đấy, nhưng anh thử ngẫm mà xem: các anh để mắt tới một cô gái, các anh tới nhà cha mẹ cô ta, các anh làm quen, các anh quan sát cô ta, các anh chờ đợi tìm thấy ở cô ta những cái các anh yêu quý và khi các anh chắc chắn đã yêu rồi, các anh liền cầu hôn…
– Không, chuyện xảy ra không hoàn toàn như vậy.
– Điều đó không quan trọng; các anh chỉ cầu hôn khi nào tình yêu đã chín muồi hoặc giữa hai bề kén chọn, một bên đã thắng thế.
Nhưng người ta lại không hỏi ý kiến cô gái. Người ta muốn cô ta tự lựa chọn lấy, mà cô ta thì không làm nổi. Cô ta chỉ có thể trả lời “có” hoặc “không”.
“Đó là chuyện kén chọn giữa Vronxki và mình đây”, Levin thầm nghĩ và cái tình cảm đã chôn sâu vừa sống lại trong đáy lòng lại chết đi lần thứ hai, tan nát trái tim chàng.
– Daria Alecxandrovna ạ, – chàng nói, – người ta lựa chọn cái áo hoặc món hàng nhưng không thể lựa chọn tình yêu. Việc lựa chọn đã dứt khoát rồi, và thế càng tốt… không thể làm lại được.
– Ôi! Tự ái, bao giờ cũng vẫn tự ái! – Daria Alecxandrovna nói, lộ vẻ khinh bỉ đối với tình cảm ti tiện đó, so với thứ tình cảm khác mà chỉ riêng giới phụ nữ mới hiểu nổi. – Khi anh đến cầu hôn, chính Kitti đang ở trong tình thế không biết trả lời ra sao. Nó phân vân. Nó lưỡng lự giữa anh và Vronxki. Ngày nào nó cũng gặp hắn ta, còn anh thì đã lâu chẳng thấy đến. Nếu nó lớn tuổi hơn… Như tôi chẳng hạn, tôi sẽ không đắn đo một giây nào cả. Tôi xưa nay vẫn ác cảm với hắn ta.
Levin nhớ lại câu trả lời của Kitti. Nàng đã nói: “Không, Không thể được…” – Daria Alecxandrovna, – chàng lạnh lùng nói, – tôi quý trọng lòng tin cậy của chị đối với tôi nhưng tôi nghĩ chị đã lầm. Dù đúng hay sai, lòng tự ái, mà chị rất khinh bỉ, cũng buộc tôi không được, phải, tuyệt đối không được nghĩ tới Ecaterina Alecxandrovna… chị hiểu chứ?
– Tôi muốn nói với anh điều này nữa: đây là tôi đang nói chuyện với anh về em gái tôi, tôi yêu quý nó như đứa con rứt ruột của tôi. Tôi không nói là nó yêu anh, tôi chỉ muốn nói việc nó từ chối vào lúc đó không có ý nghĩa gì cả.
– Tôi không hiểu chị có biết chị làm khổ tôi đến thế nào không? – Levin nói và đột nhiên vùng dậy. – Có khác gì con chị chết mà người ta cứ đến nói với chị: nó có thể trở nên thế này, thế nọ, nó có thể sống mãi và đem nguồn vui cho chị. Nhưng nó đã chết rồi, chết rồi, chết rồi…
– Anh thật kỳ lạ! – Daria Alecxandrovna nói, mỉm cười buồn rầu trước vẻ xúc động của Levin. – Phải, mỗi lúc tôi một hiểu hơn, bà nói thêm, tư lự. – Thế bao giờ Kitti về đây ở, anh sẽ không lại thăm chúng tôi nữa à?
– Phải. Tất nhiên, tôi không lẩn trốn Ecaterina Alecxandrovna, nhưng mỗi lần có thể được, tôi sẽ hết sức tránh cho cô ấy khỏi khó chịu vì có mặt tôi.
– Anh buồn cười thật, – Daria Alecxandrovna nhắc lại, dịu dàng nhìn chàng. – Thôi được, cứ coi như chúng ta chưa nói chuyện gì với nhau. Tania, con đến đây làm gì? – bà nói bằng tiếng Pháp với cô bé đang đi vào.
– Cái xẻng của con đâu hả mẹ?
– Mẹ nói với con bằng tiếng Pháp, con cũng phải trả lời bằng tiếng Pháp.
Cô bé muốn vâng lời mẹ nhưng quên không biết gọi “cái xẻng” bằng tiếng Pháp là gì; bà mẹ nhắc, rồi vẫn dùng tiếng Pháp, bảo cho nó biết chỗ để xẻng. Việc đó làm Levin khó chịu.
Giờ đây, tất cả: căn nhà, lũ trẻ, đối với chàng đều không có vẻ thích thú như trước nữa.
“Tại sao chị ấy lại phải nói tiếng Pháp với lũ trẻ? Chàng thầm nghĩ. Thật giả dối và gượng gạo! Chính bản thân lũ trẻ cũng thấy thế. Người ta dạy chúng biết tiếng Pháp, nhưng lại làm chúng quên mất tính thành thực”, chàng tự bảo, không biết rằng Daria Alecxandrovna đã suy đi tính lại vấn đề đó đến hàng hai mươi lần và cuối cùng xét thấy dù có ảnh hưởng xấu đến tính thành thực thì cũng cứ phải dạy tiếng nước ngoài bằng cách đó cho lũ trẻ.
– Anh đi đâu mà vội! Hãy ngồi nán lại lát nữa nào.
Levin ở lại đến bữa trà, nhưng chàng đã hết hứng thú và cảm thấy mất thoải mái.
Sau bữa trà, chàng ra phòng chờ sai thắng ngựa vào xe. Khi trở lại, chàng thấy Daria Alecxandrovna nhớn nhác, mặt tái nhợt và nước mắt giàn giụa. Trong lúc vắng mặt Levin, xảy ra một việc khiến đối với Alecxandrovna phút chốc thấy sụp đổ cả niềm hạnh phúc ngày hôm đó và niềm kiêu hãnh lũ trẻ mang lại cho bà: Grisa và Tania đánh nhau vì tranh giành quả bóng. Daria Anna nghe tiếng chúng kêu hét, bèn chạy vào phòng trẻ và thấy chúng thật gớm ghiếc: Tania đang túm tóc Grisa, còn chú bé mặt mũi hằm hằm giận dữ, thụi lấy thụi để chị. Cảnh tượng này làm tan vỡ một cái gì đó trong lòng Daria Alecxandrovna. Bóng tối như tràn vào đời bà; bà hiểu ra rằng lũ trẻ này, niềm tự hào của bà, không những chỉ là những đứa bình thường nhất mà còn độc ác, mất dạy, tính nết cục cằn và tàn bạo.
Không còn bụng dạ nào để nghĩ và bàn bạc những chuyện khác, bà chỉ còn cách kể lể nỗi khổ tâm cho Levin nghe.
Levin thấy bà đau khổ như vậy, liền cố an ủi: chàng nói cái đó không có gì đáng lo ngại, trẻ con đứa nào chả đánh nhau; nhưng vừa nói Levin vừa nghĩ trong thâm tâm: “Không, mình sẽ không hoài công đi nói tiếng Pháp với con cái, con mình sẽ khác hẳn, chỉ cần đừng nuông chiều, đừng làm méo mó trẻ con cho chúng có vẻ đáng yêu.
Phải, con mình sẽ khác hẳn”.
Chàng cáo từ và ra về; bà ta cũng không giữ chàng ở lại nữa.