Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 2 – Chương 6

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Quận chúa Betxi không chờ đến hết hồi cuối đã rời nhà hát ra về.

Bà ta vừa bước vào phòng thay quần áo, thoa phấn khuôn mặt dài tái nhợt, sửa lại áo và sai pha trà ở phòng khách lớn xong thì đoàn xe đã nối đuôi nhau đỗ trước toà nhà rộng lớn của bà ở đại lộ Morxkaia. Các vị khách bước lên bậc thềm rộng và người gác cửa to béo, sáng sáng vẫn ngồi đọc báo sau cánh cửa kính cho khách qua đường chiêm ngưỡng, đã mở chiếc cửa đồ sộ đó ra êm như không, để các vị khách đi qua trước mặt.

Nữ chủ nhân, đầu tóc và bộ mặt vừa trang điểm lại xong, cùng các vị khách, từ những cửa khác nhau, gần như cùng một lúc bước vào phòng khách lớn có tường màu sẫm và trải thảm êm, có chiếc bàn sáng rực, trên đó màu trắng khăn trải bàn, chất bạc chiếc ấm đun trà và chất sứ trong suốt bộ khay chén, lấp lánh dưới ngọn lửa nến.

Nữ chủ nhân ngồi xuống sau ấm đun trà và tháo găng tay. Bọn hầu phòng im lặng giúp khách kéo ghế ngồi tản ra, thành hai nhóm:

một nhóm bên ấm trà cùng nữ chủ nhân và một nhóm ở đầu bên kia phòng khách vây quanh bà vợ một viên đại sứ, người xinh đẹp, mặc áo nhung, lông mày đen kẻ rõ nét. ở cả hai chỗ, theo lệ thường, những phút đầu, câu chuyện còn rời rạc, ngắt quãng bởi những lời chào hỏi khách đến sau, mời mọc uống trà và hình như còn đang dò dẫm xem nên bàn hẳn về chuyện gì.

– Xét về mặt diễn xuất thì nàng thật kỳ diệu; rõ ràng là nàng đã nghiên cứu Conbatx, – một nhà ngoại giao trong nhóm bà vợ đại sứ nói: – các ngài có chú ý tới nàng đã ngã như thế nào không…

– Ô, xin thôi đi, đừng nói đến Ninxon nữa! Bàn về cô ta thì chẳng thêm được gì mới lạ đâu, – một bà nói, người to béo, tóc hung, da dẻ hồng hào, không cả lông mày lẫn búi tóc, mặc áo lụa pha màu. Đó là quận chúa Miarcaia, nổi tiếng là thô thiển, nói năng sỗ sàng và được mệnh danh là đứa trẻ ghê gớm 1. Quận chúa Miarcaia ngồi giữa hai nhóm và lắng nghe, khi bắt chuyện với nhóm này, lúc với nhóm kia. – Hôm nay, đã có ba người nói câu đó với tôi về Conbatx. Y như họ đã thông đồng trước với nhau rồi! Mà tôi cũng không hiểu sao câu đó lại có vẻ làm họ thú vị thế.

Câu chuyện bị cắt đứt vì ý kiến đó và lại phải tìm đề tài mới.

– Ông hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện gì vui vui, nhưng không được thâm nhé, – bà vợ đại sứ nói, bà vốn lỗi lạc về khoa nói chuyện thanh lịch, tiếng Anh gọi là small talk 2 – bà nói với nhà ngoại giao và chính ông ta cũng chưa biết mở đầu câu chuyện thế nào.

– Thế thì rất khó đấy, phải thâm thì mới tức cười được, – ông mỉm cười nói. – Nhưng tôi cũng gắng thử xem. Xin bà cứ cho tôi một đầu đề. Tất cả là ở đó. Khi đã có đầu đề rồi thì cũng dễ thêu dệt thêm vào thôi. Tôi thường tự nhủ những nhà kể chuyện trứ danh của thế kỷ trước giờ đây hẳn cũng sẽ rất lúng túng nếu phải nói chuyện cho dí dỏm. Tất cả cái gì thuộc về trí tuệ đều đã trở thành tẻ ngắt…

– Điều đó thì người ta nói từ lâu rồi, – bà vợ đại sứ cười, ngắt lời ông ta. Câu chuyện bắt đầu một cách dí dỏm; nhưng chính vì quá dí dỏm nên nó lại phải dừng lần nữa. Phải nhờ đến một phương pháp chắc chắn và không trệch đi đâu được: đó là nói xấu nhau.

– Ngài có thấy là Tuscievitr có vẻ giông giống Lui XV không? – ông ta nói, đưa mắt ra hiệu chỉ một chàng thanh niên đẹp trai tóc hung đứng gần bàn.

– ồ, có! Anh ta cũng cùng kiểu với phòng khách này, vì thế anh ta mới luôn luôn tới đây.

Câu chuyện duy trì được, vì người ta nói bóng gió đúng vào cái chuyện không được phép nói trong phòng khách này: sự dan díu giữa Tuscievitr với nữ chủ nhân.

Trong lúc đó, quanh ấm trà và quận chúa Betxi, câu chuyện sau khi cũng ngập ngừng như vậy giữa ba đầu đề không thể tránh được:

tin tức trong ngày, chuyện sân khấu và dèm pha người chung quanh, đã dừng lại ở đầu đề cuối cùng đó, tức là nói xấu nhau.

– Các ngài có biết Mantiseva (bà mẹ, chứ không phải cô con gái đâu) vừa may bộ quần áo màu hồng loè loẹt 3 không?

– Không có lẽ? nếu thế thì hay nhỉ!

– Tôi lấy làm lạ là người có đầu óc không đến nỗi ngu xuẩn như bà ta mà lại không thấy là lố bịch.

Mọi người đều buông lời dè bỉu và chế giễu cái bà Mantiseva đáng thương và câu chuyện bùng lên vui vẻ, như ngọn lửa bắt đầu cháy.

Ông chồng của quận chúa Betxi, một người to béo hiền lành, say mê sưu tầm tranh in, được biết vợ có khách, nên đã qua phòng khách trước khi đến câu lạc bộ. Ông khẽ bước trên tấm tảm dày, đến gần quận chúa Miarcaia.

– Bà thấy Ninxon thế nào? – ông hỏi bà.

– Ôi! Làm người ta sợ hết cả hồn! Tôi không nghe thấy ông đi tới, – bà trả lời. – Tôi xin ông, đừng có nói chuyện Nhà hát ca kịch với tôi, ông không biết gì về âm nhạc cả. Thà tôi tự hạ mình xuống ngang trình độ ông và nói chuyện về tranh in và đồ sứ thời Phục hưng của ông còn hơn. Thế vừa đây, ông mới tìm ra được của báu nào ở cửa hàng đồ cũ đấy?

– Bà có muốn tôi đưa bà xem không? Nhưng bà có biết tí gì về những cái đó đâu.

– Ông cứ đưa đây xem. Tôi đã tập sự ở nhà những… gọi họ là gì nhỉ… những chủ nhân hàng… họ có những tranh in rất đẹp. Họ đã đưa cho chúng tôi xem.

– Thế nào, chị đã đến chơi nhà Sutdơbua rồi à? – nữ chủ nhân hỏi.

– Vâng, bà bạn ạ 4. Họ đã mời vợ chồng tôi đến ăn tiệc và người ta nói với tôi là một trong những món nước xốt của họ tốn mất một nghìn rúp, – quận chúa Miarcaia nói to, cảm thấy mọi người đang nghe mình; – thế nhưng cái món nước xốt đó thật lợm giọng; có cái gì xanh lè ấy. Tôi phải đáp lễ lại: tôi thết họ món nước xốt có tám mươi nhăm kôpêch, mà họ rất thú vị. Tôi không thể bỏ một nghìn rúp vào món nước xốt được.

– Chị ấy thật là độc nhất vô song! – nữ chủ nhân nói.

– Kỳ diệu thật! – một người nói thêm.

Những câu chuyện của quận chúa Miarcaia bao giờ cũng tác động như thế; bí quyết của bà là nói những chuyện bình thường, hợp lý hợp lẽ, tuy không phải bao giờ cũng đúng lúc như bây giờ. Trong đám người bà đang cùng sống, những câu chuyện đó có tác dụng như những câu khôi hài ý nhị. Quận chúa Miarcaia không hiểu được tại sao mình lại thành công đến như vậy, nhưng bà biết mình thành công và cũng lợi dụng điều đó.

Trong khi quận chúa Miarcaia kể chuyện, mọi người đều lắng nghe và cuộc trò chuyện ở chung quanh bà vợ đại sứ cũng im bặt; nữ chủ nhân do đó muốn tập hợp tất cả các vị khách lại và nói với bà vợ đại sứ:

– Thế nào, bà không xơi trà à? Xin mời bà lại nhập bọn với chúng tôi nào.

– Không, chúng tôi ngồi đây tốt lắm rồi, – bà vợ đại sứ mỉm cười trả lời và lại bắt vào câu chuyện mới bắt đầu.

Câu chuyện rất lý thú. Họ đang bình phẩm vợ chồng Carenin.

– Anna thay đổi tợn kể từ sau khi đi Moxcva về. Chị ta thật lạ lùng, – một bạn gái của Anna nói.

– Điều thay đổi đặc biệt nhất là bà ta đã dắt theo trở về một cái bóng là Alecxei Vronxki, – bà vợ đại sứ nói.

– Tại sao lại không được kia chứ? Có một câu chuyện cổ tích của Grim: có một người không có bóng, một người bị mất cái bóng của mình. Đó là một hình phạt. Tôi không bao giờ hiểu được cái hình phạt đó là thế nào. Một người đàn bà mà không có bóng thì chắc phải khổ tâm lắm.

– Phải, nhưng đàn bà có một cái bóng thường cuối cùng đều không ra gì, – người bạn gái của Anna nói.

– Sao mà các bà lắm lời thế! – quận chúa Miarcaia đột nhiên nói, khi nghe thấy những câu đó. – Anna Carenina là người đáng yêu. Tôi không ưa ông chồng, nhưng còn chị ấy thì tôi rất mến.

– Tại sao bà không ưa ông chồng? Đó là một người thật xuất sắc, – bà vợ đại sứ nói. – Nhà tôi nói là hiếm có những chính khách vào loại ông ta ở Âu Châu.

– Nhà tôi cũng nói như vậy, nhưng tôi không tin, – quận chúa Miarcaia đáp. – Nếu những ông chồng chúng ta không nói điều đó, thì chúng ta sẽ thấy đúng chân tướng ông ta: mà theo tôi thì Alecxei Alecxandrovitr chỉ là thằng ngốc. Tôi nói nhỏ điều đó thôi… Có phải thế là mọi chuyện đều rõ ràng rồi không? Trước kia, khi người ta ra lệnh cho tôi phải thấy ông ta là thông minh, tôi cứ luôn luôn tìm xem tại sao lại thế và cứ nghĩ chính mình là đứa ngu nên mới không thấy được trí tuệ ông ta; nhưng từ khi tôi nói: Đó là thằng ngốc, tất nhiên là nói nhỏ thôi, thì mọi cái trở nên rõ ràng. Các bà có đồng ý thế không?

– Hôm nay sao bà ác miệng thế!

– Không hẳn thế đâu. Không còn có giải pháp nào khác. Một trong hai chúng tôi phải là kẻ ngu. Và bà biết đấy, người ta không thể nào lại tự bảo mình như thế được.

– “Không ai thoả mãn về hoàn cảnh của mình, nhưng mỗi người đều thoả mãn về trí tuệ của mình”, – nhà ngoại giao nói, đọc lại một câu thơ Pháp.

– Đúng thế, – quận chúa Miarcaia sôi nổi nói. – Nhưng quả thực tôi không bỏ mặc Anna cho các vị đâu. Chị ấy thật đáng yêu, thật duyên dáng! Nếu mọi người đều mê và theo chị ấy như cái bóng thì đó có phải là lỗi ở chị ấy không?

– Nhưng tôi có nghĩ đến chuyện phê phán chị ta đâu, – người bạn gái của Anna thanh minh.

– Nếu không có ai theo ta như cái bóng, thì đó cũng không phải là một cớ để ta có quyền phê phán người khác.

Và sau khi sửa cho bạn của Anna một mẻ nên thân, quận chúa Miarcaia đứng dậy và cùng bà vợ đại sứ đến gần bàn trà, ở đó, câu chuyện chung đang xoay quanh vua nước Phổ.

– Các bà nói xấu ai ở đằng kia đấy? – Betxi hỏi.

– Vợ chồng Carenin, quận chúa đã miêu tả chân dung Alecxei Alecxandrovitr cho chúng tôi nghe, – bà vợ đại sứ trả lời, mỉm cười ngồi xuống cạnh bàn.

– Thật đáng tiếc là chúng tôi không được nghe, – nữ chủ nhân nói, đưa mắt nhìn ra cửa. – A! chú đã đến đây rồi! – nàng mỉm cười nói với Vronxki vừa đi vào.

Vronxki không những quen biết tất cả, mà hằng ngày còn thường gặp mặt những người đang tụ họp ở đây tối nay; cho nên chàng bình thản bước vào như khi vào nhà người mình vừa chia tay xong.

– Tôi ở đâu đến ấy à? – chàng trả lời câu hỏi của bà vợ đại sứ. – Biết làm thế nào? Tôi đành phải thú thực vậy. ở rạp Hề về. Có lẽ tôi đi xem hề đây là lần thứ một trăm rồi nhưng lần nào tôi cũng thấy một thích thú mới. Thật thú vị. Nói ra thì cũng xấu hổ đấy, nhưng chỉ ở Nhà hát ca kịch tôi mới ngủ gật, còn ở rạp Hề thì tôi lại vui thích đến phút cuối. Hôm nay…

Chàng nhắc tên một nữ diễn viên Pháp và định kể lại một giai thoại về nàng, nhưng bà vợ đại sứ liền ngắt lời với vẻ khiếp hãi đùa cợt.

– Tôi xin ông, đừng có kể cho tôi nghe những chuyện gớm ghiếc ấy nữa!

– Thôi được, tôi không nói nữa, nhất là các bà đều biết rõ tất cả những cái gớm ghiếc đó rồi!

– Và hẳn các bà sẽ sẵn sàng chạy cả đến đó xem, nếu cũng được phép như đến Nhà hát ca kịch vậy, – quận chúa Miarcaia nhấn mạnh thêm.

— —— —— —— ——-

1 L’enfant terrible (tiếng Pháp trong nguyên bản).

2 Tiếng Anh trong nguyên bản: chuyện gẫu.

3 Diable rose (tiếng Pháp trong nguyên bản).

4 Ma chère (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Chọn tập
Bình luận