Mặc dầu Anna tức tối khăng khăng cãi lại khi Vronxki nói hoàn cảnh nàng không thể kéo dài nữa, trong thâm tâm, nàng vẫn cho cuộc sống đó thật gian dối, bất lương và rất muốn đổi đời. Khi ở trường đua về cùng chồng, trong phút xúc động, nàng nói hết với ông ta và mặc dầu đau khổ, nàng vẫn hài lòng. Sau đó, khi chồng đi rồi, nàng tự nhủ thế là mình đã thoả mãn, giờ đây mọi cái đều minh bạch và ít nhất nàng không còn sống trong dối trá nữa. Nàng tin chắc tình thế đã rõ ràng dứt khoát. Hoàn cảnh mới có lẽ sẽ gay go hơn, nhưng không còn lập lờ và giả dối nữa. Nàng thầm nghĩ nỗi đau khổ nàng gây ra cho chính mình và cho chồng khi thú nhận chuyện đó, sẽ được đền bù bằng sự phân tỏ rành rọt này. Ngay tối đó, nàng gặp Vronxki, nhưng không nói cho biết việc xảy ra giữa hai vợ chồng; tuy nhiên, lẽ ra nàng nên nói cho chàng biết, để sự thể được phân minh.
Sáng sau tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên của nàng là nhớ tới những lời đã nói với chồng: nàng thấy những lời đó khủng khiếp đến nỗi đâm ngạc nhiên không hiểu sao mình lại dám quyết định nói những câu kỳ quặc và lỗ mãng đến thế, và không hình dung được kết quả sẽ ra sao. Nhưng nàng chót nói mất rồi và Alecxei Alecxandrovitr đã bỏ đi, không trả lời gì hết. “Mình đã gặp Vronxki mà không nói cho chàng biết. Khi chàng sắp ra về, mình đã toan gọi lại kể chuyện ấy, nhưng rồi lại thay đổi ý kiến vì e chàng thắc mắc tại sao mình không nói ngay từ đầu. Tại sao mình im lặng như thế nhỉ?”. Đáp lại câu hỏi này, mặt nàng đỏ bừng hổ thẹn. Nàng biết rõ chính sự hổ thẹn đã ghìm nàng lại. Tối qua, tình cảnh nàng hình như có vẻ đâu vào đấy, bây giờ không những không rõ ràng nữa mà còn không lối thoát. Nàng sợ ô danh, cái điều từ trước đến nay nàng chưa hề nghĩ tới. Chỉ cần nghĩ tới điều chồng có thể làm, là những linh cảm khủng khiếp nhất đã xâm chiếm lấy nàng. Nàng tưởng như viên quản gia trong phút chốc sẽ tới đuổi mình đi và toàn thế giới đều biết nỗi điếm nhục của mình.
Nàng tự hỏi sẽ đi đâu khi bị đuổi khỏi nhà và không tìm ra câu trả lời.
Nghĩ tới Vronxki, nàng tưởng tượng chàng thôi không yêu mình, bắt đầu chán mình rồi, nàng không thể bắt chàng phải nghĩ tới mình nữa và đâm giận chàng. Nàng tưởng như những lời nàng thú với chồng và hiện vẫn thầm ôn lại đó, nàng đã nói ra trước toàn thế giới và toàn thế giới đã nghe thấy. Nàng không còn dám nhìn thẳng vào mặt những người cùng sống trong nhà. Nàng không dám lắc chuông gọi chị hầu phòng và càng không dám xuống nhà gặp con trai và cô gia sư.
Cô hầu phòng, nhiều lần đến nghe ngóng ở cửa buồng, liền bước vào không đợi gọi. Anna nhìn cô ta, dò hỏi và đỏ bừng mặt, khiếp hãi.
Cô hầu xin lỗi đã chót vào và nói tưởng nghe thấy chuông gọi. Cô ta mang vào chiếc áo dài và một lá thư. Đó là thư của Betxi. Bà ta nhắc Anna, sáng nay, Liza Mercalova và nam tước phu nhân Stonde sẽ cùng các hiệp sĩ hộ tống là Calujxki và tôn ông Xtremov tới nhà mình để đánh quần. “ít nhất chị cũng tới một lát, dù chỉ để nghiên cứu nhân tình thế thái. Tôi chờ chị”, bà ta kết thúc. Anna đọc thư và thở dài.
– Tôi không cần gì, – nàng nói với Annusca đang sắp xếp lại chai lọ và bàn chải trên bàn trang điểm. – Ra đi, tôi mặc quần áo ngay đây và sẽ ra sau. Tôi không cần gì cả.
Annusca ra rồi, Anna vẫn chưa mặc quần áo vội. Nàng ngồi nguyên như cũ, đầu cúi gục xuống, hai cánh tay thõng thượt và toàn thân thỉnh thoảng lại run bắn lên: nàng muốn cử động, nói một câu gì đó, nhưng lại đờ đẫn ra. Nàng luôn miệng nhắc “Trời ơi! Trời ơi!”, nhưng hai chữ đó không có ý nghĩa gì đối với nàng hết. Mặc dù không bao giờ nghi ngờ tôn giáo mà nàng được thụ huấn từ nhỏ, ý nghĩ tìm sự cứu chuộc ở đó, đối với nàng, cũng viển vông như cầu cứu Alecxei Alecxandrovitr. Nàng biết trước chỉ có cách khước từ điều đã trở thành tất cả lẽ sống của mình, nàng mới hòng được tôn giáo cứu giúp.
Nàng không những buồn khổ mà còn khiếp sợ trước một trạng thái tâm hồn xưa nay chưa từng thấy. Nàng cảm thấy trong người, từ nơi sâu kín nhất, mọi cái đều nhân đôi, như đồ vật thỉnh thoảng cũng chập đôi trước những cặp mắt mệt mỏi. Có lúc nàng không biết mình sợ gì và muốn gì. Hiện tại hay tương lai? Nàng cũng không biết nữa.
“Ôi! Mình làm gì thế này!”. Nàng tự nhủ và đột nhiên đau nhói hai bên đầu. Nàng định thần và nhận ra mình đang nắm chặt tóc ở hai bên thái dương. Nàng vùng đứng lên và đi bách bộ quanh phòng.
– Cà phê đã pha xong. Cô 1 và Xerioja đang chờ bà đấy ạ. – Annusca nói, lần thứ hai bước vào phòng và thấy Anna vẫn trong trạng thái cũ.
– Xerioja à? Nó đang làm gì đấy? – Anna hỏi, đột nhiên hoạt bát hẳn lên khi nhớ ra trên đời còn có con trai.
– Hình như chú ấy nghịch bậy! – Annusca mỉm cười trả lời.
– Nghịch gì?
– Chú ấy ăn vụng đào để trong phòng khách.
Nhớ đến con, Anna đột nhiên thoát khỏi cái mớ bòng bong nàng đang mắc vào. Nàng nhớ tới nhiệm vụ người mẹ sống vì con có phần thành thực nhưng hơi quá đáng mà nàng gánh vác những năm qua, và thấy trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn còn một lĩnh vực mà quan hệ giữa nàng với chồng và với Vronxki không thể xâm phạm tới: đứa con. Dù có bị dồn đến bước cùng cực thế nào chăng nữa, cũng không bao giờ nàng chịu bỏ con. Chồng có thể biêu riếu, xua đuổi, Vronxki có thể lạnh nhạt và trở lại cuộc sống độc lập cũ (một lần nữa nàng lại hờn oán nghĩ tới chàng) nhưng nàng không thể bỏ con. Nàng vẫn còn một mục đích. Và nàng phải hành động, hành động để bảo vệ vị trí của nàng đối với đứa trẻ. Không thể để họ giật nó khỏi tay mình. Thậm chí phải hành động nhanh, thật nhanh nữa, trước khi họ cướp nó. Phải mang con đi. Nàng cần trấn tĩnh lại và thoát khỏi tâm trạng bất định, quằn quại này. Nghĩ đến hành động trực tiếp liên quan đến con, nghĩ đến việc bỏ đi tức khắc, nàng thấy thanh thản.
Nàng vội mặc quần áo, xuống nhà và đĩnh đạc bước vào buồng ăn, ở đó Xergei và cô gia sư, theo thường lệ, đang chờ nàng cùng ăn sáng.
Xergei, quần áo trắng toát, đứng trước bàn dưới tấm gương: đầu và lưng cúi xuống, với vẻ căng thẳng nàng biết rõ và do đó nom càng giống bố, nó đang sửa lại những bông hoa nó đem vào.
Cô gia sư coi bộ đặc biệt nghiêm khác. Xerioja kêu the thé:
– A! Mẹ ơi! – rồi dừng lại, lưỡng lự: không biết nên chạy đến chào mẹ và bỏ hoa lại đó, hay gài cho xong vòng hoa để đưa biếu mẹ?
Sau khi chào Anna, cô gia sư liền kể dài dòng và tỉ mỉ về lỗi Xerioja mắc phải, nhưng Anna không để ý nghe; nàng tự hỏi có nên đưa cô ta theo không. “Không, nàng quyết định. Mình sẽ đi một mình với con”.
– Phải, thế là xấu lắm, – Anna nói và ôm vai con, nàng nhìn nó với một vẻ rụt rè hơn là nghiêm khắc làm thằng bé vừa bối rối vừa phấn khởi, rồi hôn nó. – Cô để nó cho tôi, – nàng bảo cô gia sư đang ngạc nhiên, và không buông tay con, nàng ngồi xuống cạnh bàn bày thức ăn ở góc phòng bên kia.
– Mẹ ơi, con… con… không…, – nó nói, nhìn mặt mẹ cố đoán xem mình sẽ bị xử trí ra sao về chuyện ăn vụng đào.
– Xerioja ạ, – nàng nói khi cô gia sư đã ra khỏi phòng, – thế là không tốt, nhưng con không làm như vậy nữa chứ?… Con có yêu mẹ không?
Nàng thấy rưng rưng nước mắt. “Làm sao mình không yêu nó được?
Nàng thầm nhủ, đăm đăm nhìn cặp mắt vừa sợ hãi vừa vui sướng của con. Chắc nó sẽ không về hùa với bố mà trừng phạt mình! Nó sẽ thương mình!”. Nước mắt chảy xuống mặt; để che giấu, nàng vội đứng dậy và gần như chạy ra sân thượng.
Sau những trận mưa dông mấy ngày qua, trời quang đãng và trở rét. Không khí giá lạnh mặc dầu ánh nắng rực rỡ vẫn luồn qua kẽ lá sạch láng.
Nàng run lên vì rét và sợ hãi: ở ngoài trời thoáng đãng, những lo âu lại xâm chiếm nàng dữ dội khác thường.
– Con ra với cô Mariet đi, – nàng bảo Xerioja toan theo mẹ rồi đi đi lại lại trên chiếc chiếu trải ở sân thượng. – Lẽ nào ông ta lại không tha thứ cho mình, lẽ nào ông ta lại không hiểu điều đó là tất yếu? – nàng tự hỏi.
Nàng dừng bước, ngước nhìn ngọn cây hoàn diệp liễu đang đung đưa theo chiều gió, lá cây bóng láng dưới ánh nắng, và hiểu rằng ông ta sẽ không tha thứ cho mình, giờ đây toàn thế giới sẽ tàn nhẫn như bầu trời này, rặng cây này. Một lần nữa nàng cảm thấy là trong lòng, mọi cái lại bắt đầu lưỡng hoá. “Không, đừng có nghĩ ngợi gì, nàng tự nhủ. Mình sẽ đi chuẩn bị hành lý. Đi đâu? Bao giờ đi? Đem ai đi theo?
Phải, đi Moxcva, đi chuyến tàu tối nay. Đi với Annusca và Xerioja và chỉ mang theo đồ dùng cần thiết. Nhưng trước đó phải viết thư cho cả hai người”. Nàng vội vã bước vào nhà, về phòng giấy, ngồi xuống trước bàn và viết thư cho chồng:
“Sau câu chuyện vừa xảy ra, tôi không thể ở lại nhà ông được nữa.
Tôi ra đi và đem theo con trai tôi. Tôi không hiểu theo luật pháp, thì nó phải ở với ai trong hai chúng ta, nhưng tôi đem nó đi vì tôi không thể sống thiếu nó. Mong ông rộng lượng và để nó cho tôi”.
Cho tới chỗ đó, nàng viết nhanh chóng dễ dàng, nhưng nghĩ đến nước phải kêu gọi sự độ lượng (nàng không công nhận chồng có đức tính ấy) và phải kết thúc bằng một câu xúc động, nàng liền dừng bút.
“Tôi không thể nói tới lỗi lầm và ăn năn được, vì…” Nàng lại dừng bút và đứt mất mạch suy nghĩ. “Không, vô ích”, nàng tự nhủ, xé lá thư rồi viết lại, lần này không nhắc gì đến sự độ lượng và dán phong bì. Phải viết thư cho Vronxki. “Em đã thú nhận với chồng rồi…”, nàng viết và ngồi lặng hồi lâu không đủ sức tiếp tục. Thật quá thô kệch, chẳng có vẻ gì phụ nữ cả. “Vả lại, mình biết viết cho chàng cái gì kia chứ?”, nàng tự nhủ. Một lần nữa, mặt nàng lại đỏ bừng vì hổ thẹn, nhớ lại cảnh yên tĩnh trước đây, và một nỗi hờn giận khiến nàng xé vụn tờ giấy mới bắt đầu viết. “Mọi cái đó đều vô ích”, nàng nghĩ. Nàng gấp tập giấy thấm lại, lên gác và báo cho cô gia sư cùng bọn đầy tớ biết là ngay tối đó, nàng sẽ đi Moxcva, nàng lập tức sửa soạn hành lý.
— —— —— —— ——-1 Mamzelle (tiếng Pháp trong nguyên bản) tức là “Made-moiselle” phát âm một cách thông tục, bình dân (đây là chỉ cô gia sư)