Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 5 – Chương 28

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Một trong những mục đích đã định của Anna khi trở về Nga là thăm con trai. Kể từ hôm rời khỏi ý, ý định gặp gỡ đó không ngừng khuấy động lòng nàng. Và càng về đến gần Petersburg, niềm vui và tầm quan trọng của việc đó càng tăng lên trước mắt nàng. Nàng thấy việc đến thăm con là rất giản dị và tự nhiên, một khi ở cùng thành phố với nó; nhưng sau khi đến Petersburg, nàng đột nhiên nhìn thấy rõ cương vị hiện tại của mình trong xã hội và nàng hiểu việc bố trí gặp gỡ sẽ khó khăn.

Nàng đến Petersburg đã được hai ngày. Lòng thương nhớ con không lúc nào nguôi nhưng nàng vẫn chưa gặp được nó. Nàng cảm thấy mình không có quyền về thẳng nhà, nhỡ ra chạm trán với Alecxei Alecxandrovich ở đó. Người ta có thể cự tuyệt không tiếp nàng, làm nhục nàng. Viết thư cho chồng, bắt liên lạc với ông ta, chỉ nghĩ vậy nàng đã không chịu nổi: nàng chỉ bình tĩnh khi nào không nghĩ tới chồng. Gặp con lúc dạo mát, sau khi hỏi dò được giờ giấc đi chơi của nó, nàng thấy chẳng thấm tháp gì: nàng đã bao lâu chờ đón cuộc gặp gỡ này, có bao nhiêu chuyện cần nói với nó, vô cùng thèm khát ghì nó trong tay, hôn nó. Bà vú già của Xerioja có thể giúp đỡ và mách nước cho nàng. Nhưng bà ta không còn ở nhà Alecxei Alecxandrovich nữa. Nàng mất đứt hai ngày loay hoay và tìm kiếm bà vú già.

Được biết quan hệ khăng khít giữa Alecxei Alecxandrovich và nữ bá tước Lidia Ivanovna, sang ngày thứ ba, Anna quyết định viết thư cho bà ta, việc này đòi hỏi nàng hết sức cố gắng; trong thư, nàng chủ tâm nói việc cho phép đến thăm con trai tuỳ thuộc vào lòng cao thượng của chồng. Nàng biết nếu chồng xem thư, ông ta sẽ không từ chối nàng để tiếp tục đóng cho trọn vai trò cao thượng của mình.

Người mang thư đem về cho nàng câu trả lời độc ác và bất ngờ nhất, khi hắn nói người ta không phúc đáp thư nàng. Nàng chưa bao giờ cảm thấy nhục nhã bằng lúc gọi người đưa thư lên phòng, nghe hắn kể lại tỉ mỉ việc người ta bắt hắn chờ đợi ra sao để rồi bảo là không có thư trả lời. Anna cảm thấy bị sỉ nhục, nhưng hiểu rằng, đứng về quan điểm bà ta, nữ bá tước Lidia Ivanovna đã làm đúng. Nỗi đau buồn càng khốc liệt vì nàng phải chịu đựng một mình. Nàng không thể và cũng không muốn chia xẻ với Vronxki. Nàng biết mặc dầu là nguyên nhân chủ yếu của đau khổ này, chàng vẫn có thể coi nhẹ cuộc gặp gỡ của nàng với con trai. Nàng biết không bao giờ chàng có thể hiểu nổi tất cả tầm sâu sắc nỗi đau của nàng: biết đâu, khi nhắc đến chuyện đó, chàng lại chẳng dùng một giọng hờ hững khiến nàng có thể đâm ghét chàng. Đó là điều nàng sợ nhất trên đời, cho nên nàng giấu chàng tất cả những gì dính dáng đến con trai.

Nàng ở nhà suốt ngày, nghĩ cách gặp con và cuối cùng quyết định viết thư cho chồng. Nàng bắt đầu viết thì có người đem thư của Lidia Ivanovna đến. Sự im lặng của nữ bá tước đã làm nàng nguôi đi, cam chịu, nhưng bức thư của bà ta, với tất cả ẩn ý trong đó, khiến nàng tức giận đến cực độ, nàng thấy sự tàn nhẫn đó đối với lòng thương yêu con tha thiết và chính đáng của mình thật đáng phẫn nộ đến nỗi nàng đâm bất bình với mọi người khác và thôi không tự kết tội mình nữa.

“Thật là vô tình và đạo đức giả! Nàng thầm nghĩ. Họ chỉ muốn làm nhục mình, làm khổ con mình, thế mà mình lại chịu khuất phục ư! Không đời nào! Mụ ta còn xấu xa hơn mình. Mình đây, ít nhất, mình cũng không nói dối”. Và nàng lập tức quyết định ngay hôm sau, sinh nhật Xerioja, nàng sẽ đến gặp kì được con trai và chấm dứt sự dối trá kinh tởm mà họ đang vây quanh đứa bé tội nghiệp.

Nàng đến cửa hàng đồ chơi, mua rất nhiều thứ và bố trí cả một kế hoạch hành động. Sáng mai, nàng sẽ đến vào hồi tám giờ: Alecxei Alecxandrovich chắc chắn vẫn chưa dậy. Nàng sẽ sắp sẵn tiền giúi cho lão gác cổng và gã hầu phòng để họ cho nàng vào nhà, và không nhấc mạng che mặt, nàng sẽ nói bố đỡ đầu Xerioja phái nàng đến chúc mừng chú và ông ta dặn nàng phải đặt đồ chơi ngay cạnh giường chú bé. Nhưng nàng không chuẩn bị trước những lời sẽ nói với con. Nàng suy nghĩ mãi, nhưng không tìm được câu nào.

Hôm sau, hồi tám giờ sáng, Anna một mình trên xe ngựa thuê bước xuống và giật chuông trước bậc thầm chính ngôi nhà cũ của nàng.

– Ra xem người ta hỏi gì. Có một phu nhân đấy, – Kapitonich, mặc áo bành tô, đi ủng cao su nói vậy sau khi ghé nhìn qua cửa sổ thấy một bà mặt che mạng đứng trước cửa ra vào. Người giúp việc lão, một gã thanh niên Anna không quen, vừa mở cửa thì nàng đã bước luôn vào và rút trong bao tay ra tờ giấy bạc ba rúp, nhét vội vào tay gã.

– Xerioja… Xergei Alecxeiêvich, – nàng nói và định đi xộc vào nhà trong. Nhưng sau khi liếc nhìn tờ giấy bạc, gã trai trẻ liền ngăn nàng lại trước cửa kính thứ hai.

– Bà hỏi ai ạ? – nó hỏi.

Nàng không nghe gã hỏi và không trả lời gì. Thấy vẻ bối rối của bà khách lạ, Kapitonich đích thân ra khỏi buồng cánh cửa, mời khách vào và hỏi bà muốn gì.

– Hoàng thân Xcorodumov phái tôi đến thăm Xergei Alecxeievich, – nàng nói.

– Cậu ấy chưa dậy, – lão gác cổng trả lời và chăm chú nhìn nàng. Anna không ngờ gian phòng chờ vẫn y nguyên của căn nhà này, nơi nàng đã sống chín năm, lại tác động tới nàng đến thế. Từng kỉ niệm vui sướng hoặc đau buồn lần lượt nổi dậy trong tâm hồn và trong giây lát, nàng quên bẵng tại sao mình đến đây.

– Xin bà chờ cho một lát, Kapitonich nói và cởi áo khoác cho nàng. Ngay lúc đó, lão nhận ra nàng và lẳng lặng không nói gì, cúi rạp xuống chào.

– Xin mời bà lớn vào, – lão nói.

– Nàng muốn nói gì đó, nhưng nghẹn lời không thốt ra được tiếng nào; sau khi liếc nhìn ông già với một vẻ phạm lỗi và van lơn, nàng thoăn thoắt nhẹ nhàng bước lên thang gác. Kapitonich cúi gập người, đôi ủng cao su vấp vào bậc thang, chạy theo sau, gắng đuổi kịp nàng.

– Ông giáo có lẽ vẫn chưa mặc quần áo. Tôi xin đi báo trước.

Anna vẫn tiếp tục leo lên chiếc cầu thang thân thuộc, không hiểu ông già bảo gì mình.

– Xin mời bà đi về phía này, bên trái kia ạ. Xin bà tha lỗi cho nhà cửa bừa bộn. Cậu hiện nay ở phòng khách nhỏ cũ, – lão gác cổng thở hổn hển nói. – Thưa bà lớn, xin bà chờ cho một lát, để tôi đi ngó qua một cái, – lão vượt lên trước, mở chiếc cửa lớn và đi khuất.

Anna dừng bước và đứng chờ.

– Cậu vừa dậy xong, – lão gác cổng lại hiện ra ở cửa và nói.

Ngay khi lão gác cổng nói câu đó, Anna nghe thấy tiếng trẻ con ngáp. Nàng nhận ra tiếng con trai và hình dung rõ ràng như nó đứng ngay trước mặt.

– Để tôi vào, để tôi vào, nào!

Nàng nói và bước vào phòng. Bên phải cánh cửa, kê một chiếc giường và ngồi trên đó là một đứa trẻ mặc sơ mi không cài khuy, cái thân hình bé nhỏ cúi về đằng trước, vừa vươn vai ngáp xong. Đôi môi vừa mím lại thoáng mỉm cười ngái ngủ và nó lại uể oải, khoan khoái gieo mình xuống gối.

– Xerioja! – nàng khẽ gọi, bước lại gần êm như ru.

Suốt thời gian hai mẹ con xa nhau và những ngày gần đây, khi lòng yêu thương con trào lên dào dạt, nàng vẫn hình dung nó như hồi lên bốn, cái tuổi nàng yêu nó nhất. Giờ đây, nó không còn như hồi nàng bỏ đi; nó lớn thêm và gầy đi. Trời! Sao mặt nó gầy thế! Sao tóc nó ngắn thế! Sao hai cánh tay nó dài thế! Nhưng dù sao, vẫn là nó, hình dáng cái đầu, đôi môi, cái cổ mảnh dẻ và đôi vai rộng của nó.

– Xerioja! nàng nhắc lại bên tai đứa bé.

Nó chống khuỷu tay nhỏm dậy, quay cái đầu rối bù sang trái như tìm ai và mở mắt. Trong một vài giây, nó nhìn mẹ đứng trước mặt, vẻ dò hỏi, rồi mỉm cười ngây ngất, và lại khép đôi mi mắt dính vào nhau, gieo mình vào cánh tay mẹ.

– Xerioja! Con trai bé bỏng yêu quý của mẹ! – nàng hổn hển nói, ôm tấm thân bé nhỏ mũm mĩm.

– Mẹ ơi! – nó vừa gọi, vừa cựa quậy trong tay mẹ để mọi bộ phận thân thể đều cảm thấy sức ghì vòng tay đó.

Vẫn mỉm cười và ngái ngủ, mắt nhắm nghiền, nó buông thành giường và vòng hai cánh tay tròn trĩnh ôm lấy vai mẹ, nép vào người mẹ, phả ra cái mùi thơm âm ấm, dìu dịu của trẻ con đang ngủ bao bọc lấy nàng rồi dụi mặt vào vai và cổ nàng.

– Con biết ngay mà, – nó nói và mở mắt ra. – Hôm nay là sinh nhật con. Con biết thể nào mẹ cũng đến. Con dậy ngay bây giờ đây.

Và vừa nói xong, nó lại ngủ luôn. Anna đắm đuối nhìn con; nàng thấy nó đã lớn và thay đổi rất nhiều trong thời gian nàng vắng mặt. Nàng nửa nhận ra nửa bỡ ngỡ với đôi cẳng chân để trần giờ đây dài ngoẵng; đôi má gầy gò, mái tóc cắt ngắn xoắn lại ở gáy, chỗ nàng hay hôn trước đây. Nàng sờ nắn tất cả thân hình con và không nói nên lời: nàng nghẹn ngào nước mắt.

– Tại sao mẹ lại khóc, mẹ? – nó tỉnh hẳn và nói. – Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc? – nó hỏi, giọng ảo não.

– Mẹ không khóc nữa đâu… mẹ khóc vì vui sướng đấy thôi. Bao nhiêu lâu mẹ không được trông thấy con! Mẹ không khóc nữa, không khóc nữa, – nàng nói, nuốt nước mắt và quay mặt đi.

– Bây giờ, đến lúc con mặc quần áo rồi đấy, – nàng nói thêm khi trấn tĩnh lại sau một phút im lặng, và vẫn nắm tay nó, nàng ngồi xuống chiếc ghế tựa xếp sẵn quần áo, kê cạnh giường.

– Vắng mẹ, con mặc lấy quần áo như thế nào hả? Làm thế nào… – Nàng muốn chuyện trò vui vẻ, bình thường, nhưng không được và một lần nữa, lại quay mặt đi.

– Bây giờ, con không tắm nước lạnh nữa đâu, ba cấm con không được tắm thế. Mẹ chưa gặp Vaxili Lukich à? Thầy ấy sắp đến đấy. Mẹ ngồi lên quần áo của con rồi!

Và Xerioja cười khanh khách. Nàng nhìn nó mỉm cười.

– Mẹ ơi, mẹ yêu quý ơi! – nó kêu lên và lại lăn vào trong tay mẹ.

Dường như mãi đến lúc này, nhìn thấy mẹ cười, nó mới hiểu rõ sự việc xảy ra.

– Mẹ cất cái này đi, nó nói và bỏ mũ nàng ra. Và như đã hoàn toàn nhận ra mẹ với cái đầu để trần, nó lại hôn nàng.

– Con đã nghĩ như thế nào về mẹ hả? Con không tin là mẹ chết chứ?

– Không đời nào.

– Có thật không, con yêu quý của mẹ?

– Con biết lắm chứ, con biết lắm chứ! – nó nói, nhắc lại câu nói ưa thích. Và cầm bàn tay đang vuốt ve tóc mình, nó úp lòng bàn tay vào miệng và hôn khắp lên đó.

Chọn tập
Bình luận