Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 4 – Chương 21

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Betxi chưa kịp rời phòng khách thì đã chạm trán ở bậc cửa với Xtepan Arcaditr từ cửa hàng Elixêep tới, chả là hiệu này vừa nhận được sò tươi.

– A! Quận chúa! Thật là một cuộc gặp gỡ thú vị! Tôi vừa ghé qua nhà bà chị!

– Một cuộc gặp gỡ nhanh chóng, vì tôi phải đi đây, – Betxi mỉm cười nói và xỏ tay vào găng.

– Trước khi đeo găng, cho phép tôi được hôn tay bà chị đã. Trong việc trở lại lề lối cổ, không gì làm tôi vừa ý hơn là cái lệ hôn tay đàn bà, – ông hôn tay Betxi. – Bao giờ ta sẽ gặp nhau?

– Ông không xứng đáng được thế đâu, – Betxi mỉm cười trả lời.

– Trái hẳn đấy, vì bây giờ tôi trở thành con người đứng đắn nhất thế giới rồi. Không những tôi thu xếp xong chuyện gia đình mình mà cả chuyện gia đình người khác nữa kia, – ông nói với một vẻ đầy ý nghĩa.

– à! Thế thì tôi rất mừng! – Betxi đáp, hiểu ngay là ông nói về Anna. Bà ta quay lại phòng khách và kéo Oblonxki vào một góc. – Ông ta sẽ làm chị ấy chết mất, – bà khẽ nói, vẻ quan trọng. – Không thể thế được, không thể được…

– Tôi rất sung sướng thấy bà chị nghĩ vậy, – Xtepan Arcaditr lắc đầu thương hại. – Chính vì chuyện đó mà tôi đến Peterburg.

– Cả thành phố đều bàn tán chuyện ấy, – bà ta nói. – Thật là một hoàn cảnh éo le. Chị ấy cứ mòn mỏi dần. Ông ta không hiểu đó là một người đàn bà không biết đùa giỡn với tình cảm. Trong hai điều phải chọn lấy một: hoặc giả ông ta phải kiên quyết lái chị ấy theo ý mình hoặc giả ly dị quách đi. Còn như thế này thì chị ấy chết mất.

– Phải… phải… chính là như vậy… – Oblonxki thở dài nói. – Chính vì chuyện ấy mà tôi đến đây. Nghĩa là không phải chỉ đơn thuần vì chuyện đó… Người ta vừa bổ nhiệm tôi làm quan thị vệ, nên cần đến cảm ơn những vị có thẩm quyền. Nhưng điều chủ yếu là để dàn xếp việc này.

– Cầu Chúa phù hộ cho ông, – Betxi nói.

Sau khi tiễn quận chúa Betxi ra đến phòng chờ, hôn tay bà lần cuối phía trên chiếc găng, ở chỗ có mạch đập và nói năng cợt nhả đến nỗi bà ta không biết nên cười hay nên giận, Xtepan Arcaditr liền đến buồng em gái. Ông thấy nàng đang giàn giụa nước mắt.

Một cách tự nhiên như không, Xtepan Arcaditr chuyển từ thái độ vui nhộn sang giọng điệu thương cảm, xúc động một cách thơ mộng cho hợp với tâm trạng em gái hơn. Ông hỏi thăm sức khỏe em gái và sáng nay nàng ra sao.

– Rất, rất kém. Cả ngày, cả sáng nay, cả những ngày đã qua và sẽ tới, – nàng nói.

– Anh thấy hình như cô cứ buồn phiền mãi. Phải hoạt động lên, phải nhìn thẳng vào cuộc đời. Anh biết chuyện ấy thật khổ tâm, nhưng…

– Người ta bảo có những phụ nữ đã yêu ai thì yêu cả đến thói xấu của người ấy, – nàng mở đầu đột ngột. – Còn lão ta, thì em ghét cả đến cái đức hạnh của lão. Em không thể sống với lão được. Chỉ nhìn thấy lão thôi, cũng đủ lộn ruột rồi. Em không thể, không thể sống chung một nhà với lão. Em phải làm gì đây? Trước kia đã khổ sở rồi và em nghĩ không thể nào khổ sở hơn nữa, nhưng hồi đó, em không hình dung được cái tình trạng kinh khủng hiện nay em đang phải chịu đựng. Liệu anh có tin em không: trong khi biết rằng đó là một người tốt, ưu tú, rằng em chẳng bằng cái đầu móng tay ông ta, thế mà em vẫn không thể không ghét ông ấy. Chính vì ông ta cao thượng mà em ghét. Em chỉ còn cách là…

Nàng định nói: chết, nhưng Xtepan Arcaditr không để nàng nói hết.

– Cô đang ốm, và bực bội trong người đấy, – ông bảo nàng: – cô phóng đại ra thôi. Chuyện này chẳng có gì ghê gớm đâu.

Xtepan Arcaditr mỉm cười. Vào địa vị ông, đứng trước nỗi tuyệt vọng như thế, hẳn không ai dám mỉm cười (làm thế thật lỗ mãng), nhưng nụ cười của ông xiết bao đôn hậu và âu yếm (một vẻ âu yếm gần như đàn bà) đến nỗi nó không làm mếch lòng mà còn xoa dịu và khiến ta bình tâm lại. Những lời dịu dàng và vỗ về cùng nụ cười của ông tác động như liều thuốc an thần chế bằng dầu hạnh nhân. Bản thân Anna phút chốc cũng cảm thấy tác dụng của cái đó.

– Không, anh Xtiva ạ, – nàng nói. – Đời em thế là bỏ đi, bỏ đi rồi! Còn tệ hại hơn thế nữa kia. Đời em chưa đến lúc bỏ đi, em chưa thể nói là tất cả đã kết thúc; trái lại, em cảm thấy tất cả chưa kết thúc. Em như một sợi dây căng thẳng sẽ phải đứt. Nhưng chuyện này chưa kết thúc…

và rồi nó sẽ kết thúc bi thảm!

– Ta có thể thả chùng sợi dây từng tí một. Không có tình thế nào mà không có lối thoát.

– Em suy nghĩ mãi rồi. Chỉ có một lối thoát…

Một lần nữa, thấy cái nhìn khiếp sợ của nàng, ông lại hiểu trong tâm trí nàng, con đường thoát duy nhất là chết và ông không để nàng nói nốt.

– Không hẳn thế cô ạ, – ông nói. – Cô không thể nhìn hoàn cảnh của cô rõ như anh đâu. Cô cho phép anh nói thật ý kiến của anh với cô nhé, – ông lại khôn khéo mỉm cười ngọt ngào. – Anh xin bắt đầu từ đầu: cô đã lấy một người hơn cô những hai mươi tuổi. Cô lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu. Ta hãy coi đó là một sai lầm.

– Một sai lầm ghê gớm! – Anna nói.

– Nhưng, anh nhắc lại điều này với cô, đó là việc đã rồi. Tiếp đó, chẳng may cho cô, có thể nói vậy, cô đi yêu một người khác. Đó là một điều bất hạnh; nhưng đó cũng là việc đã rồi. Chồng cô thừa nhận việc đó và tha thứ cho cô. – Sau mỗi câu, ông đều dừng lại xem em gái có phản đối không, nhưng nàng không trả lời gì cả. – Thế đó. Bây giờ, vấn đề là thế này: cô có thể tiếp tục chung sống với chồng không? Cô có mong thế không? Ông ta có mong thế không?

– Em chẳng biết, chẳng biết gì hết.

– Chính cô vừa nói cô không thể chịu đựng được ông ta kia mà.

– Không, em không nói thế. Em rút lui những điều vừa nói. Em không biết và không hiểu gì về chuyện ấy cả.

– Này, để anh…

– Anh không hiểu được đâu. Em cảm thấy mình đang đâm đầu xuống vực thẳm mà không có quyền và không đủ sức tự cứu mình.

– Không sao cả, ta sẽ làm chậm bớt đà rơi và sẽ đỡ được cô. – Anh hiểu cô không dám phát biểu những tình cảm, ước muốn của cô.

– Em không mong muốn, không mong muốn gì hết… trừ một điều là tất cả chuyện này kết thúc đi.

– Nhưng ông ta cũng thấy điều đó và biết thế. Cô tưởng ông ta không đau khổ bằng cô ư? Cô day dứt, ông ta cũng day dứt, như vậy rồi sẽ đi đến đâu? Chẳng gì việc ly dị cũng giải quyết được mọi chuyện, – Xtepan Arcaditr phải cố gắng mới nói ra được câu này… Đó là ý chính của ông và ông nhìn em gái, vẻ quan trọng.

Nàng không trả lời gì cả và lắc lắc cái đầu tóc ngắn, tỏ vẻ không đồng ý. Nhưng trên bộ mặt bỗng nhiên sáng ngời vẻ đẹp thuở xưa của nàng, ông thấy rõ sở dĩ nàng khước từ giải pháp đó, chỉ vì nhìn thấy ở đó một hạnh phúc không sao thực hiện được.

– Tôi thương hại các người quá! Giá thu xếp được chuyện này thì tôi sung sướng biết bao! – Xtepan Arcaditr nói, lần này thì mỉm cười mạnh dạn hơn. – Cô đừng nói gì hết! Cầu Chúa cho phép tôi nói lên điều tôi cảm thấy. Tôi đến gặp ông ta đây.

Anna chẳng nói chẳng rằng nhìn ông bằng đôi mắt long lanh và tư lự.

Chọn tập
Bình luận