Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 6 – Chương 11

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Khi Levin và Stepan Ackađich tới căn nhà gỗ của bác nông dân mà lần nào Levin cũng ghé lại, thì đã thấy Vexlovxki ở đó rồi. Anh ta ngồi giữa nhà, hai tay níu vào chiếc ghế dài nhỏ, trong khi một người lính – em trai bà chủ nhà – rút hộ đôi ủng bê bết bùn, và anh ta cười cái cười hay lây của mình.

– Tôi vừa mới đến. Bọn họ tốt lắm(1). Các anh biết không, họ đã thết tôi ăn uống! Bánh mì ngon làm sao! Tuyệt diệu(2). Còn vodka, thì tôi chưa từng uống thứ rượu nào ngon hơn thế bao giờ! Và họ không chịu nhận tiền gì cả. Họ cứ luôn miệng nói: “Đừng có vẽ vời”.

– Nhưng họ nhận tiền làm gì kia chứ? Họ đã mời ông cơ mà, có phải không? Rượu vodka của họ đâu có phải để bán, – người lính nói, cuối cùng đã rút ra được cho Vexlovxki một bên ủng sũng nước và cả chiếc tất đen sì những bùn.

Mặc dầu căn nhà bẩn thỉu lại bị ủng các nhà đi săn và chân chó ẩm ướt làm nhớp nhúa thêm, mặc dầu mùi đầm lầy và mùi thuốc súng tràn ngập khắp nhà, mặc dầu chẳng có dao dĩa gì cả, các nhà đi săn của chúng ta vẫn uống trà thoải mái và ăn bữa tối với sự ngon miệng chỉ có được trong những buổi đi săn. Rửa ráy sạch sẽ xong, họ tới kho thóc đã quét tước dành cho họ, ở đó gã xà ích đã chuẩn bị xong giường nằm trong đám cỏ khô.

Mặc dầu bóng tối đã buông xuống, không ai trong toán đi săn thấy buồn ngủ. Sau khi quanh quẩn hết ôn kỉ niệm lại kể giai thoại săn bắn, câu chuyện xoay sang một đầu đề mà tất cả đều thích. Trong khi Vexlovxki trầm trồ trước mọi thứ: từ chặng nghỉ này, mùi cỏ khô, đến chiếc xe tải bị gẫy (anh ta tưởng thế vì người ta đã tháo phần trước ra), từ sự hảo tâm của toán nông dân đã thết anh ta vodka cho đến hai con chó mỗi con nằm dưới chân chủ, thì Oblonxki kể lại một cuộc đi săn ông tham gia hồi năm ngoái tại nhà lão Mantuyt nào đó. Mantuyt là một tay phú hộ mới phất, rất nổi tiếng, đã làm giàu trong ngành hoả xa. Stepan Ackađich tả những đầm lầy lão ta mua ở tỉnh Tver, có cắt người canh gác cẩn thận, tả những xe chở chó săn cùng xe ngựa đã đưa họ đến chỗ ăn và ngồi lều vải dựng bên bờ đầm để ăn sáng.

– Tôi không hiểu anh đấy, – Levin nhỏm dậy trên chỗ nằm lót cỏ khô, nói. – Làm sao mà anh lại không thấy hạng người ấy là bỉ ổi? Tôi hiểu rằng dự tiệc ở lâu đài Lafit quả là thú vị, nhưng cái xa hoa đài các đó, há lại không khiến anh ghê tởm sao? Tất cả bọn đó, cũng như bọn chủ ấp nấu rượu ngày xưa, đều kiếm tiền bằng một cách đáng để thiên hạ khinh bỉ, nhưng chúng mặc kệ, tưởng có thể xoá bỏ sự khinh bỉ đó bằng tiền bạc kiếm được một cách bất lương.

– Hoàn toàn đúng như vậy! – Vaxya Vexlovxki tán thành, hoàn toàn đúng! Tất nhiên, Oblonxki nhận lời là do tính hồn hậu(3) thôi, nhưng sau đó, người ta lại xì xào: “Một khi mà Oblonxki đã đến đấy…”

– Tuyệt nhiên không phải thế… – Levin cảm thấy Oblonxki mỉm cười khi nói vậy. Tôi hoàn toàn không tin lão ta bất lương hơn bất cứ nhà quý tộc hay thương gia giầu có nào khác. Người này hay người kia có được đại vị đều nhờ lao động và trí thông minh cả.

– Phải, nhưng lao động thế nào chứ? Chạy chọt xin xỏ được cái đồn điền rồi đem bán lại thế cũng là lao động à?

– Có chứ. Hiểu theo cái nghĩa nếu không có hắn ta và những người như hắn trên đời này thì ta sẽ không có đường xe lửa.

– Đó không phải là thứ lao động của nông dân hay của nhà bác học.

– Thì cứ cho là như thế, nhưng đó là một thứ lao động hiểu theo cái nghĩa là sự hoạt động của nó dẫn tới một kết quả: đường xe lửa. Nhưng chú lại cho đường xe lửa là vô ích kia mà.

– Không, đó là vấn đề khác; tôi sẵn sàng thừa nhận đường xe lửa là có ích. Nhưng mọi cái được hưởng không xứng với tỉ lệ lao động bỏ ra, đều không lương thiện.

– Ai quy định tỉ lệ ấy?

– Tôi muốn nói đến những món lời kiếm được một cách bất lương bằng mánh khoé nào đấy, – Levin nói, cảm thấy mình không thể vạch được ranh giới rõ rệt giữa những gì là lương thiện và những gì là bất lương. – Lợi nhuận của nhà băng chẳng hạn, – chàng nói tiếp. – Chính đó là điều xấu xa: kiếm được những tài sản kếch xù mà không lao động; thật y như thời kì thái ấp, chỉ thay đổi bề ngoài thôi. Đức vua băng hà, đức vua vạn tuế(4). Vừa mới thủ tiêu được những thái ấp thì đường xe lửa, nhà băng đã xuất hiện; đó cũng là một món lời không lao động.

– Phải, tất cả những điều đó có thể là đúng và thông minh đấy… Nằm xuống, Crăc! – Stepan Ackađich mắng con chó đang cào cào và bới tung đống cỏ khô.

Rõ ràng Oblonxki tin chắc quan điểm mình đúng nên ông nói khoan thai, không hề vội vã.

– Nhưng chú không vạch ra được ranh giới giữa lao động lương thiện và lao động không lương thiện. Này nhé, tôi lĩnh lương cao hơn viên chánh văn phòng của tôi, mà anh ta lại thạo công việc hơn tôi, thế có phải bất lương không?

– Tôi không biết.

– Thế thì tôi, tôi sẽ nói cho chú biết: cùng bỏ sức lao động ra canh tác như nhau mà chú được hưởng độ năm ngàn rúp chẳng hạn, trong khi bác nông dân chủ nhà chúng ta đây có trầy trật mấy cũng không lĩnh được quá năm mươi rúp, điều đó cũng bất lương chẳng kém gì việc tôi kiếm nhiều hơn việc chánh văn phòng của tôi và việc Mantuyt kiếm nhiều hơn một công nhân hoả xa. Trái lại, tôi thấy thiên hạ có một thái độ hằn học đối với loại người đó, chẳng dựa trên cơ sở nào cả. Tôi thấy hình như đó là ghen ghét…

– Không. không phải, – Vexlovxki nói – Người ta chẳng ghen với họ làm gì: trong loại kinh doanh ấy, có một cái gì nhơ bẩn.

– Xin lỗi, – Levin nói tiếp. Anh nói khi tôi kiếm năm nghìn rúp thì bác nông dân chỉ kiếm năm mươi rúp, như vậy là bất công: đúng. Thế là bất công, tôi biết lắm, nhưng…

– Người nào phận nấy. Tại sao chúng ta ăn uống, chúng ta ì ra chẳng làm gì cả trong khi bác ta làm việc không ngừng?- Vaxya Vexlovxki nói bằng một giọng hết sức thành thực vì rõ ràng đây là lần đầu tiên trong đời, anh ta suy nghĩ về vấn đề này.

– Phải, chú biết rõ điều ấy, nhưng chắc chú chẳng biếu không ruộng đất cho nông dân đâu, – Stepan Ackađich nói, như cố ý chọc tức Levin.

Gần đây, một thái độ đối địch ngầm đã nảy ra giữa hai anh em đồng hao: từ khi kết hôn với hai chị em, mỗi người đều muốn tỏ ra mình tổ chức cuộc sống tốt đẹp hơn người kia và lúc này, sự hằn học đó biểu lộ trong câu chuyện bắt đầu ngả sang thành chuyện riêng tư.

– Không ai yêu cầu tôi làm thế và dù tôi muốn, tôi cũng không thể cho không ruộng đất đi được, – Levin đáp. – Tôi không thấy rõ là nên cho ai.

– Cho bác nông dân này này. Hẳn bác ta sẽ không từ chối.

– Nhưng tôi sẽ tiến hành việc đó ra sao? Tôi sẽ cùng bác ta làm một tờ giao kèo nhượng lại chăng?

– Tôi không biết, nhưng nếu chú tin rằng chú không có quyền…

– Tôi chẳng tin gì cả. Trái lại, tôi cảm thấy tôi không có quyền cho tài sản đi, vì tôi còn có bổn phận đối với ruộng đất, đối với gia đình tôi…

– Xin lỗi, nếu chú coi sự bất bình đẳng đó là bất công thì tại sao chú không hành động một cách thiết thực đi?

– Đó chính là việc tôi đang làm, nhưng làm một cách tiêu cực, theo chiều hướng là tôi sẽ không tìm cách làm tăng thêm sự khác biệt về hoàn cảnh giữa nông dân với tôi.

– Xin lỗi chú, nhưng đó quả là nghịch lí.

– Phải, đó là một lối giải thích nguỵ biện, – Vexlovxki tán thành.

– Này, chủ nhân, – anh ta nói với bác nông dân đang kẹt cửa bước vào kho lúa, – bác chưa ngủ kia à?

– Ngủ được quái đâu! Tôi tưởng quý ông ngủ rồi, sau lại nghe thấy tiếng nói chuyện. Tôi cần lấy cái móc. Nó không cắn đấy chứ? bác nói tiếp, đôi chân đất thận trọng bước.

– Thế bác ngủ ở đâu?

– Bọn tôi sắp đi canh ngựa ở bãi.

– Ôi! Đêm đẹp quá! – Vexlovxki vừa nói vừa nhìn qua khung cửa thấy một góc căn nhà gỗ và những xe tải đã tháo ngựa trong ánh trời nhập nhoạng. – Mà nghe này, có tiếng phụ nữ hát hay quá. Ai hát đấy, bác chủ nhà?

– Các cô láng giềng.

– Ta dạo một vòng ra mé ấy đi! Chúng mình chả ngủ được đâu. Đi đi, Oblonxki!

– Giá vừa nằm vừa dạo chơi được nhỉ, – Oblonxki vươn vai đáp.

– Nằm đây khoái quá.

– Thế thì tôi đi một mình vậy, – Vexlovxki vừa nói vừa đứng dậy và vội vã đi giày.

– Nếu thấy hay, tôi sẽ gọi các anh. Các anh đã thết tôi chim săn, tôi sẽ không quên các anh đâu.

– Thật là một gã thanh niên đáng yêu, phải không? – Oblonxki nói khi Vexlovxki đi khỏi và bác nông dân đã đóng cửa lại sau lưng.

– Ừ, – Levin trả lời và tiếp tục nghĩ về cuộc nói chuyện vừa rồi. Chàng cảm thấy mình đã phát biểu hết sức rõ ràng mọi tư tưởng và tình cảm, thế mà hai ông bạn, vốn thông minh và thành thực, lại đồng thanh bảo đầu óc chàng đầy nguỵ biện. Điều đó khiến chàng đâm hoang mang.

– Đúng thế, anh bạn ạ. Giữa hai điều phải chọn lấy một: hoặc ta công nhận cách tổ chức xã hội hiện thời là công bằng và như vậy ta sẽ bảo vệ quyền lợi của mình, hoặc ta thú nhận là đã thưởng những đặc quyền bất công và vui vẻ lợi dụng những đặc quyền đó: đó là điều tôi đang làm.

– Không, nếu đó là bất công thì anh không thể vui vẻ hưởng những lợi lộc ấy được; riêng tôi, tôi chả tâm địa nào làm thế. Trước hết, tôi cần cảm thấy mình không phạm tội đã.

– Thôi, hay là ta đi dạo một vòng chăng? – Stepan Ackađich nói, rõ ràng thấy mệt vì tinh thần quá căng thẳng. – Ta không ngủ được mà. Nào, đi thôi!

Levin không trả lời. Chàng nghĩ đến điều đã nói trong khi bàn cãi: chàng chỉ hành động đúng đắn theo chiều hướng tiêu cực thôi. “Người ta chỉ có thể chính trực một cách tiêu cực thôi ư?”, chàng tự hỏi.

– Sao mà mùi cỏ mới cắt hăng thế! – Oblonxki nhổm dậy, nói.

– Tôi cảm thấy mình không thể ngủ được. Hình như Vaxya đang bày trò gì ở đằng kia ấy. Chú có nghe tiếng cậu ta nói và mọi người cười rộ không? Ta đến đấy chứ?

– Tôi chả đi đâu, – Levin trả lời.

– Chẳng lẽ đây cũng là một vấn đề nguyên tắc ư? – Stepan Ackađich mỉm cười nói, ông đang tìm mũ lưỡi trai trong bóng tối.

– Không phải đâu, nhưng tôi lại đằng ấy làm gì chứ?

– Chú biết không, chú đang chuốc lấy những phiền phức đấy, – Stepan Ackađich vừa nói vừa đứng dậy sau khi đã tìm thấy chiếc mũ lưỡi trai.

– Tại sao?

– Chú tưởng tôi không thấy chú đã tự đặt mình vào hoàn cảnh như thế nào đối với cô ấy sao. Tôi đã nghe thấy cô chú bàn bạc về một vấn đề quan trọng bậc nhất: xem chú có nên vắng nhà hai ngày để đi săn hay không. Tất cả những cái đó, về mặt diễm tình thì đẹp thật đấy, nhưng không bền suốt đời đâu. Một người đàn ông phải độc lập: anh ta có những thích thú của đàn ông. Một người đàn ông phải đáng bậc tu mi nam tử, – Oblonxki vừa nói vừa mở cửa.

– Nghĩa là đi ve vãn bọn con gái tá điền? – Levin hỏi.

– Tại sao lại không, nếu đó là thú vui? Việc đó không có hậu quả gì tai hại cả. Vợ tôi sẽ không vì thế mà khổ sở thêm và tôi thì được vui chơi thoải mái. Điều chủ yếu là phải tôn trọng cái thánh đường – gia đình. Đừng để xảy ra việc gì ở trong nhà cả. Nhưng cũng không nên chịu bó tay.

– Có thể như thế, – Levin lạnh nhạt nói và trở mình nằm nghiêng. Mai, phải dậy sớm, tôi sẽ đi vào lúc rạng đông và không đánh thức ai đâu.

– Các ông ơi, lại đây nhanh lên, – có tiếng Vexlovxki quay trở lại gọi to.

– Xinh lắm! Chính tôi đã phát hiện được. Xinh lắm, một nàng Gretsen(5) chính cống, chúng tôi thân với nhau rồi. Quả thật là tuyệt diệu! – anh ta nói tiếp, vẻ mãn nguyện như thể cô bé kiều diễm ấy sinh ra là để dành riêng cho mình và anh hài lòng về người đã dành cho anh điều bất ngờ này.

Levin vờ ngủ và Oblonxki, sau khi đi giày và châm xì gà, bước ra khỏi kho lúa. Chẳng mấy chốc, tiếng họ im bặt.

Levin nằm mãi không tài nào ngủ được. Chàng nghe thấy tiếng đàn ngựa của mình đang nhai cỏ khô, rồi tiếng bác chủ nhà cùng con trai cả ra đồng cỏ thả súc vật; sau đó, chàng nghe thấy anh lính vào nằm ngủ ở góc kia kho lúa, cùng với đứa cháu, con trai nhỏ bác chủ nhà; chàng nghe thấy thằng bé kể lại với chú cảm giác của nó về lũ chó săn, nó thấy chúng thật đáng sợ và to đùng; rồi khi thằng bé hỏi những con chó ấy sắp vồ ai, anh lính bèn cắt nghĩa, bằng một giọng khàn khàn ngái ngủ, là ngày mai toán đi săn sẽ đến đầm lầy và nổ súng đòm đòm; sau cùng để tránh những câu hỏi của thằng bé, anh ta bảo nó: “Ngủ đi, Laxka ngủ đi, liệu thần hồn đấy!” Lát sau, anh ngáy và tất cả lại chìm trong im lặng; chỉ còn nghe tiếng ngựa hí và tiếng dẽ giun kêu cộc lốc. “Phải chăng người ta chỉ có thể chính trực một cách tiêu cực mà thôi? Levin thầm nhắc lại. Thế thì sao? Đâu phải lỗi tại mình”. Và chàng nghĩ đến hôm sau.

“Ngày mai, mình sẽ đi từ sớm và sẽ cố tự chủ không nổi nóng. Dẽ giun nhiều lắm. Và có cả dẽ gà.

Khi trở về, mình sẽ thấy thư Kitty. Có thể là Xtiva nói đúng. Mình nhu nhược quá, mình để nàng đè đầu… Nhưng biết làm thế nào? Đấy cũng lại là một phía tiêu cực!”.

Qua giấc ngủ chập chờn, chàng nghe thấy tiếng Vexlovxki và Stepan Ackađich cười cợt và chuyện trò vui vẻ. Chàng mở mắt ra một lát; trăng đã lên và họ vẫn đứng nói chuyện ở bậc cửa tràn ngập ánh trăng.

Stepan Ackađich nói về vẻ tươi mát của cô gái mà ông ví như một hạt dẻ vừa bóc ra khỏi vỏ, còn Vexlovxki thì vừa cười cái cười hay lây vừa nhắc lại một câu chắc của bác nông dân nào đã nói với anh: “Tốt hơn hết là chú hãy lo kiếm riêng lấy một cô gái!”. Levin nói với họ qua giấc ngủ:

– Các vị ạ, ngày mai, khi trời vừa hửng sáng…! – và chàng ngủ thiếp đi.

Chú thích:

(1) Ils ont été charmants (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(2) Délicieux (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(3) Bonhomie (tiếng Pháp trong nguyên bản)

(4) Le roi est mort, vive le roi (tiếng Pháp trong nguyên bản): Thành ngữ ý nói ông vua này qua đời, thì ông vua khác lên thay, mọi sự đâu vẫn hoàn đấy, không có gì thay đổi.

(5) 18 Nhân vật trong kịch Fauxtơ của Gơtơ, một cô gái đẹp

Chọn tập
Bình luận