Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 6 – Chương 21

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

– Không, anh chắc phu nhân mệt rồi và cũng chẳng thích xem ngựa đâu, – Vronxki nói với Anna khi nàng đề nghị đến trại nuôi ngựa cho Xvyajxki xem con ngựa giống mới. – Hai người cứ đi đi, còn tôi sẽ đưa phu nhân về nhà và chúng tôi sẽ chuyện trò một chút, – chàng quay lại hỏi Đôly, – chị có ưng thế không?

– Tôi chẳng biết gì về ngựa, nên xin vui lòng nhận lời, – Đarya Alecxandrovna hơi ngỡ ngàng nói.

Nhìn nét mặt Vronxki, bà biết chàng có điều muốn hỏi bà. Bà không lầm. Vừa đi qua cái cửa nhỏ trở lại khu vườn, chàng liền nhìn về hướng Anna đang đi và sau khi yên trí đã ở ngoài tầm nghe và tầm nhìn của nàng, chàng mào đầu:

– Chắc chị đã đoán được là tôi muốn nói chuyện với chị, – chàng nói, đôi mắt tươi cười nhìn bà. – Tôi không lầm khi coi chị là người thực sự thân thiết với Anna, – chàng bỏ mũ và rút khăn tay ra lau cái đầu chớm hói.

Đarya Alecxandrovna không trả lời và chỉ sợ sệt đưa mắt nhìn chàng. Còn lại một mình với chàng, bà chợt cảm thấy lo ngại: cặp mắt tươi cười và vẻ mặt nghiêm nghị của chàng khiến bà sợ hãi. Những phỏng đoán khác nhau nhất về vấn đề chàng sắp nêu ra, lướt qua óc bà: “Anh ta sắp mời mình cùng các con đến ở đây và mình đến phải từ chối thôi; hay là anh ta muốn mình tập hợp cho Anna một nhóm bạn bè ở Moskva… Hoặc giả là chuyện Vexlovxki và quan hệ của anh chàng này với Anna?” Cũng có thể là chuyện Kitty vì anh ta cảm thấy có lỗi với cô ấy? Bà toàn dự tính những chuyện khó chịu chứ không đoán ra điều chàng định nói.

– Chị có uy tín rất lớn đối với Anna, nàng rất quý mến chị, mong chị hãy giúp tôi, – chàng nói.

Đarya Alecxandrovna thắc mắc và rụt rè đưa mắt nhìn bộ mặt kiên nghị lấp loáng ánh nắng lọc qua vườn lá bồ đề và chờ chàng nói tiếp: nhưng chàng vẫn lặng lẽ đi bên bà, chiếc can khua khua lớp sỏi.

– Theo tôi hiểu, sở dĩ chị đến thăm chúng tôi, chị, người độc nhất trong số bạn bè cũ của Anna (tôi không kể quận chúa Vacvara), đó không phải vì coi hoàn cảnh chúng tôi là bình thường mà chính vì chị hiểu tình cảnh này thật rất khổ tâm, chị vẫn tiếp tục yêu mến và muốn giúp Anna. Tôi hiểu như vậy có đúng không? – chàng vừa hỏi vừa quay nhìn bà.

– À phải, – Đarya Alecxandrovna đáp và khép dù lại, – nhưng…

– Không, – chàng ngắt lời và vô tình đứng lại, quên khuấy mất như thế là du người tiếp chuyện vào một thế bất tiện, khiến bà cũng phải dừng lại. – Không ai cảm thấy mãnh liệt hơn tôi là tình cảnh Anna thật đau xót chừng nào. Và chị sẽ hiểu điều đó nếu tôi vinh dự được chị coi là người có tâm hồn. Chính tôi là kẻ chịu trách nhiệm về tình cảnh này, cho nên tôi xót xa lắm.

– Tôi hiểu, – Đarya Alecxandrovna nói, bất giác thấy khâm phục thái độ chân thật và kiên quyết của chàng khi nói ra những điều đó. – Nhưng chính vì anh cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm nên tôi e rằng anh đã nói quá lời đấy, – bà nói. – Tôi hiểu hoàn cảnh cô ấy trong xã hội thượng lưu quả có khổ tâm.

– Trong xã hội thượng lưu thì đó là địa ngục! – chàng nói rất nhanh, lông mày cau lại, vẻ lầm lầm. – Không thể tưởng tượng được cực hình tinh thần nào ghê gớm hơn những điều nàng đã phải chịu đựng suốt hai tuần lễ ở Petersburg… tôi xin chị hãy tin là thế.

– Vâng, nhưng ở đây, chừng nào cả Anna… lẫn anh đều không cần đến giới thượng lưu…

– Giới thượng lưu ấy à! – chàng thốt lên khinh bỉ, – tôi cần đến giới thượng lưu làm gì kia chứ?

– Cho đến lúc này… và có thể mãi mãi về sau, cô ấy và anh sẽ sung sướng và thanh thản. Tôi thấy Anna đang sung sướng, hoàn toàn sung sướng, cô ấy đã đủ thì giờ thổ lộ với tôi điều đó, – Đarya Alecxandrovna mỉm cười nói; và giờ đây khi nói vậy, bất giác bà đâm ngờ ngợ chẳng biết Anna có thực hạnh phúc không.

Vronxki có vẻ như không nghi ngờ gì về điều đó.

– Phải, phải, – chàng nói. – Tôi biết nàng đang hồi sinh sau khi trải qua mọi đau khổ; nàng đang sung sướng. Sung sướng về hiện tại. Nhưng tôi… tôi sợ những cái đang chờ chúng tôi… Xin lỗi, có lẽ chị không muốn đi dạo nữa?

– Không, tôi thế nào cũng được.

– Vậy thì ta hãy ngồi xuống đây.

Đarya Alecxandrovna ngồi xuống một chiếc ghế dài ở góc lối đi. Chàng vẫn đứng trước mặt bà.

– Tôi biết nàng đang sung sướng, – chàng nhắc lại và mối nghi ngờ về hạnh phúc của Anna càng tăng lên trong Đôly. – Nhưng liệu điều đó có thể kéo dài được không? Chúng tôi đã hành động đúng hay sai, đó là vấn đề khác; nhưng số mệnh đã định sẵn rồi, – chàng nói, chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, – và chúng tôi sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Chúng tôi kết liên bằng sợi dây thiêng liêng nhất đối với chúng tôi: sợi dây của tình yêu. Chúng tôi đã có một con và có thể còn đẻ thêm nữa. Nhưng pháp luật và hoàn cảnh chúng tôi thật cay nghiệt, nó bày ra muôn vàn phức tạp mà nàng không nhìn thấy và không muốn nhìn thấy, sau tất cả những đau khổ và thử thách trải qua. Và điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nhưng tôi, tôi không thể nhắm mắt được. Theo pháp luật, con gái tôi không phải là con tôi mà là con Karenin. Tôi không muốn sự man trá ấy! – chàng nói với một cử chỉ phủ nhận quyết liệt và nhìn Đarya, vẻ buồn bã, dò hỏi.

Bà không trả lời và chỉ nhìn chàng. Chàng nói tiếp:

– Mai đây, có thể tôi sẽ sinh một đứa con trai, con trai của tôi và cứ chiểu theo pháp luật, thì nó sẽ là dòng dõi Karenin, nó sẽ không được kế thừa cả họ tên lẫn tài sản của tôi. Dù chúng tôi có sung sướng mười mươi, chúng tôi có đông con đến mấy đi nữa, cũng sẽ chẳng có mối liên hệ nào giữa chúng nó với tôi. Chúng nó vẫn thuộc tộc hệ Karenin. Chắc chị hiểu tất cả cái khủng khiếp của hoàn cảnh đó. Tôi đã thử bàn với Anna chuyện này. Điều đó khiến nàng bực mình. Nàng không hiểu và tôi không thể nói hết mọi nhẽ với nàng được. Bây giờ chị hãy nhìn theo một quan điểm khác. Tôi đang sung sướng, sung sướng vì tình yêu của nàng, nhưng tôi cần có một công việc. Tôi đã tìm thấy công việc đó và lấy thế làm tự hào, tôi cho rằng nó còn cao quý hơn những hoạt động của các bạn cũ ở Triều đình hay trong quân đội. Dứt khoát tôi chả đời nào đánh đổi địa vị với họ. Tôi làm việc tại chỗ ở đây và tôi sung sướng, mãn nguyện, chúng tôi chẳng cần gì khác nữa. Tôi yêu thích công việc này. Đây không phải là một việc bất đắc dĩ, trái lại…

Đarya Alecxandrovna nhận thấy khi trình bày đến đoạn này, chàng đâm lúng túng. Bà không hiểu rõ ý nghĩa sự lạc đề đó, nhưng bà cảm thấy giờ đây, một khi đã bắt đầu nói đến những ý nghĩ thầm kín không thể bộc lộ với Anna, ắt chàng sẽ nói ra hết, và vấn đề hoạt động ở nông thôn hẳn cũng nằm trong phạm vi những băn khoăn thầm kín cùng vấn đề quan hệ giữa chàng và Anna.

– Tôi nói tiếp nhé, – chàng định thần lại và nói. – Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi làm việc là làm sao đạt được niềm tin chắc chắn rằng những cái tôi làm sẽ không chết theo tôi, rằng tôi sẽ có kẻ thừa tự… và đó lại chính là cái điều hiện tôi không có. Chị thử tưởng tượng hoàn cảnh của một kẻ biết trước là những đứa con với người đàn bà mình yêu sẽ không phải của anh ta mà của người khác vốn ghét chúng và không thừa nhận chúng. Thật kinh khủng!

Chàng ngừng bặt, rõ ràng rất xúc động.

– Vâng, tất nhiên tôi hiểu chứ. Nhưng hiện Anna có thể làm gì được? – Đarya Alecxandrovna hỏi.

– Chính điều đó dẫn tôi đến mục đích cuộc nói chuyện này, – chàng cố tự chủ nói. – Anna có thể làm được gì, việc đó còn tuỳ nàng… Dù chỉ để xin đức vua hợp pháp hoá các con tôi, thì việc li dị vẫn là cần thiết. Và điều đó phải do Anna quyết định. Trước đây, chồng nàng đãưng thuận li dị – dạo ấy Xtiva đã dàn xếp xong mọi việc rồi. Và ngay bây giờ, tôi biết ông ta cũng không từ chối đâu. Chỉ cần viết thư cho ông ta. Hồi trước ông ta có nói nếu nàng muốn vậy, ông ta sẽ không từ chối. Tất nhiên, – chàng nói, – vẻ lầm lầm, đó là một thói tàn bạo kiểu giả nhân giả nghĩa mà chỉ những kẻ nhẫn tâm như họ mới nỡ làm thôi. Ông ta thừa biết mọi cách nhắc nhở đến ông đều khiến Anna rất đau đớn, và biết vậy rồi, ông bèn đòi hỏi nàng phải viết thư khẩn cầu. Tôi hiểu điều đó thật khổ tâm cho Anna. Nhưng trước những lí do quan trọng đến thế, cần phải vượt lên trên mọi éo le tình cảm. Hạnh phúc cùng cuộc đời Anna và các con nàng tuỳ thuộc ở đó. Tôi không nói đến tôi, mặc dầu tôi cũng đau khổ, rất đau khổ, – chàng nói, vẻ như hăm doạ kẻ nào đó đã gây cho chàng đau khổ. – Cho nên phu nhân ạ, cho nên tôi phải bấu víu lấy chị một cách nhục nhã, như chết đuối vớ phải cọc. Chị hãy giúp tôi thuyết phục Ann viết thư cho ông ta và yêu cầu li dị!

– Vâng, được thôi, – Đarya Alecxandrovna nói, vẻ tư lự, nhớ lại rõ ràng cuộc nói chuyện lần trước với Alecxei Alecxandrovich. – Vâng, được thôi, – bà nhắc lại, giọng quả quyết, bụng nghĩ đến Anna.

– Chị hãy dùng uy tín của mình đối với Anna làm sao cho cô ấy viết thư cho ông ta. Tôi không muốn và hầu như không thể nói chuyện này với cô ấy.

– Được, tôi sẽ nói. Nhưng làm sao tự cô ấy lại không nghĩ đến chuyện đó nhỉ? – Đarya Alecxandrovna nói và đột nhiên, không có nguyên do gì cụ thể, bà chợt nhớ đến cái thói quen nheo mắt kì lạ của Anna. Và bà nhớ ra là Anan thường nheo mắt đúng vào lúc người ta đụng đến những vấn đề liên quan đến đời sống nội tâm của nàng. “Dường như cô ta nheo mắt nhìn cuộc đời mình để khỏi phải thấy hết mọi sự”. Đôly nghĩ.

– Được, nhất định tôi sẽ nói với cô ấy, vì cả tôi lẫn cô ấy, – Đarya Alecxandrovna đáp lại lời cảm ơn của Vronxki.

Họ đứng dậy ra về.

Chọn tập
Bình luận