– Thế nào, anh đến nhà Bon đi nhé, – Kitty nói lúc chồng bước vào phòng nàng, – khoảng mười một giờ sáng, trước khi ra phố. Em biết anh sẽ ăn chiều với ba ở câu lạc bộ. Nhưng sáng nay anh làm gì?
– Anh chỉ đến nhà Katavaxov thôi, – Levin đáp.
– Sao đến sớm thế?
– Ông ta hứa giới thiệu anh với Metrov. Anh muốn nói chuyện với ông này về cuốn sách của anh, ông ta là một nhà bác học nổi tiếng ở Petersburg, – Levin nói.
– À, có phải cái ông viết bài báo mà anh rất khen đó không? Sau đó, anh làm gì?- Kitty hỏi.
– Có lẽ anh sẽ tạt qua toà án nhờ giúp về việc bà chị.
– Anh không đi nghe hoà nhạc à?
– Anh đi một mình làm gì?
– Không, anh nên đi nghe, họ biểu diễn những tác phẩm mới… anh vẫn quan tâm đến những cái đó lắm mà. Thế nào em cũng tới đó.
– Dù sao trước bữa chiều, anh cũng sẽ về với em lần nữa, – chàng vừa nói vừa nhìn đồng hồ treo.
– Anh mặc rơđanhgôt vào, để có thể đến thẳng nhà nữ bá tước Bon được.
– Có nhất thiết phải đến đấy không?
– Cần chứ. Bá tước đã tới thăm chúng mình. Anh đến thăm hộ nào có vất vả gì lắm đâu. Anh đến đó, ngồi chơi, nói chuyện dăm phút, rồi đứng dậy và ra về.
– Được, nhưng em không thể tưởng tượng anh đã mất thói quen làm cái trò ấy đến mức nào đâu: anh sẽ lúng túng mất. Thế nào nhỉ? Mình đến nhà người lạ, ngồi xuống, ở lì đấy chẳng biết vì lí do gì, mình làm phiền mọi người, bản thân mình cũng đâm chán, rồi bỏ đi?
Kitty bật cười.
– Khi chưa có vợ, anh chẳng hay đến chơi bè bạn đó ư? – nàng bảo chồng.
– Phải, nhưng bao giờ anh cũng thấy không thoải mái và giờ đây, anh mất thói quen đó đến nỗi anh thề với em là thà anh nhịn ăn hai ngày còn hơi phải đi thăm như thế này. Ngượng lắm! Anh có cảm giác người ta sẽ phát bực lên mà nói với anh “Anh đến đây làm cái thá gì?”
– Không đâu, họ không bực đâu, em cam đoan với anh thế, Kitty nói, nhìn chồng cười. Nàng nắm tay chồng. – Nào thôi, tạm biệt… Anh tới đó đi nhé.
Chàng hôn tay vợ, định bước ra nhưng nàng giữ lại.
– Koxtia, anh biết không, em chỉ còn năm mươi rúp.
– Không sao, anh sẽ đến ngân hàng lấy tiền. Em cần bao nhiêu? Chàng nói với cái vẻ không bằng lòng rất quen thuộc đối với nàng.
– Không, khoan đã, – nàng giữ lấy cánh tay chồng. – Điều này khiến em lo lắng. Em thấy mình không tiêu pha vô ích mà tiền cứ biến đi đâu hết. Hẳn chúng ta không biết cách thu vén.
– Không phải thế đâu, – chàng nói, vừa húng hắng ho vừa gườm gườm nhìn vợ.
Nàng đã biết cái lối ho húng hắng này. Đó là dấu hiệu bất bình mãnh liệt không phải đối với nàng mà là với bản thân mình. Chàng quả có bất bình, nhưng không phải vì chuyện tiền tiêu vèo đi nhanh quá mà vì cái điều khó chịu đang muốn quên lại bị khơi ra.
– Anh đã bảo Xolokhov bán lúa mạch đi và lĩnh trước tiền cho thuê cối xay. Trong bất kì trường hợp nào, ta cũng không thiếu tiền đâu.
– Tất nhiên rồi, nhưng em sợ tiêu pha nhiều quá..
– Không sao, không sao đâu, – chàng nhắc lại. – Thôi nhé, tạm biệt em yêu dấu của anh.
– Thực quả có những ngày em tiếc đã nghe theo lời mẹ. Giá ta cứ ở nông thôn thì dễ chịu biết bao! ở đây, em làm phiền mọi người và tốn kém quá.
– Không sao mà, kìa em. Từ khi cưới đến giờ, anh chưa lần nào tiếc là sao sự việc không diễn biến khác đi.
– Thật thế chứ anh? – nàng nói và nhìn thẳng vào mặt chồng.
Chàng nói vậy nhưng không nghĩ ngợi gì, chỉ cốt an ủi nàng. Nhưng thấy đôi mắt đẹp chân thật của vợ chằm chằm nhìn mình như dò hỏi, chàng bèn nhắc lại và lần này thì thốt ra tự đáy lòng: “Đúng là mình quên mất chuyện ấy rồi”, chàng nghĩ bụng. Và chàng sực nhớ tới điều đang chờ đợi hai người.
– Sắp sửa chưa em? Em thấy trong người thế nào? – chàng thì thầm hỏi, cầm lấy hai tay vợ.
– Em nghĩ đến chuyện này nhiều quá rồi đến nỗi bây giờ em không buồn nghĩ nữa và mặc kệ nó.
– Em có sợ không?
Nàng mỉm cười coi khinh.
– Không sợ chút nào hết, – nàng nói.
– Nếu có gì thì đến tìm anh ở nhà Katavaxov nhé.
– Không sao đâu, anh đừng lo. Em đi chơi phố với ba đây. Em và ba sẽ đến thăm chị Đôly. Em đợi anh trước bữa chiều. Ơ mà này! Anh có biết hoàn cảnh chị Đôly đến bước cùng quẫn rồi không? Chị ấy nợ ngập đến cổ và không có tiền. Hôm qua, chúng em nói chuyện với mẹ và anh Arxeniev (chồng Lvova, chị gái nàng) và quyết định là anh ấy và anh, các anh phải xạc cho anh Xtiva một mẻ. Không thể cứ như thế mãi được. Không cần nói lại chuyện ấy với ba nhé… Nhưng nếu cả hai anh…
– Nhưng bọn anh có thể làm gì được? – Levin nói.
– Anh cứ đến gặp Arxeniev bàn với anh ấy, anh ấy sẽ cho anh biết những điều bọn em đã quyết định.
– Anh tán thành trước ý kiến của Arxeniev. Được rồi, anh sẽ đến gặp anh ấy. Nếu có hoà nhạc, anh sẽ đi với Natalya. Tạm biệt em.
Ông già Kuzma đã hầu hạ Levin từ trước khi chàng lấy vợ, và làm công việc quản gia từ khi đến thành phố, giữ Levin lại ở bậc thềm.
– Họ đã đóng lại móng cho con “Xinh đẹp” (đó là con ngựa càng trái) nhưng nó vẫn đi khập khiễng, – ông ta nói. – Làm thế nào bây giờ ạ?
Levin đã đưa ngựa từ nông thôn ra: chàng muốn có một chuồng ngựa vừa tốt vừa rẻ. Nhưng chàng nghiệm ra rằng nuôi ngựa lại tốn kém hơn thuê và mặc dầu có ngựa, thỉnh thoảng chàng vẫn phải đi xe thuê.
– Lão cho tìm thú y đi. Có lẽ đó là một vết xước ứa máu.
– Còn với Ecaterina Alecxandrovna(1) thì sao ạ? – già Kuzma hỏi.
Khác với thời gian mới về Moskva, Levin giờ đây không còn ngạc nhiên khi thấy muốn đi từ Vozđvijenca đến Xipxev Vrajoc, phải đóng một đôi ngựa khoẻ vào cỗ xe nặng trịch, lặn lội trong tuyết lầy bốn dặm đường, cho xe đậu bốn giờ mà còn phải trả năm rúp. Bây giờ, chàng thấy đó là chuyện dĩ nhiên.
– Lão cho gọi hai ngựa thuê, – chàng nói.
– Vâng ạ.
Thế là sau khi giải quyết dễ dàng cái khó khăn mà nếu ở nông thôn sẽ đòi hỏi phải suy đi tính lại, Levin ra khỏi thềm, gọi xe ngựa và bảo chạy đến phố thánh Nixefor. Dọc đường, chàng đã quên bẵng chuyện thiếu tiền mà chỉ còn nghĩ đến cuộc gặp mặt sắp tới với nhà xã hội học thành Petersburg mà chàng muốn làm quen để nói về cuốn sách của mình.
Thoạt tiên, những món chi tiêu vô ích, kì lạ đối với một người quen sống ở nông thôn, nhưng không tránh được và lúc nào cũng cần thiết, khiến Levin kinh ngạc. Bây giờ thì chàng quen rồi. Về phương diện này, điều đó đối với chàng cũng giống cái điều thường xảy đến với kẻ nghiện rượu, như người ta nói: “Cốc rượu thứ nhất khó nuốt, cốc thứ hai trôi tuột và cốc thứ ba bay vèo như con chim nhỏ”.
Khi Levin đổi tờ giấy bạc một trăm rúp đầu tiên để mua bộ đồ cho người hầu phòng và người gác cửa, chàng đã bất giác nghĩ những bộ đồ vô dụng nhưng tối cần thiết này (cứ xem vẻ sửng sốt của phu nhân và Kitty khi chàng hỏi ướm xem có thể phiên phiến đi được không thì đủ thấy), thì ra bằng tiền lương hai người làm công, nghĩa là khoảng ba trăm ngày lao động từ tuần lễ Phục sinh đến ngày ăn mặn cuối cùng, ba trăm ngày làm việc cực nhọc từ sớm tinh mơ đến tận khuya, và chàng xót ruột chi ra tờ giấy bạc một trăm rúp. Tờ giấy bạc tiếp sau dùng để mua thức ăn cho một bữa cơm gia đình trị giá hai mươi tám rúp, cũng nhắc nhở Levin là hai mươi tám rúp, trị giá gần hai trăm đấu lúa mạch, mồ hôi nước mắt của bao người cắt lúa, bó lúa, đạp lúa, xay lúa, sàng sẩy và đóng bao, mà chàng đã cho đi thật dễ dàng. Và giờ đây, những giấy bạc đôi đi không gợi cho chàng những hình ảnh tương tự nữa, nó biến đi như có phép ma. Chàng cũng không còn tự hỏi những thứ mình mua bằng món tiền kia có đem lại thú vui tương xứng với công lao động cần thiết để kiếm ra nó không. Chàng đã quên có những giá trị tối thiểu cho một số loại lúa mì, thấp hơn thì không thể bán được. Lúa mạch, trong bao lâu vẫn giữ giá, nay mỗi trăm lít phải bán rẻ hơn trước trước hăm nhăm kôpêch. Thậm chí, chàng cũng không hề nghĩ là cứ cái lối sống này thì chừng một năm sau là chàng sẽ mắc nợ: cả điều này chàng cũng chẳng coi là quan trọng nữa. Chàng chỉ cần một điều, đó là có tiền gửi ngân hàng, không cần biết tiền đó ở đâu ra, để luôn luôn bảo đảm có thịt cho ngày hôm sau. Và cho đến nay, chàng vẫn có tiền ở ngân hàng. Nhưng giờ chàng không còn tiền nữa và cũng không biết rõ sẽ lấy tiền ở đâu ra. Chính ý nghĩ đó khiến chàng bối rối khi Kitty nói chuyện tiền nong. Nhưng chàng không có thời giờ suy tính kĩ hơn về chuyện này. Chàng chỉ còn nghĩ tới Katavaxov và cuộc gặp gỡ Metrov.
Chú thích:
(1) Tức Kitty.