Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 2 – Chương 26

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Mối quan hệ bề ngoài giữa Alecxei Alecxandrovitr và vợ vẫn giữ nguyên như xưa. Điều duy nhất khác trước là ông ta càng làm việc nhiều hơn. Như những năm trước, ông ra nước ngoài từ đầu xuân, để khôi phục ở suối nước nóng sức khỏe mỗi năm một thêm lung lay vì công việc phải làm trong mùa đông. Ông trở về vào tháng bảy và lập tức bắt tay vào công việc, càng hăng hơn. Vợ ông theo thường lệ về nông thôn, còn ông ở lại Peterburg.

Kể từ lần nói chuyện giữa hai người sau buổi tối ở nhà quận chúa Tverxcaia trở về, ông ta không bao giờ phát biểu những nghi hoặc và ghen tuông với Anna nữa, và cái giọng mỉa mai thường lệ của ông càng vô cùng thuận tiện trong mối quan hệ hiện giờ với vợ. Ông tỏ ra hơi lạnh nhạt hơn với nàng. Ông chỉ không bằng lòng tí chút vì nàng đã né tránh lần nói chuyện đầu tiên đó. Thái độ ông đối với nàng hơi có vẻ bực dọc, nhưng chỉ thế thôi. “Cô đã không muốn chúng ta giãi bày với nhau, ông ta hình như muốn thầm nói với nàng như vậy, thì mặc kệ cô. Bây giờ đến lượt cô phải cầu xin tôi điều đó thì tôi sẽ từ chối. Mặc kệ cô”, ông nhủ thầm như người đã cố dập tắt đám cháy mà không được, nên tức bực và nói: “Đã thế thì cháy đi, cứ tha hồ mà cháy đi!” Con người ấy vốn thông minh và tinh tế trong khi thừa hành chức vụ, lại không thấy thái độ mình đối với vợ như vậy là vô cùng dại dột.

Ông không thấy điều đó, vì không có gan tìm hiểu tình cảnh hiện nay của mình, ông đóng chặt và niêm phong kín trong đáy lòng cái ngăn kéo đựng tình cảm đối với gia đình, nghĩa là đối với vợ con. Ông vốn là người cha chịu khó chăm sóc con, thế mà đến cuối đông, ông bắt đầu lạnh nhạt với con và khi nói với nó, ông cũng dùng giọng châm biếm thường dùng với vợ: “Thế sao, chàng trai trẻ!” – ông gọi thế mỗi khi gặp con.

Alecxei Alecxandrovitr nghĩ và nói chưa bao giờ ông bận nhiều việc như năm nay; nhưng ông không tự thú nhận chính ông đã bày đặt ra những công việc ấy, đó là một phương sách để khỏi phải mở cái ngăn kéo chứa đựng tình cảm với vợ và gia đình cùng những ý nghĩ liên quan đến họ: những cảm nghĩ này càng cất kín ở đó lâu bao nhiêu càng trở nên khủng khiếp bấy nhiêu.

Nếu ai mạo muội hỏi ông nghĩ gì về hành vi của vợ thì ông Alecxei Alecxandrovitr hiền lành và trầm tĩnh đó sẽ không trả lời gì cả, mà sẽ nổi xung với người đặt câu hỏi đó. Cho nên ông giữ vẻ mặt trịnh trọng và nghiêm trang mỗi khi người ta hỏi thăm Anna. Alecxei Alecxandrovitr không muốn nghĩ ngợi về hành vi cũng như tình cảm của vợ và quả thực ông đã không nghĩ ngợi gì cả.

Biệt thự của gia đình Carenin ở Petetrov; nữ bá tước Lidia Ivanovna thường cũng nghỉ hè ở đấy và có quan hệ láng giềng tốt với Anna. Năm đó, nữ bá tước Lidia Ivanovna thôi không đến ở Petetrov, tránh không đến thăm Anna Arcadievna lần nào, và một hôm còn nói bóng gió với Alecxei Alecxandrovitr về sự bất tiện trong tình thân mật của Anna với Betxi và Vronxki. Alecxei Alecxandrovitr đã nghiêm khắc ngắt lời bà ta, tuyên bố không ai được quyền nghi ngờ vợ mình, từ đó ông tránh mặt nữ bá tước Lidia Ivanovna. Đã nhất tâm nhắm mắt làm ngơ trước mọi sự, ông không để ý là một số người bắt đầu nhìn vợ mình bằng con mắt nghi kị; ông không muốn hiểu và cũng không hiểu tại sao vợ mình lại nằng nặc đòi đi Txacxkôe Xelo, nơi Betxi ở, từ đó đến doanh trại Vronxki chẳng bao xa. Ông không cho phép mình nghĩ tới việc đó và đã không nghĩ tới thực, nhưng đồng thời trong thâm tâm, tuy không bao giờ tự nói rõ ra, tuy không có mảy may bằng chứng, thậm chí không có chút gì khả nghi, ông vẫn tin chắc mình là người chồng bị lừa dối và vô cùng đau khổ.

Trong tám năm hạnh phúc vợ chồng, thấy những người vợ ngoại tình và những ông chồng bị lừa dối, biết bao lần Alecxei Alecxandrovitr đã tự nhủ: “Làm sao họ có thể lâm vào nông nỗi ấy được. Tại sao họ không thoát được ra khỏi cảnh huống điếm nhục như vậy?”. Nhưng bây giờ, khi tai nạn sập xuống đầu, không những ông không nghĩ cách thoát khỏi tình cảnh đó, mà còn muốn hoàn toàn ngơ đi, và sở dĩ muốn làm ngơ, chính vì nó khủng khiếp quá, quái gở quá.

Từ khi ở nước ngoài về, Alecxei Alecxandrovitr đã hai lần về quê.

Một lần, ông có ăn trưa, lần thứ hai, ông ở lại dự buổi tối tiếp tân của vợ, nhưng không ngủ lại đêm như mọi năm.

Ngày đua ngựa hôm ấy là ngày rất bận rộn đối với Alecxei Alecxandrovitr, nhưng buổi sáng, khi vạch chương trình hoạt động trong ngày, ông định ăn trưa thật sớm, rồi về ngay nhà vợ, và từ đó đến thẳng trường đua. ở đây toàn thể triều đình sẽ có mặt và ông cần ra mắt. Ông đến nhà vợ vì đã quyết định mỗi tuần thăm nàng một lần để giữ thể diện. Hơn nữa, theo như quy định, hôm đó ông phải đưa Anna số tiền chi tiêu cần thiết trước ngày rằm hàng tháng.

Vốn quen tự chủ, ông nghĩ tới việc đó mà không để tư tưởng miên man sang những điều có liên quan đến vợ.

Suốt buổi sáng ông rất bận. Hôm qua, nữ bá tước Lidia Ivanovna gửi cho ông cuốn sách của một nhà du lịch nổi danh từng đi khắp Trung Quốc và hiện đang ở Peterburg. Nữ bá tước có kèm theo một bức thư yêu cầu ông tiếp nhà du lịch đó, một người rất đặc sắc và có ích về nhiều phương diện. Alecxei Alecxandrovitr không xem xong cuốn sách trong buổi tối phải để đến sáng sau mới đọc nốt. Rồi đến lượt những người tới khẩn cầu và bắt đầu những báo cáo, tiếp kiến, bổ nhiệm, bãi chức, phân phát khen thưởng, phụ cấp, lương bổng, thư từ, tất cả công việc của những ngày “sự vụ” như Alecxei Alecxandrovitr thường gọi, nó chiếm rất nhiều thì giờ. Sau đó, ông lại còn có việc riêng, tiếp thầy thuốc và người quản gia của mình. Gã này không ở lâu. Hắn chỉ trao cho Alecxei Alecxandrovitr số tiền ông cần và báo cáo vắn tắt tình hình công việc năm đó vốn không lấy gì làm sáng sủa lắm, họ chi tiêu rất nhiều vì đi đây đi đó và đâm hao hụt tiền nong. Nhưng ông bác sĩ, một danh y ở Peterburg vốn là người thân tín của Alecxei Alecxandrovitr, ngồi lâu hơn. Hôm đó, vì không dự kiến trong chương trình nên Carenin ngạc nhiên khi thấy ông ta đến thăm và càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông ta hỏi cặn kẽ về tình hình sức khỏe, nghe ngực và nắn gan mình. Alecxei Alecxandrovitr không biết bà bạn thân Lidia Ivanovna, thấy sức khỏe ông kém sút nên đã nói với bác sĩ đến thăm.

– Bác sĩ giúp tôi việc đó, – nữ bá tước Lidia Ivanovna bảo ông ta.

– Thưa bá tước phu nhân, tôi sẽ làm việc đó vì nước Nga, – bác sĩ trả lời.

– Ông thật là người bạn vô song! – nữ bá tước nói.

Bác sĩ rất không hài lòng sau khi khám bệnh. Ông thấy người bệnh bị sưng gan, thiếu dinh dưỡng và việc nghỉ ở suối nước nóng không có tác dụng gì. Ông bắt buộc người bệnh phải hoạt động thể lực thật nhiều và trí lực càng bớt căng thẳng càng tốt, nhất là không được phiền muộn tí gì, nói cách khác, ông bắt làm một việc mà Alecxei Alecxandrovitr không thể làm được, khác nào bảo ông ta đừng thở nữa, và bác sĩ đi ra, để lại cho con bệnh cái cảm giác nặng nề là trong người mình có một bệnh gì đó không phương thuốc nào chữa được.

Ra khỏi nhà Alecxei Alecxandrovitr, bác sĩ gặp trên bậc thềm viên chánh văn phòng của Carenin là Xliuđin mà ông ta rất quen. Họ trước kia là bạn học ở trường Đại học và mặc dù ít gặp nhau, họ vẫn trọng nhau và vẫn là đôi bạn thân, do đó bác sĩ đã nói chuyện về bệnh nhân của mình với ông ta thành thực hơn với bất cứ người nào khác.

– Tôi rất vui lòng thấy anh đã khám cho ông ta, – Xliuđin nói. Ông ta không được khỏe và tôi thấy hình như… anh nghĩ thế nào?

– Thế này… – bác sĩ nói và qua đầu của Xliuđin, ông ra hiệu cha gã xà ích đánh xe lên. ừ, thế này nhé, – ông nói, bàn tay trắng trẻo nắm lấy một ngón của chiếc găng nhẵn bóng và kéo căng ra. – Nếu anh định dứt đứt một sợi dây mà không căng ra, thì rất khó; nhưng nếu anh đã căng đến tột độ thì chỉ cần đặt một ngón lên cũng đủ đứt phăng. Còn ông ta, với tính cần cù, tinh thần trách nhiệm trong công việc, ông ta đã căng đến tột độ rồi mà bên ngoài lại có một áp lực rất mạnh, – bác sĩ kết luận, giương đôi lông mày lên, vẻ quan trọng. – Anh có đến trường đua không? – ông hỏi thêm và đi xuống chiếc xe đã đánh lại gần. – Phải, phải, tất nhiên, cái đó phải mất nhiều thời giờ, – ông ta trả lời một câu gì Xliuđin nói với ông mà ông không nghe rõ.

Sau bác sĩ đã chiếm mất khá nhiều thì giờ, là nhà du lịch trứ danh đến gặp và Alecxei Alecxandrovitr liền sử dụng quyển sách ông vừa đọc cùng những khái niệm sẵn có từ trước, làm nhà du lịch phải ngạc nhiên về kiến thức uyên thâm và tầm mắt rộng rãi của ông.

Đồng thời với nhà du lịch, gia nhân còn báo cho ông biết có vị đại biểu quý tộc của tỉnh đi ngang qua Peterburg đến thăm, một người ông đang cần gặp để nói chuyện. Sau khi vị đại biểu quý tộc đi rồi, ông lại phải giải quyết ngay những việc sự vụ với chánh văn phòng và còn đến thăm một yếu nhân về một việc quan trọng nữa. Alecxei Alecxandrovitr chỉ còn đủ thời giờ trở về ăn trưa với chánh văn phòng và mời ông ta cùng về biệt thự rồi đến trường đua.

Dạo này vô hình chung, Alecxei Alecxandrovitr luôn luôn tìm cách để một người thứ ba tham dự vào các cuộc gặp gỡ giữa ông với vợ.

Chọn tập
Bình luận