Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 25

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Cảm thấy đã hoàn toàn làm lành với nhau, ngay sáng hôm sau, Anna bèn đi thu xếp hành lí. Mặc dầu hai người chưa quyết định ra đi vào ngày thứ hai hay thứ ba, vì hai bên đều nhân nhượng nhau, Anna vẫn ráo riết chuẩn bị khởi hành, hoàn toàn không bận tâm tới thời hạn rời Moskva sớm hay muộn. Nàng ở trong phòng và đang lôi quần áo ở hòm ra thì Vronxki bước vào, quần áo chỉnh tề sớm hơn thường lệ.

– Anh lại đằng mẹ ngay bây giờ, mẹ sẽ nhờ Egor chuyển tiền cho anh. Thế là mai anh sẵn sàng đi được rồi, – chàng nói.

Tuy đang vui vẻ, nhưng nghe Vronxki nhắc lại chuyện đến nhà mẹ, Anna vẫn thấy đau nhói như kim châm.

– Không, em chưa chuẩn bị kịp đâu, – nàng nói ngay và thầm nghĩ: “Thì ra chàng vẫn có thể thu xếp được để làm theo ý mình”. Anh cứ làm như anh đã định trước. Anh vào phòng ăn đi, em loại bỏ những đồ lề vô dụng này xong sẽ sang với anh ngay, – nàng vừa nói, vừa chất quần áo lên hai cánh tay đã đầy tú ụ của Annuska.

Vronxki đang ăn bít tết thì nàng bước vào.

– Anh không thể tưởng tượng em chán ghét cái phòng này đến mức nào, – nàng vừa nói vừa ngồi xuống cạnh chàng để uống cà phê. Không gì gớm ghiếc hơn loại buồng bày biện sẵn này. Nó không có màu vẻ gì, không có hồn. Những cái đồng hồ treo này, những tấm rèm cửa này và nhất là những tấm thảm này quả là một cơn ác mộng thực sự. Em nghĩ đến Vozđvijenxcoie như nghĩ đến Đất Thánh vậy. Anh chưa gửi ngựa đi à?

– Không, sẽ cho chúng về theo ta sau. Em có định ra phố không?

– Em muốn lại đằng Uynxơn mang cho bà ta cái áo dài. Thế nào anh, quyết định rồi chứ, mai ta đi nhé? – nàng vui vẻ nói. Nhưng đột nhiên mặt nàng biến sắc.

Người hầu phòng của Vronxki vào hỏi chủ cái biên lai một bức điện tín từ Petersburg gửi tới. Điều đó không có gì đặc biệt, nhưng Vronxki như muốn giấu, bèn nói là để ở phòng làm việc, rồi vội quay về phía Anna:

– Mọi việc đến mai chắc xong cả thôi.

– Điện tín của ai gửi đến thế? – nàng hỏi, không nghe chàng nói.

– Của Xtiva, – chàng miễn cưỡng đáp.

– Tại sao anh không đưa cho em xem? Giữa anh Xtvia với em có gì là bí mật kia chứ?

Vronxki gọi hầu phòng lại và sai đem bức điện đến.

– Anh không muốn đưa em xem vì Xtiva vẫn có tật thích đánh điện tín. Mọi việc chưa có gì dứt khoát thì đánh điện tín làm gì?

– Về vấn đề li dị à?

– Ừ, anh ấy cho biết vẫn chưa thu được kết quả gì. Hôm nọ, anh ấy hứa sẽ trả lời anh dứt khoát. Đây em xem.

Anna đưa tay run run cầm lấy đọc, bức điện viết đúng như lời Vronxki nói. Cuối bức điện, Oblonxki viết thêm: “Hi vọng ít thôi, nhưng tôi gắng làm hết sức mình và làm bằng được”.

– Hôm qua, em đã nói với anh việc li dị này đối với em hoàn toàn không quan trọng, – nàng đỏ mặt nói, – cho nên anh không cần phải giấu em làm gì.

“Hẳn là việc giao dịch thư từ với phụ nữ, chàng cũng giấu mình như thế này đây”, nàng nghĩ.

– Nhân tiện xin báo là Yasvin định sáng nay cùng Voitov tới đây, Vronxki nói. – Hình như cậu ta đã được Piepxov tới gần sáu mươi ngàn rúp; nhiều đến nỗi anh chàng kia không trả nổi.

– Không, tại sao anh lại nghĩ rằng tin này làm em bận tâm đến nỗi phải giấu em, – nàng nói tiếp, khó chịu vì thấy chàng lái sang chuyện khác, chứng tỏ chàng biết nàng đang bực. Em đã nói là em không muốn nghĩ đến điều đó nữa và mong anh cũng nên bớt quan tâm đến nó như em.

– Sở dĩ anh quan tâm, vì anh thích mọi chuyện ngã ngũ đâu ra đấy, – chàng nói.

– Ngã ngũ hay không là ở tình yêu chứ đâu phải ở hình thức, nàng nói, càng bực hơn, không phải vì lời chàng nói, mà vì giọng tự tin lạnh lùng trong lời nói đó. – Tại sao anh lại mong li dị?

“Lạy Chúa tôi! Lại nói đến tình yêu rồi!”, chàng cau mày nghĩ thầm.

– Em biết cả rồi đấy: đó là vì em và vì con cái sau này của chúng ta, – chàng nói.

– Chúng ta sẽ không có con nữa.

– Thế thì rất đáng tiếc! – chàng nói.

– Anh chỉ nghĩ đến con cái, mà không nghĩ gì đến em cả, – nàng nói; nàng quên khuấy (và cũng không nghe thấy nữa) là chàng vừa nói: “vì em và vì con cái”.

Vấn đề con cái từ lâu vẫn là chuyện bất đồng ý kiến giữa hai người. Nàng cho việc Vronxki thích có con chứng tỏ chàng hững hờ với sắc đẹp của nàng.

– Có chứ, anh vừa nói: vì em. Trước hết là vì em, – chàng nhắc lại và nhăn mặt như đau đớn thể xác, – anh vẫn đinh ninh rằng sở dĩ em hay cáu kỉnh, phần lớn là do hoàn cảnh em hiện còn mập mờ.

“Thế là đúng rồi: anh ta không cần vờ vĩnh nữa, mà lộ rõ tất cả lòng căm ghét đối với mình”, nàng thầm nghĩ, không nghe chàng nói mà chỉ kinh sợ ngắm vị quan toà lạnh lùng, độc ác đang nhìn giễu mình qua cặp mắt Vronxki.

– Không, lí do không phải thế, – nàng nói. – Em hay… cáu kỉnh, như anh nói, là do em đã hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực của anh. Vậy thì trái lại, hoàn cảnh em đã dứt khoát rồi.

– Anh rất tiếc là em không chịu hiểu ra, – chàng ngắt lời nàng và khăng khăng phát biểu ý kiến mình đến cùng: – cái mập mờ chính là chỗ em cứ tưởng anh được tự do.

– Về mặt này, anh có thể hàon toàn yên tâm, nàng nói, quay mặt đi, bắt đầu uống cà phê.

Nàng nhấc tách lên, ngón tay út choãi ra, và đưa lên môi. Uống được vài ngụm, nàng ngước mắt nhìn, và qua vẻ mặt chàng, nàng hiểu rõ cả từ bàn tay, cử chỉ của mình cho đến tiếng nuốt ừng ực đều làm chàng ghê tởm.

– Mẹ anh muốn nghĩ thế nào và muốn cưới ai cho anh, em cũng chẳng cần, – nàng nói và bàn tay run run đặt tách xuống.

– Chúng ta có nói chuyện ấy đâu.

– Có chứ, đó chính là chuyện ta đang bàn. Anh nên nhớ, đối với em, một người phụ nữ không có trái tim, dù già hay trẻ, dù là mẹ anh hay ai, cũng không nghĩa lí gì hết và em không cần đếm xỉa tới.

– Anna, anh yêu cầu em không được nói tới mẹ anh một cách vô lễ như vậy.

– Một người phụ nữ không đoán ra hạnh phúc của con trai mình ở đâu, là người không có tim.

– Anh nhắc lại anh không muốn nghe những lời vô lễ về người mẹ mà anh hằng kính trọng, – chàng to tiếng và nghiêm khắc nhìn nàng.

Nàng không trả lời. Nàng soi mói nhìn vào mặt chàng, tay chàng và nhớ lại mọi chi tiết cuộc dàn hoà hôm trước cùng những vuốt ve say đắm của chàng. “Chàng vung phí và sẽ còn vung phí những ve vuốt ấy với những phụ nữ khác!”, nàng thầm nghĩ.

– Anh không yêu mẹ anh. Đó chỉ là lời nói suông và bao giờ cũng chỉ là nói suông thôi, – nàng nói và hằn học nhìn chàng.

– Nếu đã đến nước này, thì phải…

– Phải quyết định thôi, và em đã có quyết định riêng rồi, – nàng nói, toan bước ra, thì vừa lúc đó, Yasvin đi vào. Anna dừng lại chào anh ta.

Tại sao, đang khi bão táp dấy lên trong tâm hồn, đang khi cảm thấy đời mình đến một bước ngoặt có thể dẫn tới những hậu quả ghê gớm, tại sao lúc này nàng lại phải giấu giếm trước một người lạ mặt mà sớm, muộn anh ta cũng sẽ biết rõ tất cả sự thật? Nàng cũng không hiểu nữa nhưng lòng đột nhiên trở lại thanh thản, nàng ngồi xuống nói chuyện với khách.

– Thế nào, công việc của anh ra sao? Anh đã nhận được tiền chưa? – nàng hỏi Yasvin.

– Hình như tôi chưa nhận được hết và thứ tư này tôi phải đi rồi. Còn chị, bao giờ chị lên đường? – Yasvin nói, thỉnh thoảng lại nháy mắt nhìn Vronxki. Rõ ràng anh ta đã đoán ra mình đến giữa lúc xảy ra cãi cọ.

– Có lẽ ngày kia, – Vronxki nói.

– Với lại, anh chị nghĩ đến chuyện đi từ lâu rồi kia mà.

– Bây giờ thì quyết định dứt khoát, – Anna vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Vronxki, như muốn bảo chàng đừng hòng nghĩ tới chuyện dàn hoà được nữa. – Anh có thương hại anh chàng Pievxov xấu số ấy không? – nàng nói với Yasvin.

– Tôi không bao giờ tự đặt ra câu hỏi ấy, chị Anna Arcadievna ạ. Tất cả gia sản của tôi là ở đây, giờ thì tôi giàu, anh ta vừa nói vừa chỉ vào túi; nhưng tối nay, đến câu lạc bộ, có khi trở ra lại không còn một đồng xu. Đối thủ của tôi chỉ ao ước lột cả đến áo sơ mi của tôi, và tôi cũng thế. Chúng tôi đấu nhau và thú vui là ở đấy.

– Nhưng ngộ anh lấy vợ, thì vợ anh sẽ nghĩ thế nào?

Yasvin bật cười.

– Chính vì vậy mà tôi sẽ không bao giờ lấy vợ và chưa hề có ý định ấy.

– Thế còn Henxingfor? – Vronxki bắt chuyện và liếc nhìn Anna đang mỉm cười. Khi mắt họ gặp nhau, mặt Anna bỗng lạnh lùng và kiêu kì như muốn nói: “Tôi không quên đâu. Chưa có gì thay đổi cả”.

– Vậy ra anh chưa yêu ai bao giờ? – nàng hỏi Yasvin.

– Ôi! Lạy Chúa tôi! Đã bao nhiêu lần rồi! Nhưng chị nên hiểu cho: một số người có thể ngồi vào chiếu bạc và đứng dậy kịp thời để khỏi lỡ cuộc hẹn hò. Tôi ấy à, nếu tôi có dành thời gian cho ái tình, thì là với điều kiện không đến chiếu bạc chậm giờ. Xưa nay tôi vẫn cứ thu xếp cho được như vậy.

– Không, tôi không muốn nói thế, tôi muốn nói tình yêu chân chính kia, – nàng muốn hỏi anh ta về Henxingfor, nhưng không chịu nhắc lại câu Vronxki đã nói.

Voitov tới, anh ta đến mua ngựa; Anna bèn đứng dậy và ra khỏi phòng. Trước khi đi, Vronxki ghé qua phòng nàng. Nàng định làm như đang tìm một vật gì trên bàn, nhưng lại hổ thẹn vì phải giả vờ, nên lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt chàng.

– Anh cần gì? – nàng hỏi bằng tiếng Pháp.

– Anh tìm giấy chứng chỉ về gốc gác con Gămbetta vừa bán, chàng nói bằng một giọng còn rõ nghĩa hơn cả lời: “Tôi không có thời giờ để phân trần và cái đó cũng không ích lợi gì”.

“Mình không làm gì đáng trách, chàng nghĩ. Nếu cô ta muốn tự trừng phạt thì mặc kệ cô ta. Thế nhưng, khi bước ra, chàng tưởng như nàng vừa nói gì và bỗng nhiên lòng chàng se lại thương cảm.

– Có chuyện gì vậy, Anna? – chàng hỏi.

– Không có gì hết, – nàng bình thản trả lời.

“Thôi được, mặc kệ”, chàng nghĩ bụng, trở lại lạnh lùng. Chàng quay gót đi ra.

Khi bước ra, chàng thoáng thấy mặt Anna trong gương: nàng tái đi và môi run lên. Chàng muốn đứng lại an ủi nàng một câu nhưng đôi chân đã đưa chàng ra khỏi phòng, trước lúc tìm ra được câu cần nói. Cả ngày hôm đó, chàng vắng nhà và đêm khuya trở về thì chị hầu phòng cho biết Anna Arcadievna nhức đầu và yêu cầu đừng ai quấy rầy.

Chọn tập
Bình luận