Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 3 – Chương 8

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Đến cuối tháng năm, khi mọi việc tàm tạm đâu vào đấy rồi, bà nhận được thư chồng trả lời bức thư bà phàn nàn về chuyện nhà cửa lung tung. Ông xin lỗi đã không lo liệu hết mọi việc và hứa có dịp sẽ về ngay. Dịp đó không đến và Doli sống thui thủi một mình đến hết tháng sáu.

Một ngày chủ nhật trong kỳ chay lễ Thánh Pie, Daria Alecxandrovna dắt tất cả các con đi chịu lễ ban thánh thể. Trong những buổi đàm đạo thân mật với em gái, với mẹ, với bạn bè, Daria Alecxandrovna thường vẫn làm họ ngạc nhiên vì thái độ độc lập của bà đối với tôn giáo. Bà vững tin vào thuyết luân hồi và rất ít quan tâm đến giáo lý của Giáo hội. Nhưng trong gia đình, bà vẫn nghiêm chỉnh tuân theo mọi lời răn của Giáo hội (không phải chỉ cốt làm gương, mà thành thực tự đáy lòng). Bà băn khoăn về lũ con đã gần một năm nay chưa được đi chịu lễ ban thánh thể, và với sự tán thành triệt để của Matriona Filimonovna, bà định hoàn thành bổn phận đó trong dịp hè này.

Trước đó mấy ngày, bà đã lo lắng quần áo cho lũ trẻ. Những áo dài đã may xong, sửa sang, giặt sạch. Đường viền được tháo ra, rồi đính thêm nẹp, thùa khuy, dây nơ. Chiếc áo dài của Tania, do cô gia sư người Anh lo, đã làm Daria Alecxandrovna rất bực mình. Vai áo cao quá, nếp áo lại khâu sai chỗ; trông Tania thật thảm hại vì vai áo cứ bó lại. Matriona Filimonovna nảy ra ý kiến là khâu thêm vài miếng lá sen và may thêm cái áo măng tô nhỏ. Những chỗ hỏng được sửa lại, nhưng suýt xảy ra bất hòa với cô gia sư. Tuy nhiên, sáng hôm sau tất cả đã ổn định, và đến chín giờ (họ đã mời cha đạo ở lại sau buổi lễ), lũ trẻ vui mừng hớn hở, quần áo bảnh bao, đứng trước chiếc xe đậu gần thềm chờ mẹ.

Nhờ có Matriona Filimonovna can thiệp, họ đã thay con ngựa bất kham màu đen bằng con ngựa màu nâu của viên quản lý. Daria Alecxandrovna, bận sửa soạn trang phục, bấy giờ mới ra khỏi nhà, mình mặc áo sa trắng.

Daria Alecxandrovna đã chú trọng chải đầu và mặc quần áo thật tươm tất, lòng đầy xúc động. Ngày xưa, bà diện là vì mình, để cho xinh đẹp và dễ ưa; giờ đây mỗi tuổi một già, những khi mặc quần áo đẹp, bà càng thêm khổ tâm vì thấy rõ mình xấu đi. Nhưng ít lâu nay, bà lại thích diện. Bà trang điểm không phải vì bản thân, không phải để làm đẹp, mà để khỏi làm giảm sút ấn tượng của mọi người về mình, với tư cách là mẹ lũ trẻ kháu khỉnh này. Sau khi soi gương lần cuối, bà lấy làm mãn ý về mình. Bà vẫn còn đẹp, mặc dù không được như ngày xưa nữa, nhưng cũng đủ đẹp để đạt được mục đích tự đề ra.

Không có ai trong nhà thờ, ngoài đám mugich, bọn gia nhân và vợ họ. Nhưng Daria Alecxandrovna trông thấy hoặc tưởng như trông thấy vẻ khâm phục khi bà và lũ trẻ đi qua. Lũ trẻ xinh xắn trong bộ quần áo ngày lễ, tỏ ra rất chững chạc. Thực tình, cử chỉ Aliosa cũng đáng chê trách; nó cứ luôn ngoái lại xem cái cà vạt áo vét nó diện như thế nào, nhưng dù sao nó cũng rất ngoan. Tania đi đứng như một cô gái lớn và trông nom các em. Còn cô bé út Lili thật dáng yêu với cái vẻ ngỡ ngàng ngây thơ trước bất cứ cái gì đập vào mắt và thật khó nhịn được cười, lúc nó nói với cha, sau khi chịu lễ ban thánh thể:

“Xin cha thêm tí nữa” 1.

Khi về nhà, lũ trẻ rất ngoan vì cảm thấy một sự việc trọng thể vừa được hoàn thành.

Cho đến bữa sáng, mọi sự đều tốt đẹp, nhưng khi ngồi vào bàn ăn, Grisa lại huýt sáo và tệ nhất là không nghe lời cô gia sư người Anh; cô liền phạt nó không được ăn điểm tâm. Nếu Daria Alecxandrovna cũng có mặt ở đấy, chắc bà sẽ không nghiêm trị trong một ngày như thế; nhưng vì phải giữ uy tín cho cô gia sư, nên bà vẫn duy trì hình phạt đó. Việc đó làm cho niềm vui chung hơi bị giảm sút.

Grisa khóc và nói Nicolai cũng huýt sáo mà không bị phạt, nó khóc không phải vì không được ăn bánh ngọt, cái đó nó không cần, mà vì cô giáo bất công với nó. Thật đáng thương quá; Daria Alecxandrovna định đến xin cô gia sư tha lỗi cho Grisa và đi về phía buồng cô ta.

Nhưng lúc đi qua hành lang, bà chứng kiến một cảnh tượng làm lòng bà vui sướng đến chảy nước mắt và và đã tự ý tha lỗi cho chú bé phạm tội.

Chú bé đang ngồi bên cửa sổ ở một góc hành lang; Tania cầm đĩa đứng cạnh. Nó mượn cớ bón ăn cho búp bê xin phép cô gia sư mang phần bánh ngọt của nó vào phòng trẻ và đưa cho em trai vẫn đang khóc vì bị phạt bất công, chú bé vừa ăn bánh vừa nức nở nói: “Ăn đi, chị cũng ăn đi… cả hai chị em… cả hai chị em mình cùng ăn nào”.

Tania rất thương em và biết mình đã làm một việc cao thượng, cũng rưng rưng nước mắt; mặc dầu thế cô bé vẫn nhận lời mời của chú em và chén phần bánh của mình.

Thấy mẹ, chúng hoảng sợ, nhưng trông mặt mẹ, chúng hiểu mình đã làm đúng và cùng cười. Chúng lấy ngón tay lau miệng nhồm nhoàm đầy bánh và bôi cả nước mắt lẫn đường mứt lên bê bết cả mặt.

– Trời ơi! Còn gì là áo dài trắng nữa, Tania! Grisa! – bà mẹ nói, cố giữ cho quần áo chúng khỏi giây bẩn, nhưng bà lại rưng rưng nước mắt, mỉm cười sung sướng và tự hào.

Người ta cất quần áo mới của lũ trẻ, cho con gái mặc áo choàng, con trai mặc áo vét cũ và cho thắng ngựa vào xe (họ lại thắng con ngựa nâu vào xe làm viên quản lý rất bực) để đi hái nấm và tắm.

Gian buồng trẻ vang lên tiếng hò hét vui thích mãi tới lúc đi.

Cả nhà hái được đầy một giỏ nấm; và Lili cũng tìm được một cái.

Trước đây, phải có cô Hal chỉ cho thấy nhưng hôm nay, mình nó tìm ra cái nấm hương to và mọi người vui sướng reo lên; “Lili tìm thấy cái nấm hương!”.

Sau đó, quay ra sông. Họ cho ngựa dừng lại dưới rừng bạch dương rồi đi tắm. Gã xà ích Terenti, sau khi buộc vào gốc cây mấy con ngựa đang phe phẩy đuôi xua ruồi hai bên sườn, nằm dài ra bãi cỏ dưới bóng bạch dương và châm tẩu thuốc; tiếng hò hét vui sướng của lũ trẻ từ buồng tắm vọng đến tai gã.

Mặc dầu bù đầu coi sóc lũ trẻ, ngăn không cho chúng nghịch bậy và vất vả lắm mới khỏi lẫn lộn cả một mớ bít tất, quần áo giầy dép mọi cỡ khác nhau, hết tháo nơ, cởi khuy lại thắt vào, Daria Alecxandrovna vẫn cảm thấy một niềm vui không gì sánh kịp khi tắm với tất cả lũ con như thế này, một công việc bà vốn thích xưa nay và cho là cần thiết. Xỏ bít tất cho tất cả những cẳng chân nhỏ bé mũm mĩm đó, ôm những tấm thân mảnh dẻ trần truồng ngâm xuống nước và nghe tiếng la hét vui sướng hoặc sợ hãi, nhìn những bộ mặt hồng hào vừa khiếp sợ vừa thích thú của bầy tiên đồng trong khi chúng té nước lẫn nhau, thật là niềm sung sướng tột cùng đối với bà.

Đang mặc dở quần áo cho lũ trẻ, thì có mấy phụ nữ nông dân ăn vận tươm tất, đi hái cây đại kích và lá chữa bệnh đau khớp, rụt rè đến gần buồng tắm. Matriona Filimonovna gọi một bà lại để nhờ phơi hộ chiếc chăn đơn và sơ mi vừa rơi xuống nước, thế là Daria Alecxandrovna liền bắt chuyện với họ. Thoạt tiên, họ còn lấy tay che miệng cười, không hiểu bà ta định hỏi gì, nhưng rồi chẳng mấy chốc cũng mạnh dạn lên và chiếm được cảm tình của Daria Alecxandrovna, do vẻ thành thực thán phục lũ trẻ mà họ chỉ trỏ cho nhau thấy.

– Hãy nhìn cô bé kia kìa, sao mà kháu thế nhỉ! Trắng như trứng gà bóc ấy! – một bà ngắm Tania, nói. – Nhưng phải cái hơi gầy, – bà ta lắc đầu nói thêm.

– Phải, cháu vừa ốm khỏi.

– Còn chú bé này, bà cũng tắm cả cho em à? – một bà khác chỉ đứa bé còn ẵm ngửa, nói.

– Không, cháu mới được ba tháng, – Daria Alecxandrovna hãnh diện trả lời.

– Thế à?

– Thế còn chị, chị được mấy cháu rồi?

– Tôi sinh được bốn đứa, nhưng chỉ nuôi được hai; một trai một gái.

Tôi vừa cai sữa cho cháu gái ngay trước tuần chay.

– Cháu được mấy tuổi rồi?

– Gần hai năm.

– Sao chị cho bú lâu thế?

– Đó là thói quen ở đây! Ba tuần chay…

Và câu chuyện chuyển sang những vấn đề Daria Alecxandrovna quan tâm nhiều nhất: Bà ta sinh nở có dễ dàng không? Lũ trẻ đã mắc những bệnh gì? Chồng bà ta ở đâu? Ông ta có hay đến thăm không?

Daria Alecxandrovna không sao dứt khỏi câu chuyện, bà đâm ra thích nói chuyện với những người đàn bà này và nhận thấy họ cùng quan tâm đến những vấn đề giống nhau. Điều làm bà cảm động nhất là thấy cả bọn họ đều ngây ngất vì lũ con đông đúc và xinh đẹp của bà. Các bà nông dân khiến Daria Alecxandrovna hoan hỉ, nhưng lại làm cô gia sư người Anh phật ý vì thấy mình trở thành trò cười mà không hiểu nguyên nhân thực sự vì đâu. Một thôn nữ trẻ ngắm nghía cô gia sư mặc quần áo sau rốt; khi cô ta xỏ chiếc váy thứ ba, cô thôn nữ liền buột miệng nói:

– Sao mà lắm thế, sao mà mặc lắm thế, mặc mãi không hết!

Tất cả liền phá lên cười ầm ĩ và bỏ đi.

— —— —— —— ——-1 Please, some more (tiếng Anh trong nguyên bản).

Chọn tập
Bình luận
× sticky