Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 5 – Chương 5

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Tất cả Moskva, họ hàng và bạn bè, đều dự đám cưới. Trong cuộc lễ trao nhẫn tại nhà thờ, đèn nến sáng trưng giữa các bà, các cô điểm trang lộng lẫy và các ông thắt cà vạt trắng, mặc lễ phục, những câu chuyện kín đáo vẫn rì rầm tiếp tục, nhất là giữa các ông, vì các bà còn mải ngắm nghía mọi chi tiết hôn lễ vốn bao giờ cũng hấp dẫn đối với phụ nữ.

Trong đám người thân đang vây quanh cô dâu, có hai bà chị: Đôly, chị cả, và Lvova phu nhân, điềm đạm và xinh đẹp, vừa ở nước ngoài về.

– Tại sao Mari lại mặc áo hoa cà trong lễ cưới như vậy? Trông như áo tang ấy, – Korxunxcaia phu nhân nói.

– Với nước da cô ta thì chỉ trông cậy vào cách đó thôi, Đrubetxcaia phu nhân trả lời.

– Nhưng tôi không hiểu sao họ lại cưới nhau vào buổi tối, thật sặc mùi lái buôn.

– Thế tuyệt hơn chứ. Tôi, tôi cũng cưới vào buổi tối. – Korxunxcaia phu nhân trả lời và thở dài hồi nhớ lại ngày hôm đó, bà mới xinh đẹp biết bao và ông chồng mới si tình một cách lố bịch làm sao. Mọi cái đều thay đổi hết rồi!

– Người ta nói ai đã làm phù rể hơn mười lần trong đời thì sẽ không lấy vợ nữa; tôi đã định dùng cách đó để bảo đảm khỏi phải kết hôn, nhưng cái chân phù rể đã bị người khác chiếm mất rồi, – bá tước Xiniavin nói với tiểu thư Tsecxkaia xinh đẹp đang thầm yêu ông. Tiểu thư chỉ mỉm cười không trả lời. Nàng nhìn Kitty và tự nhủ khi nào cùng bá tước Xiniavin ở vào trường hợp như thế này, nàng sẽ nhắc lại cho ông nghe câu nói đùa đó. Công tử Tsiricov nói với cô phù dâu già Nicolaieva là chàng sẽ đặt vòng hoa lên độn tóc Kitty để cầu hạnh phúc cho nàng.

– Ai lại quấn độn tóc như thế bao giờ, – bà Nicolaieva nói, vốn từ lâu đã quyết định là nếu lão già goá vợ mà bà đang mồi chài ưng lấy bà, cuộc hôn lễ sẽ hết sức giản dị.

– Tôi không thích cái trò hào nhoáng này. Xergei Ivanovich pha trò với Đarya Đimitrievna rằng sở dĩ tập quán đi du lịch sau khi cưới được phổ biến rộng rãi, vì những cặp vợ chồng mới cưới bao giờ cũng hơi xấu hổ về sự lựa chọn của mình.

– Em trai ông, anh ta hẳn có thể hãnh diện. Cô ấy đẹp lộng lẫy. Tôi chắc ông cũng thèm được như thế.

– Tôi đã qua cái thời đó rồi, Đarya Đimitrievna ạ, – ông trả lời, vẻ mặt đột nhiên nghiêm lại và buồn rầu. Stepan Ackađich nói cho bà em vợ biết câu chơi chữ về li hôn.

– Phải sửa lại vòng hoa cho cô ấy, – bà này không nghe ông và trả lời.

– Thật đáng tiếc, cô ta xấu đi nhiều thế, – nữ bá tước Norxton nói với Lvova phu nhân. – Dù sao anh ta cũng không bén gót cô ấy, phải không?

– Không, tôi thích anh ta lắm. Và không phải chỉ vì anh ta là em rể 1 tương lai của tôi đâu, – Lvova phu nhân trả lời. – Cử chỉ anh ta đàng hoàng lắm đấy chứ! Trong tình thế như thế này, thật khó mà giữ được cử chỉ đàng hoàng và khỏi bị lố bịch. Mà anh ta thì vừa không lố bịch vừa không điệu bộ gì cả, rõ ràng là anh ta xúc động.

– Hình như chị vẫn chờ đợi chuyện này phải không?

– Kể cũng gần đúng như vậy. Cô ấy trước sau vẫn yêu anh ta.

– Ô, hãy xem ai sẽ đặt chân lên thảm trước nào. Tôi đã báo cho Kitty rồi đấy.

– Cái đó không quan trọng, – Lvova phu nhân trả lời, – chúng tôi toàn là những người vợ phục tùng chồng cả, nề nếp gia đình là thế.

– Còn tôi, tôi đã cố tình đi trước Vaxili. Thế còn chị, Đôly?

Đôly đứng cạnh, nghe họ nói, nhưng không trả lời. Bà đang rất cảm động. Mắt bà rớm lệ, chắc bà không thể cất lời mà không oà khóc. Bà vui mừng cho Kitty và Levin; hồi tưởng lại đám cưới của mình, bà thỉnh thoảng lại nhìn Stepan Ackađich đang tươi cười rạng rỡ, bà quên hiện tại và chỉ nhớ tới mối tình đầu ngây thơ. Bà không chỉ nghĩ tới riêng mình, mà nghĩ tới tất cả những phụ nữ bà quen thân: bà hình dung họ trong giờ phút độc nhất và long trọng này, cũng như Kitty, họ đứng dưới vòng hoa, lòng tràn đầy tình yêu, hi vọng và lo sợ, khi đã đoạn tuyệt với quá khứ để đi vào một tương lai huyền bí. Trong số những cô dâu mới bà đang nhớ lại, có nàng Anna yêu kiều; bà vừa được tin về sự định li hôn của nàng. Bà từng mắt thấy chính nàng, cũng trong trắng như Kitty, phủ tấm voan trắng, vòng hoa cam đội đầu. Còn bây giờ thì sao? “Thật lạ lùng”, bà nghĩ thầm.

Không phải chỉ riêng có chị em, bè bạn và họ hàng quan sát mọi chi tiết của buổi hôn lễ: những phụ nữ đứng xem, không quen thuộc, cũng cảm động, cố nín thở sợ bỏ sót bất cứ cử chỉ hoặc vẻ mặt nào của cặp vợ chồng mới cưới và hoạ hoằn họ mới miễn cưỡng trả lời những câu bông đùa hoặc nhận xét không đúng chỗ của bọn đàn ông thờ ơ mà nhiều lúc họ không thèm để ý nghe.

– Tại sao mắt cô dâu lại đỏ hoe thế nhỉ? Họ cưỡng ép cô ta lấy chồng chăng?

– Cưỡng ép à! Một người đẹp trai như thế kia! Chú rể là hoàng thân, phải không?

– Chị ruột cô dâu mặc xa tanh trắng đứng kia phải không? Này hãy nghe thầy sáu đang gào lên kia kìa: “Vợ phải sợ chồng!”.

– Hội hát ở Truđov đến phải không?

– Không phải, ở toà thánh đến đấy.

– Tôi đã hỏi gã đày tớ. Hắn bảo chú rể sẽ đưa cô dâu về ngay trang trại của mình. Hình như chú rể giàu ghê lắm thì phải. Vì thế nên họ mới gả cô ta.

– Ồ! Thật là đẹp đôi.

– Maria Vaxilievna, thế mà bà lại bảo là người ta không mặc váy phồng nữa. Bà hãy thử nhìn cái bà mặc áo nâu cánh dán kia xem, ở dưới váy có bao nhiêu là thứ… bà thấy rõ chưa!

– Cô dâu sao mà đáng yêu thế, trang điểm cứ như con cừu non ấy! Muốn nói thế nào thì nói chứ bọn đàn bà chúng ta đều đáng thương cả. Đó là câu chuyện trao đổi giữa các bà đứng xem đã len vào được bên trong nhà thờ.

— —— —— —— ——-

1 Beau-frère (tiếng Pháp trong nguyên bản).

Chọn tập
Bình luận