Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anna Karenina

Quyển 7 – Chương 10

Tác giả: Leo Tolstoy
Chọn tập

Nàng ra đón Levin, không giấu nỗi vui mừng được chàng đến thăm. Qua vẻ thư thái của Anna, khi đưa bàn tay nhỏ bé nhưng rắn rỏi cho chàng bắt, khi giới thiệu chàng với Vorkuiep và chỉ một em bé xinh xẻo tóc hung đang ngồi khâu mà nàng gọi là con nuôi, Levin vui thích nhận ra cốt cách một thiếu phụ trong giới thượng lưu, bao giờ cũng bình tĩnh và tự nhiên.

– Tôi rất, rất hân hạnh, – nàng nhắc lại và trên môi nàng, lời nói giản dị đó có một ý nghĩa đặc biệt đối với Levin. – Tôi biết anh từ lâu rồi và rất quý anh, vừa vì anh là bạn thân của Xtiva, vừa vì chị ấy nữa… tôi chỉ quen chị ấy một thời gian ngắn, nhưng chị ấy để để lại cho tôi ấn tượng về một bông hoa tuyệt diệu, một bông hoa, phải dùng chữ ấy mới đúng. Và chị ấy sắp làm mẹ rồi!

Nàng nói không chút lúng túng vội vàng, thỉnh thoảng lại đưa mắt từ Levin sang anh trai. Levin hiểu là mình đã gây ấn tượng tốt và lập tức, cũng thấy thoải mái như đã quen Anna từ lâu.

– Chính vì vậy mà Ivan Petrovich và em mới ngồi ở phòng làm việc của Alecxei, – nàng đáp khi Stepan Ackađich hỏi có hút thuốc lá được không, và sau khi nhìn Levin, đáng lẽ hỏi chàng có hút không thì nàng lại kéo cái hộp đựng thuốc lá bằng đồi mồi về phía mình và lấy một điếu bọc trong lá ngô.

– Hôm nay cô có khoẻ không? – ông anh trai nàng hỏi.

– Cũng khá. Nhưng thần kinh vẫn thế.

– Có đúng là tuyệt diệu không? – Stepan Ackađich nhận thấy Levin vẫn nấn ná trước bức chân dung, bèn hỏi vậy.

– Đây là bức chân dung đẹp nhất mà tôi được thấy từ xưa tới nay.

– Và giống một cách lạ lùng phải không? – Vorkuiep nói.

Levin rời mắt khỏi bức chân dung quay sang nhìn người thật. Mặt Anna ngời lên một ánh sáng đặc biệt khi cảm thấy cái nhìn ấy. Levin đỏ mặt, và để giấu vẻ bối rối, định hỏi lâu nay nàng có gặp Đarya Alecxandrovna không, nhưng ngay lúc đó Anna đã nói:

– Vừa rồi Ivan Petrovich có nhắc đến những bức tranh mới đây của Vatsencov. Anh đã xem chưa?

– Rồi ạ, – Levin đáp.

– Xin lỗi, tôi vừa ngắt lời anh, anh định nói…

Levin bèn hỏi lâu nay nàng có gặp Đôly không.

– Chị ấy vừa đến thăm tôi hôm qua. Chị ấy bất bình lắm: hình như ở trường trung học, ông giáo dạy tiếng la tinh đối xử bất công với Grisa.

– Vâng, tôi đã xem những tranh đó. Tôi không thích lắm, – Levin nói, trở lại câu chuyện vừa bắt đầu.

Lần này, Levin không nói chuyện theo lối học trò chăm chỉ như buổi sáng nữa. Với Anna, mỗi lời mỗi chữ đều có nghĩa. Được nói chuyện với nàng đã thú vị, nhưng nghe nàng nói càng thú vị hơn.

Anna nói năng không những giản dị và thông minh, mà còn xuề xoà, không hề cho ý kiến mình là có giá trị. Trước mặt người tiếp chuyện mình, nàng rất nhún nhường.

Câu chuyện xoay sang những khuynh hướng mới trong nghệ thuật và những minh hoạ mới đây của một hoạ sĩ Pháp trong Kinh Thánh. Vorkuiep chê nghệ sĩ tả chân quá đáng đến thành kệch cỡm. Levin nói người Pháp đã đẩy tínhước lệ trong nghệ thuật đi xa hơn ai hết và chính vì vậy họ cho việc quay về chủ nghĩa tả chân là một ưu điểm đặc biệt. Trong việc thôi không nói dối, họ nhìn thấy chất thơ.

Chưa bao giờ có câu chuyện thông minh nào đem lại cho Levin nhiều hứng thú như vậy. Nét mặt Anna bỗng sáng lên khi chợt cảm thấy thế. Nàng bật cười.

– Tôi cười, – nàng nói, – như ta thường bật cười khi thấy một tấm chân dung giống quá. Điều anh vừa nói miêu tả rất đúng đặc tính của nghệ thuật hiện đại Pháp, cả trong hội hoạ lẫn văn học: Zola, Dode. Nhưng có lẽ thoạt tiên người ta tự xác định những quan niệm dựa trên những hình tượng hư cấu và có tính chất ước lệ; về sau, khi tất cả những kết hợp đã được xây dựng, người ta mới thấy chán những hình tượng bịa đặt và bắt đầu sáng tạo ra những hình tượng tự nhiên hơn, chân thực hơn.

– Hoàn toàn đúng như vậy, – Vorkuiep nói.

– Vậy ra các anh đã tới câu lạc bộ đấy à? – nàng vừa nói, vừa quay sang anh trai.

“Phải, phải, thật là một người đàn bà kì diệu!”, Levin nghĩ bụng, mê mải ngắm khuôn mặt đẹp linh hoạt thoắt cái đã thay đổi.

Levin không nghe thấy nàng nói gì vì nàng cúi xuống phía anh trai, nhưng ngạc nhiên về sự thay đổi sắc diện của nàng. Khuôn mặt kiều diễm của nàng một phút trước còn thanh thản, giờ bỗng lộ vẻ tò mò lạ lùng, giận dữ, kiêu kì. Nhưng cái đó chỉ thoáng qua một lát. Nàng lim dim mắt như cố nhớ ra việc gì.

– Với lại, ai hoài hơi nghĩ đến việc đó. Con bảo pha trà ngoài phòng khách hộ mẹ , – nàng nói với đứa bé người Anh.

Đứa bé đứng dậy và đi ra.

– Thế nào, cháu nó thi cử ra sao? – Stepan Ackađich hỏi.

– Khá lắm. Đó là một đứa trẻ rất có năng khiếu, tính nết rất dễ thương.

– Rồi cô đến yêu nó hơn con đẻ mất.

– Rõ thật chuyện đàn ông. Trong tình yêu, không có chuyện hơn, kém. Em yêu con gái một cách, lại yêu cháu này cách khác.

– Chính tôi vừa nói với Anna Arcadievna, – Vorkuiep nói, – nếu bà chỉ đem một phần trăm công sức bỏ ra cho con bé người Anh này, để dạy dỗ trẻ em nước Nga, bà sẽ làm được một việc to lớn và hữu ích.

– Biết làm sao được, tôi không có khả năng. Bá tước Alecxei Kirilovich đã khuyến khích tôi rất nhiều (khi nhắc đến cái tên này, nàng nhìn Levin, vẻ rụt rè, dò hỏi, và bất giác chàng đáp lại bằng cái nhìn kính cẩn và đồng tình), anh ấy rất khuyến khích tôi trông nom cái trường ở nông thôn. Tôi có về đấy nhiều lần. Các em ngoan lắm nhưng tôi không thể làm việc đó được. Ông vừa nói nghị lực dựa trên tình yêu. Mà tình yêu là chuyện không thể bắt buộc. Tôi rất mến con bé này. Tự tôi cũng không hiểu tại sao nữa.

Nàng lại nhìn Levin. Cả con mắt lẫn nụ cười đều nói rằng những lời đó là dành riêng cho chàng, rằng nàng trân trọng ý kiến chàng và biết trước hai người sẽ hiểu nhau.

– Tôi hoàn toàn hiểu điều đó, – Levin đáp. Người ta không thể đặt trái tim mình vào một trường học hay một thiết chế tương tự, và tôi nghĩ chính vì vậy mà những tổ chức từ thiện bao giờ cũng đem lại kết quả ít ỏi đến thế. Nàng lặng im rồi mỉm cười.

– Vâng, vâng, – nàng nhấn mạnh. – Không bao giờ tôi làm nổi điều đó. Lòng tôi không đủ rộng rãi để đi yêu cả một trường nữ công đầy những cô bé xấu xí. Tôi không bao giờ làm nổi việc đó. Thế mà có biết bao bà dựa vào đó để kiếm một địa vị xã hội đấy. Ngay cả bây giờ, – nàng nói, vẻ buồn buồn và tin cẩn (bề ngoài là nói với anh trai nhưng rõ ràng chỉ nói với Levin), – ngay cả bây giờ, giữa lúc rất cần có việc để bận bịu đôi chút, em vẫn không làm thế được. – Rồi nàng bỗng cau mày (Levin hiểu nàng tự trách vì đã nói đến bản thân), chuyển sang chuyện khác. – Người ta bình phẩm rằng anh là một công dân xấu, – nàng bảo Levin. – Tôi đã hết sức bênh vực anh.

– Như thế nào kia ạ?

– Còn tuỳ ở cách đả kích… Nhưng anh dùng trà nhé? – nàng đứng dậy và cầm một quyển vở đóng bìa da dê thuộc.

– Đưa cho tôi nào, bà Anna Arcadievna, – Vorkuiep chỉ quyển vở, nói. – Cái này thật đáng đem xuất bản.

– Ồ, không, chưa hoàn chỉnh đâu.

– Anh có nói với anh ấy về cái đó, – Stepan Ackađich chỉ Levin nói với em gái.

– Anh nói làm gì. Những điều em viết cũng giống như những cái lẵng nhỏ và những vật chạm trổ do bọn tù làm mà ngày xưa Liza Mercalova vẫn bán cho em. Chả là bà ta quản lí các nhà tù mà, – nàng nói với Levin. – Những kẻ khốn khổ đó đã hoàn thành những kì công của lòng kiên nhẫn.

Thế là Levin lại khám phá thêm một nét mới ở người thiếu phụ đã lôi cuốn chàng một cách kì lạ này. Thông minh, duyên dáng, kiều diễm đã vậy, nàng còn thẳng thắn nữa. Nàng không tìm cách giấu chàng những khó khăn của hoàn cảnh mình. Nói xong, nàng thở dài và mặt bỗng nghiêm hẳn lại, sững ra như tạc. Trông nàng như thế lại càng đẹp, nhưng cái diện mạo này thuộc loại khác hẳn: nó không nằm trong loạt sắc thái rạng rỡ hạnh phúc và mang lại hạnh phúc như hoạ sĩ đã ghi lại trên bức chân dung.

Levin lại đưa mắt nhìn từ bức tranh sang người mẫu trong khi nàng khoác tay anh trai, kéo ra cửa và chàng bỗng ngạc nhiên thấy lòng mình dạt dào trìu mến và thương xót Anna.

Nàng mời Levin và Vorkuiep vào phòng khách và nán lại sau để nói chuyện với anh trai. “Nàng nói chuyện gì với ông ta? Về vấn đề li dị chăng? Về Vronxki? Về những việc anh ta đã làm ở câu lạc bộ? Về mình? “, Levin nghĩ thầm. Câu hỏi làm chàng bối rối đến nỗi chỉ lơ đãng nghe bằng một bên tai những lời Vorkuiep nói về những ưu điểm của cuốn tiểu thuyết Anna viết cho thiếu nhi.

Trong khi uống trà, họ tiếp tục cuộc trò chuyện thú vị và phong phú. Chẳng những không lúc nào cần tìm kiếm đầu đề mà trái lại, ai nấy đều dồi dào ý kiến, sẵn sàng phải kìm lại để nghe người bên cạnh nói. Tất cả những điều nói ra, không riêng gì của Anna mà cả của Vorkuiep và Stepan Ackađich đều mang ý nghĩa đặc biệt nhờ có nữ chủ nhân chăm chú nghe và bình luận thêm: ít ra đó cũng là cảm giác của Levin.

Levin vừa theo dõi chuyện vừa thán phục sắc đẹp, trí thông minh, kiến thức và cả vẻ giản dị, thân mật của Anna. Chàng ngồi nghe, nhưng chỉ nghĩ đến nàng, đến cuộc sống nội tâm của nàng. Ngày xưa chàng vốn từng phê phán nàng rất nghiêm khắc, giờ đây, do một diễn biến lạ lùng của tư tưởng, lại biện hộ cho nàng, đồng thời, còn thương nàng và sợ Vronxki không hoàn toàn hiểu nổi nàng. Khoảng mười một giờ, khi Stepan Ackađich đứng dậy cáo từ (Vorkuiep về trước rồi), Levin có cảm giác như mình chỉ vừa mới tới. Đến lượt chàng đứng lên, đầy luyến tiếc.

– Chào anh, – nàng nắm tay chàng nói với một cái nhìn đầy vẻ quyến rũ.

– Tôi rất vui lòng thấy chúng ta đã bắt đầu thân thiện. Nàng buông tay ra và lim dim mắt.

– Anh nói hộ với chị là tôi vẫn mến chị như xưa và nếu chị không thể tha thứ cho hoàn cảnh của tôi thì mong rằng cứ nên thế mãi. Vì muốn tha thứ thì phải đau khổ như tôi đã đau khổ, và cầu Chúa đừng để chị ấy phải như thế!

– Xin chị cứ yên tâm, tôi sẽ nói lại với nhà tôi… – Levin đỏ mặt nói.

Chọn tập
Bình luận