Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đại Đường Song Long Truyện

Chương 276: Thành Đô đăng hội

Tác giả: Huỳnh Dị
Chọn tập

Một năm thành ấp, hai năm thành đô, chính vì vậy mà nơi này mới có tên Thành Đô.

Năm thứ chín đời Tần Huệ Văn Vương thời Chiến Quốc, Tần Vương đã phái đại phu Trương Nghi, Tư Mã Thác dẫn quân phạt Thục, sau khi chiếm được thì đặt làm Thục quận, lấy Thành Đô làm thủ phủ.

Năm sau, Tần Vương nghe theo Trương Nghi, xây dựng Thành Đô huyện thành.

Nhìn chung thì khi xây thành, người ta lưu ý tới địa thế hiểm trở hoặc thuận lợi về đường thuỷ, chỉ có Thành Đô là không phải vậy, chẳng những không có thế núi hiểm trở, lại càng không tiện lợi về giao thông đường thuỷ, hơn nữa thành lại xây ở vùng trũng của đồng bằng, ẩm ướt nhiều mưa, xung quanh có rất nhiều đầm trạch, toàn bộ đều phải dựa vào nhận lực để cải thiện hoàn cảnh.

Để xây thành, người Thục đã đào một lượng đất lớn ở xung quanh, những nơi bị lấy đất đều thành các hồ lớn, nổi tiếng có Liễu Trì ở thành Tây, Thiên Cảnh Trì ở phía Tây Bắc, Tẩy Mặc Trì, Vạn Tuế Trì ở thành Bắc, và Thiên Tuế trì ở thành Đông, vừa có thể lấy nước để tưới tắm ruộng đồng, lại có thể nuôi cá làm thực phẩm. Ngoài ra, trong thời chiến, những hồ này liền trở thành bình phong che chắn ba mặt Đông, Tây, Bắc cho Thành Đô. Những hồ nước lớn này, cộng với đập Đô Giang do Lý Băng đời Tần Chiêu Vương xây dựng nữa là hình thành một hệ thống thuỷ lợi hết sức đặc biệt, giải quyết gọn ghẽ ba vấn đề khó của Thành Đô, đó là ngập lụt, tưới tiêu và vận chuyển đường thuỷ.

Thành Đô có chu vi hai mươi dặm, tường cao bảy trượng, chia làm Thái Thành và Thiếu Thành. Thái Thành ở phía Đông, rộng bảy dặm, Thiếu Thành ở phía Tây, không đến năm dặm.

Đầu đời Tuỳ, Thành Đô từ Ích Châu tổng quản phủ, đổi thành Thục Quận.

Thái Thành là nơi tập trung quan lại, dân chúng, là trung tâm chính trị, còn Thiếu Thành chủ yếu là khu buôn bán. Nổi tiếng nhất là Nam Thị, các thợ thủ công, phú thương, tiểu thương đều tập trung ở đây buôn bán và an cư.

Trước khi khởi hành, Từ Tử Lăng đã hỏi thăm Bạch Văn Nguyên về tình hình hiện nay của Thành Đô.

Thì ra từ sau khi triều đình sụp đổ, lãnh tụ của tam đại thế lực ở Tứ Xuyên, gồm có Giải Huy của Độc Cô Bảo, Thương Bá Phạm Trác của Xuyên Bang và Hầu Vương Tần Chấn của Ba Minh đã tổ chức một đại hội để quyết định vận mệnh của người Thục, quyết định bảo lưu quan viên và chính thể nhà Tuỳ ở đây, đổi Thục Quận thành Ích Châu để biểu thị sự khác biệt cũ mới, chính quyền mới do tam đại thế lực chống lưng, không xưng vương cũng chẳng xưng bá, chỉ án binh bất động chờ minh chủ xuất hiện.

Nghe nói chuyện này do một tay Võ Lâm Phán Quan Giải Huy tác thành, chỉ riêng chuyện này cũng đã có thể thấy được người này rất có kiến giải, hiểu rõ Tứ Xuyên có địa hình hiểm trở, hơn nữa dân phong lại thuần phác, ưa thích cuộc sống tự cung tự cấp, yên phận chờ đợi, chứ không có duyên tranh hùng tranh bá.

Từ Tử Lăng đi liền ba ngày ba đêm, đến hoàng hôn hôm thứ ba thì vào thành, định nghỉ ngơi một đêm rồi sáng mai mới đến Hoàng Long tìm U Lâm Tiểu Cốc của Thạch Thanh Tuyền.

Thực tế thì nội thương của gã vẫn chưa lành hẳn, rất cần nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng tinh thần, chuẩn bị ứng phó với những nguy cơ bất ngờ trước mắt.

Sau khi vào thành, Từ Tử Lăng liền cảm nhận ngay được sự xa hoa phung phí, thanh bình phồn vinh, không tranh giành với đời của người Thục, hoàn toàn đối lập với không khí chiến loạn liên miên ở Trung Nguyên.

Đập vào mắt gã đầu tiên là hoa đăng, khắp nơi đều là hoa đăng, hoa đăng treo trên cửa lớn các cửa tiệm, các ngôi nhà, hoa đăng trên tay người đi đường, đám trẻ nhỏ cũng kết thành từng đám chạy nhảy nô đùa, loại đèn nào cũng có, đường nét tinh xảo, ánh sáng rực rỡ.

Các nữ tử trang điểm xinh tươi như hoa, hoa y lệ phục của các thiếu nữ dân tộc Khương lại càng đậm phong tình nơi đất lạ, tiếng cười đùa hoan lạc vang lên khắp nơi, các cửa tiệm mọc như nấm, kéo dài khắp đường lớn phố nhỏ. Trên con phố chật người, tiếng pháo vang lên liên miên bất tuyệt, khói xanh nghi ngút, không khí lễ tết bao trùm khắp toàn thành.

Từ Tử Lăng thầm tính toán ngày tháng, mới sực nhớ ra hôm nay là Tết Trung Thu, không khỏi ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng đã bị khói lửa làm mờ đi phần nào, trong lòng chợ dâng trào cảm giác thân thiết, nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình lạc điệu trong không khí náo nhiệt của nơi này.

Kể từ sau khi rời khỏi Dương Châu, gã và Khấu Trọng đều mất đi tâm tình đón tết, đây có lẽ là một phần trong cái giá phải trả cho bá nghiệp thiên hạ.

Hoà bình thịnh thế, có lẽ là giống như cảnh tượng trước mắt này đây. Từ Tử Lăng bất giác bồi hồi cảm xúc.

Nếu Tố Tố còn sống, nàng nhất định sẽ vui vẻ cùng gã tham gia lễ hội này.

Bỗng nhiên, gã bị dồn vào khu thành thị đèn sáng như ban ngày, bước theo đoàn người chật như nêm cối, từ từ di động. Lầu cao gác lớn ở hai bên đường, không nhà nào là không treo đèn kết hoa, cửa lớn rộng mở, còn có nhà giàu mới có cả đội nhạc sự đến biểu diễn trợ hứng, tiếng ca dập dìu, làm cho người ta có cảm giác như say trong mộng, hư hư ảo ảo.

Nhất thời, Từ Tử Lăng cũng không biết nên đi về hướng nào mới phải.

Trong không khí ồn ào náo nhiệt của ngày hội, chợt có một vật ném về phía gã, Từ Tử Lăng nhẹ nhàng bắt lấy, thì ra là một quả cầu thêu hoa. Gã ngạc nhiên nhìn lên, thì thấy có một nữ tử đang đứng giữa đám trẻ con đang chơi đùa bên con phố đối diện, đang chăm chú nhìn gã qua lớp sa mỏng che mặt.

Cho dù tất cả nữ tử nơi đây đều ăn mặc và trang điểm rực rỡ như hồ điệp tranh tài khoe sắc, nàng lại không lộ ra gương mặt ngọc ngà, nhưng thân hình mềm mại uyển chuyển của nàng vẫn làm cho nàng nổi bật lên, tựa như tiên hạc đứng giữa một bầy gà mái vậy.

Lại quen thuộc như vậy nữa.

Vừa mới liếc nhìn, gã đã nhận ra đó là Thạch Thanh Tuyền.

Mười mấy thiếu nữ Khương tộc nắm tay nhau cười khúc khích đi qua giữa gã và Thạch Thanh Tuyền, thấy gương mặt tuấn tú và thân hình cao lớn hiên ngang của Từ Tử Lăng thì đều hai mắt sáng bừng lên, lúng liếng đưa tình.

Từ Tử Lăng đang bị người đi đường cản lại, một bước cũng khó tiến tới thì bỗng nhiên Thạch Thanh Tuyền đưa bàn tay thanh tú lên, chầm chậm nhấc tấm sa che mặt, để lộ phần gương mặt dưới mũi. Trong khoảnh khắc ấy, tiếng cười nói huyên náo xung quanh dường như đã hoàn toàn biến mất. Bốn bề tuy là hàng ngàn người đang chen chú ngột ngạt, nhưng gã lại cảm thấy đất trời này ngoại trừ gã và Thạch Thanh Tuyền ra, không còn kẻ thứ ba nào khác. Tuy hai người bị hàng trăm người đi đưòng và xe ngựa ngăn cản ở ngoài xa bốn trượng, nhưng trong mắt gã lúc này, những thứ đó dường như đã hoàn toàn biến mất.

Đó là một thứ cảm giác rất khó miêu tả, tuy gã vẫn chưa nhìn được toàn bộ dung mạo của nàng, nhưng chỉ một phần hé lộ ấy cũng đủ khiến gã có cảm nhận hết sức thân thiết và ấm áp. Cơ hồ như nàng đang dùng hành động để nói rằng: “Này, cho huynh xem này!”, so với chiếc mũi xấu xí mà nàng cố ý đeo lên, hay gương mặt đen đúa thô ráp mà nàng dùng dược liệu đắp vào, quả thật khác nhau một trời một vực, mỹ cảnh trước mắt, thực sự là một niềm vui bất ngờ mà gã không thể nào tưởng tượng được.

Làm gã ấn tượng nhất là nàng giống như một con thiên nga, đang lột bỏ chiếc áo khoác màu vàng xấu xí để vngươn mình biến thành thiên nga trắng xinh đẹp, lộ ra chiếc cổ dài mềm mại, tú lệ tuyệt luân, hoàn toàn khác biệt so với những vẻ đẹp tầm thường khác.

Chính vì nàng vẫn giấu phần trên gương mặt sau lớp sa mỏng nên mới khiến gã đặc biệt chú ý đến bộ phận mà trước đây gã không để ý lắm này. Trên thực tế, gã chưa bao giờ quan thưởng nàng một cách kỹ lưỡng cả.

Khi ánh mắt của gã dịch từ chiếc cằm nhỏ nhắn của nàng lên hai cánh môi ẩn chứa vô vàn cảm tình mà chưa từng để lộ thì thấy cặp môi ấy đang mấp máy, tuy không có âm thanh nhưng Từ Tử Lăng có thể nhìn khẩu hình, đọc được rất rõ ràng nàng đang nói: “Cuối cùng thì huynh cũng tới rồi!”.

Từ Tử Lăng đang định chen qua thì Thạch Thanh Tuyền đột nhiên buông tấm sa che mặt xuống, đồng thời thị tuyến của gã cũng bị một nam nhân cao lớn tương đương chắn mất.

“Từ huynh!”.

Từ Tử Lăng kinh ngạc nhìn thử, thì ra là Hà Nam Cuồng Sĩ Trịnh Thạch Như, lúc gã định thần lại nhìn qua vai họ Trịnh sang phố đối diện, thì Thạch Thanh Tuyền đã biến mất vô tung vô ảnh giữa biển người mênh mông, cũng đột nhiên như là khi nàng xuất hiện vậy.

Trịnh Thạch Như tò mò quay đầu lại nhìn theo ánh mắt của gã, ngạc nhiên hỏi: “có phải Từ huynh nhình thấy người quen không?”.

Để lỡ cơ hội gặp người ngọc, Từ Tử Lăng suýt chút nữa đã xuất thủ đánh cho Trịnh Thạch Như một trận, nhưng đương nhiên gã cũng biết tuyệt đối không nên cho họ Trịnh biết bất cứ chuyện gì liên quan đến Thạch Thanh Tuyền, bèn chau mày đáp: “không có gì, chỉ tuỳ tiện nhìn quanh mà thôi”.

Trịnh Thạch Như nhiệt tình nắm lấy cánh tay gã, mặc kệ gã có đồng ý hay không, vừa đi vừa nói như lão bằng hữu lâu ngày không gặp: “Sao Từ huynh đến muộn vậy, sáng sớm nay ta đã phái người ra thành môn đón huynh rồi”.

Từ Tử Lăng bực bội nói: “Khi tiểu đệ khởi trình Trịnh huynh vẫn còn ở lại Thượng Dung, tại sao lại tới đây sớm hơn cả ta thế?”.

Trịnh Thạch Như buông tay gã ra, cười cười nói: “Từ huynh đi vội quá đó mà! Tại hạ và Trịnh đương gia vốn định mời huynh ngồi thuyền đi đường thuỷ tới đây, vừa tiết kiệm được thời gian lại đỡ tốn công, còn được thường thức mỹ cảnh Trường Giang Tam Hiệp nữa. Cù Đường Hiệp hùng vĩ hiểm trở, Vu Hiệp u thâm tú lệ, Tây Lăng Hiệp gập ghềnh nước gấp, mỗi nơi đều có đặc sắc riêng. Thạch xuất nghi vô lộ, vân khai biệt hữu thiên, xứng đáng là đệ nhật Trường Giang”.

Y nói rất hùng hồn, vừa ngắn gọn vừa có sức thuyết phục, phối hợp với khí chất tuỳ tiện cuồng ngạo từ trong cốt khí của y, làm cho Từ Tử Lăng đã nhận định kẻ này chắc chắn là yêu nhân của Âm Quý Phái, hoặc ít nhất cũng có quan hệ với Chúc Ngọc Nghiên mà vẫn khó thể ác ngôn với y.

Từ Tử Lăng đang tính kế tách y ra để đi kiếm Thạch Thanh Tuyền, thì chăng biết từ đâu, Trịnh Thạch Như đã lấy ra một bầu rượu, ngửa miệng uống mấy ngụm lớn rồi dúi vào tay gã.

Lúc này, Từ Tử Lăng đang vì nghe chuyện Tam Hiệp mà chợt nhớ tới chuyện Sư Phi Huyên cùng Hầu Hy Bạch cùng du lãm nơi ấy, lại ngủi thấy mùi rượu thơm nồng, trong lòng bèn thầm nhủ, Trịnh Thạch Như có lẽ không đến nỗi phải dùng chiêu độc tửu, mà dù có dùng độc tửu, cũng chẳng hại nổi gã. Nghĩ đoạn, gã liền uống một ngụm lớn, lúc đưa bầu rượu trả lại cho Trịnh Thạch Như, hương rượu thơm nồng vẫn còn sực nức, rượu thấm qua cổ họng, đi thẳng xuống dưới như một ngọn lửa ấm áp, làm gã không khỏi thốt lên tán thưởng: “Hảo tửu!”

Trịnh Thạch Như cầm bầu rượu uống thêm một ngụm lớn, cuồng khí đại phát, đặt tay lên vai Từ Tử Lăng hát vang: “Đêm khuya trở về say bí tỉ, đỡ vào màn nhung mà chưa tỉnh, mùi rượu nồng thơm như lan lý. Bừng tỉnh giấc, cười ha ha. Thử hỏi nhân gian được mấy là?”.

Tửu ý dâng lên, Từ Tử Lăng nghe mấy câu ca chán chường trước cảnh loạn ly này của y hết sức lọt tai, thêm vào trong tiếng ca lại ẩn ước sự bi tráng tang thương, địch ý đối với họ Trịnh cũng giảm đi ba bốn phần.

Trịnh Thạch Như khảng khái nói: “không hiểu tại sao, ta vừa gặp Từ huynh đã cảm thấy rất có duyên, đêm nay chúng ta không say không về, chúng ta hãy lên Tán Hoa Lâu nổi tiếng nhất Xuyên Thục, tề danh với Thượng Lâm Uyển ở Trường An, cùng với mỹ nhân thưởng trăng.

Từ Tử Lăng nhớ đến vận rủi của mình và Khấu Trọng mỗi làn đến thanh lâu liền giật mình nói: “Trịnh huynh khách sáo quá! Thứ cho tiểu đệ không thể phụng bồi!”.

Trịnh Thạch Như kéo gã sang rìa đường, tránh khỏi một đám trẻ nhỏ đang cầm đèn đuổi nhau, ngạc nhiên nói: “Từ huynh có chuyện quan trọng phải làm hay sao?”.

Từ Tử Lăng cảm thấy không muốn gạt y, liền thẳng thắn nói: “Vốn là ngay mai ta mới có chuyện, nhưng đi đường vất vả nên muốn nghỉ ngơi sớm một chút, hôm sau có cơ hội nhất định sẽ bồi tiếp Trịnh huynh tới cùng”.

Trịnh Thạch Như mỉm cười nói: “Nếu Từ huynh muốn nghỉ ngơi thì lại càng nên để tại hạ tiếp đãi. Ta có thể đảm bảo hôm nay dù huynh đi khắp Thành Đô cũng không thể kiếm nổi khách sạn lữ điếm để dừng chân đâu”.

Từ Tử Lăng chỉ cần nhìn dòng người chen chúc trước mắt, trong lòng đã tin quá chín phần, chỉ đành nói: “Trịnh huynh yên tâm, đã có người đặt phòng trước cho tại hạ rồi, vì vậy vấn đề đó không cần Trịnh huynh lo nghĩ”.

Hiện giờ gã chỉ muốn rời khỏi Trịnh Thạch Như hòng đi tìm giai nhân họ Thạch nên đành thuận miệng lấp liếm.

Trịnh Thạch Như cười ha hả hỏi: ” Rốt cuộc là khách sạn nào vậy?”.

Từ Tử Lăng mắng thầm trong bụng, cuối cùng đành nói ra Duyệt Lai Khách Sạn ở Nam Thị mà Sư Phi Huyên đã nhắc tới, bởi vì đó là lữ điếm duy nhất mà gã biết ở Thành Đô này.

Trịnh Thạch Như thoáng ngạc nhiên, nhún vai nói: “Nếu đã vậy thì để tại hạ tiễn Từ huynh một đoạn, nếu có chuyện gì thì Trịnh mỗ cũng có thể sắp xếp thoả đáng giúp Từ huynh”.

Từ Tử Lăng không hiểu tại sao y lại nhiệt tình tới vậy, đồng thời nghĩ đến tình cảnh lúng túng khi sự thật phơi bày, cười khổ nói: “Trịnh huynh thật khách khí!”.

Trịnh Thạch Như dẫn gã đi về phía Nam thị, chỉ tay vào một toà lầu cao sừng sững dưới ánh trăng: “Đó là Trương Nghi lầu, được dựng lên để tưởng niệm Trương Nghi, lên trên đó có thể nhìn được Tuyết Luỹ Sơn quanh năm tuyết phủ ở cách đây hơn trăm dặm, và cả hai dòng Nội Giang, Ngoại Giang chảy ra từ đập Đô Giang, cảnh sắc đẹp vô cùng”.

Từ Tử Lăng thoáng ngạc nhiên hỏi: “Dường như Trịnh huynh rất thông thuộc đất Thành Đô này thì phải?”.

Trịnh Thạch Như bỗng nhiên thở dài nói: “Có phải Từ huynh luôn cảnh giác Trịnh Thạch Như này không?”.

Từ Tử Lăng không ngờ đang giới thiệu danh thắng của Thành Đô, y lại đột nhiên chuyển chủ đề sang chuyện nhạy cảm như vậy, nhưng vẫn thản nhiên hỏi lại: “Sao Trịnh huynh lại nói vậy?”.

Trịnh Thạch Như nói: “Thực không dám giấu, lần này Thạch Như cố ý đến tìm Từ huynh là vì muốn được thẳng thắn nói chuyện với huynh một lần, hy vọng có thể giải quyết mọi hiểu lầm giữa chúng ta, không hiểu Từ huynh chịu nghe tại hạ nói không?”.

Từ Tử Lăng thầm cười lạnh, lúc gã giả làm Nhạc Sơn, đã từng tận mắt thấy gã và Chúc Ngọc Nghiên gặp nhau, nếu giờ y còn hoa ngôn xảo ngữ phủ nhận mình không phải là người trong Âm Quý Phái, gã sẽ dứt khoát bóc trần bộ mặt của y ra rồi đuổi đi, tránh để vướng chân vướng tay mãi thế này. Gã đã chán ghét kiểu đeo bám không rời của họ Trịnh này lắm rồi, chỉ hận là nộ quyền khó đánh tiếu diện mà thôi.

Chỉ nghe gã lãnh đạm nói: “Tiểu đệ đang rửa tai lắng nghe đây!”.

Trịnh Thạch Như cúi đầu, vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ, hồi lâu sau mới lắc đầu cười khổ than: “con người tại hạ đây một là không háo danh, hai là không cầu lợi, nhưng lại không thể qua được hai cửa quan tửu sắc, vì thế có một số kẻ gọi đùa ta là Tửu Sắc Cuồng Sĩ, tuy là giễu cợt thật, nhưng ta chỉ biết cam chịu chấp nhận”.

Hai người rẽ vào ngõ nhỏ, người đi đường thưa thớt hơn rất nhiều, một đám thiếu nữ dị tộc vừa nhảy múa vừa hát ca đi tới. Những thiếu nữ này phía trên mặc áo ngắn cổ vân, có tới ba bốn lớp, vạt áo hình bán nguyệt tung bay theo nhịp nhảy, trên đầu đội một chiếc khăn hình tam giác rủ về phía sau, hoa văn thanh tú, trông rất đẹp mắt, bên dưới là chiếc váy xếp lớp, xoè ra như đoá hoa loa kèn, mỗi bước lại dập dềnh dập dềnh như đám mây trôi, hư hư thực thực, cùng với những đồ trang sức bằng bạc lấp lánh trên người làm cho Từ Tử Lăng cũng phải tròn mắt lên ngắm nhìn.

Trịnh Thạch Như mỉm cười giới thiệu: “Đây là thiếu nữ Di tộc, kiểu váy mà họ mặc vẫn chưa được xem là rộng đâu, váy của nữ nhân Nạp Tây Tộc và Phổ Mễ Tộc ở vùng Lự Khiết Hồ mới rộng, không dùng mấy trượng vải thì đừng hòng may được”.

Từ Tử Lăng thu hồi mục quang khỏi những tấm lưng đầy sức quyến rũ mê hoặc của những thiếu nữ dị tộc, ngạc nhiên hỏi: “Váy rộng như vậy thì làm sao mặc được?”.

Trịnh Thạch Như có vẻ rất hiểu biết: “Quấn mấy vòng là chuyện bình thường, những phần thừa thì nhét ra sau lưng, trông giống như đang vác vật gì vậy, rất đặc sắc. Hà! Từ huynh anh tuấn phong lưu thế này, khi đi qua những nơi có người Di sinh sống phải cẩn thận một chút, mỹ nữ tộc Di thì đẹp tuyệt luân, lại lớn gan, nhiệt tình, một khi đã nhìn trúng ai thì sẽ đeo bám không rời, tuyệt đối không buông tay, rất khó giải quyết đấy”.

Từ Tử Lăng thở phào, thầm nhủ may mà vừa nãy khi đám thiếu nữ Di tộc đó liếc mắt đưa tình, gã không mỉm cười đáp lại, bằng không giờ chắc khó mà thoát nổi thân, giống như bị Trịnh Thạch Như đeo bám từ nãy giờ vậy.

Họ Trịnh lặng lẽ dẫn gã đi ngang đi dọc trên phố, rồi rẽ vào một con đường ngang tương đối tĩnh lặng, sau đó trầm giọng nói: “Thứ cho tại hạ hỏi một câu đường đột, tại sao Từ huynh và Khấu huynh lại khăng khăng bảo sủng thiếp Bạch Thanh Nhi của Tiền Độc Quan là người của Âm Quý Phái vậy?”.

Từ Tử Lăng thầm nhủ đã tới lúc rồi, bèn dừng bước, thản nhiên hỏi lại: “Chúng ta đã nhầm sao?”.

Không biết có tiếng trống từ nhà nào truyền tới, một đám trẻ con cầm đèn lồng dung dăng đi chơi, không khí ngày tết tràn ngập khắp thành. Không ngờ Trịnh Thạch Như lại nói: “Y thị không những là người của Âm Quý Phái mà còn là sư muội của Loan Loan, địa vị cực cao, quan hệ phu thê với Tiền Độc Quan chỉ là bình phong che đậy thôi. Chuyện này vốn dĩ vô cùng bí mật, thật chẳng ngờ Từ huynh và Khấu huynh lại chẳng tốn chút công sức đã nhìn ra được”.

Từ Tử Lăng nhìn y với ánh mặt ngạc nhiên rồi đi thẳng vào vấn đề chính: “Vậy địa vị của Trịnh huynh trong Âm Quý Phái thế nào?”.

Sức nhẫn nại của gã đã đến cực hạn, không thể nào kiềm chế được nữa.

o0o

Khấu Trọng liên tiếp chém ra ba đao, đánh cho đám thủ hạ thất điên bát đảo, ngã bổ nhào bổ ngửa ra sân. Đúng lúc này thì thấy Trần Trường Lâm, Lạc Kì Phi, Trần Lão Mưu và Bốc Thiên Chí đến tìm gã, liền hạ lệnh: “Các ngươi tiếp tục luyện tập đi”.

Sau khi cùng chúng nhân ngồi xuống trong khách sảnh, gã mới cười cười nói: “Có phải đến mời ta đi thưởng nguyệt Trung Thu không?”.

Trần Lão Mưu nhìn mười mấy tên thân vệ do Khấu Trọng đích thân tuyển lựa từ số Giang Nam tử đệ binh của Trần Trường Lâm để huấn luyện, trầm trồ khen: “Thiếu Soái quả có tài luyện binh”.

Khấu Trọng ngước lên nhìn khoảng sân rộng sáng ánh trăng, nhớ tới bốn thủ hạ thân tín đã theo mình vận chuyển muối lên phía Bắc năm xưa, ba người đã thảm tử trong tay Âm Quý Phái, một người không biết hạ lạc nơi nào, trong lòng thầm cảm thấy chua xót, chỉ khẽ gật đầu đáp lại.

Lạc Kì Phi vừa mới trở về từ Thanh Lưu, trầm giọng nói: “Sau khi Đỗ Phục Uy về Thanh Lưu thì phái người đi mời Trầm Luân. Trầm Luân cũng đã biết y đột nhiên triệt thoái không công thành, nghi thần nghi quỷ, nên không dám đích thân đi gặp Đỗ Phục Uy mà chỉ phái thủ hạ đi thăm dò. Nghe nói Đỗ Phục Uy chỉ nói mấy câu với sứ giả của Trầm Luân rồi đuổi đi luôn”.

Khấu Trọng vỗ bàn nói: “Tên tiểu tử Trầm Luân này thật được việc quá”.

Kế đó gã lại ngạc nhiên nói: “Sao cả chuyện trong soái phủ của lão Đỗ mà Kỳ Phi cũng biết rõ vậy?”.

Lạc Kì Phi cười cười nói: “Có tiền thì sai khiến quỷ thần cũng được chứ nói gì con người, tại hạ có một đồng hương làm việc trong đó, mấy câu nói đổi một đĩnh vàng, thử hỏi có ai cự tuyệt được chứ?”.

Trần Trường Lâm hỏi: “Vậy bước tiếp theo phải làm sao?”.

Khấu Trọng dựa lưng vào ghế, nhàn nhã nói: “chúng ta không cần để ý đến Đỗ Phục Uy tiên phát chế nhân đối phó với Trầm Luân thế nào, chỉ cần tập trung hết quân lực phục sẵn trên đường lui quân của tên tiểu tử này, đợi hắn chạy về Giang Nam sẽ bất ngờ đột kích, vừa để Trường Lâm huynh tuyết cừu rửa hận, vừa có thể an toàn rút lui, cho Lý Tử Thông thu thập tàn cục. Đêm nay chúng ta không nghĩ gì nữa, chỉ thưởng trăng uống rượu, sáng sớm mai sẽ lập tức khởi trình. Tính tình lão Đỗ thế nào, ta là người rõ nhất, nhất định y sẽ tốc chiến tốc quyết, không để họ Trầm trở tay đâu”.

Chúng nhân liên đồng thanh đáp ứng.

Song mục Trần Trường Lâm sáng rực lên, cơ hồ đã nhìn thấy cảnh tượng Trầm Luân đầu lìa khỏi cổ.

Chọn tập
Bình luận