Phủ đệ của Độc Cô Phiệt nằm ở phía đông Tây Thị trong phường Quang Đức, nếu tính từ Dược Mã Kiều thì ở phía Tây Nam, quy mô to lớn, phòng ốc trùng điệp, phong cách khác hẳn với phủ đệ mới xây của Sa gia.
Do ấn tượng với việc nó nằm cô lập rất xa các biệt viện khác nên Khấu Trọng đã từng xem qua tư liệu của toà phủ đệ này. Bất quá trang viên này hoàn thành vào năm thứ sáu của Đại Tuỳ, tài liệu thất tán, nên đến giờ tại sao phủ đệ lại ở đây căn bản không ai biết rõ được.
Từ Sa phủ đến Độc Cô phủ chỉ mất khoảng thời gian uống một chén trà nóng. Khấu Trọng cố ý làm cho Độc Cô Phượng vui vẻ, trên đi cứ làm nhiều trò ngốc nghếch. Đến lúc xuống xe đứng trước chính viện, mọi người đều đã trở nên thân thiết.
Đã thành thói quen, Khấu Trọng đưa mắt ngắm kỹ càng cả toà nhà. Độc Cô Phượng ngạc nhiên nhận xét:
-Mạc tiên sinh đối với kiến trúc viên lâm quả thật quan tâm đặc biệt!
Sa Chỉ Tinh tán thêm vào:
– Mạc tiên sinh với Đại nhân Lưu Chánh Hội bên Công bộ có cùng sở thích, nên vừa mới quen nhau hai ngày đã trở thành bạn chí thiết.
Khấu Trọng thầm nghĩ “Cô nàng này sao lại có vẻ quan tâm đến chuyện của mình!”. Theo lý thì Thường Hà không bao giờ mang chuyện gã gặp ai làm gì ra kể lung tung. Không hiểu những tin tức đó Sa Chỉ Tinh nghe từ đâu. Khi nào có cơ hội gã phải tìm hiểu cho kỹ càng.
Độc Cô Phượng vui vẻ nói:
– Thì ra tiên sinh cũng là chuyên gia về phương diện này. Phượng nhi đối với kiến trúc lại không biết gì hết. Không hiểu tiên sinh có lời bình giải nào với Tây Ký Viên của nhà ta hay không?
Khấu Trọng thầm rủa hỏi giỏi thế, rồi khẽ hắng giọng đáp:
– Đây là phong cách kiến trúc của cựu Tuỳ, chính xác hơn là thời nhà Tuỳ mới thành lập. Vậy nên thủ pháp và phong cách vẫn còn hơi hướng của thời Nguỵ Tấn nam bắc.
Độc Cô Phượng không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:
– ời tiên sinh quả thật chính xác! Không hiểu so với kiến trúc đương thời ở đây thì có gì khác biệt?
Khấu Trọng thầm đáp chuyện này e rằng chỉ có Lão thiên gia hay Lưu Chánh Hội là biết rõ thôi, bèn thuận miệng trả lời cho qua chuyện:
– Mỗi một đại đô đều có thủ pháp kiến trúc và kiểu cách riêng, người trong nghề nhìn qua là biết.
Sa Chỉ Tinh vẫn nghĩ gã ngoài chuyện chữa bệnh ra không biết gì khác, giờ thấy vậy phải nhìn gã bằng con mắt khác. Nàng cất giọng khẽ hỏi Độc Cô Phượng:
– Tây Ký Viên của tỷ hoá ra có lịch sử từ lâu như vậy, muội lại cứ nghĩ là mới xây.
Độc Cô Phượng đáp:
– Vào năm Đại Tùy khai quốc thứ tám, nhà này là phủ đệ của đại thần đương triều Trần Củng. Trần Củng lại là thân tín của Dương Tố, vì vậy chức quan tuy không cao nhưng lúc đó lại vô cùng quyền thế.
Khấu Trọng giật mình thốt lên:
– Gì cơ?
Hai nàng ngạc nhiên nhìn gã.
Khấu Trọng biết mình lỡ lời. Thật may lúc này Độc Cô Phong đã tự thân ra đón nên gã không phải phí miệng lưỡi để giải thích. Gã liền lập tức chuyển sang ý nghĩ làm sao để chữa trị cho tốt căn bệnh hen suyễn của Vu Sở Hồng. Nếu lão bà tính nết cổ quái đó không muốn Mạc Thần y tiếp tục đến chữa cho nữa thì gã mất cơ hội đến đây tìm bảo tàng.
o0o
Từ Tử Lăng tìm xung quanh Đông Đại Tự một vòng vẫn không tìm thấy Ngọc Hạc Am của Sư Phi Huyên. Đang lúc trong lòng cảm thấy kỳ quái, gã bỗng thấy phía sau Đông Đại Tự có một con đường rất nhỏ, hai bên đường cây cối che phủ um tùm, khiến người ta cảm giác như có gì ẩn giấu ở phía sau.
Vừa có một đợt tuyết rơi, con đường nhỏ phủ đầy tuyết trắng, nếu không chú ý sẽ khó mà nhìn ra được.
Từ Tử Lăng đi vào con đường đó, âm thanh sột soạt phát ra sau mỗi bước chân.
Bỗng nhiên trước mặt gã sáng bừng lên, một toà miếu đường quy mô chỉ nhỏ tầm một phần tư của Đông Đại tự hiện ra trước mắt, thô mộc đơn giản nhưng sạch sẽ đến mức làm người ta có cảm giác không dính chút bụi trần.
Nếu như không phải đi tìm Sư Phi Huyên, Từ Tử Lăng tuyệt không có cái ý nghĩ quấy rối không khí thanh bình hoà hợp vô dục vô cầu của những người xuất gia bên trong.
Gã đi đến trước cổng, đúng lúc định gõ cửa bỗng cảm thấy có người ở trong đang đi ra.
Từ Tử Lăng thầm nghĩ sao lại khéo thế, đồng thời lùi lại ba bước để khi đối phương mở cửa thấy mình ở đó sẽ không bị
Cánh cổng mới mở ra một chút, một vị nam tử đã nghiêng mình lách ra. Mũ người đó không chỉ trùm kín đầu mà còn kéo xuống che cả mắt, nhìn một lúc cũng không thể thấy được diện mạo.
Cả hai đồng thời giật mình!
Từ Tử Lăng không nghĩ đi ra lại là một vị đại hán chứ không phải là một vị ni cô. Người kia thì không ngờ lại có người đứng ở ngoài cổng.
Vị nhân sĩ đội mũ đó đã sớm ngẩng mặt nhìn gã. Từ Tử Lăng cũng nhìn lại hắn.
Hai mắt gặp nhau, thân hình cả hai đồng thời rung lên.
Người kia ngạc nhiên hô:
– Tử Lăng!
Từ Tử Lăng nhăn nhó, không biết nên cười hay nên khóc đáp:
– Thật khéo lại là Thế Dân huynh!
Không ngờ người đó lại là con trai của Lý Uyên, Tần Vương Lý Thế Dân.
o0o
Khấu Trọng đặt ba ngón “tam chỉ thiện” của mình lên cánh tay gầy trơ xương của Vu Sở Hồng. Trong ánh mắt chăm chú của Độc Cô Phong, Độc Cô Phượng, Sa Chỉ Tinh, Độc Cô Sách cùng với mấy người con cháu nhà Độc C, gã đưa mắt quan sát kỹ thần sắc của Lão thái bà.
Nét mặt Vu Sở Hồng giờ không giận dữ giống như ngày nào gã gặp ở Lạc Dương. Chỉ thấy hai mắt trũng sâu, hơi thở hổn hển, bộ dạng vô cùng khốn khổ vì phải chịu đựng căn bệnh hen suyễn lâu ngày.
Đây là Vu Sở Hồng, không phải là Trương Tiệp Dư. Khấu Trọng nếu không cẩn thận, sẽ bị mụ ta nhìn ra hư thật.
Độc Cô Phong tỏ ra rất có hiếu với bà mẹ giảo hoạt nổi tiếng này, y cất giọng quan tâm:
– Mạc tiên sinh, bệnh tình của mẹ ta phải chăng rất khó chữa?
Khấu Trọng lên tiếng hỏi:
– Bệnh hen suyễn này của lão phu nhân bị từ khi nào?
Vu Sở Hồng chầm chậm mở mắt, cất giọng hữu khí vô lực trả lời:
– Đã từ ba mươi năm về trước. Chân khí của tiên sinh quả thật rất thuần chính, không hiểu là nội gia chân khí của gia phái nào?
Độc Cô Sách lớn tiếng nói:
– Công phu của Mạc tiên sinh vốn là gia truyền tuyệt học. Thúc thúc của ngài đây là thần y nổi tiếng một cõi nam phương.
Khấu Trọng thầm nghĩ tiểu Sách quả thật thông minh, đoạn thập phần tin tưởng nhận định:
– Bệnh hen suyễn của lão phu nhân chính thật là do luyện công mà ra!
Vu Sở Hồng gật đầu:
– Tiên sinh nói rất đúng. Bệnh này của lão thân là do năm đó luyện Phi Phong Trượng Pháp, bị nhầm lẫn một chút. Mới đầu ta hoàn toàn không để ý đến, chỉ nghĩ là chuyện tạm thời, ai ngờ cuối cùng lại dẫn đến cảnh không thể chữa trị thế này. Những năm nay thật vô cùng khổ sở.
Nội gia chân khí của Khấu Trọng phần lớn là do bản thân tham cứu mà thành, với nội thể kinh mạch của con người rõ như lòng bàn tay. Vì vậy gã nói rất tự tin:
– Phi Phong Trượng Pháp của lão phu nhân lấy thập nhị chính kinh làm chủ, kỳ kinh bát mạch làm phụ, tương phản ngược lại với đa số lấy kỳ kinh bát mạch làm cơ sở nội công chủ yếu. Bệnh này có nguyên nhân từ đó!
Sa Chỉ Tinh thành khẩn thỉnh giáo:
– Thập nhị chính kinh với kỳ kinh bát mạch có quan hệ thế nào?
Đứng xung quanh có không ít đại hành gia về khí công nội gia, nhưng không ai dám đảm bảo trả lời được câu hỏi đó. Bởi vì ai ai cũng cứng nhắc theo đúng pháp quyết mà tu luyện, chỉ đơn giản là đi theo mà không thật hiểu tại sao lại phải như thế, nói chi đến chuyện hiểu được quan hệ giữa hai loại kinh mạch bất đồng tính chất này.
Kiến thức của Khấu Trọng về phương diện này hoàn toàn giống như người mù cưỡi ngựa loà, gặp đâu nói đấy không hề gượng ép, toàn bộ đều dựa vào sự đúc kết từ kinh nghiệm bản thân mà thôi.
Gã mỉm cười giải thích:
– Đề cập đến kỳ kinh bát mạch chính là nói tới nhâm, đốc, trùng, đái, dương khiêu, âm khiêu, dương duy, âm duy, tám mạch cả thảy. Đã không phải là thường, lại cũng không phải chính kinh âm dương, vì vậy mới gọi là kỳ.
Độc Cô Phượng trên mặt hiện ra thần sắc khâm phục tôn kính nói:
– Tiên sinh y luận cao minh, làm người ta phải bội phục.
Khấu Trọng nhân đó thừa cơ triển khai thực lực:
– Khí huyết tuần hoàn lưu trú trong thập nhị chính kinh, di chuyển vòng khắp để duy trì trạng thái bình thường của cơ thể. Nếu khí huyết mạnh quá, kinh mạch bị đầy, sẽ tràn vào trong bát kinh, chia nhau cùng chạy, hoá thành kỳ kinh. Chà! Lấy ví dụ thế này, chính kinh giống như sông, kỳ kinh tựa như ao hồ. Sông đầy thì nước chảy vào ao hồ, sông cạn thì nước ao hồ chảy ngược ra, có tác dụng tương hỗ điều tiết cho nhau. Bệnh hen suyễn của lão phu nhân chính là do thập nhị chính kinh và kỳ kinh bát mạch không thể hợp tác điều hoà, gây họa trong phổi, mỗi năm một tích tụ, dần dần mới thành ra bệnh này.
Vu Sở Hồng rùng mình hỏi:
– Bệnh đã bao nhiêu năm rồi, còn có thể chữa trị được không?
Trong sự mong đợi của mọi người, Khấu Trọng đáp:
– Lão phu nhân cứ yên tâm, chỉ cần tiểu nhân phóng châm vài lần, tìm ra phương pháp điều tiết cân bằng. Lão phu nhân theo đó tự mình cải biến tình huống vậnmạch trong người, đảm bảo sẽ thấy kết quả.
Mọi người nghe vậy đều đại hỷ trong lòng.
Độc Cô Phong nói:
– Có Mạc tiên sinh xuất nhân cứu thế, đúng là phúc khí của người trong thiên hạ.
Khấu Trọng lấy hộp đồng đựng châm ra rồi cất tiếng:
– Sau khi tiểu nhân thi châm xong, đảm bảo tối nay Lão phu nhân có thể thoải mái ngủ ngon. Sáng mai tiểu nhân lại tiếp tục đến trị bệnh, sau đó do có việc khẩn cấp nên phải đi luôn, mong các vị lượng thứ.
Trong lòng gã mừng thầm vì từ người Vu Sở Hồng, Khấu Trọng đã nhận ra bí mật sâu xa của thập nhị chính kinh, với đao pháp của gã có tác dụng rất lớn, lợi ích thật khó mà kể hết được.
o0o
Hai người không ngờ lại gặp nhau mặt đối mặt trong tình huống như vậy. Lý Thế Dân là người lấy lại chủ động trước tiên, cất tiếng hỏi:
– Tử Lăng đến tìm Sư cô nương?
Từ Tử Lăng lúng túng gật đầu, gượng gạo nói:
– Hoá ra tối qua huynh quả đã nhận ra ta rồi.
Lý Thế Dân gật đầu rồi
– Bọn ta hãy vào trong cái đã…
Nói rồi quay đầu mở rộng cửa, dẫn Từ Tử Lăng đi vào bên trong.
Hai vị ni cô đang quét tuyết trong sân. Lão ni cô đứng đầu chủ trì am môn đang đứng trên bực thềm, đưa nhãn quang hiền từ nhìn hai người như có ý hỏi.
Lý Thế Dân hiểu ý nói:
– Thường Thiện Sư Thái chớ thấy Thế Dân quay lại mà lấy làm lạ. Vì ta gặp lại một vị hảo bằng hữu nên định mượn tĩnh thất của quý am nói chuyện vài câu.
Thường Thiện Sư Thái không hề tỏ ra ngạc nhiên, cũng chẳng cần cần tra hỏi thêm, bà từ tốn nói:
– Xin mời hai vị thí chủ đi theo lão ni.
Thường Thiện ni cô dẫn hai người đi qua miếu đường, đưa họ vào ngồi trong phòng khách bên trái trung viện, rồi an nhiên ly khai.
Sau khi cả hai ngồi xuống, Từ Tử Lăng tháo bỏ mặt nạ, đoạn hỏi:
– Sư tiểu thư hiện không ở đây sao?
Hai mắt Lý Thế Dân ánh lên thần sắc phức tạp, lắc đầu trả lời:
– Tiên giá của nàng ra ngoài chưa về, cũng không ai biết khi nào thì nàng sẽ quay lại.
Từ Tử Lăng thầm kêu hỏng bét, sau đó c1;i khổ hỏi tiếp:
– Thế Dân huynh chuẩn bị đối phó với bọn ta thế nào?
Lý Thế Dân thở dài:
– Đó là vấn đề của Kiến Thành Thái Tử và Tề Vương Nguyên Cát, không liên quan gì đến Lý Thế Dân ta.
Từ Tử Lăng nhớ lại chuyện ngày xưa Lý Thế Dân ở Lạc Dương chỉ thị cho thủ hạ truy sát bọn gã, tự thấy rất khó phục hồi lại quan hệ với y như ngày trước bèn nói:
– Thế Dân huynh vì việc gì mà lại phải đi tìm Sư tiểu thư? À, chuyện này quả là không nên hỏi.
Lý Thế Dân lắc đầu đáp:
– Tử Lăng không nên tị hiềm điều gì. Ta vì tình thế bất diệu nên phải tìm Sư cô nương để tâm sự. Nàng là người duy nhất có thể làm tâm tình ta bình hoà trở lại. Có điều ta không nghĩ Tử Lăng và nàng ấy có quan hệ mật thiết thế này.
Từ Tử Lăng trầm ngâm một hồi rồi quả quyết:
– Nếu như Thế Dân huynh chịu đáp ứng không đối phó với ta và Khấu Trọng ở Trường An này, nói không chừng bọn ta có thể giúp huynh ứng phó với đại hoạ đã đến sát mi mắt.
Lý Thế Dân thay đổi nét mặt thốt:
– Điều kiện đó bao gồm cả việc để mặc cho hai người tìm kiếm bảo tàng?
Từ Tử Lăng khôi phục lại vẻ lạnh lùng đáp:
– Chẳng nhẽ Thế Dân huynh bất tài đến mức sợ việc Khấu Trọng có bảo khố trong tay sao? Sự việc có mức độ khẩn yếu khinh trọng khác nhau, so ra thì Dương Công bảo khố chỉ là tiểu sự mà thôi.
Lý Thế Dân hào khí nổi lên, bèn cười ha hả nói:
– Nghe qua ngữ khí của Tử Lăng, tựa như sau khi Khấu Trọng có được bảo khố, Tử Lăng sẽ không tham gia vào thiếu soái quân của gã. Nếu quả đúng như vậy, Khấu Trọng có bảo khố trong tay cũng chẳng có gì đáng ngại. Bất quá ta có một điều này phải nói rõ trước, lúc Khấu Trọng mang bảo tàng rời Trường An, cũng là thời khắc ta triển khai toàn lực đối phó với hắn.
Từ Tử Lăng đáp:
– Vậy là một lời đã định! Thế Dân huynh chắc cũng tự biết mình là mục tiêu chủ yếu trong âm mưu của các thế lực liên thủ to lớn rồi chứ?
Lý Thế Dân ngạc nhiên nói:
– Tử Lăng đến Trường An nhiều lắm là vài ngày! Sao hiểu tường tận việc ở Trường An chẳng kém gì tiểu đệ vậy?
Từ Tử Lăng trả lời:
– Chuyện này nói thì rất dài. Giả thiết ta tính không sai, sắp tới trong thành Trường An sẽ có đại biến. Lần này nếu Thế Dân huynh ứng phó không được, thiên hạ Lý gia nhà huynh sẽ chia năm xẻ bảy, vĩnh viễn không hồi phục lại nguyên khí.
Lý Thế Dân biến sắc:
– sự việc lại nghiêm trọng đến thế!
Từ Tử Lăng lại hỏi:
– Thời gian sắp tới, Thế Dân huynh nếu ly khai Trường An sẽ đi đến đâu vậy?
Lý Thế Dân lắc đầu than:
– Tại tình thế hiện thời, ta dù có muốn xuất chinh, phụ hoàng cũng không đáp ứng. Hoàng huynh cũng tìm cách gây trở ngại.
Từ Tử Lăng tỏ vẻ đôi chút ngạc nhiên:
– Chuyện này thật kỳ quái. Theo lý mà nói, lệnh huynh nếu muốn trực tiếp khởi sự thì cũng khó mà phát động ở trong thành nội được.
Lý Thế Dân giật mình thốt:
– Ta đã hiểu ý tứ của Từ Tử Lăng rồi. Nếu muốn lợi dụng lúc ta rời thành để đối phó, sắp tới sẽ có một cơ hội cực tốt.
Từ Tử Lăng tinh thần đại chấn.
Lý Thế Dân nói tiếp:
– Hàng năm cứ vào mồng ba Tết, phụ hoàng đều được ta và Nguyên Cát tháp tùng ra Chung Nam Sơn săn bắn. Thái tử theo đúng thông lệ sẽ ở lại Trường An phòng thủ. Sau khi đến Chung Nam Sơn, bọn ta trú tại Nhân Trí Cung. Nơi đó rất khó phòng thủ. Nếu địch nhân tấn công lúc ta không phòng bị, dù quân ta có nhiều, cơ hội thành công của địch quả là rất lớn.
– Âm mưu của địch nhân khẳng định chính là như vậy.
Lý Thế Dân cười lạnh:
– Giờ âm mưu đã bị ta nắm được, bọn họ nên bỏ cái vọng tưởng sẽ được thành công đi.
Từ Tử Lăng nhận định:
– Chuyện này quan hệ trọng đại, Thế Dân huynh tuyệt không thể khinh tâm. Bất quá nếu bố trí ổn thoả, huynh nói không chừng có thể xoay chuyển được hình thế hiện nay, thậm chí còn lên được ngôi vị Thái tử.
Lý Thế Dân hai mắt loé sáng đầy hy vọng:
– Tiểu đệ xin rửa sạch tai lắng nghe, mong Tử Lăng đem tất cả mọi sự từ đầu nhất nhất nói ra, để ta có thể nắm rõ hơn.