Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đại Đường Song Long Truyện

Chương 648: Hộ Pháp cửa Phật

Tác giả: Huỳnh Dị
Chọn tập

Khấu Trọng và Bạt Phong Hàn nằm phục trên một đỉnh núi bờ bắc Đại Hà nhìn theo đoàn thuyền gần mười chiếc của quân Đường từ Hoàng Hà tiến vào kênh Thông Tế. Toàn bộ là những chiến thuyền nhỏ có tính cơ động cao. Binh lính trên thuyền đề cao cảnh giác, bộ dạng sẵn sàng tùy cơ ứng biến.

Dưới ánh nắng vàng dịu của mặt trời mùa thu sau giờ Ngọ, những cánh buồm phản chiếu lấp lánh, khí thế hừng hực như thể chiến thuyền quân Đại Đường ta tung hoành vô địch.

Khấu Trọng hít một hơi khí lạnh nói:

– Chẳng lẽ Lý Thế Dân tính toán như thần đến mức này, biết bọn ta sẽ trở về Bành Lương nên phái quân đến chặn đánh trước một bước?

Bạt Phong Hàn mỉm cười đáp:

– Kẻ nào có thể chặn nổi bọn ta? Ồ! Lại có thuyền tới.

Khấu Trọng nhìn về khúc sông phía Tây của Đại Hà. Chỉ thấy trùng trùng bóng buồm hiện ra. Hơn hai mươi chiếc thuyền lớn bọc đồng lừ lừ tiến tới. Được hơn mười chiến thuyền nhỏ hộ vệ, đoàn thuyền này bám theo cánh quân tiên phong, chầm chậm tiến vào kênh Thông Tế.

Thuyền lớn chở đầy binh lính, mớn nước cực sâu.

Hai gã bốn mắt nhìn nhau. Lại có hơn năm mươi chiếc gồm lâu thuyền chở binh lính và thuyền chở đầy lương thảo xuất hiện. Khoá đuôi là hơn mười chiến thuyền loại nhỏ.

Rợn tóc gáy nhìn đám cờ xí đang tung bay phần phật trên những chiến thuyền lớn, Khấu Trọng cười khổ:

– Đây chính là cánh quân có thể tác chiến cả trên bộ và trên sông. Ôi mẹ ơi, không phải Lý Thế Dân định đánh phá Trần Lưu đấy chứ?

Bạt Phong Hàn im lặng tính toán một hồi rồi than:

– Phản công đại kế của ngươi có thể sẽ khai tử ở đây. Lý Thế Dân quả là dụng binh như thần, chỗ nào cũng chiếm hết tiên cơ. Cánh quân này phải tới ba vạn người, dưới sự chi viện hùng hậu của thủy sư, lại có thành Khai Phong nằm sát đường sông làm bộ tổng chỉ huy, tiến có thể công, thoái có thể thủ. Tệ nhất thì cũng thừa sức phong tỏa Vận Hà, cắt đứt bất kỳ cánh quân nào của ngươi định ngược Bắc. Nói thật, khả năng ngươi có thể giữ vững được Trần Lưu khá mong manh. Đối phương thuận dòng nước tấn công, ngươi phải phòng thủ ngược dòng. Hơn nữa Lý Thế Tích lại là mãnh tướng thân kinh bách chiến, tình hình bọn ta bất lợi phi thường.

Khấu Trọng không hiểu hỏi:

– Phải chăng Lý Thế Dân quá coi thường Đậu Kiến Đức rồi? Cánh thủy sư tinh nhuệ này nếu tiếp tục đi về phía Đông để bảo vệ các thành Ngưu Khẩu Chử, Bản Chử, Huỳnh Dương và Hà Âm thì mới hợp lý, chứ nếu để đối phó với Thiếu Soái quân của ta thì chẳng phải giết gà dùng dao mổ trâu sao?

Bạt Phong Hàn lắc đầu đáp:

– Làm sao có chuyện Lý Thế Dân chủ quan khinh địch được. Chắc chắn hắn sẽ có thủ đoạn khác để đối phó với đại quân của Đậu Kiến Đức.

Khấu Trọng giật mình nói:

– Ta hiểu rồi!

Bạt Phong Hàn ngạc nhiên hỏi:

– Ngươi hiểu cái gì?

Khấu Trọng trầm giọng:

– Ta đã hiểu sách lược đối phó Đậu Kiến Đức của Lý tiểu tử. Tối hôm nọ khi chúng chặn đường bọn ta ở Đại Hà đã sớm lộ đuôi chồn ra rồi. Chúng sẽ đóng quân ở Hổ Lao để chống Đậu Kiến Đức. Ài! Lý tiểu tử quả là có tài làm đại tướng, mặc cho Đậu Kiến Đức vượt sông đánh chiếm các thành phía Đông và Tây của Hổ Lao, nhưng chỉ cần hắn nắm được quyền khống chế Đại Hà thì ta không thể ngược Bắc. Đại quân Đậu Kiến Đức sẽ trở thành một cánh quân đơn độc đi sâu vào đất địch. Hạ quân sau khi trải qua các trận đánh thành liên miên không thể tránh khỏi bị tổn hao lực lượng, người ngựa mệt mỏi. Đến lúc đó lại bị Lý Thế Dân phái quân bao vây phía sau, cắt đứt đường lương thảo, lòng quân tất sẽ dao động. Lý tiểu tử đang đứng trước cơ hội một trận mà đại phá toàn bộ Hạ quân.

Bạt Phong Hàn biến sắc:

– Vậy phải làm sao đây? Có cần ta đi cảnh báo Đậu Kiến Đức không?

Khấu Trọng than:

– Hiện giờ lão ta tự tin tuyệt đối, dù ngươi nói gì cũng không lọt tai lão đâu. Đặc biệt nếu lời khuyến cáo lại do ta nói ra, có thể Đậu Kiến Đức còn cho rằng ta muốn hãm hại lão nữa. Ài! Vượt qua sông rồi hãy tính! Nếu không giữ được Trần Lưu, để thủy sư Đại Đường xuôi Nam đến Giang Đô thì Thiếu Soái quân của ta sẽ bị Lý Thế Tích nhổ sạch gốc rễ, kết thúc còn sớm hơn Lạc Dương nữa!

Bạt Phong Hàn đứng bật dậy nói:

– Việc không nên chậm trễ, bọn ta lập tức đi ngay!

o0o

Từ Tử Lăng từ từ lên núi, trong lòng thư thái tĩnh lặng.

Tiếng chuông khóa kinh tối từ trên đỉnh núi vẫn còn nhuộm hồng bởi ráng chiều vọng xuống. Mỗi tiếng chuông như một tiếng chân ngôn làm người nghe thức tỉnh sâu sắc, thấu vào tận phế phủ Từ Tử Lăng.

Phật giáo là một tôn giáo hòa bình. Giả như toàn thể mọi người đều tin tưởng và đi theo Phật giáo thì thiên hạ đã thái bình vô sự rồi. Nhưng việc đó vĩnh viễn không thể biến thành sự thật. Dưới sự lộng hành của quần ma thì Phật Đạo hai nhà chỉ còn cách liên thủ chống lại, vệ đạo trừ ma.

Có điều việc tranh đấu đã phạm vào giáo lý của Phật môn, nên mỗi đời Từ Hàng Tịnh Trai đều tuyển chọn một truyền nhân siêu quần bạt tụy nhất để gánh vác trọng trách đó, khiến cửa Phật vẫn không hề bị cuốn vào trường mưa gió máu tanh trên trần tục.

Sóng gió Lạc Dương không hề ảnh hưởng tới sự bình yên của Tịnh Niệm Thiền Viện. Tuy nhiên nếu người Đột Quyết kéo đến xâm lăng thì lại là chuyện khác. Có thể thấy trách nhiệm nặng nề trên vai Sư Phi Huyên là ngoài việc mưu cầu hạnh phúc cho vạn dân thì còn phải bảo vệ cửa Phật.

Ài, Sư Phi Huyên!

Từ Tử Lăng hy vọng Sư Phi Huyên đang ngồi trong thiền viện chờ đợi mình tới giống như lần trước biết bao. Gã sẽ đem hết những mâu thuẫn và thống khổ trong lòng thổ lộ với nàng, để nàng chỉ cho gã một con đường sáng. Nhưng Từ Tử Lăng cũng biết mình không còn cơ hội gặp lại nàng nữa. Suy nghĩ này làm cõi lòng gã đau đớn.

Bậc đá đã hết, Từ Tử Lăng lên tới đỉnh núi. Khoảng sân rộng trước Đại Hùng bảo điện không một bóng người. Các nhà sư trong viện đang tụ tập ở pháp trường trước đồng điện. Tiếng tụng kinh gõ mõ tràn ngập không gian.

Từ Tử Lăng thu hết tâm tình, chắp tay sau lưng tiến vào.

Một người thần nhàn khí định từ trong Đại Hùng bảo điện chầm chậm đi ra rồi bước xuống đài. Đó chính là Liễu Không, trụ trì Tịnh Niệm Thiền Viện. Thần sắc lão bình tĩnh, miệng mỉm cười, dường như đã chờ đợi gã lâu rồi.

Từ Tử Lăng trong lòng run lên, cảm giác thân thiết dâng tràn đến mức bản thân mình cũng không hiểu nổi, giống như một đứa con lưu lạc bên ngoài đã lâu, chịu bao đau khổ thất bại, giờ trở về nhà gặp người thân, cảm giác thương nhớ trào dâng muốn khóc. Gã ngây người đứng lại.

Bước đến trước mặt gã, Liễu Không chắp tay trước ngực nói:

– Tử Lăng khỏe chứ?

Từ Tử Lăng gượng cười đáp:

– Như đại sư mới thực là tốt, chứ tiểu tử thì không đáng nhắc tới.

Khẽ niệm Phật hiệu, Liễu Không cất giọng hiền từ:

– Mời Tử Lăng theo ta.

Từ Tử Lăng theo sau vị kỳ nhân trong cửa Phật, người có khả năng hồi phục vẻ thanh xuân đã mất, vòng qua Đại Hùng bảo điện, men theo quảng trường đang tụ tập đầy các nhà sư tiến vào sâu bên trong.

Quần tăng đang tụng kinh dường như hoàn toàn không biết đến sự có mặt của gã, chẳng ai lộ vẻ chú ý.

Không dám quấy nhiễu sự thanh tịnh của họ, đến khi bước vào con đường nhỏ lát đá hai bên trồng tre trúc gã mới cất tiếng hỏi:

– Có vẻ như đại sư biết ta sẽ tới đúng không?

Liễu Không thản nhiên đáp:

– Có thể cho là như vậy. Lúc nãy ta đang ngồi đả tọa trong thiện thất bỗng nhiên phát sinh tục niệm, không nhịn được mới đi ra cổng. Chẳng ngờ lại gặp Tử Lăng.

Sau khi vượt qua khu tăng xá, Từ Tử Lăng tiếp lục bước chân trên con đường nhỏ hai bên vách đá khắc đầy tượng Phật và phù điêu. Gã không khỏi bị không khí thâm u đặc dị của Phật đạo ảnh hưởng, khiến bản thân quên hết ưu tư, phát sinh cảm giác đã rời xa phàm trần.

Từ Tử Lăng khẽ thở dài rồi nói:

– Lần này vãn bối đến bái kiến là hy vọng đại sư truyền tin tới Sư Phi Huyên giúp. Xin hãy cho nàng biết Từ Tử Lăng chẳng những đã phụ sự uỷ thác của nàng, mà đồng thời còn hủy lời hứa không can thiệp vào cuộc đấu tranh giữa Khấu Trọng và Lý Thế Dân.

Liễu Không khẽ niệm Phật hiệu nhưng không trách móc gì. Lão dẫn gã đi thẳng tới Phương trượng viện ở bờ vực, nhưng thay vì đi vào lại rẽ sang con đường nhỏ bên phải dẫn tới một khu rừng trúc. Khi đến bên ngoài rừng, nơi có thể nhìn thấy thấp thoáng những chỗ cao của thành Lạc Dương ở phía chân trời, lão mới dừng lại.

Không dám quấy nhiễu, Từ Tử Lăng cẩn thận bước khẽ đến bên cạnh lão. Gió đêm ào ào thổi tới làm quần áo hai người bay phất phới.

Ánh đèn lửa Lạc Dương thấp thoáng xa xa mang một nét thê lương khó tả.

Liễu Không điềm đạm nói:

– Phi Huyên đã sớm dự đoán sự việc sẽ phát triển như thế. Con bé còn cho rằng nếu điều đó xảy ra, khẳng định không phải vì ngươi không gạt được tình huynh đệ với Khấu Trọng sang một bên, mà vì ngươi nhận thấy đó là việc phù hợp nhất đối với hạnh phúc của vạn dân thiên hạ.

Từ Tử Lăng ngây người hỏi:

– Phi Huyên quả đã nói những lời đó sao?

Liễu Không mỉm cười khoan thai đáp:

– Phật môn không đặt điều. Tử Lăng cho rằng ta nói dối để an ủi ngươi sao?

Từ Tử Lăng tỏ vẻ áy náy:

– Xin đại sư đừng trách! Chỉ là… Ài! Chỉ là Phi Huyên lựa chọn Lý Thế Dân để kế thừa Hòa Thị Bích, vậy mà vãn bối lại đối địch với y, dường như đã ngược lại ý của nàng rồi.

Liễu Không mỉm cười hỏi:

– Hòa Thị Bích ở đâu?

Từ Tử Lăng ngớ người không đáp lại được.

Liễu Không nhìn gã với ánh mắt thâm thúy không thể đo lường. Nét mặt trang nghiêm, lão bình tĩnh nói:

– Muốn tháo chuông phải do người buộc chuông. Việc tương lai không ai có thể dự đoán được. Bọn ta là người của cửa không, chẳng thể trực tiếp tham gia vào trường đấu tranh cừu sát trong trần thế, vì vậy chỉ có thể lựa chọn những dũng sỹ có năng lực để làm Hộ pháp cho cửa Phật.

Từ Tử Lăng giật mình nói:

– Lý Thế Dân chắc là người mà Phi Huyên lựa chọn.

Liễu Không lắc đầu đáp:

– Lý Thế Dân chỉ là người mà Sư Phi Huyên cho rằng có thể mưu cầu hạnh phúc cho vạn dân thiên hạ một cách chu toàn nhất. Hộ pháp là một kỳ nhân khác, người này chính là Từ Tử Lăng ngươi đó.

Từ Tử Lăng thất thanh hỏi:

– Cái gì?

Liễu Không mỉm cười giải thích:

– Chẳng những quyết định này của Sư Phi Huyên không gặp bất kỳ sự phản đối nào trong cửa Phật, ngoài ra còn được cả Ninh Đạo Kỳ đồng tình. Tử Lăng được Chân Ngôn Đại sư truyền pháp không phải chuyện ngẫu nhiên, mà rõ ràng có sức mạnh của chữ duyên hấp dẫn. Đó chính là duyên phận! Có nhân sẽ có quả, có quả tất phải có nhân, nhân quả tuần hoàn. Khổ hải vô biên, Tử Lăng ngụp lặn trong bể khổ tất sẽ có ngàn vạn nỗi đắng cay phiền não. Nhưng chỉ cần giữ vững được chính nghĩa, khổ thì đã sao, sung sướng sẽ thế nào?

Trong lòng Từ Tử Lăng suy nghĩ trào dâng như sóng cồn. Mình lại là người Hộ pháp cho cửa Phật mà Phi Huyên lựa chọn sao? Rốt cuộc là chuyện gì đây? Gã nhất thời hồ đồ trước muôn vàn tâm sự. Sư Phi Huyên đã đánh giá gã quá cao rồi!

Từ Tử Lăng nhíu mày hỏi:

– Phải chăng đây là một sự hiểu lầm? Nàng ấy chưa từng nói với vãn bối dù chỉ một chút về chuyện này.

Liễu Không đáp:

– Phải cũng thế, không phải cũng thế, nói đến làm gì!

Từ Tử Lăng vẫn thắc mắc:

– Cho đến giờ dường như vãn bối phá hoại nhiều hơn là bảo vệ. Ài! Nói thế nào đây? Phi Huyên luôn trách vãn bối không thuyết phục được Khấu Trọng rời khỏi cuộc phân tranh, vậy mà giờ đây chính bản thân vãn bối cũng lại tham gia vào. Nếu quả thực Phi Huyên từng lựa chọn vãn bối làm Hộ pháp thì sau khi biết tình hình lúc này tất sẽ thu hồi quyết định. Điều nàng không muốn trông thấy nhất đã xảy ra. Một khi Tống Khuyết ngược Bắc, thiên hạ sẽ rơi vào thế Nam Bắc giằng co. Cuộc sống thanh bình không biết đến năm nào tháng nào mới có.

Liễu Không thấp giọng niệm hai tiếng “thiện tai” rồi chậm rãi nói:

– Chuyện đời vô cùng phức tạp. Ai có thể bằng vào trí tuệ nhỏ nhoi của mình mà dự đoán được tương lai biến hóa khôn lường? Người ta chỉ có thể dựa vào nhận định của bản thân mà lựa chọn. Tử Lăng hãy nghe theo sự mách bảo của trái tim mình, không cần lo lắng chuyện gì khác. Ngươi phiền não với tình hình hiện tại chỉ vì thời cơ để hòa bình và thống nhất chưa xuất hiện mà thôi. Khi thời cơ tới Tử Lăng sẽ tự hiểu. Lão nạp dừng lời ở đây. Phi Huyên tuy thân ở Tịnh Trai nhưng lòng lại ở giang hồ, không có chuyện gì giấu được con bé hết. Tử Lăng đi đi!

o0o

Khấu Trọng và Bạt Phong Hàn về tới Trần Lưu. Một việc vui mừng ngoài ý liệu là Hư Hành Chi đã sớm điều binh khiển tướng, gọi Tuyên Vĩnh và một vạn năm ngàn Thiếu Soái quân tới tăng cường sức phòng thủ của Trần Lưu. Không những dụng cụ thủ thành được bổ sung, hắn còn ngày đêm không nghỉ, nhanh chóng xây dựng tám tòa thạch trại ở những nơi hiểm yếu và địa điểm chiến lược bên ngoài thành. Sỹ khí dâng cao, quân dân đồng tâm phấn đấu vì sự tồn vong.

Ngoài Tuyên Vĩnh và hai phó tướng đắc lực của y là Cao Chí Minh và Chiêm Công Hiển, còn có thủy sư của Thiếu Soái quân do Bốc Thiên Chí chỉ huy gồm ba chiến hạm lớn, hai mươi bốn chiếc Phi Luân thuyền và ba chục chiến hạm đi biển cũng sẵn sàng bảo vệ một dải thủy đạo của Trần Lưu.

Thêm vào ba ngàn quân thủ thành của Trần Trường Lâm, tổng binh lực của Thiếu Soái quân đạt khoảng hai vạn người. Tuy không đủ để tấn công Khai Phong nhưng thừa sức giữ vững trận cước.

Ra ngoài đón bọn gã là Tuyên Vĩnh và Lạc Kỳ Phi. Vì cây cối xung quanh Trần Lưu đã bị đốn trụi, tạo thành khu vực trống trải nên khi hai gã cách thành năm dặm đã bị lính trên những tháp canh đặt ở khu vực núi cao gần đó phát hiện, dùng khói báo tin cho bọn Tuyên Vĩnh trong thành.

Sau khi giới thiệu Bạt Phong Hàn với Tuyên Vĩnh và Lạc Kỳ Phi, Khấu Trọng hỏi với vẻ ngạc nhiên:

– Các ngươi phải chăng đã bói nên biết trước rồi, hiểu Lý Thế Dân sẽ phái binh tới đánh Trần Lưu nên đã chuẩn bị sẵn sàng sớm một bước?

Tuyên Vĩnh vui vẻ đáp:

– Bọn thuộc hạ làm gì có năng lực đó. Nhưng phải bội phục sự thông minh của Hư quân sư. Sau khi Thiếu Soái đi rồi, quân sư đến Chung Ly họp bàn với bọn thuộc hạ. Ông ấy cho rằng Lý Tử Thông không đáng lo ngại, có thể đưa trọng binh về đóng ở Lương Đô và Trần Lưu để ứng phó bất cứ đột biến nào. Khi Thiếu Soái cần có thể lập tức xuất binh đánh Hổ Lao hoặc chi viện cho Lạc Dương. Nếu không thì làm sao mà dễ dàng bố trí như thế này được.

Bạt Phong Hàn nhảy lên lưng con chiến mã do binh sỹ dắt tới. Hắn cười rồi nói:

– Hư quân sư của ngươi phải thăng chức lên làm Hư quốc sư mới đúng.

Khấu Trọng cười rộ hòa theo:

– Có lý lắm! Hành Chi tính toán quả thực chu đáo hơn ta nhiều.

Gã lại hỏi Lạc Kỳ Phi:

– Phía Khai Phong có động tĩnh gì không?

Lạc Kỳ Phi cung kính đáp:

– Sau khi đội viện quân thủy sư Đại Đường tới Khai Phong liền án binh bất động tạo thành thế đối mặt với chúng ta. Bọn thuộc hạ đang không biết nên công hay thủ thì may là Thiếu Soái trở về chủ trì. Vậy là không cần phiền não tranh luận việc nên thủ hay công nữa.

Khấu Trọng ngạc nhiên hỏi:

– Ai là người chủ chiến?

Tuyên Vĩnh thản nhiên đáp:

– Là thuộc hạ. Quân Hạ tập kết ở Vũ Trắc, bất cứ lúc nào cũng có thể vượt sông. Chúng ta nếu không phối hợp sẽ mất cơ hội tốt.

Khấu Trọng lộ vẻ suy nghĩ. Đoạn gã nhảy lên ngựa, mỉm cười rồi giơ ngón tay cái lên khen:

– Không hổ là mãnh tướng hàng đầu của Thiếu Soái quân chúng ta. Đối mặt với cường địch mà không khiếp sợ. Còn chủ trương phòng thủ là ai?

Vừa nói gã vừa giục ngựa tiến lên.

Mọi người thúc ngựa đi theo. Tuyên Vĩnh đáp:

– Là Hư quân sư. Ông ấy nói trước hết cần liên lạc với Thiếu Soái, nắm rõ tình hình rồi mới quyết định bước tiếp theo. Nếu không, một khi thua trận, địch nhân theo Vận Hà xuống phía Nam, Thiếu Soái quốc sẽ bị bạt tận gốc rễ. Thuộc hạ cũng tán thành ý kiến này của quân sư.

Khấu Trọng vui mừng nói:

– Các ngươi chuyện gì cũng thương lượng, định mưu trước rồi mới hành động, thật là phúc lớn của Thiếu Soái quân chúng ta. Ta và lão Bạt phải đến Lạc Dương trước hoàng hôn, hy vọng có thể an bài tất cả mọi việc trong vòng mấy giờ tới. Hà hà! Ta đói gần chết rồi!

o0o

Ngồi trên một đỉnh núi gần Tịnh Niệm Thiền Viện, Từ Tử Lăng ngây người nhìn về phía Lạc Dương, trong lòng nghĩ tới tâm pháp “khoảnh khắc thực tại” mà Bạt Phong Hàn lĩnh hội được từ sa mạc.

Gã biết mình đang nhìn Lạc Dương. Muốn thực hiện điều đó có thể nói là dễ như trở bàn tay. Ngươi đang nhìn Lạc Dương, đồng thời cũng biết ngươi đang nhìn Lạc Dương, giống như bản thân mình là hai con người, một là tấm thân huyết nhục, một là cái tôi.

Việc dùng tinh thần để giám sát nhục thể đòi hỏi sự tập trung cao độ. Nhưng chỗ khó khăn nhất của tâm pháp đó là không thể duy trì được lâu dài. Suy nghĩ của con người thay đổi trong nháy mắt, chỉ chốc lát sẽ bị sự việc gì đó phân tâm làm mất khả năng tập trung. Vấn đề lớn hơn là việc này không hề thú vị, bởi đây chính là sự tu hành khổ hạnh về tinh thần kiểu Bạt Phong Hàn, đưa hắn trở thành kiếm thủ đáng sợ nhất thiên hạ, một người có đủ tư cách trong thời gian ngắn nữa sẽ khiêu chiến Tất Huyền.

Ngay như lúc này chẳng hạn, gã đang nhớ Sư Phi Huyên mãnh liệt. Đây là thứ tình cảm Từ Tử Lăng không thể áp chế được, giống như những cơn sóng dữ đã phá vỡ con đê tâm pháp “khoảnh khắc thực tại” của gã.

Từ Tử Lăng đau khổ muốn khóc thật lớn, đồng thời lại bừng lên nỗi hổ thẹn đối với Thạch Thanh Tuyền. Nếu gã đã quyết định sẽ nỗ lực giành lấy tình yêu của nàng thì đừng nên nhớ tới Sư Phi Huyên nữa. Nhưng gã không thể ngăn cản trái tim mình.

Tại sao thiếu nữ ấy lại chọn gã làm Hộ pháp của Phật môn? Phải chăng nàng đã đánh giá gã quá cao rồi?

Nếu như hiện giờ có Sư Phi Huyên bên cạnh thì vui biết bao. Gã lại được nghe giọng nói thánh thót xúc động lòng người như tiếng nhạc trên tiên giới của nàng. Thông qua những lý luận Phật giáo tinh thông của mình, nàng sẽ giải thích duyên phận và luật nhân quả tinh vi huyền diệu giữa người với người dưới sức mạnh của vòng oan nghiệt.

Từ Tử Lăng không có yêu cầu gì nhiều, chỉ hy vọng trước khi Sư Phi Huyên đắc đạo, cách một thời gian gã lại có thể được gặp nàng một lần giống như Ngưu Lang Chức Nữ trên trời, chỉ tiếp xúc thuần bằng tinh thần trong sáng.

Bỗng nhiên gã quay về với tâm pháp “khoảnh khắc thực tại” của Bạt Phong Hàn, lập tức phát giác một Từ Tử Lăng đang nhớ nhung Sư Phi Huyên, thâm tâm lại thấy hổ thẹn với Thạch Thanh Tuyền vì nhất thời mình đã thoát ra khỏi sự dằn vặt.

Từ Tử Lăng giật mình tỉnh ngộ. Tâm pháp này của Bạt Phong Hàn đúng là pháp môn vô thượng trong tu hành. Cũng có thể tưởng tượng trong lòng hắn nhất định tràn đầy mâu thuẫn và thống khổ, vì thế không thể không dùng chiêu số “xem bệnh bốc thuốc” này để khu trừ tâm ma, khiến bản thân tỉnh lại từ trong giấc mộng nhân sinh.

Nghĩ tới đây Từ Tử Lăng cảm thấy tinh thần mình khá hơn rõ rệt. Dường như từ giờ này phút này trở đi, nỗi thống khổ và mâu thuẫn tồn tại trong lòng gã nhưng cũng như không thuộc về gã. Cảm giác thật vi diệu khó nói thành lời, thống khổ mà không thống khổ.

Đứng phắt dậy, Từ Tử Lăng ngưng thần nhìn về thành Lạc Dương phía xa.

“Boong! Boong! Boong!”

Tiếng chuông từ thiền viện sau lưng bồng bềnh truyền tới như đã biến thành thực chất lãng đãng bay đi trong không gian.

Chưa bao giờ Từ Tử Lăng hiểu rõ bản thân như lúc này, biết mình lại có đột phá mới trên con đường tu hành võ đạo, đạt tới một cảnh giới tinh thần mà gã nằm mơ cũng không tưởng nổi.

Áp lực của chiến tranh hơn mười ngày qua đã hành hạ Từ Tử Lăng thật khổ sở, làm gã cảm thấy mình không phải đối với Sư Phi Huyên. Nhưng hiện giờ, gã đã thành công trong việc vượt lên trở ngại về tình cảm đó. Tinh thần và thân xác gã từ một trở thành hai, rồi lại từ hai hợp thành một.

Đây chính là biểu hiện của tâm pháp “hữu” và “vô” mà ngày trước gã đã từng lĩnh ngộ được.

Từ có trở thành không, từ không biến thành có.

Chẳng những nghe được tiếng côn trùng bốn phía kêu rả rích, gã còn thưởng thức được cảm giác đau đớn đến tê tái cõi lòng của việc nhớ nhung Sư Phi Huyên.

Từ Tử Lăng bỗng bật cười. Tất cả mọi phiền não đều biến sạch. Gã phát giác bản thân đã từ từ cất bước triển khai thân pháp. Đất trời không ngừng vùn vụt chạy lùi lại. Gã vượt qua vùng núi non, phóng thẳng về phía Lạc Dương.

(

Chọn tập
Bình luận