Nếu bạn lên một cơn ho không sao nén lại được, cơn ho tưởng chừng như bốc từ dưới ngón chân bốc lên, thấm thía toàn thân, thì đúng là bạn bị viêm cuống phổi, còn gọi là viêm phế quản rồi.
Người ta phân biệt viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính, căn cứ vào thời gian bệnh tồn tại và hậu quả của bệnh.
Viêm phế quản cấp tính thường sinh ra do lớp màng nhầy ở phế quản bị vi-rút tấn công, hoặc bị viêm nhiễm vì môi trường (khói thuốc lá chẳng hạn), khiến phế quản bị sưng và đau rát. Viêm phế quản thường dẫn tới viêm xoang hoặc viêm các đường hô hấp. Bệnh có thể lâu từ 3 ngày tới 3 tuần lễ.
Triệu chứng đầu của viêm phế quản cấp tính là ho, người ớn lạnh, sốt thấp, đau họng và bắp thịt.
Cách chữa trị:
– Xông mũi bằng cách hít hơi nước nóng (nếu có dụng cụ hay máy hít càng tốt).
– Phun thuốc bằng máy phun vào họng.
– Dùng thuốc kháng sinh.
– Dùng aspirin hay acetaminophen để trị sốt và đau nhức.
– Dùng thuốc long đờm và kích thích ho để tống đờm ra.
– Nằm nghỉ
– Uống nhiều nước.
– Không hút thuốc.
Để sức khỏe phục hồi hoàn toàn, nhiều khi phải cần tới 1 tháng. Nếu sau khi chữa trị 1 tuần, không thấy bệnh thuyên giảm, cần đi khám bác sĩ, vì có thể bệnh chuyển sang thành viêm phổi.
Người bị viêm phế quản mạn tính ho nhiều và có nhiều đờm hơn, bệnh có thể kéo dài từ 2 tháng tới 2 năm – phần lớn là đàn ông. Căn bệnh thường làm các phế nang bị tổn thương ảnh hưởng tới chức năng thở ra, hít vào của phổi nên có ảnh hưởng xấu tới toàn hệ thống hô hấp.
Những triệu chứng của viêm phế quản mạn tính là:
– Hơi thở ngắn khi hít vào.
– Thời gian nghỉ giữa thở ra hít vào, ngắn.
– Ho có đờm đặc, vàng.
Những người dễ mắc chứng viêm phế quản mạn tính là những người ở trong vùng không khí bị ô nhiễm của khu công nghiệp; những công nhân tiếp xúc với bụi kim loại, sợi bông, vải; những người hút thuốc lá.
Đề phòng bệnh viêm phế quản mạn tính, nên:
– Tránh những nơi ô nhiễm. Nếu cần thiết phải có mặt, nên có băng che mũi, miệng.
– Không đi ra đường trong thời gian khí bị ô nhiễm nặng.
– Dùng các thứ thuốc long đờm, thông khí quản và các thuốc kháng sinh khi bị bệnh, theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
– Nếu bệnh kéo dài quá một tuần, nhất thiết phải đi khám bệnh, coi có phải bệnh tiến triển thành viêm phổi hay không.