Hồi những năm đầu thế kỷ, bắt đầu có những chuyến viếng thăm định kỳ đến Paleham của năm đứa trẻ và hai bảo mẫu. Bọn trẻ là những người nối dõi nhà Pontifex, và không cần phải nói thì ông bà nội chúng quý chúng hết mực, như thể bọn trẻ là con của Ngài Quản hạt vậy. Chúng tên là Eliza, Maria, John, Theobald (sinh cùng năm 1802 với tôi) và Alethea. Ông già Pontifex luôn luôn thêm chữ ‘cậu’ hoặc ‘cô’ lúc gọi những đứa cháu của mình, ngoại trừ với Alethea, đứa cháu ông yêu quý nhất. Để những đứa cháu đừng quá quắt với chồng cũng như với mình, thậm chí bà Potifex phải nhún nhường trước chúng, cho chúng làm tất cả mọi chuyện, những thứ mà chẳng bao giờ bà cho tôi và các chị tôi, những người bà thương chỉ sau cháu bà, được phép làm. Hai nguyên tắc duy nhất mà những đứa cháu này phải tuân theo là, chùi giày trước khi bước vào nhà, không được mạnh tay với cây đàn của ông Pontifex, cũng như không được tháo những ống sáo ra ngoài.
Ở nhà chúng tôi, không có thời gian nào đáng trông đợi cho bằng chuyến viếng thăm Paleham thường niên của các cô cậu nhỏ nhà Pontifex. Chúng chính là giấy phép đặc biệt cho chúng tôi. Chúng tôi đến dùng trà với bà Pontifex để gặp các cô cậu, rồi mời chúng đến nhà dùng trà với mình, đó là những khoảng thời gian thật tuyệt vời. Tôi yêu Alethea say đắm. Thật sự là chúng tôi yêu nhau. Chúng tôi đóng giả và thay nhau diễn vai vợ chồng một cách công khai thoải mái trước mặt các bà bảo mẫu. Chúng tôi đã rất vui vẻ, nhưng thời đó đã quá lâu rồi, đến nỗi tôi gần như quên mất mọi thứ ngoại trừ việc chúng tôi ĐÃ rất vui vẻ. Hầu như thứ duy nhất còn đọng lại trong tâm trí tôi là vào một ngày nọ, Theobald đã đánh và chọc tức bà bảo mẫu, rồi khi bà nói trong nước mắt là bà sẽ nghỉ việc, nó đáp rằng ‘Bà sẽ không đi đâu hết, tôi sẽ giữ bà ở lại đây để hành hạ bà.’
Nhưng rồi vào một buổi sáng mùa đông năm 1811, lúc còn đang thay đồ, chúng tôi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đổ hồi và được biết đó là chuông báo tử của bà Pontifex. Anh hầu John đã báo cho chúng tôi và còn lỡ lời nói thêm là những tiếng chuông đó rung lên để người ta đến và đưa bà đi chôn. Cái chết của bà xảy đến do một cơn tê liệt bất ngờ. Ai cũng sốc, càng sửng sốt hơn bởi bà bảo mẫu đã quả quyết với chúng tôi rằng nếu Chúa đã chọn, thì hết thảy chúng tôi sẽ chịu nhiều cơn tê liệt và rồi sẽ bị đưa thẳng đến Ngày Phán xét. Theo những người có vẻ biết chuyện nhất, thì dù thế nào đi nữa, Ngày Phán xét sẽ sớm đến trong vài năm nữa, cả thế giới sẽ tàn lụi, còn chúng tôi sẽ bị đẩy vào chốn ngục hình vĩnh viễn, trừ phi chúng tôi biết sửa đổi lối sống hiện tại của mình. Tất cả những điều này khiến chúng tôi hoảng hốt vô cùng, đứa nào đứa nấy hét toáng cả lên, gây náo động đến nỗi bà bảo mẫu phải cố gắng lắm mới giữ yên được. Rồi khi nghĩ đến cảnh mình sẽ không còn được dùng trà bánh ở chỗ bà Pontifex nữa, chúng tôi khóc nấc, dẫu cũng đã bình tĩnh hơn rồi.
Tuy nhiên, đến ngày đưa tang, chúng tôi lại phấn khích vô cùng, ông già Pontifex gởi cho mỗi đứa một chiếc bánh đồng xu theo một tập tục vẫn còn phổ biến cho đến hồi đầu thế kỷ. Trước đó, chúng tôi chưa bao giờ được biết về tập tục này, và mặc dù thường được nghe về bánh đồng xu nhưng lại chưa từng được thấy cái nào. Hơn nữa, người ta phát bánh cho chúng tôi với tư cách một người dân làng, và chúng tôi được đối xử như một người lớn, bởi cha mẹ và những người hầu, mỗi người cũng đều có bánh, nhưng họ cũng chỉ được một cái như chúng tôi mà thôi. Và bởi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình là một dân làng, nên những chiếc bánh này đối với chúng tôi mà nói quả thật là điều mới mẻ, chúng khiến chúng tôi thích thú vô cùng; chúng là những thứ chúng tôi hiếm khi hoặc không bao giờ được phép giữ, như thể đó là thứ gì không mấy tốt đẹp. Bởi thế, lòng thương cảm dành cho bà bạn già của chúng tôi phải cự lại với nỗi hào hứng về nguồn gốc của tục lệ phát bánh, về quyền công dân và quyền sở hữu, về vẻ đẹp mắt và sự ngon lành của những chiếc bánh, và về ý thức rằng chúng tôi là những người quan trọng nhờ đã từng thân thiết với người quá cố. Thế rồi còn thật ngốc nghếch khi cả bọn ngồi bàn với nhau xem ai sẽ sớm ra đi, và bởi lẽ chẳng có lý do gì để đoán trước được là đứa nào, chúng tôi thích thú với ý tưởng là sẽ có một người khác vào nghĩa địa chứ không phải là một trong số chúng tôi. Thế là trong một thời gian ngắn, từ đau khổ vô cùng chúng tôi chuyển sang hân hoan tột bậc, một thiên đường mới, một trần gian mới mở ra cho chúng tôi khi nhận ra được những điều hay ho sẽ đến lúc một người bạn của chúng tôi qua đời, và tôi sợ rằng đôi khi chúng tôi chú tâm đến sức khỏe của một ai đó trong làng chỉ bởi họ sẽ sớm mang lại cho chúng tôi những chiếc bánh tang lễ.
Thời đó, những điều vĩ đại dường như đã trôi xa vào quá khứ, chúng tôi lấy làm kinh ngạc khi khám phá ra rằng Napoleon là một con người có thực. Đứa nào cũng cho rằng một người vĩ đại như thế chỉ có thể sống vào một thời xưa, rất xưa, thế mà giờ đây ông ta lại như thể đang đứng sờ sờ trước mặt chúng tôi vậy. Điều này khiến cả bọn thấy Ngày Phán xét có lẽ gần hơn trong tiềm thức, tuy nhiên bà bảo mẫu nói rằng bà biết mọi việc hiện giờ vẫn đang tốt đẹp ổn thỏa. Vào thời đó, tuyết rơi lâu hơn và đọng dày hơn trên đường so với bây giờ, đôi khi cả sữa còn đóng tuyết vào những ngày đông giá, và chúng tôi thường chạy xuống bếp để xem nó. Tôi cho rằng ở đâu đó trong anh quốc vẫn còn có những trường học đôi lúc có sữa đóng băng vào mùa đông, nhưng ở London thì tôi chưa thấy bao giờ, nên đồ rằng bây giờ mùa đông ấm hơn thời trước.
Một năm sau cái chết của người vợ, ông Pontifex cũng về với tổ tiên. Cha tôi đã được gặp ông một ngày trước khi ông mất. Ông già có một nguyên tắc riêng về hoàng hôn, ông đã xây hai bậc cấp nơi bức tường trong khu vườn bếp để vào những lúc trời quang đãng, ông thường đứng đó ngắm mặt trời xế bóng. Cha tôi đến thăm ông vào buổi chiều hôm đó, lúc hoàng hôn đang đổ xuống, thấy ông đặt tay dựa trên gờ tường nhìn về phía mặt trời đang hắt bóng trên cánh đồng, nơi con đường cha tôi đang tiến đến. Lúc mặt trời mất dạng, cha tôi nghe ông nói ‘Tạm biệt mặt trời. Tạm biệt mặt trời.’ Qua giọng nói và dáng vẻ của ông, cha tôi biết ông đang rất yếu. Và rồi ông đã ra đi trước buổi hoàng hôn tiếp theo.
Lần này chẳng có ai phát bánh. Có vài đứa cháu của ông đến dự đám tang, và chúng tôi trách chúng đôi chút về việc này. John Pontifex, lớn hơn tôi một tuổi, tỏ ra khinh miệt chuyện về những chiếc bánh, nó cho rằng tôi muốn có bánh chỉ bởi vì cha mẹ tôi không thể mua nổi một cái cho tôi, tôi còn nhớ là chúng tôi đã đánh nhau vì chuyện đó, có lẽ John bị thương nhiều hơn tôi, nhưng cũng có thể là ngược lại. Tôi còn nhớ bà bảo mẫu của em tôi đã mách lại hết mọi việc có phóng đại thêm phần nào khiến cả hai chúng tôi đều bị cho là xấu xa, nhưng nhờ đó chúng tôi đã tỉnh mộng hoàn toàn. Một thời gian lâu sau đó, John và tôi đều lấy làm hổ thẹn khi nghe ai nhắc đến bánh đồng xu. Về sau, có đến cả tá lần người ta phát thứ bánh đó, nhưng chúng tôi chẳng buồn đụng đến một cái nào.
George Pontifex dựng một bia tưởng niệm cha mẹ trong nhà thờ Paleham. Đó là một tấm đá phẳng được khắc những dòng mộ chí sau:
TƯỞNG NHỚ ĐẾN
JOHN PONTIFEX
SINH NGÀY 16 THÁNG TÁM, 1727
VÀ MẤT NGÀY 08 THÁNG HAI, 1812
HƯỞNG THỌ 85 TUỔI
CÙNG TƯỞNG NHỚ RUTH PONTIFEX, VỢ ÔNG
SINH NGÀY 13 THÁNG MƯỜI, 1727
VÀ MẤT NGÀY 10 THÁNG GIÊNG, 1811
HƯỞNG THỌ 84 TUỔI.
HỌ SỐNG GIẢN DỊ NHƯNG GƯƠNG MẪU ĐỐI VỚI NHỮNG BỔN PHẬN TÔN GIÁO, ĐẠO ĐỨC, VÀ XÃ HỘI.
CON TRAI ĐỘC NHẤT PHỤNG LẬP.