Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 19

Tác giả: Samuel Butler

Tuy nhiên, phần lớn chúng ta có thể nói rằng, một người đã sống được gần bảy mươi ba tuổi và chết trong giàu sang hẳn phải là một người khá hòa hợp với mọi thứ quanh mình. Tôi đã từng nghe nói rằng đôi khi cuộc đời của những con người như thế chỉ là giả dối mà thôi; nhưng không có cuộc đời nào của ai lại giả dối quá mức, chỉ cần còn tiếp diễn thì chắc chắn ít nhất chín phần mười, nó là thật.

Ông Pontifex không chỉ sống thọ, mà còn giữ được phú quý đến tận lúc ra đi. Như vậy chưa đủ hay sao? Việc rõ ràng nhất phải làm khi sống trên đời này không phải là tận dụng nó, có nghĩa là tôn trọng những gì đúng đắn để được sống thọ và thoải mái, rồi làm theo như vậy hay sao? Ngoại trừ con người ra, tất cả động vật đều biết rằng việc chính yếu nhất trong cuộc đời là tận hưởng, và chúng tận hưởng bao nhiêu tùy vào con người và hoàn cảnh cho phép. Người tận dụng cuộc sống tốt nhất, là người tận hưởng nó tốt nhất; Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta tận hưởng không vượt quá mức vốn mang lại điều tốt đẹp cho chúng ta. Nếu có gì phải chê trách về ông Pontifex, đó là đáng ra ông không nên ăn uống vô độ để khỏi phải chịu chứng đau gan hành hạ đến thế, và như vậy sẽ có thể sống được thêm một, hai năm nữa.

Sự tốt lành sẽ vô dụng nếu nó không hướng đến tuổi đời cao và của cải dư đầy. Tôi nói điều này một cách đại thể, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Trong Thánh vịnh có viết, ‘Người công chính sẽ không phải thiếu bất kỳ điều tốt đẹp nào.’ hoặc đây chỉ là sự phóng túng trong thơ ca, hoặc nó có nghĩa là người thiếu mọi thứ tốt đẹp thì không công chính; cũng có thể cho rằng người đã trải qua nhiều năm cuộc đời mà không thiếu bất kỳ điều gì tốt đẹp tự thân cũng là người đủ tốt để đón nhận những hoa trái thực tế.

Với ông Pontifex, những thứ khiến ông chú tâm nhiều, ông chẳng thiếu bao giờ. Thật vậy, ông đã có thể hạnh phúc hơn nếu biết bận tâm đến những điều mà ông vốn không bận lòng đến, nhưng vấn đề mấu chốt là ở chỗ ‘nếu ông đã biết bận tâm.’ Chúng ta hết thảy đều tội lỗi và không xứng đáng được hưởng vinh dự là tự cho mình được sự thoải mái mà vốn chúng ta có thể dễ dàng làm được. Việc tự cho mình sự thoải mái vốn dĩ là việc mà có lẽ chúng ta dễ dàng làm được, nhưng tất cả chúng ta đều tội lỗi và không đáng được hưởng vinh quang đó. Nhưng ông Pontifex lại là một trường hợp đặc biệt, ông không bận tâm và hẳn sẽ không kiếm cho nhiều những thứ mà ông vốn không muốn.

Không điều gì sỉ nhục con người hơn là việc tâng bốc đức hạnh như thể tự bản chất nó vẫn chưa đủ tốt cho nó, mà còn cần phải thêm một loạt dây dợ những thứ liên hệ, được các nhà tâm linh suy diễn ra, nhưng lại chẳng ăn nhập gì với nó. Nguồn gốc thực sự của đức hạnh lâu đời hơn và đáng trọng hơn tất cả những gì người ta có thể nghĩ ra cho nó. Đức hạnh xuất phát từ trải nghiệm về hạnh phúc riêng của chính con người, và điều này, dù không hẳn là tuyệt đối đúng, nhưng vẫn là điều ít sai lầm nhất mà chúng ta biết được. Nếu không có một nền tảng tốt hơn chính nó, thì một hệ thống không thể đứng vững và sẽ luôn mang trong mình sự bất ổn rồi sẽ đổ nhào cho dẫu chúng ta có đặt nó trên cái gì đi nữa.

Từ lâu, nhân loại đã xác định rằng đạo lý và đức hạnh là điều sẽ đưa người ta đến bến bình an. Châm ngôn đã nói, ‘hãy sống đức hạnh, rồi ngươi sẽ được hạnh phúc.’ Chắc chắn nếu một đức hạnh được cho là tốt lại không cho người ta được bình an thì nó chỉ là một biến tướng của thói xấu mà thôi, và nếu một thói bị cho là xấu lại không gây ra mối nguy hại nghiêm trọng nào trong suốt nhiều năm sau, thì nó không phải là một thói quá xấu như người ta nghĩ. Bất hạnh thay, dù tất cả chúng ta đều biết về quan điểm cốt yếu rằng đức hạnh quy hướng về hạnh phúc, và thói xấu hướng về đau khổ, chúng ta lại không đồng thuận với nhau về chi tiết của luận điểm này, chẳng hạn như, liệu trong trường hợp nào, thì hút thuốc hướng người ta đến hạnh phúc hay đau khổ.

Từ những quan sát nghèo nàn của mình, tôi xin nói ra như thế này, sự tàn nhẫn và ích kỷ của cha mẹ đối với con cái thường không kéo theo những hệ quả xấu cho bậc cha mẹ đó. Họ có thể phủ bóng tối lên cuộc đời con cái trong nhiều năm trời mà lại không phải chịu đựng bất kỳ đau khổ nào. Như vậy, tôi có thể nói rằng, các bậc cha mẹ chẳng làm gì trái ngược ghê gớm với đạo đức, nếu như họ xem con cái là gánh nặng đối với mình trong mức độ nào đó.

Cho rằng ông Pontifex không phải là một người quá cao thượng, thì như thế, những người bình thường cũng không cần phải quá cao thượng. Nếu đức hạnh và tinh thần của chúng ta chỉ cần ngang mức ‘chính yếu’ hay ‘vừa vừa’, hoặc có thể nói là trung bình so với nhân loại, thì như vậy là đủ rồi.

Có một thực tế là những người giàu có và sống thọ là những người biết sống quân bình. Những người vĩ đại nhất và khôn ngoan nhất nhân loại hầu hết là những người quân bình nhất – những người giữ được sự ‘vừa vừa’ giữa hai thái cực đức hạnh và thói xấu. Họ hầu như không thể thành công nếu như không làm được điều này, và khi xem xét những kẻ thất bại, chúng ta thấy sẽ chẳng có chuyện đó nếu người đó không tệ hơn đồng loại của mình. Homer đã kể cho chúng ta về một người đã làm việc với mục đích luôn mãi được nổi trội và đứng trên người khác. Đó quả thật là một con người khó chịu và chẳng thể kết bạn với anh ta nổi! Nhân vật chính của homer cuối cùng lãnh kết cục thê thảm, và tôi cũng đã chẳng chút hoài nghi rằng dù anh ta là ai, sớm hay muộn cũng sẽ chịu như vậy mà thôi.

Có một chuẩn mực cao dành cho những đức hạnh hiếm có, và một đức hạnh hiếm có thì cũng như một giống cây, động vật hoặc đồ vật hiếm vậy, những thứ không thể giữ nguyên được vị thế của mình trong đời. Một đức hạnh hữu ích phải giống như thứ vàng được đem pha trộn với những kim loại thường hơn nhưng lại bền vững hơn.

Người ta phân biệt thói xấu và đức hạnh như thể chúng là hai thứ tách biệt, chẳng chút gì dính dáng đến nhau cả. Nhưng, không phải như vậy. Không có một tính tốt hữu dụng nào lại không có lẫn chút thói xấu, và hiếm có thói xấu nào lại không có được chút ít tính tốt trong đó; đức hạnh và thói xấu giống như sự sống và sự chết, hay tinh thần và vật chất, những thứ không thể tồn tại nếu không có cái đối lập với chúng. Sự sống thực nhất vẫn hàm chứa sự chết, và kẻ chết vẫn còn sống theo nhiều phương diện; cho nên người ta đã nói thế này, ‘lạy Chúa, nếu Ngài quá khắt khe xét những lỗi phạm’, và như thế thể hiện rằng cho dù những lý tưởng cao nhất mà chúng ta có thể lĩnh hội được, vẫn cho phép thỏa hiệp với thói xấu, và vẫn có chỗ cho những thói xấu hèn hạ nếu như chúng không nghiêm trọng quá đáng. Hiển nhiên là thói xấu phải tỏ lòng kính trọng đức hạnh, chúng ta gọi cái đó là đạo đức giả; vậy thì cũng nên có một từ để nói lên lòng kính trọng dành cho thói xấu, một việc mà đức hạnh hiếm khi làm, nhưng dù gì cũng nên làm một cách khôn ngoan.

Tôi cho rằng có vài người sẽ tìm hạnh phúc bằng cách có cho được những gì, mà chúng ta thấy là, ở một chuẩn mực đạo đức cao hơn người khác. Tuy nhiên, nếu người ta đi theo lối này, thì họ phải hài lòng với đức hạnh như một phần thưởng cho chính bản thân nó, và không được phàn nàn trách móc nếu họ thấy ra rằng tính hào hiệp thái quá chỉ là một thứ cực kỳ xa xỉ, một thứ không thuộc về thế giới này. Họ buộc lòng không được phép xao động khi loại bỏ một tính xấu để cố gắng đạt đến những gì tốt nhất ở cả đời này và đời sau. Có lẽ chúng ta không tin vào những chi tiết trong lịch sử Kitô giáo, nhưng nếu như chúng ta chấp nhận những tình tiết này, thì phần quan trọng của giáo lý Kitô giáo vẫn còn đúng. Chúng ta không thể thờ cả Thiên Chúa và Tiền tài; lối nhỏ và cửa hẹp[13] sẽ ban cho kẻ tin điều khiến họ được xứng đáng với nước trời, và không có nơi nào nói rõ điều này hơn Kinh Thánh. Thật chính đáng khi có những người nghĩ như vậy, và cũng thật chính đáng khi những kẻ đầu cơ sẽ tự đào hố chôn mình – nhưng sẽ không còn chính đáng nữa nếu đại đa số nhân loại lìa bỏ cái lối mòn ‘quân bình’ đó.

Đối với hầu hết mọi người, và hầu hết hoàn cảnh, sự khoái lạc, nghĩa là phú quý vật chất hữu hình trong đời này, là phép thử an toàn nhất đối với đức hạnh. Tiến trình đời sống trải qua những khoái lạc hơn là những đức hạnh khắt khe tột bậc, và đức hạnh cao nhất lại thiên về sự cực đoan hơn là khổ hạnh. Hãy lấy kinh tế ra làm ẩn dụ, chúng ta có thể thấy rằng tình hình cạnh tranh thật khốc liệt, và lợi nhuận lại đang sụt giảm, khiến cho đức hạnh không thể bỏ qua bất kỳ cơ hội tốt nào, và phải đặt hành động của mình trên dòng tiền thực đang quản lý hơn là trên những quảng cáo viển vông. Bởi thế, cũng như những người đủ thận trọng và đủ kỹ năng kinh doanh, đức hạnh sẽ không hờ hững với những nhân tố quan trọng vốn cho chúng ta một cơ hội có được một nhận thức thoát ly, hoặc cũng có thể là thoát khỏi đời này. Và những người cẩn trọng cũng như biết xoay xở cũng sẽ làm như vậy trong những vấn đề khác. Một đức hạnh hợp lẽ sẽ tận dụng cơ hội này với giá trị xứng với nó, dù ít hay nhiều.

Và xét đến tận cùng, khoái lạc là người dẫn đường an toàn hơn cả quyền lợi và nghĩa vụ. Bởi thật khó để biết được điều gì sẽ cho ta khoái lạc, nhưng để phân rõ được quyền lợi và trách nhiệm thì còn khó hơn nữa, và hai thứ này cũng hệt như một quan điểm khoái lạc sai lầm; nếu chúng ta sai lầm với chúng, chúng sẽ dẫn chúng ta đến một hoàn cảnh thật đáng buồn. Khi người ta tự chuốc họa vào mình do đã chạy theo khoái lạc, họ sẽ tìm cho ra sai lầm của mình và đi đến nhận thức được điểm nào đẩy họ vào sai trái, một cách dễ dàng hơn là đối với những người chạy theo những trách nhiệm hay những lý tưởng hão huyền về một đức hạnh đúng đắn. Thật vậy, khi ác quỷ đội lốt thiên thần, thì chỉ những người lão luyện đặc biệt tinh thông mới nhận ra được nó, và quỷ dữ thường làm vậy đến nỗi thật khó phân biệt ác quỷ với thiên thần, nên những người cẩn trọng sẽ đi theo tiếng gọi của khoái lạc như là một người dẫn đường đơn giản hơn nhưng lại đáng trọng hơn, và trên tất cả là, đáng tin hơn.

Lại nói về ông Pontifex, ngoài việc ông đã sống thọ và giàu có, ông còn có con đàn cháu đống, những người mà ông không chỉ truyền cho những đặc tính thể lý và tinh thần, với những biến đổi vừa phải như bình thường vẫn vậy, mà hơn nữa, ông còn để lại một đặc nét không nhỏ, và khó truyền lại hơn, đó chính là đặc tính mang tên tiền tài của ông. Người ta có thể nói ông có được tiền tài chỉ bằng cách ngồi không và để dòng tiền tự vận hành như nó vẫn vậy. Nói như thế chính xác là để phản bác ông, nhưng đó lại không phải là lời phản bác cho những người không nắm được dòng tiền khi nó vận hành, hay những người thậm chí chỉ có tiền trong một thời gian ngắn và không thể giữ lâu dài để truyền lại cho con cháu, hay sao? Nhưng ông Pontifex đã nắm được dòng tiền đó. Ông đã giữ được những gì mà người ta cho là ông đã làm ra, và tiền bạc, thứ dễ kiếm hơn là giữ, giống như một chứng nhận cho năng lực của ông.

Như thế, xét toàn bộ mọi sự, tôi không có khuynh hướng khắt khe với ông như cha tôi đã làm. Nếu đánh giá ông theo một chuẩn mực quá cao đẹp, thì ông chẳng là gì cả. Nhưng nếu đánh giá ông theo chuẩn mực trung bình, thì chẳng thấy được nhiều thiếu sót nơi ông. Tôi đã nói ra hết đây những điều tôi đã nói qua trong những chương trước, và tôi sẽ không phá vỡ mạch truyện của mình để lặp lại nữa. Tôi nên tiếp tục câu chuyện và không cần điều chỉnh những phán xét mà có lẽ các bạn đã hoặc sẽ vội vàng hấp tấp quy cho không chỉ riêng ông Pontifex, mà còn cho Theobald và Christina nữa.

Còn bây giờ, tôi xin tiếp tục câu chuyện của mình.

Bình luận