Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 31

Tác giả: Samuel Butler

Chẳng bao lâu sau, Ernest hoàn toàn mất điểm với các thầy giáo. Hiện giờ, nó đang tận hưởng sự tự do chưa từng có. Bàn tay và đôi mắt sắc lạnh của Theobald không còn áp đặt trên lối đi, giường ngủ, và cũng đã hết dò xét tất cả mọi cách sống của nó, còn chuyện bị phạt bằng việc chép lại những dòng thơ của Virgil hiện giờ chẳng là gì so với những trận đòn tàn bạo lúc trước của cha nó. Thật sự thì việc viết lại những dòng này vẫn thường đỡ hơn là học chúng. Đối với bản tính của Ernest, tiếng Latin và Hy Lạp chẳng khiến nó thấy thoải mái chút nào, dù cho đã từng bị bắt nhồi nhét chúng trong một thời gian nhất định. Bản chất cứng đơ của những tử ngữ này tự nó chẳng bao giờ được dung hòa vào cuộc sống dù là theo cách giả tạo với một hệ thống khen thưởng cho những học sinh siêng năng chăm chỉ học chúng đi chăng nữa. Người ta không phạt nó vì lười nhác học chúng, nhưng cũng chẳng phần thưởng tốt đẹp nào có thể dụ cho nó chịu khó chuyên cần trong môn này cả.

Thật vậy, việc tưởng thưởng, hay là phần thoải mái của việc học, hoàn toàn chẳng khiến Ernest bận tâm chút nào. Những thứ thoải mái chẳng là gì với chúng ta, nếu có thì cũng một chút mà thôi, và riêng với Ernest thì nó hoàn toàn tuyệt đối là không. Chúng ta đến với thế giới này vì bổn phận chứ không vì sự thoải mái, và sự thoải mái, từ bản chất của nó, ít nhiều cũng là một thứ tội. Nếu chúng ta làm những gì mình thích, hay ngay cả Ernest cũng vậy, thì chúng ta đều cảm thấy có lỗi và nghĩ rằng nếu cuộc đời không bắt chúng ta phải làm một việc khác, thì nó đã thật dễ thương khi cho chúng ta được thoải mái như vậy. Nhưng với những thứ mà Ernest không thích, thì lại khác, một thứ càng bị nó ghét bỏ dường như lại càng là một thứ đúng đắn. Đối với Ernest, những thứ được cho là đúng đắn chưa bao giờ là những thứ khiến nó thoải mái nhất, và việc chứng minh điều này có đúng hay không là tùy vào lập luận của bạn. Tôi đã hơn một lần nói rằng nó tin tưởng mình là một kẻ sa đọa, dù chưa từng có ai sẵn sàng chấp nhận mà không cãi lại dù chỉ chút ít bất kỳ điều gì từ những người có thẩm quyền như nó, ít nhất nó tin là nó sa đọa bởi nó chẳng nhận ra được một Ernest vâng lời bên trong chính con người nó, và Ernest này còn mạnh mẽ và hiện thực hơn con người sa đọa mà nó nghĩ nó là. Ernest ngờ nghệch của chúng ta thuyết phục mình bằng những cảm giác không thể diễn tả ra nổi, lướt qua quá nhanh và quá chắc chắn để có thể diễn dịch ra thành lời, nhưng hầu như tôi có thể khẳng định nó tựa như thế này –

‘Lớn lên, không phải là một việc chèo chống dễ dàng và đơn giản như người ta vẫn thường cho là vậy, nó là một công việc khó khăn, khó hơn tất cả mọi việc, và chỉ một đứa trẻ đang lớn mới có thể hiểu được. Lớn lên đòi hỏi sự chú trọng kỹ lưỡng, và ngươi không đủ mạnh để chăm lo cho cả sự phát triển thể lý và việc học hành của ngươi. Hơn nữa, tiếng Latin và Hy Lạp là những thứ cực kỳ vô lý, càng nhiều người biết chúng thì chúng càng ghê tởm; và những kẻ mà ngươi thích thú, chúng chẳng biết chút gì về những thứ tiếng này, nếu không, cũng sẽ nhanh chóng quên cho bằng hết những gì chúng đã được học, khi không còn bị ép buộc chúng sẽ chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến những tác phẩm cổ điển đâu; những thứ ngôn ngữ này thật vô nghĩa, vào thời của chúng và nơi vùng đất của chúng, thì chúng thật hợp lý, nhưng ở đây thì không. Đừng bao giờ học thứ gì cho đến khi ngươi thấy việc không biết thứ đó sẽ gây cho ngươi sự bất tiện lâu dài; khi ngươi thấy rằng ngươi có lý do để cần kiến thức này kia, hoặc ngươi thấy trước là không bao lâu nữa, ngươi sẽ cần thứ đó, như thế chẳng mấy chốc ngươi sẽ học nó khá hơn nhiều, nhưng từ nay đến lúc đó, hãy dành thời gian cho các khớp xương và bắp thịt của ngươi đi đã, đối với ngươi, chúng còn hữu dụng hơn tiếng Latin và Hy Lạp nhiều, và hơn nữa nếu ngươi không chăm chút chúng bây giờ thì về sau, có muốn ngươi cũng không làm gì được nữa, còn tiếng Latin và Hy Lạp thì bất kỳ lúc nào cũng có thể học được.

Ngươi bị bủa vây tứ phía bởi những lời dối trá vốn có thể lường gạt cả những người được Chúa chọn nếu như người đó không chịu tỉnh thức khôn ngoan cách đặc biệt; cái tôi mà ngươi đang nhận thức đó, cái tôi lý luận và suy tư của ngươi, sẽ tin những lời dối trá này và ép buộc ngươi hành động theo chúng. Ernest ơi, cái tôi nhận thức của ngươi là một kẻ hợm hĩnh từ bản chất và đã được rèn luyện; ta sẽ không cho phép nó định hướng hành động của ngươi, cho dù chắc chắn nó sẽ định hướng lời nói của ngươi trong nhiều năm tới. Cha ngươi không có ở đây để cho ngươi ăn roi vọt, đây là sự thay đổi hoàn cảnh sống, và như thế sẽ là thay đổi cho những hành động của ngươi. Hãy nghe lời ta, hỡi cái tôi thực sự của ngươi, và mọi thứ sẽ tốt đẹp với ngươi, nhưng chỉ cần ngươi lại nghe theo cái giá áo túi cơm già nua thiển cận mà ngươi gọi là cha đó, thì ta sẽ xé xác ngươi thành trăm mảnh, và sẽ ám ngươi, một kẻ ghét bỏ Đức Chúa, cho đến đời sau và sau nữa; bởi, Ernest ơi, ta là Chúa, Đấng tạo nên ngươi.’

Thật kích động biết bao khi nó nghe vang lên trong lòng những lời này, và hẳn ở nhà cha nó, mọi người cũng sẽ bàng hoàng lắm; nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở đó, bởi cũng chính cái tôi nội tại xấu xa đó còn cho nó lời khuyên về chuyện tiền bạc, việc chọn bạn bè, và hầu như trong mọi chuyện, Ernest đều chú tâm và vâng theo những lệnh truyền trong lòng đó một cách tích cực, hơn xa Theobald nhiều. Hệ quả là nó ngày càng học ít đi, đầu óc chậm dần, còn cơ thể thì lại phát triển nhanh chưa từng có, và chẳng bao lâu sau, cũng chính cái tôi đó thúc đẩy nó đi theo hướng đầy những trở ngại vượt quá sức nó, và từng bước một, nó chinh phục những thứ từng một thời bị tước đoạt khỏi nó, cho dù trong lương tâm, nó vẫn thấy ân hận nhiều.

Chúng ta có thể đoán được Ernest không phải là người mà những đứa trẻ trầm tính hơn và sống chuẩn mực hơn muốn kết bạn. Có một vài cậu trai không được tốt đẹp cho lắm thường đến quán rượu và uống bét nhè quá chén, có thể cái tôi nội tại của Ernest hầu như không bảo nó nhập hội với chúng, nhưng nó đã làm như thế từ lúc tuổi còn nhỏ, và đôi lần nó say vật vờ khốn khổ vì một lượng bia vốn không đủ ảnh hưởng gì đối với những đứa khỏe mạnh. Cái tôi của nó hẳn đã can thiệp vào chuyện này và bảo cho nó biết rằng nhậu nhẹt chẳng có gì vui, bởi về sau nó đã bớt cái thói một thời chìm đắm đó, và chẳng bao giờ mắc lại, nhưng thật đáng hổ thẹn, nó lại nhiễm một thói khác vào một độ tuổi quá nhỏ chỉ khoảng mười ba hay mười bốn, và đến tận bây giờ vẫn chẳng thể bỏ được, dù cái tôi của nó cứ mãi kêu ca là nó hút ít chừng nào thì tốt cho thân nó chừng đấy. Rồi mọi chuyện cứ trôi đi như thế cho đến khi cậu bé của tôi gần được mười bốn tuổi. Trong thời gian đó, nếu nó không thực sự là một đứa nhỏ xấu xa tục tĩu, thì cũng thuộc một hạng giữa giữa, dưới những kẻ đáng trọng và trên những kẻ bất hảo, mà có lẽ là hơi nghiêng về cái thứ hai, ngoại trừ việc nó không dính vào những thói hèn hạ quá đáng. Tôi biết được những điều này một phần từ những gì Ernest kể cho tôi, và một phần từ những hóa đơn của trường mà cha nó trình cho tôi xem kèm theo những lời than van không ngớt. Ở trường Roughborough, có một lệ là thưởng tiền công tội hàng tháng, mức tối đa mà một học trò ngang tuổi Ernest được nhận là bốn shilling và sáu xu, có vài đứa được nhận đến bốn shilling và gần đến sáu xu, nhưng Ernest chẳng bao giờ được nhận quá hai shilling rưỡi, và chỉ vài lần hiếm hoi được nhỉnh hơn một shilling rưỡi, tôi cho rằng mức trung bình của nó vào khoảng một shilling và bảy xu, chừng đó là quá nhiều để xếp nó vào hạng những đứa học trò xấu một cách rõ ràng, nhưng cũng quá ít để cho nó là một đứa tốt.

Bình luận