Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xác Thịt Về Đâu

Chương 41

Tác giả: Samuel Butler

Trước khi đến phòng ăn, cái tâm hồn rúng động của Ernest đã mách bảo nó rằng tội của nó đã bị phát giác. Nếu muốn khen thưởng, thì sao người chủ gia đình lại mời một thành viên đến phòng ăn để làm gì chứ?

Nhưng khi nó đến đó rồi thì lại chẳng có ai, cha nó đã phải ra ngoài vài phút vì việc trong giáo xứ, và để lại nó trong phòng hệt như kiểu người ta lúc vừa mới bị đưa vào phòng chờ nha sỹ vậy.

Trong mọi gian phòng, nó ghét nhất là phòng ăn. Chính ở nơi này, nó phải làm bài tiếng Latin và Hy Lạp với cha nó. Gian phòng thế này thường có một mùi đặc trưng của xi bóng hoặc vẹc ni vốn dùng để đánh bóng đồ gỗ, và cả tôi lẫn Ernest cho đến tận bây giờ mỗi khi bước vào một nơi có mùi vẹc ni như thế, vẫn thấy có gì đó khó chịu trong lòng.

Ngự trên mặt lò sưởi trong phòng là một trong những bức họa mà ông Pontifex đã đem về từ Ý quốc. Người ta cho rằng đó là tranh của Salvator Rosa, và thật là một món hời khi mua được nó. Chủ đề bức tranh là về Elijah hoặc Elisha (ai cũng được) đang được các con quạ nuôi ăn trong sa mạc. Có vài con quạ ở góc phía trên bên trái với thịt và bánh ngậm trong mỏ và kẹp trong chân chúng, còn vị ngôn sứ đầy tranh cãi của chúng ta ở góc trái phía dưới đang nhìn chúng đầy thèm khát. Khi Ernest còn là một đứa trẻ nít, nhìn vào bức tranh, nó cảm thấy tội nghiệp khi thức ăn từ những con quạ chẳng bao giờ thực sự đến được tay vị ngôn sứ; nó không hiểu được tính hạn chế của hội họa, và muốn vị ngôn sứ chạm được trực tiếp đến những đồ ăn này. Một ngày nọ, nhờ có cái thang ai đó bỏ quên trong phòng, nó leo lên đến bức tranh cầm theo một mẩu bánh và lấy nó mà phết một đường bơ đậm kéo từ những con quạ đến tận miệng của Elisha, làm thế rồi, nó mới thấy nhẹ nhõm hơn.

Ernest đang miên man nhớ lại hành động trẻ dại của mình thì nghe thấy tiếng cha nó về đến cửa, và chỉ một giây sau, Theobald đã đặt chân vào phòng rồi.

‘Ôi, Ernest,’ anh nói với vẻ thân thiện, và thậm chí có phần vui vẻ nữa kia, ‘có một vấn đề nhỏ mà ta muốn con giải thích cho ta, và ta chắc là việc này chẳng khó gì với con đâu.’ Thịch thịch thịch, trống ngực Ernest đập liên hồi, nhưng cái cách nói của cha nó quá thân thiện hơn mức bình thường khiến nó bắt đầu nghĩ rằng mọi chuyện chỉ là báo động nhầm mà thôi.

‘Mẹ con và ta thấy rằng chúng ta nên mua cho con một chiếc đồng hồ mới, trước lúc con vào năm học’ (‘Ôi, mọi chuyện chỉ có vậy,’ Ernest tự nói với mình và thấy bớt căng thẳng), ‘và ta đã mất cả ngày để tìm cho ra một chiếc đồng hồ cũ đáp ứng đủ mọi yêu cầu ở trường của con.’

Theobald nói như thể những chiếc đồng hồ phải có đến cả tá công dụng ngoài việc đo thời gian, nhưng anh không thể mở miệng mà không kèm theo một trong số những lời sáo rỗng của mình, và ‘đáp ứng đủ mọi yêu cầu’ là một trong số đó.

Ernest reo lên với biểu hiện biết ơn thường thấy, nhưng khi Theobald nói, ‘Con ngắt lời ta,’ thì tim nó lại run lên lần nữa.

‘Con đang ngắt lời ta, Ernest. Ta vẫn chưa nói xong.’ Ernest câm tiếng ngay lập tức.

‘Ta đã dạo quanh vài cửa hàng bán đồng hồ cũ, nhưng chẳng thấy cái nào trông được mắt hay vừa giá, cho đến khi người ta đưa ra một chiếc đồng hồ, mà theo lời người bán hàng, thì nó vừa được giao để nhờ ông ta bán giùm, và ta nhận ra ngay nó trông như cái mà cô Alethea đã tặng cho con. Thậm chí nếu ta không nhận ra nó, mà có lẽ vậy thật, thì khi cầm nó trên tay ta cũng xác định được ngay nhờ dòng chữ ‘E.P., một món quà từ A.P’ khắc bên trong nó.

Ta chẳng cần phải nói thêm gì nữa, đây chính là chiếc đồng hồ mà con đã nói với ta và mẹ con là đã bị rơi mất khỏi túi áo.’

Đến tận lúc này, cách nói của Theobald vẫn điềm tĩnh thận trọng, và những lời anh nói ra hoàn toàn chậm rãi, nhưng đến đoạn này, anh đột nhiên nói nhanh hơn và vứt bỏ đi cái mặt nạ anh vốn đeo nãy giờ, ‘hoặc đó chỉ là một câu chuyện bịa đặt mà cả ta và mẹ con đã quá tin tưởng nơi con nên chẳng nghi ngờ gì. Con hẳn có thể đoán được hiện giờ cha và mẹ con đang cảm thấy thế nào rồi đó.’

Ernest đã cảm nhận được cú đánh cuối cùng này. Những lúc bớt bồn chồn lo lắng hơn, nó đã nghĩ rằng cha và mẹ nó sẽ cả tin vào sự thật lòng của nó, nhưng nó không thể bác bỏ được rằng tính nhẹ dạ của họ là dấu chỉ cho thói quen phải sống ngay thẳng. Xét một cách công tâm, nó phải thừa nhận rằng khi hai con người ngay thẳng thật thà lại có một đứa con trai giả dối như nó thì thật là khó chịu khủng khiếp.

‘Tin tưởng rằng đứa con của những người như ta và mẹ con sẽ không dối trá như thế, ta đã cho rằng có lẽ một kẻ lang thang nào đó đã nhặt được thứ này và bây giờ đang cố gắng bán nó đi.’

Tôi tin lời này không thật đâu. Giả thiết đầu tiên của Theobald là Ernest đã cố để bán chiếc đồng hồ, và rồi chợt cái ý nghĩ theo kiểu cao thượng thoáng qua trong đầu khiến anh đã nghĩ ra kẻ lang thang đó.

‘Con có thể hình dung được rằng ta đã chấn động biết bao khi khám phá ra người bán chiếc đồng hồ này có tên là Ellen,’ lần này thì tim của Ernest đập nhanh hơn nữa, và nó cảm thấy gần như chẳng thể chống đỡ được gì nữa; Theobald nhanh chóng nhận ra điều này và anh tiếp lời, ‘một người đã đi khỏi nhà này trong một hoàn cảnh mà ta sẽ không kể ra để khỏi làm bẩn tai con.’

‘Ta đã gạt đi cái giả định khủng khiếp vừa lóe lên trong đầu, và cho rằng trong thời gian chuẩn bị đồ đạc dọn đi, cô ta đã phạm thêm cái tội ăn cắp, khi thấy đồng hồ của con trong phòng ngủ và trộm nó. Ta chợt nhận ra là có lẽ con thấy mất đồng hồ sau khi con bé đó rời khỏi nhà, và đoán được ai đã lấy nó, nên đã chạy theo cỗ xe ngựa để đòi lại; nhưng khi ta hỏi người bán hàng về giả thiết này, thì ông ta lại bảo đảm với ta rằng người để lại chiếc đồng hồ này quả quyết một cách nghiêm túc nhất rằng nó là món quà từ con trai ông chủ của cô, người có toàn quyền để đem cho nó.

Ông ta còn nói thêm rằng ông nghĩ chuyện cô gái đó phải bán chiếc đồng hồ này có điều gì đó đáng ngờ, nên đã khăng khăng đòi cô phải kể cho rõ ngọn ngành câu chuyện rồi mới quyết định ưng thuận mua cho cô.

Ông ta kể rằng lúc đầu, cô ta cố nói quanh co, loại đàn bà đó lúc nào cũng vậy, nhưng khi bị dọa rằng cô sẽ bị tống giam ngay lập tức nếu không nói cho rõ hết toàn bộ sự thật, cô ta đã kể lại đầy đủ cách mà con đã chạy theo cỗ xe đến mức tím tái cả mặt mày, và rồi nhất quyết cho cô ta hết toàn bộ số tiền trong túi, con dao và chiếc đồng hồ của con. Cô ta còn thêm rằng anh xà ích John, người mà ta sẽ đuổi việc ngay lập tức, đã chứng kiến hết toàn bộ việc này. Nào, Ernest, vui lòng nói cho ta biết toàn bộ chuyện này là thật hay không?’

Ernest hoàn toàn chẳng nghĩ đến việc xen ngang lời anh rồi bịa thêm ra chuyện một người tầm cỡ người với nó đã giật đồ của nó và nó chẳng dám đánh lại, hoặc chỉ phản kháng vừa đủ để khỏi bị đánh thêm. Toàn bộ tâm trí nó đều bị chấn động và kinh hãi quá mức để có thể bịa ra được điều gì đó, nó chỉ có thể bị cuốn theo và lắp bắp thừa nhận rằng mọi chuyện đều là thật.

‘Vậy, ta e rằng,’ Theobald nói, ‘Ernest à, vậy là đủ để rung chuông đòi người rồi.’

Khi người hầu chạy đến theo tiếng chuông, Theobald đòi xà ích John đến gặp anh, và khi John vừa vào phòng, Theobald tính tiền lương cho anh và yêu cầu anh rời khỏi ngôi nhà này ngay lập tức.

John cư xử khá nhẹ nhàng và biết tôn trọng, anh chấp nhận bị đuổi việc như một điều hiển nhiên, bởi Theobald đã nói đủ rõ ràng cho anh hiểu rõ lý do anh bị đuổi, nhưng khi thấy Ernest ngồi đó nhợt nhạt và kinh hãi dựa vào thành ghế sát tường phòng ăn, anh chợt nghĩ ra một điều và quay lại nói với Theobald bằng cái giọng miền Bắc đặc sệt của mình mà tôi sẽ không cố để họa lại:

‘Ông chủ, với những gì tôi thấy đây, tôi có thể đoán được tất cả chuyện này sẽ thế nào, bây giờ trước lúc rời đi, tôi muốn nói một lời với ông.’ ‘Ernest,’ Theobald nói, ‘đi ra khỏi đây.’ ‘Không, cậu chủ Ernest, xin đừng đi,’ John vừa nói vừa đứng chặn ngang cửa. ‘Bây giờ, thưa ông chủ,’ anh tiếp tục, ‘ông có thể làm những gì ông muốn với tôi. Tôi đã làm tốt phần việc của một người hầu đối với ông, và tôi không có ý nói ông là một người chủ xấu đối với tôi, nhưng tôi buộc phải nói rằng nếu ông ngược đãi cậu Ernest, thì tôi có những tai mắt trong làng, họ sẽ cho tôi biết mọi chuyện, và nếu tôi nghe được chuyện gì đó, thì tôi sẽ về lại đây và đập gãy từng đốt xương một của ông, vậy đó!’ hơi thở của John rất gấp, như thể anh sẵn sàng làm cái việc bẻ xương ông chủ của anh ngay lập tức. Mặt Theobald tái lại, như lời anh giải thích về sau, thì không phải là do những lời đe dọa vớ vẩn của một kẻ rõ ràng là lưu manh đang nổi cơn hung dữ, mà bởi anh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề với những lời như thế từ miệng một trong những người hầu của mình.

‘John,’ Theobald ngạo nghễ đáp lại, ‘ta sẽ để cậu Ernest chịu hành xử theo lương tâm của chính nó.’ (‘Tạ ơn Chúa, và cám ơn John,’ Ernest nghĩ thế.) ‘Còn về anh, ta thừa nhận rằng anh đã là một người hầu tuyệt vời cho đến lúc cái việc tồi tệ này xảy ra, và ta rất sẵn lòng cho anh một giấy chứng nhận nếu anh cần. Anh còn điều gì để nói nữa không?’ ‘Chẳng còn gì,’ John bắt đầu hạ giọng lại, ‘nhưng tôi hiểu những gì tôi đã nói và tôi sẽ giữ những lời đó, còn có giấy chứng nhận hay không thì không sao.’

‘Ôi, John, đừng lo về giấy chứng nhận của anh,’ Theobald nhẹ nhàng nói, ‘và nếu có trễ đi nữa, thì cũng kịp cho anh dọn đi vào sáng mai.’

John không trả lời, và thu dọn đồ đạc rời đi ngay lập tức.

Khi Christina nghe được những chuyện vừa xảy ra, cô nói rằng cô có thể bỏ qua tất cả, ngoại trừ việc Theobald đã bị xúc phạm nặng nề bởi một trong những người hầu của mình chỉ bởi một việc xấu xa do chính con trai mình làm. Theobald là người đàn ông dũng cảm nhất trên trần gian, và có thể dễ dàng tóm cổ tên lưu manh đó mà ném ra khỏi phòng, nhưng anh đã hành xử thật quá đỗi cao thượng và tôn quý! Thật đáng để đưa chuyện này vào một quyển tiểu thuyết hay đưa nó lên sân khấu, mặc dù kịch nghệ sân khấu nói chung là một thứ vô luân, nhưng chắc chắn cũng có một vài vở kịch đã nâng tầm cho nghệ thuật trình diễn. Cô tưởng tượng ra cảnh toàn rạp đều thinh lặng hồi hộp khi nghe những lời đe dọa của John, và gần như nín thở vì háo hức chờ đợi lời đáp trả sắp được đưa ra. Rồi diễn viên chính đóng vai Theobald, và thế nào cũng sẽ là ngài macready nổi tiếng, sẽ nói rằng, ‘Ta sẽ để cậu Ernest chịu hành xử theo lương tâm của chính nó.’ Ôi thôi, thật cao cả làm sao! Và hẳn những tràng pháo tay tán thưởng sẽ vang lên không ngớt! Rồi cô sẽ bước vào sân khấu, và choàng tay qua cổ chồng, mà gọi anh là một người chồng có trái tim sư tử. Rồi khi màn hạ, người ta sẽ kháo nhau rằng cảnh họ vừa xem được rút ra từ đời thực, và đã diễn ra trong nhà của Đức ông Theobald Pontifex, người đã kết hôn với cô Allaby,…v.v.

Còn với Ernest, sự ngờ vực bấy lâu trong cô giờ càng rõ ràng hơn nữa, nhưng cô nghĩ là tốt hơn hãy để vấn đề lại đó đã. Hiện tại còn có việc căng thẳng hơn cần giải quyết. Có thể xác định chính thức là Ernest trong sạch, nhưng nó cũng thể hiện một sự nhạy cảm quá mức, đến nỗi cô thấy nó gây cho cô hai ấn tượng trái ngược nhau, và cô xem như thể trong mình nó có cả thánh Giuse công chính lẫn Don Juan sa đọa. Được như thế là điều cô mong muốn bấy lâu, nhưng khi có một đứa con như thế thì lại khơi lên sự ghen tỵ trong cô và kết cục, cô xem con trai mình là một đứa hư đốn.

Chắc chắn là nếu John không dằn mặt, thì thế nào với tội của mình, Ernest hẳn sẽ phải hứng chịu đau đớn, thiếu thốn, và giam lỏng. Và dù Ernest đã xem mình thế nào cũng phải chịu những hình phạt đó và còn phải chịu thêm những nhói đau của một sự ăn năn vô hại từ chính lương tâm của nó nữa, nhưng thực tế thì ngoài việc Theobald bắt nó phải theo sát hơn những công việc trong kỳ nghỉ, và cha mẹ cứ mãi lạnh lùng với nó, chẳng có thêm hình phạt nào giáng xuống nó nữa. Tuy vậy, nó nói với tôi là khi nhìn lại, nó thấy ngay trong thời kỳ này nó đã bắt đầu nhận ra được rằng nó thực sự ghét cha mẹ nó, và tôi cho điều này có nghĩa là lúc đó, nó đã bắt đầu nhận ra được rằng nó đang vươn lên để trở thành một người đàn ông đúng nghĩa.

Bình luận